Câu hỏi mà mình nhận được nhiều nhất là background của mình thế nào trước khi nộp học bổng Chevening và học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ của Đại học Cambridge (mình chỉ apply 2 cái này và được cả 2, xong mình chọn học ở Cambridge).
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ theo từng mục để các bạn dễ theo dõi và hình dung được quá trình tích luỹ của mình trước khi đi du học nhé.
1. Quá trình học tập
Mình học cấp 1 với cấp 2 trường làng nhàng thôi, đúng tuyến ở Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình. Lên cấp 3 thì may mắn đỗ vào trường Chuyên Hà Nội -Amsterdam, theo học lớp chuyên Sinh.
Nhưng phải công nhận, môi trường học tập quan trọng thật. Lớp của mình lúc bấy giờ nhiều bạn biết tiếng Anh siêu lắm. Nghe chúng nó bàn chuyện đi du học rồi giấc mơ Mỹ này kia mà mình cứ thấy rần rần rần rần.
Bắt đầu thấy thích tiếng Anh hơn, nhưng mà kiểu hồi đấy mình vẫn có tư duy là “đi du học” gắn liền với “nhiều tiền” nên thôi, tập trung để thi đại học. Mình tự thấy mình học cũng giỏi, có giải học sinh giỏi Sinh thành phố này kia, ấy thế mà thi đại học có đỗ đâu
Lên đại học thì mình học Ngành Công nghệ Sinh- Dược học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là trường Đại học Việt Pháp – USTH). Mình tìm thấy tờ quảng cáo của trường lúc thu dọn sách vở, tài liệu ôn thi. Chương trình học quốc tế chuẩn Châu Âu, học 100% bằng tiếng Anh thấy cũng hay hay, như kiểu “du học tại chỗ” ấy. Thế là đánh liều giấu bố mẹ nộp hồ sơ luôn. Trường lúc đó mới thành lập được hai năm! Tất nhiên là trường nào cũng có điểm tốt điểm xấu, nhưng mình chưa bao giờ hối hận với quyết định này. Nó đem đến cho mình nhiều thử thách cũng như các cơ hội phát triển bản thân.Mình không phải là đứa chăm chỉ theo kiểu một sách. Mình học kiểu để hưởng thụ, thoả mãn trí tò mò. Hầu như mình chả ôn bài ở nhà bao giờ (một phần vì tối mình đi làm thêm ở trung tâm tiếng Anh với đi chơi). Cứ cầm tập slides lên đọc là mắt cứ díp hết cả vào nên chủ yếu cố gắng nghe giảng trên lớp, hoặc nhờ bạn chỉ giùm xong hiểu. Điểm GPA của mình là 15.5/20 (theo hệ thống của Pháp), xong trường mình có bảng quy đổi thành 3.67/4.0.-> Nói để các bạn thấy, là mình học ở USTH, một ngồi trường trẻ mà ở Hà Nội hay Việt Nam còn ít người biết tới nữa là hội đồng tuyển chọn của các trường top ở tận châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Nên là tội gì mà ko thử một lần apply cho biết.
