Page Contents
Chào cả nhà, My xin giới thiệu tiếp đến cả nhà 1 bài viết về trường Đại học Cambridge mà My đang theo học nhé cùng các cơ hội danh sách học bổng toàn phần hiện đang có.
A.Giới thiệu Đại học Cambridge & quy trình nộp hồ sơ đi học
University of Cambridge là học viện Đại học lâu đời thứ 2 của Anh (sau Đại học Oxford), được thành lập vào năm 1209. University of Cambridge bao gồm 31 trường đại học thành viên (College), hơn 150 khoa giảng, trường trực thuộc và viện nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực văn hoá, khoa học, kinh tế, nghệ thuật. Xét về thứ bậc ở Anh, Uni of Cambridge và Uni of Oxford thường thay nhau vị trí nhất và nhì. Còn trên thế giới, Uni of Cambridge từng leo lên vị trí thứ 2, và thấp nhất trong lịch sử là thì là bậc 7 (mới đầu năm, do ảnh hưởng của Brexit). Vậy một ngôi trường với bề dày lịch sử và nhiều thành tựu trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy như vậy sẽ có quy trình ứng tuyển như thế nào?
Lưu ý: My chỉ tập trung vào bậc Thạc sĩ. Ở bậc cử nhân, các em cần sang Anh học A-level từ năm lớp 10 hoặc 11 thì mới có cơ hội vào Oxbridge. Ngoài ra, học bổng toàn phần cho Undergraduate gần như không có, các trường thường cho studentships từ £1000-£20000 tuỳ mức độ giàu có của các colleges).
1. Tìm khoá học từ danh sách học bổng
Đầu tiên là các bạn tìm khoá học phù hợp với chuyên ngành và sở thích của bản thân tại đây https://www.graduate.study.cam.ac.uk/courses. Trường có hàng trăm khoá học Thạc sĩ khác nhau ví dụ như MSc, MRes, MBA hay MPhil. Mỗi một khoá học sẽ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan như Overview, Study, Requirements, Finance và How to apply. Các bạn lưu ý tới Deadlines của mỗi khoá học nhé.
2. Liên lạc với Khoa giảng
Việc này là vô cùng cần thiết đối với các bạn muốn học Thạc sĩ nghiên cứu (Master by research). Trên thức tế, Departments và Faculties mới là nơi xét duyệt hồ sơ của các bạn. Các trường thành viên (colleges) đóng vai trò quản lí sinh viên. Mặc dù điều kiện xét duyệt của Uni of Cambridge rất khắt khe, nhưng các khoa giảng luôn có sức ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả.
Cụ thể, My đang học MPhil ngành Genomics Science in Infectious Diseases. MPhil (Master of Philosophy) là bậc cao nhất trong các khoá học Thạc sĩ, tương đương với chương trình năm nhất của PhD. Sinh viên đến từ một số nước, trong đó có Việt Nam, bắt buộc phải có một bằng Master trước rồi mới được học khoá này. Tuy nhiên, My có gửi email trao đổi với Khoa (Department of Medicine và Sanger Institute) cũng như cung cấp thêm bằng chứng về khả năng học tập và nghiên cứu của mình. Sau khi Khoa thông qua hồ sơ của My, thì đã gửi email cho hội đồng xét duyệt của trường cấp đề nghị conditional offer cho My.
Trường hợp này cũng tương tự với hai bạn nộp hồ sơ vào Cambridge năm nay. Ban đầu hai đứa còn bất ngờ do các tội không đọc kĩ yêu cầu, nhưng trộm vía cả hai cũng đều “đòi” cho đi học thành công he he.
3. Nộp hồ sơ
Sau khi đã chọn được khoá học phù hợp từ danh sách học bổng bên dưới, bạn chọn mục How to apply để tạo một tài khoản online. Hồ sơ ứng tuyển vào Uni of Cambridge cũng tương tự như các trường khác, bao gồm
– Personal Details
– Course Application: Academic History, Employment History, Research, … một vài mục nhỏ nữa mình không nhớ. Điều kiện tối thiểu là các bạn cần có kết quả học tập ở mức giỏi (7-8/10) hoặc tương đương với first class kiểu top 5-10% sinh viên này kia ấy thì càng tốt. Đã từng tham gia vài đề tài nghiên cứu nữa cũng là một điểm cộng lớn.
