Những câu hỏi NÊN và KHÔNG NÊN hỏi khi tìm kiếm tư vấn học bổng du học toàn phần
Mùa săn học bổng đang đến, thỉnh thoảng mình nhận được một vài bạn ngẫu nhiên contact để xin tư vấn. Rất mừng vì các bạn trẻ giờ rất chủ động liên lạc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng thấy không hài lòng lắm vì cách các bạn tiếp cận một cách “cái gì cũng hỏi”.
Để giúp cả người hỏi và người được hỏi tăng giá trị hơn trong các câu hỏi, mình tổng hợp đây vài câu hỏi KHÔNG NÊN và NÊN hỏi:
BẠN KHÔNG NÊN HỎI:
1. Học bổng của anh có khó không?
Trả lời luôn là không ai dựng bạn dậy rồi nhét tiền cho bạn đi học. Học bổng càng to thì tỷ lệ cạnh tranh càng lớn, thậm chí cạnh tranh toàn cầu chứ không phải định mức từng quốc gia. Đừng hỏi thừa câu này.
2. Anh ơi, ngành này apply như thế nào ạ?
Một câu hỏi rất ngây thơ, trong sáng, nhưng vô số tội. Hỏi câu này tức là bạn chưa hề tìm hiểu gì về học bổng, về trường, về ngành, về thủ tục của trường. Đây là điều cơ bản, tại sao bạn kì vọng người khác làm hộ mình cái này nhỉ?
Về cơ bản thì thủ tục apply cũng nhiều cái như nhau. Tuy nhiên, mỗi chương trình, thậm chí hàng năm, có những thay đổi nhỏ mà bạn… chỉ có bạn, là người chịu trách nhiệm thực hiện nó.
Đặc biệt, deadline nộp hồ sơ là chuyện của bạn, bạn phải chủ động timeline mọi việc. Hãy dành thời gian tìm hiểu về nó trước đi.
Còn nếu không tự tìm hiểu được, bạn có thể thuê trung tâm tư vấn du học làm điều đó (nếu bạn sẵn lòng trả tiền).
3. Anh ơi, bài luận thì viết như thế nào?
Bài luận là thứ đặc biệt riêng của mỗi người, cái này quyết định thành bại riêng. Mình có thể tư vấn về chiến lược viết bài, nhưng không thể viết hộ được. Bạn tốt hơn hết là nên có một cái outline hoặc ít nhất một bản nháp trước rồi gửi mình góp ý. Tất nhiên mình cũng chỉ góp ý thôi chứ không đi sửa từng câu cho các bạn được nhé.
4. Điểm tiếng Anh e không đủ, e phải làm gì?
Học tiếp, thi lại cho đủ chứ làm gì. Tiếng Anh là cái điều kiện cần, về cơ bản không qua thì họ loại luôn. Hoặc bạn có thể tìm các chương trình học khác. (Bạn tự ngâm cứu tìm nhé).
5. Em điểm không tốt / tiếng Anh chưa có thì CÓ NÊN apply học nước ngoài không?
Ầy, câu này là câu mình dị ứng nhất. Bản thân mình còn không muốn đi thì ai giúp được. Đừng có hỏi NÊN hay KHÔNG NÊN mà hỏi …. LÀM THẾ NÀO thì tốt hơn. Túm lại, “Không làm thì cơ hội của bạn là số 0 tròn trĩnh, làm thì cơ hội của bạn lớn hơn 0!”
6. Anh ơi, ngành XXX này apply như thế nào (Trong khi a học ngành ZZZ):
Hoặc là e chat nhầm người, hoặc là e kì vọng a là biết tuốt (a cũng biết nhiều thứ hay ho hơn săn học bổng thật).
BẠN NÊN HỎI (Theo ý kiến cá nhân của mình thôi)
1. Anh xem hộ em xem CV, SOP được chưa?
Khi bạn đã có bản thảo của mình trong tay, mình rất sẵn lòng góp ý sửa đổi cho bản nộp được hoàn chỉnh và có chiến lược săn học bổng rõ ràng. Tuy nhiên, đừng kì vọng mình sửa từng chữ một hay sửa cả ngữ pháp câu, mình chỉ chỉ dẫn đường hướng thôi. Bạn cần chủ động. Đặc biệt là đừng có đợi đến gần deadline mới gửi ra rồi giục túi bụi lên. Mình có thể “luôn luôn lắng nghe, nhưng… lâu lâu mới trả lời”
(Lưu ý là một số người khá bận, không sẵn sàng sửa giúp đâu, nên quan hệ đủ thân thì hãy nhờ)
2. Mức sống, chi phí sinh hoạt, các hoạt động cộng đồng, làm thêm của thành phố như thế nào?
Đây là một câu hỏi tốt giúp bạn tưởng tượng cụ thể hơn được về những gì bạn muốn đến. Những con số về chi phí nhà ở, ăn uống, đi lại là hữu ích cho bạn sau này. Các kinh nghiệm tìm nhà, những khu vực an ninh không tốt, cách kiếm việc làm thêm… giúp bạn tránh được những điều không mong muốn. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu trước thì hỏi sẽ sâu hơn.
3. Cơ hội thực tập, ở lại sau khi làm việc?
Du học là lộ trình dài, bạn có thể tính xa hơn việc apply nhận admission. Cái này thông tin không nhiều bằng thông tin về hồ sơ, bạn có thể hỏi mình. Trong khả năng mình biết, mình sẽ trả lời.
4. Cùng ngành, nhưng đang phân vân vài lựa chọn giữa các trường, các nước khác nhau?
Vì cùng ngành, hẳn mình có thể biết về các trường khác. Nếu biết, mình có thể trả lời.
Việc hỏi tư vấn thông mình và có chiều sâu giúp cho hai bên đều cảm thấy có giá trị trong tương tác.
Cuối cùng, việc xa hơn các bạn nên tính đến là XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ DÀI HẠN hơn với người tư vấn. Vài việc bạn có thể làm.
1. Thỉnh thoảng cập nhật tình hình, đặc biệt là về thông tin admission. Một lời cảm ơn dù kết quả admission có thế nào đi nữa là rất quý.
2. Cần tư vấn, giúp đỡ thì nên làm sớm, đừng có đến deadline mới nhờ rồi giục cuống lên. Ai cũng có việc của mình cả. Không ai muốn đã … làm ơn giúp, lại còn mắc tội… trễ deadline của người khác. Thời gian dài giúp đôi bên có thể sắp xếp dễ dàng hơn.
3. Chủ động giới thiệu sâu hơn về bản thân, nghiên cứu người tư vấn để tìm ra nhiều điểm chung hơn
4. Nếu có cái hẹn hẳn sẽ tốt hơn cả.
Đa phần mình thấy anh chị em du học khá cởi mở để giúp đỡ, tư vấn cho mọi người trong khả năng của mình. Mối quan hệ chúng ta tạo ra không chỉ có giá trị mùa apply mà còn duy trì trong nhiều dịp dài dài. (Nếu học cùng ngành thì chắc chắn người tư vấn cho bạn sẽ còn nhiều thứ khác có thể chia sẻ cho bạn trong tương lai).
Chúc các bạn xây dựng network bền vững và một kì apply thành công.
Theo: Thanh X Nguyen