Kinh nghiệm xin thực tập ở châu Âu của du học sinh VN tại Đức
Phải nói hai ngày nay, tâm trạng mình vẫn còn đang lâng lâng vì vừa được nhận offer thực tập ở một công ty khá lớn ở Đức, vị trí này mỗi năm chỉ tuyển 2 interns, mỗi người làm 6 tháng, và mình được nhận offer sau hơn 5 tiếng từ lúc phỏng vấn. Nên đối với mình, điều này thật sự rất rất đặc biệt. 🙂
Có nhiều bạn hỏi mình về kinh nghiệm xin thực tập ở châu Âu, đặc biệt là làm sao để mình có được cơ hội thực tập này, mình cũng muốn chia sẻ một chút những điều mình rút ra từ sau lần xin thực tập đợt này. Hi vọng giúp được các bạn phần nào.
Đầu tiên, hồ sơ xin thực tập và chăm chút cho Linkedin. Người Việt Nam mình thường ít chút trọng đến Linkedin nhưng ở phương Tây, họ rất quan tâm đến cái này, nó như là professional profile của bạn, không như Facebook hay Blog, đây là một dạng CV điện tử, ở đó những người bạn từng làm việc cùng có thể cho nhận xét về bạn, những project bạn đã tham gia, performance như thế nào? Những cái này không thể thể hiện được trong CV của bạn nhưng lại là một điểm cộng trong mắt người tuyển dụng.
Thứ hai, update CV, CV mình dùng theo mẫu Europass, mẫu mình dùng để xin học ở châu Âu (https://europass.cedefop.europa.eu/en/documents/curriculum-vitae).
(Sau khi mình viết bài này thì có một bạn comment là nên tự thiết kế mẫu thay vì dùng Europass vì người ta cảm thấy mình có đầu tư hơn vào CV (độ dài chừng 1 trang). Và bạn ấy được phỏng vấn sau khi nộp đơn vài hôm. Cái này mình nghĩ cũng tuỳ các bạn, và có thể tuỳ ngành nghề. Ở đây mình chỉ ghi kinh nghiệm mình đã làm như thế nào, các bạn có thể tham khảo ý kiến của những bạn khác nữa.)
Lúc mình phỏng vấn thì có nhiều câu hỏi liên quan đến CV của mình mà mình trích ra đây để các bạn lưu ý khi làm CV:
– Nên ghi cụ thể một số môn bạn đã học trong chương trình đại học và cao học, hoặc bằng cấp khác (nếu có). Ví dụ như mình học Kế toán kiểm toán, nhưng mình có ghi ra mình học môn Corporate Finance (Tài chính doanh nghiệp), interviewer có hỏi mình, môn đó mình học những gì? Rồi lại hỏi mình một số kiến thức liên quan đến môn học đó, một cách để kiểm tra kiến thức chuyên ngành và đánh giá về mức độ tin cậy của những môn học đã được ghi trong CV.
Mình không cần ghi toàn bộ các môn đã học, chỉ cần ghi một vài môn quan trọng, có liên quan đến vị trí mình apply.
– Mình có viết đến các hoạt động xã hội mình tham gia >> Cái này cũng khá hữu ích vì lúc đó, interviewer hỏi mình: làm sao mình có thể sắp xếp quản lí thời gian giữa việc học và việc tham gia các hoạt động đó?
Thứ ba, viết một Cover Letter thật lòng. Nếu như bạn thực sự thích vị trí mình apply, bạn sẽ dễ dàng viết ra được vì sao bạn apply vị trí đó, liên quan như thế nào đến ngành bạn đang học, hoặc tại sao bạn lại theo con đường này, lựa chọn này ….
