Đại học khác trung học như thế nào?
Đại học là một khoảng trời vô. cùng. tự. do. Lúc này bạn đang trở thành người lớn, không còn bố mẹ thầy cô quản lý, hoàn toàn chịu trách nhiệm về thời gian, lớp học, nghĩa vụ của mình và hệ quả của việc không hoàn thành những mục tiêu đó. Khác với kiểm tra thường xuyên ở trung học, đại học thường chỉ có exam giữa kì (midterm exam) và cuối kì (final exam), hay project, và điểm số của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào những cộc mốc đó (mỗi cột mốc có thể từ 25-50% điểm số cả khoá). Nếu lỡ ham chơi mà trễ deadline hay rớt một kì thi, bạn có thể rớt nguyên cả khoá đó.
Thầy cô sẽ không nhắc nhở nhiều “Các em nhớ làm bài, nhớ học bài, hay tuần tới thi” đâu nhé. Syllabus sẽ là người bạn thân thiết nhất của bạn. Một học kì thường bạn sẽ học 4-5 lớp chính, có thể thêm một hai giờ phụ/các lớp nhỏ khác. Đầu học kì nào mình cũng đọc kĩ syllabus, highlight đậm những deadline quan trọng, và dán hết mấy cái syllabus đó lên tường ngay bàn học để có thể nhớ và sắp xếp thời gian.
Mình thì đã quen một phần với việc tự học này vì ở cấp 3 mình đã phải tự ôn thi TOEFL, SAT, và AP classes. Ngoài ra, mình cũng quen với việc ở không có gia đình bên cạnh từ 3 năm du học trung học, nên môi trường đại học không đến nỗi shock như một số bạn khác. Có nhiều người nhớ nhà, cô đơn, không hoà nhập được hay không tự chủ thời gian và bản thân mà toàn chơi chẳng học gì. Nếu cảm thấy mình đang trong vòng nguy hiểm, bạn luôn luôn có thể tìm sự giúp đỡ ở quản lý kí túc xá, giáo sư, hay academic advisor nhé.
Freedom. Dorm life. Staying up all night.
Nếu được ở ký túc xá (dorm) ở đại học Mỹ, bạn sẽ biết đó là một trải nghiệm khó quên. Lần đầu tiên trong đời (trừ khi đã học qua nội trú) bạn ở với những người cùng tuổi, cùng học, cùng chơi, không có ai quản lý giờ giấc, kiểu muốn làm gì thì làm. Năm đầu tiên mình hay thức khuya đến 2-3 giờ sáng trò chuyện với mấy bạn cùng phòng và phòng bên cạnh. Hãy liệu cơm gắp mắm, xem mình có sức khoẻ và thời gian không để cân bằng giữa vui chơi và học hành nhé. Những năm đầu là thời điểm tuyệt vời để đạt được nhiều điểm A, sau đó chương trình khó lên thì sẽ tụt từ từ mà không bị ảnh hưởng nhiều đến GPA (grade point average) chung.
Thường sinh viên năm nhất sẽ được xếp vào phòng 2 người, giường đơn (twin beds) hay giường tầng (bunk beds). Một dorm có nhiều phòng như vậy, dùng chung nhà tắm và không có phòng bếp. Nam và nữ thường được chia theo tầng, nguyên cả tầng dùng chung một phòng tắm, kiểu chia ngăn như trong hồ bơi. Có thể lúc đầu sẽ ngại thấy mọi người quấn khăn tắm hay chả quấn gì, nhưng từ từ là quen. Một tips nhỏ mình học được là hãy sắm một cái shower caddy để mang dầu gội, dầu xả, xà bông, bông tắm, v.v vào phòng tắm một cách tiện lợi mà không khệ nệ ôm đây rớt kia.
Năm đầu tiên mình được vào dorm sang trọng hơn tí vì trường Northeastern ưu ái sinh viên trong Honors Program. Mình được ở apartment-style với 3 phòng, mỗi phòng 2 người, có phòng tắm, nhà bếp, phòng khách riêng trong apartment chứ không phải dùng chung với tất cả những người cùng tầng đó. Vì vậy mình khuyến khích những ai có điều kiện nên đi tham quan trường mà mình muốn đến, để khỏi bỡ ngỡ và có thêm thông tin để quyết định chọn trường.
