Vài năm đầu khi đi du học, ba mẹ sợ qua đây đồ đạc đắt đỏ, khó tìm nên nhét vào vali nào là quần áo, đồ ăn khô, chục cái underwear, v.v Vài năm gần đây về thăm nhà, mình nhận ra là giá cả ở Việt Nam bây giờ quá đắt mà chất lượng không đảm bảo, nên mọi người đừng mua quá nhiều để mang qua đây, không tiết kiệm được là mấy. Ở Mỹ cũng có những cửa hàng giá vừa phải để mua. Sau đây là một số gợi ý về quần áo, ăn uống, và nhiều thứ khác theo kinh nghiệm của mình. Mọi người thấy cái nào áp dụng được thì tự lựa chọn nhé.
Quần áo
Mình không bàn đến những ai tiền bạc rủng rỉnh hay fashionista có gout tốt. Chỉ những người bình thường như mình, ăn mặc tiết kiệm và yêu cầu chất lượng vừa phải, thì sau đây là một số nơi có thể shopping vừa túi tiền:
Marshall’s, TJ Maxx: Quần áo giá vừa phải, đủ loại theo túi tiền của từng người. Có thể tìm được đồ hiệu tốt mùa năm ngoái, đầm để đi làm, đi tiệc.
H&M, Forever 21: Có thể tìm đồ hợp mốt, trendy theo mùa mà không bị viêm màng túi. Tuy nhiên nên biết là chất lượng sẽ không cao lắm, đặc biệt là Forever21. Giặt giũ nên kĩ lưỡng tránh bị móc, xước, rách. Theo mình thì mặc chừng 1-2 năm là cao.
Uniqlo: Hãng khá tốt của Nhật, có các dòng hàng cơ bản mà không quá thời trang, nhưng quần áo cho các bạn nam thì khá đẹp và dễ mặc. Underwear, đồ ngủ, áo lót ấm mặc mùa đông mua ở đây khá tốt nhé. Uniqlo có dòng hàng Heat tech, giúp giữ ấm mùa đông rất hiệu quả khi mặc lót dưới áo hay cả quần nữa. Giá không phải là mềm lắm, nhưng có thể yên tâm về chất lượng và thỉnh thoảng có sale.
LOFT: Đắt hơn các hàng khác, nhưng chờ sales sẽ tìm được đồ tốt. Quần áo đi làm (business casual) của mình như quần dài, áo kiểu thường mua ở LOFT. Nên chờ khi cửa hàng có 30-40% sale hãy mua, vì các sales này khá thường xuyên. LOFT còn có dòng hàng petite, dành cho những người nhỏ con như mình, quần áo hay đầm đều ngắn hơn size bình thường phù hợp với người châu Á.
Macy’s, Lord & Taylor, Nordstrom: Những cửa hàng này gọi là department store, vì có rất nhiều nhãn hàng khác nhau mà bạn không phải đi đến từng shop để lựa. Các department store này vào cuối năm sẽ có sales, hoặc sau Giáng Sinh (vì mọi người chủ yếu mua quà trước Giáng Sinh, sau đó thì người ta phải bán cho lẹ để nhập hàng mới), và khoảng giữa năm. Những lúc sales giá khá tốt, có thể tìm được giày dép, quần áo mùa đông và nhiều thể loại khác. Lúc chưa sales thì mình hay đi ngắm, nhắm đôi giày nào đó rồi về nhà chờ vài tuần sales thì order online.
TÌM HIỂU NGAY KHÓA HỌC – CLICK HERE
Tips: Tuy Victoria’s Secret được quảng cáo rầm rộ, nhưng mình thấy là quá đắt (overpriced) và không hợp với người nhỏ con như mình. Underwear bạn có thể mua được ở nhiều nơi, panties ở Uniqlo không sexy nhưng dễ thương chất lượng. Bras thì mình mua từ Việt Nam ở Vera để dễ vừa người, còn không tìm thử các department store xem nhé.