2. Kinh nghiệm làm việc
Mình thấy là biết được ngành mình muốn theo đuổi và làm việc lâu dài không phải là dễ, nó tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như mong muốn của bản thân, tiềm năng phát triển hay cơ hội nghề nghiệp. Cho nên, điều quan trong là phải thử. Mình học Đại học có 3 năm, nhưng mà học cả ngày từ thứ 2 tới thứ 6, có khi cuối tuần lại phải lên trường học thực hành và nghỉ hè thì khoảng 3- 4 tuần. Đứa nào phải thi lại thì coi như hết hè
Mình tranh thủ mấy tuần đó xin đi thực tập ở các viện nghiên cứu. Nơi đầu tiên mình làm là Phòng Sinh học Phân tử của một Khoa thuộc Viện di truyền Nông Nghiệp Việt Nam. Mình làm phụ tá, lẽo đẽo theo một anh du học sinh người Pháp (tên là Mathieu) đang làm đề tài tại Khoa. Được trồng lúa, cắt lúa các thứ cũng vui, nhưng thực vật chưa hấp dẫn mình lắm. Đến năm cuối đại học thì mình được nhận một xuất học bổng toàn phần cho kì thực tập tốt nghiệp tại Viện nghiên cứu Vùng Cực ở Incheon, Hàn Quốc (Korea Polar Research Institute). Viện chưa có sinh viên quốc tế tới bao giờ nên quan tâm lắm, sinh hoạt phí được hẳn W1,000,000/ tháng, ăn chơi toé loe không hết. Ở đây thì mình làm đề tài nghiên cứu về các loài vi sinh vật mới ở tầng nước mặt của vùng biển Thái Bình Dương. Kết quả của mình được đánh giá cao với 4 loại vi khuẩn mới tiềm năng được tìm ra. Bắt đầu từ đây thì mình có hứng thú về lĩnh vực vi sinh (virus vi khuẩn này nọ) nhưng Sinh học biển vẫn chưa phải chân ái của mình. Sau khi kết thúc khoá thực tập tốt nghiệp ở Hàn thì mình xin làm tình nguyện viên tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội (Oxford University Clinical Research Unit- OUCRU), có văn phòng tại tầng 6 và tầng 7, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương. Mình Google vu vơ kiểu “microbiology research Institute in Vietnam” thì ra một loạt viện trong đó có OUCRU. Sau vào website tìm hiểu thì mình gửi mail và CV cho bác Giám đốc.
Bác ấy bảo trước giờ chưa nhận sinh viên làm tình nguyện hay thực tập bao giờ nhưng vẫn cho cơ hội tới phỏng vấn thử. May quá lại được.
Mình cứ đi theo các anh chị tại viện học làm hết cái này tới cái kia. Phải nói là đúng lĩnh vực mình thích luôn, về các bệnh truyền nhiễm. Sau ba tháng thì OUCRU có đợt tuyển dụng, mình nộp hồ sơ, trải qua tiếp vòng phỏng vấn và vòng thuyết trình thì mình chính thức có công việc đầu tiên. Mình làm hơn ba năm cho tới lúc đi du học, phải nói biết ơn OUCRU vô cùng vì đã yêu thương và cho mình quá nhiều cơ hội phát triển bản thân.-> Cơ hội là do mình chủ động tìm kiếm và nắm lấy. Và đôi khi chưa có tiền lệ không có nghĩa là không thể phá bỏ.
3. Khả năng nghiên cứu
Cũng không đếm trong vòng 3-4 năm làm việc, mình đã tham gia mấy nhiêu cái đề tài nghiên cứu nữa. Có cái làm theo nhóm, có cái làm một mình. Lĩnh vực của mình là về các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, từ virus như Cúm, Sốt xuất huyết, hay Zika, tới đủ loại vi khuẩn kháng thuốc. Công việc chủ yếu là phát triển và thực hiện các thí nghiệm thuộc các mảng Sinh học phân tử, Sinh học tế bào, Miễn dịch và Vi sinh. Nhạc nào cũng nhảy được.Trang thiết bị, máy móc và hoá chất sinh phẩm ở OUCRU rất hiện đại, nên mình luôn được cập nhật những kĩ thuật nghiên cứu mới.
Ngoài ra, mình cũng có cơ hội được tham dự nhiều trường hè/ khoá học khoa học (Computational Biology for Infectious Diseases Summer Schools – 2 năm liên tiếp, 14th Hong Kong University-Pasteur Virology Courses, Study Laboratory Training in Thailand, …) hay các Hội nghị/ hội thảo báo cáo khoa học tại Đại học Y, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung Ương hay OUCRU Hồ Chí Minh… Mình có đi thỉnh giảng với đi dịch Cabin nhưng nhận thấy kĩ năng còn yếu kém nên là thôi he he. Lúc trước thì mình chỉ làm thí nghiệm, sau đấy cứ lăn tăn về xử lí số liệu xong bị mê hoặc bởi mấy cái thuật toán viết code, nên bây giờ chuyển sang mảng Bioinformatics, cụ thể là ngôn ngữ và phần mềm tin học quản lí và phân tích dữ liệu bộ genes của virus và vi khuẩn kháng thuốc. Mình chỉ mới chuyển lúc bắt đầu học Thạc sĩ , tầm hơn 1 năm nay. Nhưng sẽ tiếp tục theo hướng này ở bậc Tiến sĩ.
