Page Contents
Làm sao để tìm được chương trình học phù hợp với mình trong danh sách gần 100 chương trình Thạc sĩ liên kết của Erasmus Mundus?
Đây là câu hỏi của tất cả các bạn “săn” học bổng chứ không riêng gì sinh viên Erasmus Mundus. Lựa chọn được chương trình phù hợp với sở thích và thế mạnh giống như gặp được đối tác tiềm năng đáng để bạn đầu tư công sức và thời gian. Bạn có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng nếu bạn thể hiện được mình là người phù hợp nhất thì cơ hội sẽ thuộc về bạn.
Với học bổng Erasmus Mundus, mỗi năm bạn có thể nộp hồ sơ tối đa cho 3 chương trình trong danh sách gần 100 chương trình Thạc sĩ liên kết (Erasmus Mundus Joint Master Degrees (EMJMDs)) được tài trợ bởi EACEA.
Không giống một số học bổng chính phủ như Chevening, SISGP, Irish Asia Fellows, Fulbright, hay AAS của Úc, mỗi chương trình học bổng toàn phần Erasmus Mundus sẽ có tiêu chí, cơ chế và hội đồng trường xét duyệt riêng biệt. Do đó, nếu bạn muốn xin học bổng từ 3 chương trình thì đồng nghĩa với việc bạn phải làm 3 bộ hồ sơ khác nhau.
Danh sách các chương trình EMJMDs bạn có thể tìm thấy tại đây. Số lượng các chương trình và số lượng học bổng của từng chương trình có thể thay đổi qua từng năm tùy thuộc vào ngân sách được hỗ trợ.
Vậy làm sao để tìm thấy “cơ hội tiềm năng” trong danh sách hơn 100 khóa học của Erasmus Mundus?
>> HƯỚNG DẪN APPLY HỌC BỔNG ERASMUS MUNDUS: CLICK HERE
Hãy từng bước làm theo các hướng dẫn sau nhé!
Từ khóa – Key word
Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ một vài từ khóa về ngành học bạn quan tâm. Với những từ khóa này bạn có thể lướt nhanh qua tên các khóa học hoặc Google các từ khóa này + “Erasmus Mundus scholarship” để tìm ra các chương trình học liên quan.
Ví dụ với các từ khóa “Social work, youth, family, children” mình tìm được hai khóa trong Erasmus Mundus là “The MA in Advanced Development in Social Work (ADVANCES) và European Master in Social work with Families and Children (MFAMILY).
“Lục tung” website để nắm chi tiết về Erasmus Mundus
Với mỗi chương trình tìm được bạn sẽ được “dẫn” đến một website và một hệ thống nộp hồ sơ riêng biệt. Để nắm được thông tin về khóa học một cách đầy đủ, cách tốt nhất là nhòm ngó “tất cả ngóc ngách” của website đó. Các thông tin quan trọng thường bao gồm: chương trình đó về cái gì, học ở đâu, dành cho ai, quy trình xét tuyển hay yêu cầu đối với ứng viên, các môn học, thời gian mở-đóng hồ sơ.
Bạn hãy dành thời gian đọc, ghi chú và lưu lại các thông tin quan trọng trong thư mục tương ứng với từng chương trình bạn đang tìm hiểu.
Đánh giá mức độ phù hợp hay “tiềm năng đầu tư”
Để tiết kiệm công sức và thời gian, theo mình, bạn không nên rải hồ sơ hàng loạt nhiều chương trình/học bổng khác nhau mà nên lựa chọn đầu tư vào những chương trình mà “hồ sơ” của bạn (hay gọi cách khác là cái bạn có thể “show” ra) có thể đáp ứng trên 50% những yêu cầu của khóa học/học bổng.
