Nếu như bạn có dịp xem phim truyền hình,quảng cáo hay tạp chí có liên quan đến nước Pháp, chắn hẳn bạn đã từng bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ Pháp trong trang phục sành điệu đang ngồi ngoài hiên một quán cà phê, miệng hút thuốc lá và thi thoảng nhâm nhi một ly cà-phê đen đặc expresso. Có lẽ hình ảnh này bao quát khá toàn diện về văn hóa Pháp nói chung : ẩm thực tinh tế, thời trang, giao lưu xã hội, và nhịp sống chậm để tận hưởng cuộc sống…
Có điều, ly cà-phê mà người phụ nữ đang nhâm nhi ấy, nhìn thì có vẻ thèm thuồng nhưng không ít người Việt mà tôi biết, khi thử qua thì nhăn mặt : “sao mà đắng thế!!!!”. Thực ra thì không chỉ có người Việt đâu, tôi cũng đã từng quen người Mỹ hay Canada sang đây nếm thử một ly cà phê đen của Pháp và họ đều kêu : “aweful coffee!”. Chỉ khi họ trải nghiệm vị đắng ấy thì mới thấu hiểu sự tinh tế trong câu nói : “Nước Pháp là quốc gia của văn hóa uống cà-phê chứ không phải văn hóa làm cà-phê”. Đúng vậy, nước Pháp chưa bao giờ là quốc gia trồng được hạt cà-phê. Và họ cũng không phải là quốc gia phát minh ra phương pháp chế biến cà-phê. Họ chỉ đơn giản là nhập cà-phê, du nhập phong cách pha cà-phê của nơi khác đến rồi theo dòng lịch sử, pha trộn với những thói quen tiêu thụ của riêng mình để tạo ra nền văn hóa mới. Tất cả đều được giải thích bằng lịch sử rất rõ ràng.
Thế kỷ XVII đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự du nhập của càphê vào nước Pháp. Cùng trong thế kỷ này, đã có một số thương gia Pháp mang một số lượng nhỏ càphê vào vương quốc và giới thiệu cho mọi người. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ mới là quốc gia góp phần chính thức biến cà phê thành loại thức uống được chấp nhận bởi cả vương quốc. Vào thời bấy giờ, tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ là đế chế Ottoman. Vì mối tư thù với nước Áo, người Ottoman đã chủ động liên hệ với vua Louis XIV của Pháp như là một đồng minh quân sự chiến lược. Để hợp thức hóa chuyện này, vua Ottoman phái sứ giả đến tiếp kiến vua Louis XIV và cho nếm thử một tách càphê được pha theo kiểu Thổ. Kể từ lúc ấy, từ vua cho đến giới quý tộc, tất cả đều bắt đầu thói quen uống càphê như là một cách để thể hiện đẳng cấp của họ. Nên nhớ rằng thời kỳ này, càphê rất hiếm và là một món hàng xa xỉ, thường được dùng như hàng trao đổi giữa Trung Đông và Châu Âu.
Vài chục năm sau đó, càphê được truyền bá rộng rãi hơn đôi chút. Không chỉ giới quý tộc mà cả giới trí thức và tầng lớp tư sản trung lưu cũng có điều kiện thưởng thức nó. Ngay từ năm 1686, quán càphê Procope ra đời, như là một nơi tu tập của những nhà thông thái, nơi để họ cùng trao đổi quan điểm nhìn, để giải trí bằng cách chơi bài.
Procope chính là nơi những “hảo hán” của xã hội Pháp gặp nhau, đó là nơi hội tụ của những La Fontaine (nhà thơ), Racine (nhà soạn kịch), Voltaire (nhà triết học), Diderot (nhà văn kiêm nhà triết học), Jean-Jacque Rousseau (nhà văn, nhà triết học kiêm nhà văn) , Montesquieu (chính trị gia). Và Procope cũng là nơi nung nấu những ý tưởng mà sau này bùng nổ thành cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Như vậy, có thể nói rằng ngay từ những thế kỷ XVII-XVIII, văn hóa càphê tại Pháp đã nhen nhóm một số nét đặc trưng còn tồn tại đến ngày nay : cà-phê là một nơi, một không gian để người Pháp tụ tập và bàn luận mọi thứ trên đời. Ly càphê đơn giản là một lời chào đầu câu truyện để người ta giao lưu gặp gỡ.