Trước khi đi du học mình có tên trong 2 bài báo quốc tế, tính tới thời điểm bây giờ là 3 bài rồi và mình đang viết bài thứ 4, dự định nộp trước khi bắt đầu PhD.
Mình nhảy từ wetlab sang drylab. Mấy đứa bạn mình, đứa học cử nhân ngành Ngôn ngữ Ả rập, sang Cambridge học Thạc sĩ Âm nhạc, đứa học cử nhân ngành đạo diễn, bây giờ đang học MBA. Quan trọng là các bạn cho nó một lí do hợp lí.
Kinh nghiệm làm việc và khả năng nghiên cứu rất cần thiết để thay thế cho 1 bằng Thạc sĩ mà các trường top ở Anh như Cambridge và Oxford yêu cầu đối với Sinh viên Việt Nam khi nộp hồ cơ học cao học ở đây.
4. Hoạt động ngoại khoá
Lúc còn đi học thì mình cũng tham gia kha khá hoạt động. Nhưng thường thì vẫn cân bằng với việc học.
Mình làm Lớp trưởng ba năm học cấp 3, Tình nguyện viên tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, Trưởng ban tổ chức sự kiện ở HSV trường đại học, Thành viên của AIESEC Hanoi, Tình nguyện viên của tổ chức Animals Asia, Trợ giảng ở Trung tâm tiếng anh, Đại diện Việt Nam tham sự chương trình JENESYS 2.0, rồi còn mấy trương chình của YSEALI này kia…
Khi đi làm rồi thì cũng bận, mình chuyển sang quan tâm tới mảng Khoa học với cộng đồng. Mình có tham gia viết báo khoa học cho các bạn thiếu nhi, viết bộ tài liệu thực hành khoa học cho các trường cấp 2, trả lời các câu hỏi của các bạn học sinh qua chương trình “Chat với nhà khoa học”, … À, mình có tham dự cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ truyển thông Khoa học Việt nam- Famelab” xong may mắn được giải nhất. Sau đó thì mình cũng được thêm cái học bổng của EURAXESS cho đi giao lưu với một phòng lab bất kì ở châu Âu.
Thời của mình tầm 7-8 năm trước các chương trình trao đổi ngắn hạn trong nước và quốc tế còn ít chứ bây giờ mình thấy nhiều cái mới lạ hay ghê gớm. Các bạn chịu khó dành 1 buổi search google tí là ra ngay, đầy đủ thông tin luôn. Nhưng cũng nên cân nhắc xem những chương trình đó có phù hợp với mong muốn của bản thân không để tránh mất thời gian chuẩn bị hồ sơ này kia nha. Hãy quan niệm, tham gia các hoạt động này để không chỉ làm đẹp CV mà trước hết là để thêm kinh nghiệm sống, cái này quan trọng hơn rất nhiều.