Một số chương trình học bổng toàn phần Erasmus Mundus có nêu rất rõ trong phần yêu cầu đối với ứng viên (Admission requirements) các tiêu chí và thậm chí cả cách thức “tính điểm” mức độ phù hợp. Bạn có thể dựa vào đó để tự chấm điểm phù hợp của mình. Ví dụ khóa MFAMILY có đưa ra bảng đánh giá như sau:
Dựa vào bảng trên mình có thể đối chiếu với những cái mình có bằng cách cho điểm theo thang từ điểm tối thiểu đến tối đa, nhân theo “weighting” và tính tổng để ra được độ “nặng” hồ sơ của mình nếu mình apply khóa này.
Một điểm lưu ý là, theo quy định của EACEA mỗi chương trình không được trao học bổng cho quá 2 ứng viên từ một quốc gia trong một năm (có ngoại lệ với một số chương trình mới mở). Theo đó, nếu chuyên ngành của bạn không nhiều người học ở Việt Nam, hoặc có nhiều nhưng bạn tự tin hơn về các điều kiện khác như nghiên cứu, ấn phẩm xuất bản hay kinh nghiệm làm việc chuyên sâu, bạn có thể tự tin thêm một chút. Một chút thôi, vì (rất tiếc) Erasmus Mundus là học bổng cạnh tranh toàn cầu, bạn cần vượt qua các ứng viên từ khắp nơi trên thế giới đến đứng trong danh sách chính thức (main list). Chút lợi thế kia sẽ hữu ích cho bạn trong trường hợp có 3 ứng viên Việt Nam đứng trong main list.
Cân nhắc và quyết định
Bên cạnh việc xem xét mức độ phù hợp giữa hồ sơ của bạn và yêu cầu của khóa học, nội dung chương trình học cũng là một điểm cần lưu ý. Có thể bạn cũng quan tâm đến cả đất nước và trường bạn sẽ học. Với các chương trình học bổng Erasmus Mundus, ứng viên nhận học bổng sẽ học ở ít nhất 2 nước trong vòng 24 tháng. Hẳn bạn không muốn phải dành ra 2 năm để học cái mình không thực sự thích/cần ở một nơi mình không muốn đặt chân đến.
Sau khi đã xem xét các thông tin liên quan đến khóa học và đánh giá (một cách tương đối) mức độ phù hợp của bản thân, giờ là lúc bạn cần cân nhắc và quyết định đây có phải là điều mình thực sự mong muốn và sẵn sàng “chiến đấu” để có được hay không. Nếu bạn muốn đủ nhiều và nếu thời gian cho phép bạn có thể làm tăng “tiềm năng được chọn” của mình cho khớp với những yêu cầu học bổng đề ra. Ví dụ trong chương trình MFAMILY nêu trên, phần “kinh nghiệm chuyên môn” chiếm 15% trọng số quyết định, do trước đó mình không có nhiều kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác xã hội với trẻ em nên trước thời điểm nộp hồ sơ 1 năm, mình đã đổi việc sang mảng trợ giúp trẻ em và gia đình với chiến lược là làm tối đa mức điểm mình có thể (3 điểm).
Mình tin, khi bạn gặp đúng cái mình muốn bạn sẽ cảm nhận được ngay. Có thể tim bạn sẽ đập rất nhanh và ngay lập tức bạn biết bạn không muốn điều gì khác ngoài nó. Điều này đã xảy ra với mình sau nhiều ngày tháng “lang thang” lục lọi thông tin về rất nhiều học bổng, nhiều khóa học khác nhau. Mình đã quyết định chỉ nộp hồ sơ cho duy nhất một chương trình của EM và không phải bằng may mắn mà là bằng chiến lược phù hợp và sự mong muốn đủ nhiều mình đã nhận được cơ hội mình hằng mong muốn.
Và bạn, chắc chắn cũng có thể làm được, hơn thế.
Phần tiếp: Cách làm tốt hồ sơ nộp học bổng Erasmus Mundus (click here)
Theo Vương Loan- Erasmus Mundus 2016