Chúng ta nhanh chóng sang giai đoạn những thế kỷ XVIII-XIX, thời kỳ nước Pháp trở thành một cường quốc thực dân với rất nhiều thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Mỹ. Vào giai đoạn này, người Pháp cho nhập rất nhiều hạt cà-phê trường phái robusta từ các thuộc địa ở vùng Carribe và loại hạt này đã trở thành sản phẩm tiêu thụ chính ở nước Pháp đại lục, đến tận hơn 90%.
Chính vì lý do này, người Pháp dần dần quen với vị đắng của robusta. Sang đến đầu thế kỷ XX, có lẽ văn hóa cà phê của Pháp đã đạt đến mức đỉnh điểm và là giai đoạn khẳng định hình ảnh nước Pháp gắn liền với văn hóa uống cà phê. Nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến một nước Pháp , đặc biệt là Paris, như là trung tâm văn hóa của thế giới. Rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nhà văn lừng danh thế giới đều lui tới các quán cà phê để gặp gỡ, tranh luận hay tìm cảm hứng sáng tác. Đây cũng là thời kỳ Paris chứng kiến sự ra đời của rất nhiều quán cà phê nổi tiếng còn tồn tại đến ngày hôm nay, trong đó phải kể đến Les Deux Magots hay Café de Flore .Cũng trong thời kỳ này, nước Pháp đang cai trị một hệ thống thuộc địa khá rộng lớn, trong đó phải kể đến Việt Nam.
Người Pháp vô hình chung đã “xuất khẩu” văn hóa uống cà phê tại thuộc địa Đông Dương. Ban đầu là cộng đồng người Pháp xa xứ, rồi sau đó mở rộng hơn đến tầng lớp thượng lưu Việt Nam học theo phong cách Tây, rồi mở rộng thêm đến tầng lớp trí thức nói chung. Thời bấy giờ, không khó để có thể tìm thấy một quán cà phê dọc đường Tràng Tiền hay gần ga hàng cỏ. Dựa trên lập luận lịch sử này, tôi tin rằng văn hóa cà phê của người Việt chúng ta ngày nay ít nhiều được hình thành là do thừa hưởng một số yếu tố khá tương đồng với văn hóa Pháp.
Tinh hoa của văn hóa cà-phê Pháp nói chung và Paris nói riêng nằm ở cách bài trí không gian của quán cà-phê. Thông thường, quán này đều có ghế ngồi ở cả bên trong và ngoài hiên, bàn thì thường hình tròn và các khung cửa cũng như cột đỡ thường được làm bằng gỗ và sơn các tông màu đơn giản. Điều đặc biệt chú ý ở đây có lẽ là phần ngồi ngoài hiên, cái mà người Pháp gọi là terrasse và được người Anh và Mỹ, rồi sau này là cả thế giới tái sử dụng ngôn từ dưới cái tên terrace café.
Vậy để tổng kết lại, đối với người Pháp, quán cà phê là địa điểm quen thuộc để đàm đạo hầu như mọi vấn đề, từ chuyện chính trị đến những cả những vấn đề nhỏ xíu như chuyện hàng xóm. Nói đên đây, tôi đang nói đến văn hóa cà phê đang tồn tại trong đại đa số các tầng lớp xã hội Pháp. Tôi nói chữ “đại đa số” không phải là không có lý do. Cũng như truyền thống bánh mỳ baguette hay bất cứ một nét văn hóa ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, nó sinh ra nhưng cũng có lúc phải thay đổi để thích nghi hoặc biến mất hoàn toàn. Văn hóa cà phê của Pháp mặc dù vẫn đang đứng vững như bàn thạch, không có nghĩa là nó không chịu những ảnh hưởng của trào lưu hội nhập toàn cầu. Khá nhiều người Pháp không thuộc “đại đa số”, đã có những biểu hiện phá bỏ truyền thống cũ, đặc biệt là ở giới trẻ. Họ dễ dàng tiếp thu sàn sóng cà phê mới đến từ Hoa Kỳ. Nó có thể là cà phê nhanh kiểu Mc Donald, hay là cà phê sành điệu kiểu Starbucks.