Thứ tư, kiên trì nộp đơn. Bạn có tin là mình đã nộp chừng 100 cái đơn xin việc, nộp đơn một cách nghiêm túc cho đến khi nhận được cuộc hẹn phỏng vấn đầu tiên? Kiên trì cực kì quan trọng trong việc xin việc ở châu Âu. Chúng ta bị rào cản ngôn ngữ, không biết tiếng thứ ba (tiếng của nước đến), chỉ có tiếng Anh và tiếng Việt, điều đó giảm cơ hội của chúng ta xuống rất nhiều, cho nên đòi hỏi sự kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội và kiên trì nộp đơn vào những vị trí phù hợp. Riêng Schengen countries đã có hơn 20 nước, có rất nhiều cơ hội nếu chúng ta kiên nhẫn tìm kiếm. Kinh nghiệm của mình là mình tìm trên trang: iagora.com và trang indeed.com
Trang iagora.com đòi mình phải đăng kí thành viên để nộp đơn và tốn phí để nộp qua cổng iagora. Mình chỉ đăng kí thành viên (không nộp phí), và tìm công việc phù hợp (mình thích bộ lọc của iagora, chọn được ngôn ngữ yêu cầu, vị trí, ngành nghề). Sau đó mình sẽ tìm theo chính tên công ty đó và nộp đơn ở phần career của công ty đó luôn.
Indeed.com cho mình tìm tương tự, nhưng sẽ chọn theo vị trí, ngành nghề rồi đến quốc gia, thành phố.
Dù cái nào thì cũng phải kiên trì, mình bắt đầu nộp hồ sơ từ tháng 12 đến tháng 4 thì mình mới có việc làm. Trong một thời gian dài, mình nộp đơn và chỉ nhận được thư từ chối, mình gần như bị khủng hoảng không biết CV của mình có vấn đề gì không? Nhưng mình vẫn kiên trì nộp hồ sơ vào mỗi cuối tuần, cố gắng nộp vào những công ty càng multinational càng tốt. Bộ hồ sơ cuối cùng mình nộp vào cuối tháng 3, đến giữa tháng 4 thì mình có hẹn phỏng vấn, 30 tháng 4 mình phỏng vấn vào buổi sáng tầm 11h30 xong thì 5h họ đã gọi điện và offer mình thực tập. Cơ hội đến vào những lúc ta tưởng chừng như muốn bỏ cuộc. Nên kiên trì là một việc vô cùng vô cùng quan trọng khi tìm việc làm ở châu Âu.
Thứ tư, thư giới thiệu, mặc dù mình đã được hẹn phỏng vấn rồi, nhưng sếp tương lai của mình vẫn hỏi mình có thư giới thiệu không thì gửi cho anh ấy. Mình nghĩ điều này cũng khá là quan trọng. Nếu bạn đã từng đi làm hãy xin thư giới thiệu của sếp gần nhất, nếu không thì có thể xin thư giới thiệu của thầy cô giáo ở trường hoặc thậm chí bạn cùng lớp có làm chung project với bạn, người ta vẫn có thể viết thư giới thiệu cho bạn.
Hôm đó mình đã nhận được thư của sếp mình ở VN. Nhưng khi mình nói chuyện với một anh người Phần lúc trước làm Manager ở Nokia, anh ấy nói, anh ấy hoàn toàn có thể viết thư giới thiệu cho mình, mặc dù hiện tại anh ấy chỉ đi học (không có title) nhưng bạn học và làm chung project sẽ giới thiệu về khả năng tư duy, làm việc nhóm, tinh thần học tập của bạn cũng rất hữu ích để là nguồn tham khảo cho sếp tương lai của bạn.
Thứ năm, a lê hấp, bạn nhận được một thư mời phỏng vấn và chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn! 🙂
Những gì cần chuẩn bị:
– Kinh nghiệm phỏng vấn, vẫn phải nói đi nói lại nhưng cái này lại khá quan trọng. Mình không có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn, mình phỏng vấn 1 lần duy nhất cách đây gần 4 năm xin thực tập vào công ty cũ của mình lúc đang là sinh viên năm 4, sau đó được nhận vào chính thức cho đến khi đi học, nên hoàn toàn không có nhiều trải nhiệm phỏng vấn. Lần trước mình phỏng vấn trực tiếp và có cả người Việt và người nước ngoài, lần này là qua Skype với người nước ngoài (lại là người Đức) nên mình nghĩ cần có sự chuẩn bị kĩ càng.
