Page Contents
Chào mọi người, sáng nay dậy sớm có chút thời gian mình soạn bài viết này để chia sẻ vài dòng với những bạn đang chuẩn bị đi Canada về một chủ đề mà cá nhân mình nghĩ là cần thiết với nhiều bạn trẻ, đó là việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý và kỹ năng du học trước khi lên đường ra nước ngoài tìm con chữ. Năm nay hơi đặc biệt một chút vì dịch bệnh nên các bạn hiện tại có thể học online từ VN, nhưng mình nghĩ trước sau gì mọi người cũng sẽ phải sang Canada để hoàn tất chương trình học, nên là chuẩn bị trước vẫn không thừa.
Mình biết xu hướng du học ở Việt Nam những năm qua tăng rất cao, có thể nói là người người du học, nhà nhà du học. Ngoài những bạn nhận thức rõ ngay từ đầu lý do tôi muốn đi du học là gì, thì có không ít trường hợp các bạn xuất ngoại đi học vì mọi người xung quanh tôi đều đi, nên tôi cũng phải đi, hoặc gia đình muốn tôi đi, mặc dù thực tế tôi chưa xác định được bản thân có muốn đi hay không, đi du học để tìm kiếm những giá trị gì, tôi sẽ học ngành gì, chọn ngành đó thì có nhất thiết phải đi du học hay không, và nếu có thì nên chọn nước nào?
Với những bạn đi du học trong tâm thế này thì một trong những khả năng có thể xảy ra là khi chính thức vào học rồi mới thấy mình không hợp ngành đã chọn, hay là không hoà nhập được với cuộc sống ở quốc gia đã chọn, từ đó sinh ra chán nản muốn về hoặc muốn đổi ngành. Mình có một vài người quen đã phải chuyển ngành giữa chừng, và mình thấy như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Định hướng mục tiêu cho việc du học & định cư là điều rất quan trọng
Mình đề cập đến chuyện này để muốn chia sẻ với các bạn và cả phụ huynh một lời khuyên, là trước khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đi du học thì cả nhà nên ngồi lại để có một sự suy nghĩ nghiêm túc: tôi có muốn đi du học hay không? Tôi đi du học để lấy cái bằng thôi, hay có những mục tiêu xa hơn như là lấy kinh nghiệm làm việc nước ngoài hay định cư (vì dụ: định cư tại Canada) hẳn? Căn cứ vào từng mục tiêu đề ra thì phương án quốc gia, trường và ngành học nào phù hợp nhất với tôi? Và với những mục tiêu đã có thì tôi sẽ cần phải làm gì trong quá trình học để có thể đạt được chúng?
Mình biết làm được điều này khó, vì lúc trẻ chưa chắc đã có đủ vốn sống để biết mình muốn gì và nên làm gì. Mặc dù khó nhưng việc ngồi suy nghĩ và vạch ra phương hướng theo mình là việc rất cần làm, để bản thân các bạn có một sự tập trung cần thiết, vì du học là một quá trình dài, và sẽ có nhiều yếu tố tác động có thể khiến bạn chệch hướng.
Nếu bạn có quá ít thông tin thì hãy mạnh dạn đi giao lưu hỏi thăm những người có kinh nghiệm hơn, hay những người đã đi du học trở về chẳng hạn.
Riêng với ngành học thì các bạn hãy thu thập thông tin thật kỹ về chương trình học, để có thể đánh giá sơ bộ xem mình có học khả năng học được không, có nguy cơ chán và bỏ ngang không, bởi vì chỉ nghe tên ngành thôi thì chưa biết được bản thân có thực sự phù hợp với ngành đó không, hay là ngành đó có phục vụ tốt cho mục tiêu đề ra không. Ngay cả nơi học cũng cần cân nhắc kỹ, tiếp nhận thông tin từ bạn bè và xã hội là tốt, nhưng sau cùng thì chính mình mới là người sẽ sống những ngày tháng đó chứ không phải người khác, hợp với họ chưa chắc đã hợp với mình.
Tìm hiểu sơ bộ nội dung sẽ học và tích luỹ kỹ năng du học cần thiết
Sau khi đã tương đối xác định được đường hướng mình muốn đi với kế hoạch du học thì điều thứ hai các bạn nên suy nghĩ tới là xem thử xem mình đã sẵn sàng cho việc học tập và sinh sống ở nước ngoài chưa. Các bạn cũng biết phương pháp học tập ở Việt Nam và nước ngoài là khác nhau, học sinh cấp 3 ở nước ngoài trong quá trình học đã được chuẩn bị những kỹ năng du học cơ bản cho việc học ở bậc cao đẳng/đại học, lại sử dụng tiếng bản ngữ của họ nên ít nhiều có thuận lợi. Còn chúng ta, trừ những bạn học cấp 3 ở trường quốc tế, còn lại hầu hết học ở các trung học thuần Việt thì những kỹ năng du học này đã được rèn luyện đến mức nào rồi. Nếu không có sự chuẩn bị cần thiết thì khi vào chương trình chính sẽ rất dễ xảy ra tình trạng khớp do không quen cách thức học tập, từ đó ảnh hưởng đến điểm số, ít nhất là trong thời gian đầu.