Resident Assitant và những vấn đề với bạn cùng phòng
Mỗi dorm sẽ có các anh chị quản lý thường gọi là Resident Assistant hay RA. Họ chịu trách nhiệm hướng dẫn bạn về những luật lệ của trường về việc ăn ở, đi dẹp party ồn ào hay uống rượu bia trái phép. Hãy nhớ ở Mỹ 21 tuổi mới được uống rượu bia. Nếu bị bắt gặp bởi RA hay cảnh sát của trường (campus police) thì bạn sẽ phải bị phạt và mang tiền sử đó theo suốt những năm học. RA cũng sẽ giúp đỡ khi bạn cần mà không biết hỏi ai, như cãi nhau hay lục đục với bạn cùng phòng cần giải quyết, có vấn đề gì cảm thấy không an toàn về nơi ở hay những người cùng tầng, cùng phòng.
Hãy chuẩn bị tinh thần phải chia sẻ không gian với một người lạ, có thể trước lạ sau quen hay ghét nhau đòi chuyển nhà. Những vấn đề tưởng nhỏ như giờ giấc ngủ và dậy, đèn sáng khi bạn đó học bài mà bạn đã đi ngủ, bạn đó có lớp rất sớm làm bạn tỉnh giấc đều có thể trở thành lớn khiến cả hai bực mình. Một lời khuyên của mình là hãy trực tiếp bàn bạc với roommate về những vấn đề này vào đầu năm học, vì theo kinh nghiệm của mình người Mỹ khá thẳng thắn và người Việt Nam khá chịu đựng. Họ sẽ cho là nếu bạn không phàn nàn gì nghĩa là tất cả đều ok, trong khi bạn thì tức điên đầu mà không dám nói.
Vào mùa hè trước khi nhập học, khi trường hỏi bạn muốn được xếp chung với roommate như thế nào, hãy thành thật điền thông tin của bản thân- là người hay ngủ muộn, người hơi bừa bãi hay khá sạch sẽ, không thích ồn ào, v.v để tránh bị xếp chung với người mình không thể đội trời chung ?
Sexile và những chuyện vui kì cục khác
Bạn cùng phòng mình năm nhất có một đứa bạn trai học ở trường khác. Mỗi lần bạn trai ghé thăm là mình lại bị “sexile”- ghép từ “sex” và “exile” và hai đứa có rung rúc trong phòng làm chuyện ấy. Điều đáng ngại nhất là vô tình mở cửa vào phòng khi hai người đang hành sự, nên chúng mình vạch ra một hệ thống thông báo. Khi thấy dây chuyền của nhỏ treo trên tay nắm cửa thì mình sẽ biết mà không vào. Mấy đứa con trai cũng có hệ thống tương tự như vậy nhưng tụi nó thì máng cái vớ to đùng thay vì dây chuyền, không được kín đáo đẹp đẽ cho lắm ?
TÌM HIỂU NGAY KHÓA HỌC “KĨ NĂNG SINH TỒN KHI ĐI DU HỌC” – CLICK HERE
Ở kí túc xá còn có những prank hay practical jokes xảy ra hằng ngày. Đó là khi chúng bạn phá phách những đứa cùng phòng, cùng tầng hay quen biết trong kí túc xá. Năm của mình, một đứa bạn về thăm nhà và khi trở lại tủ giường đồ đạc của nó bị tráo đổi sang phía của đứa cùng phòng. Hay có đứa đang ngủ say mèo thì đám bạn lôi chất hết tủ bàn ghế lên người nó mà nó không hề tỉnh dậy. Ở đại học MIT các mánh mun như vầy còn gọi là hack, có năm không biết làm sao mà nguyên chiếc xe tải bị đem để lên nóc toà nhà, hay đóng đinh tủ bàn ghế ngược lên nóc trần.
HÌNH ẢNH CEO NGUONHOCBONG.COM TẠI MIT- USA
Bạn thấy đó, không có cái gì bạn bắt buộc phải làm khi vào đại học hết, tất cả là do quyết định ở bản thân vì mọi trách nhiệm sẽ chỉ mình bạn chịu. Tạm kết phần này, lời khuyên duy nhất mà mình muốn chia sẻ là: Đừng làm điều gì mà sau này phải hối tiếc. Tự do có cái giá của nó, luôn cần một cái đầu tỉnh táo, suy nghĩ xa và lường trước hậu quả về những việc làm của mình.
Source: Ngọc Bích, PharmD, RPh