Cá nhân tôi từng là du học sinh năm 2011-2012 tại Vương Quốc Anh bằng học bổng toàn phần Quỹ Ford của Mỹ. Tôi tự tìm học bổng qua mạng internet, tự nộp hồ sơ, tự xin visa, tự chọn ngành nghề. Tất cả hồ sơ giấy tờ chỉ làm đúng một lần là xong. Ở bên Anh tôi đi nhiều, quan sát nhiều, học hỏi nhiều ở nơi mà chỉ những con nhà giàu mới chọn du học vì cuộc sống bên Anh khá đắt đỏ. Đi du học nếu có tiền không khó, hoàn thành điểm số cũng không khó, nhưng để hoà nhập được vào thế giới bản địa và sống để họ trân trọng muốn kết giao với mình thì khó, rất khó. Dưới đây tôi sẽ chia sẻ một số yếu tố cốt lõi giúp cho hành trình du học đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Và xa hơn thế là khả năng tự chủ với chính cuộc sống của các bạn dù học ở bất cứ nơi đâu.
?VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC
1. Đọc và tóm tắt thông tin
Các giờ học được thiết kế theo hình thức thảo luận seminar nên các bạn thường được giao bài đọc trước. Nếu không đọc trước đến lớp sẽ như vịt nghe sấm. Khi đọc yêu cầu các bạn có kĩ năng tóm tắt, tổng hợp thông tin và đặt câu hỏi cho những phần mình muốn tìm hiểu thêm để hỏi thầy ngày hôm sau. Thường thầy sẽ giao cho một danh sách những tài liệu cần đọc hoặc những chương sách có nội dung liên quan.
2. Nghe và ghi chép
Mỗi một bài giảng của thầy thường có sự tương tác hai chiều rất nhiều với người học cũng như các tranh biện về vấn đề đó. Nếu như các bạn không luyện kĩ năng ghi chép thông qua việc nghe và đặt câu hỏi kịp thời thì bài học đó khó mà ở lại trong đầu. Mỗi bài giảng là 90 phút yêu cầu độ tập trung cao.
3. Viết luận và đạo văn
Ở những trường chất lượng, họ sẽ dùng phần mềm Trinity để kiểm tra đạo văn của người học. Như trường Birmingham tôi học không cho phép người học dùng quá 10% từ khoá về chủ đề đó. Khi học Ielts các bạn chỉ viết luận 300 từ và chủ yếu là ý kiến lập luận chủ quan. Còn khi bắt đầu viết luận bên kia các bạn sẽ viết tối thiểu 500 tới vài nghìn từ vố tư duy phản biện trong viết và các dẫn chứng cụ thể dựa trên các bài báo khoa học hay nghiên cứu. Hơn nữa ở Việt Nam các bạn ít được dạy các dạng viết văn khác nhau bằng tiếng Anh mà chỉ tập trung viết luận theo Ielts nên cũng là một hạn chế trong tư duy lập luận viết.
4. Thư viện
Thư viện ở trường đại học là một kho sách khổng lồ bao gồm cả tài nguyên online và offline. Hệ thống mượn trả tự động. Giờ mở cửa thư viện từ 9h sáng đến 9h tối và có những thư viện mở cửa 24/24. Hầu như sách học nào các thầy đưa vào danh sách đọc trước khi đến lớp cũng đều có ở thư viện của trường. Tận dụng sách thư viện tối ưu và dành thời gian trên thư viện vừa tăng khả năng tập trung làm việc vừa tiết kiệm đáng kể tiền mua sách và hoá đơn điện mỗi tháng.
5. Các khoá học miễn phí
Trường đại học nào cũng có các CLB hay các khoá học/ môn học miễn phí. Các bạn nếu xác định được tư tưởng học thêm một môn mới là sống thêm một cuộc đời thì tham gia tối đa đã các lớp có thể. Cũng qua các khoá học này sẽ kết giao và học hỏi nhiều từ các bạn bè quốc tế.
?VỀ HOÀ NHẬP XÃ HỘI
6. Vượt qua định kiến
Bố mẹ kì vọng con tự lập ở nơi phát triển trước mình cả trăm năm năm. Trong khi bản thân con còn chưa được tự lập ngay trong ngôi nhà mình, trên đất nước tiếng mẹ đẻ của mình. Các bạn trẻ ở các nước phát triển thì 14-16 tuổi là có thể tự đi du lịch một mình trong đất nước họ. Còn bọn trẻ nhà mình thì ngay cả việc ra quyết định hay tự đi du lịch còn chưa được thực hành. Giờ bố mẹ kì vọng con tự lập trên đất nước xa xôi và lạ lẫm. Con cảm thấy đơn độc trên chính hành trình của mình mà cha mẹ không hay.
7. Tôn trọng sự khác biệt
Mỗi nền văn hoá, mỗi cá nhân có những sự khác biệt riêng. Con sẽ học với những bạn da màu mà mùi mồ hôi rất nặng, các bạn hồi giáo chỉ hở mỗi đôi mắt, hay các bạn Trung Quốc chiếm đến 70-80% số học sinh trong lớp, các bạn đồng tính hay những nhóm dùng chất kích thích hiên ngang nơi học đường hoặc nhóm thích nói chuyện sex…Thế nên làm thế nào mà các con hiểu và tôn trọng sự khác biệt ấy, tìm hiểu và yêu vẻ đẹp tâm hồn của những người bạn, tìm hiểu văn hoá của họ để kết giao đúng cách.
8. Giao tiếp
Giao tiếp và bắt đầu câu chuyện với các bạn quốc tế thật khó. Có khi mình nói mình đến từ Việt Nam họ chẳng biết đó là đất nước nào ngay cả thằng láng giềng TQ bên cạnh cũng ko hay. Các bạn nhà mình ít đọc truyện cười và tin tức, ít hiểu biết về các kiến thức văn hoá xã hội, các câu chuyện mở đầu thường về thông tin cá nhân. Đây lại là điều tối kị trong những cuộc gặp đầu tiên với các bạn quốc tế. Hồi tôi học bên Anh, cứ mỗi cuối tuần tôi hang out với các bạn một lần vào chiều thứ 6. Chúng tôi kể truyện cười cho nhau nghe, trò chuyện về sự khác biệt của các nền văn hoá, thảo luận các xu hướng cùng quan tâm hoặc tào lao xã hội. Thế nên nếu các bạn nhà mình không có cùng mảng kiến thức xã hội, mối quan tâm hay biết cách giao tiếp hoà nhập thì thực sự là một bài toán khó.
9. Thâm nhập văn hoá bản địa
Theo những con số thống kê ở các thành phố lớn thì dân Mỹ, Anh, Úc, Canada gốc dường như chỉ chiếm 10% bản địa còn lại là nhập cư theo xu thế toàn cầu. Nếu các bạn muốn tìm hiểu văn hoá bản địa thì cần đến tham gia các hoạt động cộng đồng như nhà thờ hay các nơi dành cho người địa phương. Khám phá và giao du với những người bản địa để tìm hiểu văn hoá cần dành nhiều thời gian, di chuyển đến những cộng đồng nhỏ, tĩnh tại và không phải nơi ồn ào.
10. Quản trị bản thân
Các bạn cần có những kế hoạch tốt về kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ tích cực, quản lý thời gian, lập kế hoạch, tự chăm sóc bản thân bao gồm sức khoẻ thể chất và tinh thần, học tập phát triển bản thân không ngừng.
Hy vọng những kinh nghiệm cá nhân tôi trải qua phần nào hữu ích với các bạn chuẩn bị du học.
Theo: Chu Vân Anh