Nhưng thật là may mắn là bộ phận này chỉ là thiểu số. Truyền thống ẩm thực Pháp đã là một hệ thống phòng thủ quá kiên cố và có lẽ đang hơi quá sức đối với Starbucks . Theo thống kê của công ty này vào năm 2012, sau 8 năm đầu tư vào Pháp với hệ thống 63 cơ sở trên khắp toàn quốc, Starbucks vẫn chưa có lãi. Bởi lẽ chỉ khoảng 5% dân số Pháp, đặc biệt là giới trẻ, mới ưa chuộng thứ cà phê của họ.
Như vậy, có thể nói rằng làn sóng tấn công của phong cách cà phê mới chưa thực sự là mối nguy hiểm lớn đối với văn hóa cà phê Pháp. Nhưng điều này không có nghĩa là văn hóa cà phê Pháp bình chân như vại. Những thống kê cho thấy người Pháp có lý do để lo ngại cho sự trường tồn của truyền thống nước nhà. Vào năm 1960, cả nước có trên 200.000 quán cà phê. Vào năm 2008, chỉ còn 41.200. Chính phủ Pháp hoàn toàn thấu hiểu mức độ trầm trọng của việc một ngày nào đó sẽ không còn quán cà phê nội địa nào nữa và văn hóa cà phê biến mất. Đó là lý do vì sao đã có một số điều luật khá đặc thù chỉ có ở nước Pháp, nhằm mục đích cứu sống quán cà phê. Tôi biết được điều này khi học bộ môn luật hành chính nhà nước thời còn theo học khóa quản trị kinh doanh. Bộ luật này có nói rằng cho dù quán cà phê vốn dĩ là một dạng kinh doanh thương mại mang tính tư nhân, nhưng nếu quán này năm ở những khu vực hẻo lánh đặc biệt là ở những ngôi làng ít dân, thì sự tồn tại của quán ấy phải được coi là dịch vụ công ích, và cần được hỗ trợ tài chính để duy trì nó. Nguồn hỗ trợ tài chính này sẽ được trích ra từ quỹ của tòa thị chính
Giờ thì bạn hiểu tầm quan trọng của cà phê trong đời sống xã hội người Pháp rồi chứ? Nếu có một ngày bạn có dịp đặt chân đến nước Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, đừng quên ghé qua một quán cà phê đặc trưng, dù chỉ là để ngồi đó một lúc và gọi một tách cà-phê. Tuy nhiên, để có được một trải nghiệm đúng nghĩa, bạn không nên gọi lung tung. Văn hóa uống cà phê của người Pháp có một số nguyên tắc cơ bản mà bạn nên biết, nếu không sẽ rất dễ bị người bồi bàn Pháp hoặc những vị khách kế bên nghĩ thầm trong bụng : “đúng là dân Châu Á nhà quê!”. Vậy, những nguyên tắc cơ bản ấy như thế nào?
Cấm hút thuốc lá. Chính phủ Pháp đã ra một điều luật có hiệu lực từ vài năm nay. Quán cà-phê được coi là nơi công cộng nên bạn không được phép hút thuốc, đặc biệt là ở khu vực bên trong quán. Bạn có thể nhận biết được điều này qua việc người ta đề biểu tượng cấm hút, hoặc đặt tấm biển ghi rõ défense de fumer (“cấm hút thuốc”) hoặc terrasse non fumeur (khu vực không hút thuốc”).
Nói như vậy, nhưng bạn vẫn sẽ có cơ hội hút thuốc trong hai trường hợp đặc biệt : hoặc bạn chọn chỗ ngồi ở ngoài hiên, hoặc tại những khu vực có ghi biển rõ ràng là cho phép hút thuốc lá. Để tránh những tình huống phức tạp, nếu bạn thực sự là người nghiện thuốc, bạn nên trực tiếp hỏi luôn người phục vụ xem có khu vực bàn nào cho phép hút thuốc không. Đừng để tình trạng ngồi xuống rồi mới bắt đầu rút điếu thuốc ra hút phì phèo để rồi khách xung quanh đưa những cái nhìn coi thường vào bạn. Nên nhớ có rất nhiều người Châu Âu bị dị ứng với khói thuốc lá.