Để tránh gặp phải tình huống trên thì mình khuyên các bạn khi đã chọn được ngành muốn học rồi thì hãy lên mạng làm quen với những anh chị đã và đang học cùng ngành ở cùng quốc gia để hỏi thông tin về chương trình học và cách thức học tập phù hợp cho ngành đó.
Bây giờ được cái là Facebook phát triển nên các hội nhóm du học sinh ở các nước rất đông, các bạn hãy chủ động vào đó đăng bài hỏi thăm và giao lưu kết bạn, cứ thiệt tình hỏi là em sắp sang học ngành giống như anh chị, nhờ anh chị chia sẻ giúp với ngành này thì nội dung giảng dạy cũng như bài tập sẽ như thế nào, sau này ra kiếm việc với cái bằng này người ta có đòi hỏi kỹ năng gì đặc biệt không, v.v. để từ đó xác định vốn liếng của mình đủ thiếu ra sao đặng còn bổ sung.
Kỹ năng sống ở nước ngoài, tưởng đơn giản mà lại không
Việc sinh sống một mình ở nước ngoài cũng là một thách thức với nhiều người. Mình nhớ mãi bữa ăn đầu tiên mình tự đi chợ mua thực phẩm về mày mò nấu ra được một dĩa cánh gà chiên, vừa xấu về hình thức lại vừa dở về nội dung. Sau đó mình chủ động học hỏi người này người kia mỗi người một món để có một số món tủ dắt lưng để thay đổi cho đỡ chán. Nhiều bạn có thể nghĩ dễ mà giờ đồ ăn đầy đường đói thì ra ngoài ăn, nấu làm gì.
Đúng vậy, nếu tài chính các bạn dư dả thì cứ vô tư thôi, nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện ăn ngoài 24/7, với lại hàng quán ở nước ngoài không có sẵn như ở Việt Nam. Để không gặp phải tình cảnh như mình trước đây thì mình khuyên các bạn hãy học nấu ăn từ VN đi, không cần nấu cầu kỳ đâu, nhờ mẹ chỉ cho cách đi mua thực phẩm và tập nấu độ 5 đến 7 món đủ để xoay vòng thực đơn trong tuần là được.
Có một điểm nữa về cuộc sống ở nước ngoài mình cũng muốn chia sẻ là cách tổ chức sinh hoạt cho bản thân. Lúc ở Việt Nam sống với gia đình thì sinh hoạt của chúng ta ở trong khuôn khổ quản lý của phụ huynh nên ít nhiều có sự điều độ, nhưng khi ra nước ngoài rồi thì tâm lý dễ có là bây giờ tôi tự do rồi, không ai quản cả, thế thì sống thoải mái tí, vui chơi cho nó sướng cái đời, tội gì. Hồi trước mình và bạn bè cũng có tâm lý này, vui chơi nhiều khi thâu đêm, lúc đó sức trẻ nên lướt qua hết không thấy mệt mỏi gì, nhưng thực sự sinh hoạt như thế rất có hại cho cơ thể, mà nhiều khi sau này mình mới thấy được hậu quả.
Ngoài ra, nếu cứ liên tục ngày ngủ đêm thức thì chúng ta đang tự đánh mất cơ hội được trải nghiệm đất nước mà chúng ta đã phải bỏ rất nhiều tiền để có thể tiếp cận được. Mình rút ra bài học từ chính kinh nghiệm của bản thân, nếu cho mình quay trở lại 10 năm trước lúc mới đi du học ở New Zealand thì mình sẽ đi thăm thú nhiều hơn, giao lưu với người nước ngoài nhiều hơn, và tìm hiểu văn hoá bản địa ở NZ kỹ hơn. Mình nhớ lúc đó có chơi với mấy người bạn Mỹ qua NZ học diện trao đổi, chỉ có 1 – 2 học kỳ mà họ đã đi du lịch hết đất nước NZ luôn rồi, trong khi mình ở đó lâu mà đến lúc rời NZ vẫn chưa đi thăm thú được hết.
Lập kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu du học đã đề ra
Ở phần trên mình có nhắc tới việc khi đã đề ra mục tiêu cho việc du học rồi thì bạn cần suy nghĩ xem mình sẽ cần làm gì trong thời gian du học để đạt được mục tiêu đó. Bây giờ mình sẽ nói sâu hơn về ý này. Ví dụ mục tiêu của bạn đặt ra trước khi đi du học là tôi muốn có 1 cái bằng với điểm số thật hoành tráng để về VN xin việc, vậy thì bạn sẽ đầu tư tối đa cho việc học để đạt kết quả thật tốt. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là học xong muốn tìm được việc đúng ngành để có cơ hội định cư tại Canada chẳng hạn, vậy thì trong thời gian học bạn sẽ cần phải làm những gì, tập trung vào học để có kết quả tốt nhất có thể là đủ chưa?