– English: IELTS 7.0 với không band nào dưới 7; hoặc TOEFL 100 với không band nào dưới 25.
Lưu ý: trường rất rất chặt chẽ khoản Tiếng Anh.
– College Member: chọn 2 trong số 31 trường thành viên, chủ yếu là để tham gia các hoạt động và câu lạc bộ ngoại khoá. Các bạn có thể chọn theo sở thích, một số trường nổi tiếng như King’s, Trinity, St John thường hay hết chỗ sớm. Lúc đó trường sẽ tự xếp bạn vào các trường khác còn chỗ.
– Funding: cái này hay ở chỗ, bạn chỉ cần hoàn thiện mục xin học bổng và nộp hồ sơ trước ngày 3/12 hoặc 7/1 (tuỳ ngành học) thì sẽ được tự động cân nhắc xét học bổng.
Các quỹ danh sách học bổng bao gồm Cambridge Trust, Research Councils (chỉ dành cho sinh viên UK và EU), Gates Cambridge hoặc Your Funding (là tiền của gia đình hoặc học bổng riêng của trường/ khoa). Các bạn phải chọn một học bổng nếu cả ba quỹ trao học bổng toàn phần hoặc được giữ tất cả tiền nếu mỗi quỹ học bổng chỉ cho các bạn một phần. Cụ thể mỗi quỹ sẽ được đề cập ở phần kế tiếp.
– Supporting Documents: transcripts, CV, research proposal.
– Academic references: yêu cầu 2
– Fee: £65 (mới tăng giá nè), được hoàn tiền trong vòng 14 ngày nếu các bạn muốn rút hồ sơ
Bạn nào tò mò thì có thể vào https://apply.graduate.study.cam.ac.uk/applicant/register?dswid=9949tạo một tài khoản xem mặt mũi cái application form cụ thể nó thế nào nhé.
B. Tìm danh sách học bổng toàn phần để có cơ hội được học
Đậu vào trường mà không có tiền đi học thì cũng chết (học phí đắt lém, rơi vào £20,000- £30,000/năm). Ở bậc Thạc sĩ, theo thống kê của trường cho năm học 2017/2018, có khoảng 21% sinh viên Thạc sĩ được trao học bổng, trong khi con số này ở bậc Tiến sĩ là 79% (bao gồm cả toàn phần và một phần).
Những nguồn danh sách học bổng cho bậc học Thạc sĩ có từ:
1. Cambridge Trust
Quỹ được thành lập từ những năm 1980s, trao học bổng cho sinh viên Uni of Cambridge với mọi bậc học từ Cử nhân tới Tiến sĩ. Trong khoảng 30 năm, đã có hơn 19,000 sinh viên quốc tế nhận được hỗ trợ tài chính từ Cambridge Trust. Tiêu chí chính của học bổng là dựa vào kết quả học tập và tiềm năng phát triển cá nhân. Tuy nhiên cũng du di dựa vào vùng miền hay các yếu tố ưu tiên.
2. Gates Cambridge
Quỹ được thành lập vào năm 2000 với sự ủng hộ là 210 triệu USD từ Bill and Melinda Gates Foundation cho Uni of Cambridge. Học bổng dành cho sinh viên quốc tế (ngoài UK).
Ưu tiên cho các bạn có: thành tích học tập và nghiên cứu tốt, định hướng tương lai rõ ràng, khả năng lãnh đạo và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Giông giống các học bổng chính phủ khác nhỉ. Năm nay Gates Cambridge cho 80 xuất nhưng mà chỉ 1/3 trong số đó là cho bậc Thạc sĩ thui.
Đây là học bổng toàn phần, nên ngoài việc hoàn thiện mục Funding trong hồ sơ online, các bạn cần gửi thêm một cái Personal Statement (tầm 500 từ) và thêm một thư giới thiệu nữa. Các bạn qua vòng hồ sơ sẽ được liên lạc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua Skype.