Mình lên Youtube và search kinh nghiệm phỏng vấn qua skype, xem chừng 5 cái clip hướng dẫn cách mình trình bày vấn đền như thế nào? Đọc một số câu hỏi phỏng vấn, nó có cái quy tắc SAR, bạn có thể tham khảo ở đây: >> http://www.quintcareers.com/interview_question_database/interview_questions_9.html
Sau đó mình đọc một số cuốn sách về phỏng vấn, cũng quay về rút lại, cách mình trình bày suy nghĩ của mình như thế nào. Nó chỉ là kinh nghiệm, mỗi người rút ra cho mình một bài học riêng, đối với mình thì mình vẫn cảm thấy honest là cái quan trọng nhất và mình làm sao cho người ta thấy được điều đó, và cách mình trình bày sao cho chặt chẽ, thuyết phục.
– Kiến thức về công ty. Ở đây mình chỉ nói về mảng kinh tế vì mình học ngành kinh tế, không biết gì về kĩ thuật! 🙂 Mình apply cho vị trí kế toán, nên mình tìm tất cả các thông tin liên quan đến kế toán của công ty (báo cáo tài chính, bạn sẽ đọc được toàn bộ những gì public của công ty), chú ý đọc phần thuyết minh báo cáo tài chính vì rất là quan trọng. Sau đó đến báo cáo thường niên, ở đây bạn có thể tìm thấy thông tin về các hoạt động của công ty, dự định, chiến lược, lời tâm huyết của CEO, sản phẩm của công ty…
Ở đây mình chú ý đến công ty của mình apply vào là năm 2014, kinh tế vẫn chưa phục hồi nên sales của họ không được như forecast, bác ấy có nói một câu là:
“Whether it’s life, business or sport – there will always be ups and downs. The key thing is that you learn from mistakes and grow – as a person, a business or an athlete”. Herbert Hainer.
Sau đó bạn cần tìm hiểu về kiến thức chung về công ty, các sản phẩm chủ yếu, thị trường chính, bao nhiêu subsidiaries, giá cổ phiếu. Nếu có thể, bạn nên tìm đọc qua những cảm nhận của các bạn interns, chương trình thực tập tại công ty như thế nào? Những chương trình lớn như MT thường sẽ có blog cho các MTs chia sẻ kinh nghiệm cũng như trải nghiệm.
Nếu bạn nhắc đến những điều đó trong cuộc phỏng vấn sẽ làm người ta cảm thấy bạn thực sự đã tìm hiểu rất kĩ về công ty.
Thứ sáu, sau khi góp nhặt hết những gì có thể góp nhặt ở phía trên, bạn sẽ bắt đầu viết ra một tờ giấy, những câu thường hỏi kinh điển:
– Giới thiệu bản thân
– Điểm mạnh điểm yếu
– Kinh nghiệm làm việc
– Sở thích, ví dụ công ty mình nộp về mảng thể thao nên chắc chắn sẽ hỏi mình có thích thể thao không? Thì mình phải đưa ra dẫn chứng mình thích như thế nào và thể thao giúp gì cho mình. Cái này mình có kể là mình thích trekking và mình đã leo đến Pansipan là đỉnh núi cao nhất ở Indochine, và sau đợt đó thì mình học được điều gì?
(mình thực sự đã học được sự kiên trì, lúc đó mình cảm thấy mình không đủ sức leo lên núi nữa, thật luôn. Nhưng mình bước những bước nhỏ (small step by small step), cuối cùng mình cũng lên tới đỉnh. Nên mình có nói, sau này trong cuộc sống,mình trở nên kiên trì và tin tưởng bản thân hơn)
– Giá trị cốt lõi của công ty? Sản phẩm cốt lõi, phương châm cốt lõi, văn hoá công ty…
– Một số điểm sáng của công ty: Ví dụ như công ty của mình nằm trong top 10 công ty chú trọng đến Phát triển bền vững, mình cũng nên nhớ đến và có thể nhắc đến khi họ hỏi mình tại sao muốn vào làm ở công ty này?
– Tại sao mình phù hợp với vị trí đó?
– Điều gì mình mong đợi ở công ty? Môi trường làm việc, con người…
….. tưởng tượng bạn là người phỏng vấn thì bạn muốn hỏi gì?