Đi chợ & ăn uống
Một điểm mình cực thích là ăn uống ở Mỹ rất rẻ, so với thu nhập và mức sống. Không chỉ thức ăn mà các thứ thiết yếu khác cũng rẻ. Vì sao mình thấy thế? Phở ở Mỹ khoảng 8-10 đô một tô, tuỳ chỗ. Cứ cho là 10 đô (cộng thuế và tiền boa đi). Một người công nhân bình thường một tháng mang về nhà 1500-2000 đô sau thuế, mua được 150-200 tô phở. Còn phở Việt Nam 50,000 đồng, bao nhiêu người công nhân đi làm mua được 150-200 tô phở? Mà có mua được đi nữa thì giá phở Việt Nam so với thu nhập bằng giá phở ở Mỹ thì khá là vô lý, khi mình vẫn là nước đang phát triển, nguyên liệu đúng ra phải rẻ hơn?
Trong lựa chọn ăn uống, rẻ nhất có lẽ là tự đi chợ nấu ăn, ăn ngoài ở những quán bình thường, ở Chinatown giá cũng rất mềm. Còn khi lười bạn có thể order online nếu ở thành phố lớn, cũng không đắt. Nếu có người thân hay nhóm bạn có thể đi những chỗ bán sỉ như Costco hay BJ’s thì mua đồ rất rẻ. Những cửa hàng thực phẩm (grocery store) mà mình hay đi:
- Trader Joe’s: Mình là fan ruột của Trader Joe’s. Vì đã đi nhiều cửa hàng, so sánh giá, mình biết là ở đây giá bằng, hoặc rẻ hơn các grocery store khác. Lí do vì sao? Vì Trader Joe’s đa số trữ dòng hàng riêng của họ chứ không bán một chục nhãn hàng khác. Tuy sự lựa chọn ít hơn, nhưng chất lượng vẫn rất tốt và đáng tin tưởng, và giúp giá thành phẩm rẻ hơn nếu phải tranh giành giữa các hãng khác và quảng cáo.
- Wegman’s: Một số vùng có Wegman’s, giá hơi cao hơn Trader Joe’s và các cửa hàng thông thường khác, nhưng được cái có nhiều lựa chọn healthy, có hàng thức ăn nấu sẵn, và cửa hàng đẹp.
- Whole Food’s: Bạn mình hay đùa là whole paycheck (nguyên tháng lương) vì cửa hàng này khá đắt, phải nói là quá đắt ? 50 đô mình mua được một giỏ đầy ở Trader Joes thì có thể chỉ được nửa giỏ ở Whole Foods. Whole Foods nổi tiếng là bán thực phẩm hữu cơ (organic) và đủ loại các thứ ingredient khó tìm ở các nơi khác. Thỉnh thoảng thèm ăn cái gì khác chút cũng hay mò vào đây tìm, vì có quầy thức ăn nấu sẵn nữa.
- Ngoài ra, mỗi tiểu bang, vùng, thành phố đều có các grocery stores như là Shaw’s, Stop & Shops, Kroger’s, Hannaford, ShopRite, v.v giá cả ok. Mình chỉ thích Trader Joe’s hơn vì có nhiều món ăn rất là thú vị, đặc biệt là những món đông lạnh. Còn muốn tìm thức ăn châu Á, bạn nên mò đến các grocery stores ở Chinatown.
Khi lười hay không có thời gian thì làm sao? Order online! Hồi xưa ở Boston, đôi lúc mình cũng order qua GrubHub hay Foodler giao đến tận nhà. Có khá nhiều sự lựa chọn như pizza (mình thì không ham), đồ ăn Việt, Thái, hay Ấn, chỉ 1 tiếng là giao đến nhà. Đó là cách đây vài năm khi mình còn đi học, bây giờ thì các dịch vụ này có thể còn nhiều hơn nữa đấy!
Sau đây là một số món ở Trader Joe’s mình thích, nếu ở gần Trader Joe’s mọi người hãy thử xem thế nào.
Chúc mọi người có một cuộc sống mới ở Mỹ thật thú vị và thành công.
Source: Ngọc Bích, PharmD, RPh