Nhìn chung, hai học bổng trên đều liên kết trực tiếp với hồ sơ online, các mốc thời gian cần nhớ:
+ 01/ 09: mở đơn đăng kí+ 3/12 hoặc 7/1 (tuỳ khoá học): hết hạn xét duyệt học bổng Cambridge Trust và Gates Cambridge+ Cuối tháng 3: kết quả học bổng+ Tầm đầu tháng 7: hạn cuối có unconditional offer
3. Colleges/ Departments fellowships
Đây là học bổng mà My nộp. Lí do là vì sau khi nộp học bổng Chevening rồi (tầm cuối tháng 12) My mới có ý định nộp hồ sơ vào Cambridge và khi đó đã hết hạn xét duyệt cho Cambridge Trust và Gates Cambridge. Vậy nên My tìm hiểu và xin học bổng từ Khoa giảng:
Đâu tiên My nộp hồ sơ cho Graduate Office của Department, sau đó có một buổi phỏng vấn nhỏ chọn ra shortlist. Vì My chọn khoá Thạc sĩ nghiên cứu, nên cần phải có Thầy hướng dẫn (Supervisor) trước rồi mới được vào vòng phỏng vấn cuối. Lúc này My có lên trang web của khoa để tìm hiểu thông tin về các nhóm nghiên cứu và có gửi email cho 3 thầy (như đã nói lần trước, số 3 là số may mắn của My ).
Kết quả là 2 trong số 3 thầy sẽ chuyển sang Khoa giảng mới vào năm tới nên không nhận thêm sinh viên nên thôi hết hy vọng. Còn lại Thầy mà My thích nhất thì đang hướng dẫn 4 anh chị làm Tiến sĩ nên đang quá tải. Lúc đó lo lắng lắm, xong quyết định năn nỉ Thầy cho một buổi nói chuyện qua skype. May mắn làm sao, sau buổi nói chuyện đó Thầy đồng ý thu nạp. Ở vòng cuối, trường tài trợ một chuyến sang Cambridge phỏng vấn trực tiếp. Hội đồng gồm 7 Giáo sư và thời gian trao đổi là 1 tiếng. Vài ngày sau thì có luôn kết quả đạt học bổng. Giả sử trượt cái này thì mình cũng đã định xin đổi nguyện vọng trường của học bổng Chevening.
4. Học bổng chính phủ Chevening
Chắc My không cần nói nhiều về Chevening nữa nhỉ vì quá là nổi tiếng rồi, Alumni cũng mạnh nữa. Học bổng chính phủ Anh cho bậc Thạc sĩ ở bất cứ trường nào, bất kì ngành nào tại UK.
Thông tin đầy đủ có ở: https://www.chevening.org
Một lần nữa, My nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu được các bạn muốn gì, đi đu học để làm gì và xây dựng được thương hiệu cá nhân. Các bạn có thể tham khảo thêm về kinh nghiệm viết 4 bài luận nộp học bổng Chevening của My ở bài viết trước đây nhé.
5. Học bổng OFID
Học bổng do Quỹ phát triên quốc tế OPEC cho các sinh viên thuộc các quốc gia đang phát triển theo học bậc Thạc sĩ 1 năm tại bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Cũng là học bổng toàn phần, tiêu chí mở, hướng tới các khoá học theo hướng phát triển kinh tế xã hội. Mình thấy Việt Nam có vài bạn nhận được học bổng này rồi đó. Mà sao nó có vẻ không được nổi lắm nhỉ? Chắc tại số lượng học bổng hơi ít, mỗi năm chỉ có 10 suất hay sao ấy các bạn ạ. Nhưng dù sao cũng là thêm vào một cơ hội.
My chúc các bạn nhiều may mắn, mong là năm tới có nhiều sinh viện Việt Nam sang Cambridge học hơn nữa Tới đây nào tới đây nào.
p/s: cây cầu toán học (Mathematical Bridge) My chụp hôm qua, trời lại lạnh mất tiêu
Chân thành cảm ơn bài chia sẻ rất hữu ích của Phạm Hà My.
- CÁC BẠN MUỐN NHỜ MENTOR HỖ TRỢ BÀI LUẬN SĂN HỌC BỔNG, VUI LÒNG FILL FORM NÀY (CLICK HERE) HOẶC CONTACT TRỰC TIẾP CHỊ HOÀI QUA INBOX & EMAIL NHÉ!
- Tham khảo thêm về cách xây dựng 1 profile du học mạnh.