Gọi đồ bằng tiếng Pháp. Tôi sẽ không ngừng nhắc nhở các bạn rằng người Pháp rất tự hào về ngôn ngữ của họ và sẽ tỏ thái độ thân thiện hơn với bạn nếu như bản thân bạn cố gắng đôi chút sử dụng một số câu nói thông dụng bằng thứ tiếng của họ. Đừng xổ ra tiếng Anh như một điều nhiễm nhiên trên đất Pháp, bởi nếu làm thế, đừng ngạc nhiên khi mà người phục vụ cho bạn chờ mốc mỏ lâu hơn so với những vị khách khác. Ba câu cơ bản nhất mà tôi khuyên các bạn nên dùng. Thứ nhất, khi đến hãy chủ động là người chào người phục vụ trước, hãy nói bonjour (xin chào!). Khi rời bàn, hãy nói lời chào tạm biệt au revoir. Khi gọi đồ, người Việt chúng ta hay có câu “em ơi!” để gọi người phục vụ. Trong tiếng Pháp, hãy nói monsieur (nếu người phục vụ là nam) hoặc mademoiselle (nếu là nữ trẻ, tất nhiên vẫn có trường hợp người phục vụ là một phụ nữ hơn 30 tuổi nhưng hiếm).
Gọi loại cà phê phù hợp. Tại Việt Nam, chúng ta hầu như không bao giờ gọi đồ uống mà chỉ nói đơn giản một từ càphê cộc lốc, nó phải là đen đá, đen nóng, nâu đá hay nâu nóng, nhất là người miền Bắc. Tại Pháp, bạn cũng sẽ phải cụ thể hơn trong cách sử dụng từ vựng của mình bởi nếu chỉ nói đơn thuần “cho tôi một cà phê”, 99% khả năng người phục vụ sẽ mang thẳng cho bạn một ly expresso đắng ngắt trong một tách bé tí teo. Đơn giản vì đây là loại cà phê phổ biến nhất mà người Pháp thường dùng nên đối với họ, gọi một từ cà phê cộc lốc đồng nghĩa là gọi loại cà phê kể trên. Thế nên, nếu bạn muốn một loại cà phê khác, bạn nên lưu ý tìm hiểu trước một số dòng cà phê phổ biến hay có trong menu đồ uống
Allongé : là loại cà phê đen nhưng nhẹ hơn so với loại cà phê đen đặc thông dụng bởi người phục vụ pha thêm nhiều nước nóng hơn, thường là gấp đôi. Tại một số nơi, người ta có thể mang kèm theo một ly nước bên cạnh để bạn chủ động trong việc pha loãng tùy theo khẩu vị của mình.
Noisette : cà phê đen đậm đặc expresso bổ sung thêm một lớp sữa đánh thành bọt ở trên. Sau khi đánh tan bọt và quấy đều lên, vì màu sắc của cà phê chuyển sang tông màu nâu giống màu hạt dẻ nên người Pháp gọi nó là noisette. Trong tiếng pháp, noisette có nghĩa là hạt dẻ. Đây có thể được coi là phiên bản cà phê sữa bên Pháp.
Café au lait : về mặt cơ bản thì đây cũng chỉ đơn thuần là cà phê sữa thôi. Tuy nhiên, nó khác loại càfé noisette ở chỗ người phục vụ sẽ mang cho bạn một tách cà phê đen đặc kèm theo một ấm sữa (nóng hoặc lạnh). Bạn có thể bổ sung lượng sữa vào cà phê đen tùy theo sở thích của mình. Loại cà phê kiểu này hay được phục vụ tại các nhà hàng hoặc khách sạn.
Serré : về mặt cơ bản thì giống cà phê đen đặc expresso nhưng mức độ đậm đặc thì cao hơn vì người ta chỉ cho một nửa lượng nước nóng so với expresso. Đây có thể được coi là loại cà phê có mức độ đậm đặc và đắng level cao nhất.
Tiền boa đã được bao gồm trong hóa đơn thanh toán nên bạn không cần phải bo thêm. Tuy nhiên, nếu như bạn thực sự cảm thấy hài lòng với quán cà-phê nói chung và chất lượng phục vụ nói riêng, bạn có thể để lại một vài đồng xu như là một cách khích lệ họ. Đồng xu này thường tối thiểu là 1 EUR và tối đa là 2 EUR. Đừng để lại những đồng xu dưới 1 EUR, như thế chẳng khác gì mình keo kiệt và coi thường người ta.
————————————————————————————————————————————-
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của bạn Nguyễn Văn Thái- website medulich.vn.
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.