5. Các mối quan hệ
Mình là một người may mắn, thật sự là thế, đi học hay đi làm đều có thầy cô, sếp với anh chị em bạn bè siêu tốt.Kì thực tập tại Hàn Quốc là nhờ thầy giáo dạy môn Sinh học Biển sắp xếp với Viện nghiên cứu cho mình sau khi mình gửi mail trình bày mục đích các thứ. Thầy đón tận sân bay, đưa đi ăn, mua cho cả thỏi son dưỡng môi lẫn bình giữ nhiệt vì khi đó bên Hàn đúng đượt tuyết tan.Đi làm thì có bác giám đốc viện luôn ủng hộ và tạo điều khiện cho mình học tập và tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu. Bác sẵn sàng viết thư giới thiệu cho bất kì chương trình hay khoá học nào mình muốn tham gia, mà viết hay luôn ấy. Làm mock interview cho mình trước khi phỏng vấn xin học bổng Thạc sĩ. Đến bây giờ vẫn thỉnh thoảng gửi mail hỏi xem mình học hành thế nào. Còn lúc học Thạc sĩ ở Cambridge thì có thầy hướng dẫn tâm lí trên cả tuyệt vời. Lúc đầu mới sang mình bị stress kinh khủng vì thấy xung quanh ai cũng như siêu nhân. Thầy mua kẹo mút với kẹo dẻo cho làm mình cảm động phát khóc. Lúc mình sắp học xong Thạc sĩ, thầy chủ động đề nghị mình làm Research Assistant 1 năm cho lab của thầy nhưng mình chỉ xin làm 6 tháng vì muốn về Việt Nam nghỉ hè trước khi bắt đầu PhD vào tháng 9 năm nay. Còn dưới đây là nhận xét cuối kì của thầy dành cho mình nè:
Ngoài ra mình hay được các anh chị đồng nghiệp giới thiệu hoặc rủ tham gia chương trình này chương trình khác. Rồi lúc làm các dự án liên kết cũng gặp người này người nọ, từ đó được mở mang tầm mắt.
Nhiều bạn có tâm lí sợ thầy cô giáo, sợ sếp, sợ đồng nghiệp, vô tình bỏ lỡ nguồn kiến thức và kinh nghiệm trân quý.
6. Ngoại ngữ:
Tiếng Anh của mình cũng kha khá, IELTS 7.5. Ngoài ra mình có học tiếng Pháp hồi Đại học, có thêm cái bằng DELF A2, cũng quên khá nhiều nên bây giờ đang nhờ bạn cùng nhà ôn lại cho. Mình biết thêm ít tiếng Trung, học hồi còn ở Việt Nam được tầm 1 năm. Vẫn giao tiếp tốt với các bạn Trung Quốc nhưng viết với đọc thì chậm do quên mặt chữ.
7. Khả năng tài chính: Chả có gì
Nhà mình bình thường lắm. Thu nhập của ba mẹ mình cộng lại chắc được tầm 10 triệu/ tháng nên mình xác định chỉ đi du học nếu được học bổng toàn phần. Không giàu thì cố mà giỏi vậy. Ba mẹ mình toàn nói đùa là chỉ nuôi ăn hai anh em mình còn đâu đi học có chính phủ lo. Nhưng thật ra ba mẹ đã dạy bọn mình tính kỉ luật, chăm chỉ, chân thật, lạc quan và cầu tiến. Những điều đó đối với bọn mình là vô giá!
Đấy, viết dài quá rồi chưa biết có thiếu cái gì không. Mình đi du học năm 25 tuổi, khá muộn so với nhiều bạn nhưng nó đúng thời điểm đối với quỹ thời gian của mình. Có nhiều lí do khiến mình trì hoãn việc đi du học, một là mình cần học bổng toàn phần, hai là mình muốn học trường xịn, ba là lúc đó mình còn có người yêu (hihi cái tội dại giai). Nhưng thực sự, đi du học chưa bao giờ là ước mơ của mình, mà nó là một mục tiêu mà mình muốn đạt được.
Có một câu nói trong bộ phim “3 idiots” mà mình rất thích đó là “Pursue exellence and success will chase you”. Đúng lắm nhá, mình bảo vệ luận án Thạc sĩ cuối tháng 1 vừa rồi, hôm sau được offer luôn học bổng PhD từ một trong hai vị chấm luận của mình ở Đại học Liverpool mà chả cần xin xỏ gì. Nhưng lúc đó có học bổng PhD ở Đại học Cambridge rồi nên thôi. Vậy nên học gì hay làm gì cũng là hướng tới việc cải thiện bản thân là trước hết.
Học bổng nào thì tiêu chí cũng na ná nhau, không đòi học giỏi thì cũng đòi khả năng lãnh đạo. Cứ trau dồi bản thân rồi thì có quyền lựa chọn các bạn ạ. Lúc đó được 1 hay 10 học bổng thì cũng chỉ khác ở số lần apply.
Chân thành cảm ơn Phạm Hà My với bài chia sẻ rất chi tiết và có tâm.