Thông tin chung về chương trình học bổng hiệp định Hungary 2025/2026
1.1. Tên chương trình học bổng và cơ quan phụ trách
– Tên chương trình học bổng: Chương trình học bổng đi học tại Hung-ga-ri diện Hiệp định năm 2025.
– Cơ quan phụ trách:
+ Phía Việt Nam: Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Phía Hung-ga-ri: Tempus Public Foundation (sau đây gọi là Quỹ Tempus).
1.2. Số lượng học bổng, trình độ đào tạo và ngành học
– Chính phủ Hung-ga-ri cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hung-ga-ri bằng tiếng Hung-ga-ri hoặc bằng tiếng Anh, ưu tiên các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y, Khoa học thể thao.
– Học bổng được cung cấp cho các ứng viên theo học những chương trình sau:
+ Chương trình đại học toàn thời gian (trình độ cử nhân)
+ Chương trình thạc sỹ
+ Chương trình thạc sỹ liên thông từ đại học
+ Chương trình tiến sĩ
+ Chương trình học ngắn hạn
– Ngành học chi tiết được công bố trên cổng thông tin điện tử của Quỹ Tempus (https://stipendiumhungaricum.hu/partners/).
1.3. Thời gian đào tạo
– Chương trình đại học: từ 03 năm đến 04 năm học
– Chương trình thạc sĩ: từ 1,5 năm đến 02 năm học
– Chương trình thạc sĩ liên thông từ đại học: 05 năm đến 06 năm học
– Chương trình tiến sĩ: 04 năm
– Chương trình học ngắn hạn: 3 tháng đến 10 tháng
1.4. Chế độ học bổng
– Học bổng của Chính phủ Hung-ga-ri bao gồm: miễn phí đào tạo, nghiên cứu, cấp bảo hiểm y tế và hỗ trợ chỗ ở, sinh hoạt phí theo quy định của phía Hung-ga-ri.
– Trong số 200 chỉ tiêu được Chính phủ Hung-ga-ri cấp học bổng sẽ có tối đa 100 chỉ tiêu được cấp bù học bổng của Chính phủ Việt Nam bao gồm: vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và sinh hoạt phí theo chế độ hiện hành (nếu đáp ứng được các điều kiện tại mục 2.3.2 của thông báo này).
2. Điều kiện và đối tượng dự tuyển
2.1. Điều kiện chung
Ứng viên dự tuyển cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung sau đây:
– Là công dân Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật.
– Đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài.
– Chưa đăng ký dự tuyển chương trình học bổng nào khác tại cùng thời điểm với thông báo này (từ khi thông báo này có hiệu lực đến khi có kết quả sơ tuyển).
– Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về nước công tác. Đối với các ứng viên được cấp bù học bổng của Chính phủ Việt Nam không hoàn thành chương trình đào tạo, tự bỏ học, bị buộc thôi học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về nước công tác, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được cấp học bổng phải đền bù kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành.
– Về độ tuổi:
+ Ứng viên đăng ký đi học đại học và thạc sĩ liên thông từ đại học cần sinh trước ngày 01/9/2007 (trừ ứng viên đăng ký ngành múa).
+ Ứng viên đăng ký đi học thạc sĩ, tiến sĩ, chương trình học ngắn hạn: không quá 40 tuổi tính đến ngày 15/01/2025.
– Về kết quả học tập:
+ Ứng viên là học sinh lớp 12 đăng ký đi học đại học hoặc thạc sĩ liên thông từ đại học phải có điểm trung bình chung từng năm học THPT đến hết năm học 2024 – 2025 đạt từ 7,0 trở lên và có kết quả trúng tuyển vào một trường đại học năm 2025 khi làm thủ tục đi học.
+ Ứng viên là sinh viên đăng ký đi học đại học hoặc thạc sĩ liên thông từ đại học phải có điểm trung bình chung từng năm học THPT, điểm xét tốt nghiệp và điểm trung bình chung học kỳ 1 đại học đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 và tương đương).
+ Ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học loại khá khi đăng ký trình độ thạc sĩ, có kết quả học tập và điểm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ từ 7,0 trở lên khi đăng ký trình độ tiến sĩ.
+ Ứng viên đăng ký chương trình học ngắn hạn: phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ với kết quả học tập và điểm luận văn tốt nghiệp đạt từ 7,0 trở lên.
– Về trình độ đào tạo:
+ Ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển trình độ đào tạo cao hơn trình độ đã có văn bằng.
+ Đối với trường hợp tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học hoặc tốt nghiệp các chương trình đào tạo phối hợp với nước ngoài tại Việt Nam cần có giấy công nhận văn bằng do Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
– Về ngành học:
+ Ứng viên dự tuyển trình độ đại học và thạc sĩ liên thông từ đại học phải đăng ký dự tuyển ngành học cùng khối ngành với ngành đã trúng tuyển và đang học đại học ở Việt Nam hoặc ngành đã đoạt giải thưởng quốc tế (huy chương vàng, bạc, đồng), giải thưởng quốc gia (giải nhất, nhì, ba).
+ Ứng viên dự tuyển trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chương trình học ngắn hạn phải đăng ký dự tuyển ngành học phù hợp với ngành học đã tốt nghiệp ở trình độ đào tạo trước đó hoặc phù hợp với nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, địa phương cử đi học, phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu công tác của cơ quan.
+ Ứng viên được đăng ký dự tuyển 01 chuyên ngành đào tạo trong hồ sơ đăng ký phía Việt Nam và tối đa 02 chuyên ngành đào tạo trong hồ sơ đăng ký trực tuyến theo quy định của phía Hung-ga-ri. Lưu ý: chuyên ngành dự tuyển phía Việt Nam phải là chuyên ngành đăng ký nguyện vọng 1 phía Hung-ga-ri. Ứng viên không được tự ý thay đổi ngành học, cơ sở đào tạo sau khi đã đăng ký dự tuyển, trúng tuyển đi học theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Quỹ Tempus và cơ sở đào tạo tại Hung-ga-ri.
Link: click here