Thứ bảy, phỏng vấn. Mặc dù chỉ là phỏng vấn qua Skype, hãy ăn mặc gọn gàng như một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Mình vẫn mặc áo sơ mi và đồ vest, có thể make up nhẹ (mình không biết makeup nên làm tóc tai gọn gàng thôi). 🙂
Hãy giữ bình tĩnh, thả lỏng và thoải mái nhất có thể. Lúc đó tâm trạng của mình là, haizzzz, 100 cái đơn rồi mới được 1 cái mời phỏng vấn, cái này mà fail là phải 100 cái nữa nên phải cố gắng. Nhưng những gì mình có thể cố gắng đã nằm trong 5 phần trên rồi. Bây giờ thì chỉ là làm sao để người ta thấy bạn, là người phù hợp nhất.
Mình tập thở tầm 10 phút trước khi bắt đầu phỏng vấn (cái này mình học quán niệm hơi thở của Sư ông Thích Nhất Hạnh) >> Link cho bạn nào quan tâm: https://www.youtube.com/watch?v=T8h1HF–RdI
Và hãy cười tươi chào interviewer. Mình tin là nếu bạn giữ một thái độ tích cực thì bạn có thể lan truyền nó đến với người phỏng vấn.
Chân thật. Mặc dù nhiều kinh nghiệm cho thấy không nên quá chân thật kiểu nói tôi không biết. Nhưng mình thuộc kiểu người chân thật quá mức nên không biết mình sẽ nói không biết thật, hoặc là mình chưa tìm hiểu đến vấn đề đó. Họ sẽ thấy điều mình nói về bản thân là người chân thật và hành động của mình đồng nhất với nhau. Điều đó làm họ tin tưởng những gì mình nói trong cuộc phỏng vấn hơn. Đây là ý kiến cá nhân của mình nhé.
Luôn giữ thái độ tích cực và cho người ta thấy mình thực sự thích công việc đó.
Thứ tám, điện thoại từ nhà tuyển dụng. 🙂 Nếu bạn được nhận offer, xin chúc mừng. Mình gần như điên lên khi nhận điện thoại, không tin được sau hơn 5 tiếng phỏng vấn (tính cả giờ ăn trưa) mà người ta offer mình, trong khi đó có 2 câu mình không trả lời được. (Đại ý họ hỏi mình giá cổ phiếu của công ty và mình nói mình không biết. Ha ha! Mình ước lượng một mức giá và 3 người interview mình đều cười toe bảo là cao hơn vậy nhiều. 🙂 )
Mình cảm ơn rối rít và bày tỏ cảm xúc một cách hơi quá mức, vì mình quá shock và sung sướng. Kiểu như: I am really really happy chừng 5 lần, rồi “You made my day” chừng 3 lần. Thank you chừng 10 lần. Vì lúc đầu, sếp tương lai gọi điện và bắt đầu feedback, kiểu khen tấm tắc làm mình rất là nghi ngờ sẽ nói câu, “but, I am so sorry….”.
(Thực lòng mình không biết sau cuộc điện thoại anh ấy có hối hận vì hình như nhận một đứa quá crazy không?)
Mình nghĩ các bạn nên kiềm chế cảm xúc một chút, đừng trôi tuột như mình. Vì sếp mình cũng khá là open, lúc phỏng vấn qua skype mình nhìn thấy điều đó, nên mình cũng không kiềm chế cảm xúc lắm.
Bài cũng khá dài, thực ra là quá dài rồi. Nếu mọi người muốn biết thêm về cuộc phỏng vấn có thể comment bên dưới, mình sẽ trả lời dưới khía cạnh quan điểm cá nhân của mình. (Mình lại nhắc lại là mình chỉ mới có kinh nghiệm phỏng vấn 2 lần, một lần ở công ty cũ ở VN, và 1 lần ở đây)
Cuối cùng, chúc các bạn may mắn. Kiên trì nhất định có ngày thành công.
Phần 2: Bạn nên đọc hết 2 phần để nắm trọn vẹn kinh nghiệm của du học sinh này nhé.
————————————————————————————————————-
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của bạn Trinh Lu (https://novemberraintrinh.wordpress.com/2015/05/01/kinh-nghiem-xin-thuc-tap-o-chau-au/).
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.