Ngoài ra, cũng nhắc nhở thêm bạn đã nghiên cứu đủ về luật di trú của Canada chưa. Vì thật ra câu chuyện định cư cần có chiến lược từ lúc học đến lục apply job tại Canada đúng theo scheme từng tỉnh bang cụ thể.
Mình nêu ra 2 ví dụ này là vì thực tế từ bản thân mình và một số bạn bè mình đã thấy là có đặt ra mục tiêu nhưng hành động thực tế lại không phục vụ tốt cho mục tiêu đó, và kết quả cuối cùng thường là không đạt được điều mình mong muốn.
Như với mình, sau khi sống ở nước ngoài một thời gian rồi mình mới cảm thấy động lực muốn định cư nhiều hơn, thì đáng lý ra lúc đó mình phải chủ động đi tìm việc chuyên môn để lấy kinh nghiệm cho vào CV hay là mở rộng quan hệ xã hội với người bản địa để tìm cơ hội việc làm, thì mình lại nghĩ đơn giản là thôi cứ học xong đã rồi ra trường cố gắng kiểu gì cũng tìm được việc. Một vài người bạn của mình cũng muốn ở lại, nhưng trong quá trình học họ sinh hoạt co cụm trong cộng đồng Việt Nam, tới dịp nghỉ là về VN chơi vài tháng, hay là chỉ tập trung đi làm tay chân phổ thông để kiếm tiền sinh hoạt mà không nghĩ tới việc cần phải tích luỹ kinh nghiệm chuyên môn cho việc tìm việc sau này. Thật ra mà nói lúc đó không có ai đi trước chỉ dẫn cho tụi mình những điều nên làm, thành ra tụi mình đều không biết những điều này để mà thực hiện.
Bởi vậy bây giờ mình chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn đang có ý định tìm việc để định cư nước ngoài sau khi học xong, là hãy lập cho mình một kế hoạch thật rõ ràng những điều mình cần làm để đạt được mục tiêu, và quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch đó: ví dụ, trong quá trình học ngoài việc đảm bảo kết quả học tập tốt thì cần phải làm quen và làm thân với giảng viên của các bạn, vì đó là những mối có thể giúp bạn có việc sau này. Mối quan hệ không chỉ quan trọng ở VN, mà ở nước ngoài cũng cực kỳ giá trị, tìm việc qua mối quan hệ là cách hiệu quả nhất để có được việc tốt.
Thứ hai là đừng say làm thêm kiếm tiền quá, mà hãy ưu tiên làm những gì có thể giúp bạn có kinh nghiệm chuyên môn, kể cả làm tự nguyện không lương cho người ta, chủ động tìm tới họ để xin được làm việc, nói vui là “mặt dày” nhưng thực tế phải vậy, vì mình đang cần họ mà. Tiếp theo về sinh hoạt thì không chỉ trong cộng đồng VN mà phải mở rộng ra, có bạn bè nước ngoài, nếu cần thì chủ động tham gia hoạt động xã hội như tình nguyện hay gây quỹ để quen biết thêm người bản xứ, biết đâu từ các mối quan hệ này mà bạn có việc thì sao. Đến kì nghỉ thì hãy hi sinh không về VN chơi mà ở lại tìm việc chuyên môn làm tích luỹ kinh nghiệm. Nói tóm lại là chúng ta cần bước ra khỏi comfort zone của mình và thử làm những điều trước giờ mình không dám làm hay không muốn làm.
Trên đây là một số chia sẻ của mình với các bạn đang chuẩn bị đi du học nước ngoài, vì mang tính cá nhân nên mức độ phù hợp tới đâu sẽ tuỳ thuộc mỗi người, mong là các bạn không nghĩ rằng mình đang dạy đời, mình không hề có ý đó. Chúc các bạn có được sự chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch du học của mình
Chân thành cảm ơn Phạm Lê Minh – Canada đã viết bài chi sẻ chi tiết về kỹ năng du học và rất hữu ích cho cộng đồng du học sinh Canada
- CÁC BẠN MUỐN NHỜ MENTOR HỖ TRỢ BÀI LUẬN SĂN CƠ HỘI HỌC BỔNG DU HỌC NÀY, VUI LÒNG FILL FORM NÀY (CLICK HERE) HOẶC CONTACT TRỰC TIẾP CHỊ HOÀI QUA INBOX & EMAIL NHÉ!
- Xem thêm 1 mẫu bài viết motivation letter (ở đây) các bạn nhé
- Hướng dẫn viết bài luận săn học bổng du học ! (xem ở đây)