Chào các bạn,
Bài viết hôm nay mình xin thảo luận về mức độ quan trọng của các thành phần trong bộ hồ sơ săn học bổng Tiến sĩ (PhD) để mọi người có thể tham khảo và thảo luận để đưa ra các nhìn tổng quan và chính xác nhất về bộ hồ sơ xin học bổng PhD. Bài viết nhằm mục đích giúp các bạn sinh viên đang có dự định xin học bổng PhD hiểu được mức độ quan trọng của các thành phần trong hồ sơ nhằm có sự chuẩn bị (hay đặt mục tiêu cải thiện hồ sơ) một cách tốt nhất, tránh tập trung vào các phần có mức độ quan trọng thấp hơn. Hy vọng các anh chị em đi trước đóng góp thêm ý kiến để mọi người có cái nhìn khách quan hơn.
Tỉ lệ phân bố (%) mức độ quan trọng của 1 bộ hồ sơ săn học bổng (CV, thư giới thiệu, research statement/proposal, transcripts) ứng viên PhD thực ra không có một tiêu chuẩn nhất định nào. Sự phân bố này sẽ khác nhau với các nước khác nhau, các trường khác nhau, các loại học bổng, và các ngành khác nhau.
Đặc biệt là các học bổng chính phủ cho riêng sinh viên các nước thì thường dựa vào nhiều yếu tố ưu tiên khác nhau như đóng góp của sinh viên cho đất nước mà ứng viên làm việc, thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, đóng góp cho cộng đồng,… tuy nhiên ở đây mình chỉ tập trung vào merit-based scholarship của các trường và các giáo sư, những học bổng chủ yếu dựa vào thành tích học tập và nghiên cứu của ứng viên.
Theo kinh nghiệm tự xin học bổng merit-based của bản thân thì mình đánh giá mức độ quan trọng của các thành phần trong bộ hồ sơ săn học bổng như sau:
– Publications/research competence (40%): ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên quốc tế để làm tăng sự đa dạng trong nghiên cứu của trường, các học bổng merit-based được cấp với mục đích chính là thu hút nhân tài từ các nước khác để phục vụ công tác nghiên cứu của trường hay nước đó. Nên thường hội đồng sẽ tìm kiếm các ứng viên tiềm năng có khả năng nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm khoa học tốt (được đánh giá bằng các công trình công bố khoa học hay các patents). Chính vì vậy theo mình publications là một yếu tố rất quan trọng trong hồ sơ xin học bổng. Publications (ở đây mình chủ yếu nói đến journal articles) là những sản phẩm khoa học cuối cùng của một nghiên cứu và đã được một nhóm các chuyên gia trong ngành đánh giá và cho đăng. Những bài báo này là minh chứng rõ ràng nhất về thành quả trong nghiên cứu và khả năng nghiên cứu của ứng viên. Học bổng cho PhD đa phần từ các nguồn funding dành cho nghiên cứu nên khả năng và kinh nghiệm nghiên của của ứng viên vẫn là tiêu chí quan trọng nhất.
– Bachelor and MSc transcripts (20%): bảng điểm cũng là một yếu tốt rất quan trọng vì nó thể hiện khả năng của ứng viên đạt kết quả cao trong học tập ở nhiều môn hay lĩnh vực khác nhau trong thời gian dài. Nó thể hiện liệu ứng viên có giỏi ở nhiều lĩnh vực khác hay không, hay ứng viên có được trang bị các kỹ năng cần thiết cho chương trình PhD hay không. Ở Canada, bảng điểm đại học và thạc sĩ rất được coi trọng trong việc đánh giá hồ sơ, nhiều trường tốp đầu của Canada (như Unviersity of Toronto và University of British Columbia nơi mình từng nộp học bổng PhD) yêu bảng điểm đại học và thạc sĩ (hoặc ít nhất là bảng điểm năm cuối) của bạn phải trên 90% mới được chọn vào danh sách xét học bổng. Tuy nhiên điều này cũng còn tùy thuộc vào từng khoa và ngành học. Ở Canada thông thường khi nộp hồ sơ xin PhD thì ngoài việc submit bảng điểm trên hệ thống nôp hồ sơ online, ứng viên phải nộp một bản hardcopy công chứng (cho trong phong bì có dấu niêm phong của trường) heo đường bưu điện. Ở Úc thì chỉ cần bản mềm submit lên hệ thống online là được.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về bức tranh học bổng Tiến sĩ muôn màu qua Ebook này nhé (Hành trình săn học bổng Tiến sĩ)
– Recommendation letters (15%): thư giới thiệu cũng rất quan trọng trong bộ hồ sơ vì nó thể hiện một cách chân thực nhất khả năng, tinh thần, thái độ làm việc của ứng viên với những người từng làm việc với ứng viên. Thông thường mỗi bộ hồ sơ xin học bổng PhD sẽ cần 3 thư giới thiệu giáo sư. Ở Úc và Canada ứng viên sẽ xin contact của các giáo sư và điền vào form khi nộp học bổng, hệ thống online sẽ gửi email trực tiếp cho các giáo và yêu cầu điền và gửi thư giới thiêu trực tiếp cho trường mà không cho sinh viên biết chi tiết. Có nhiều nước sinh viên có thể xin thư giới thiệu viết sẵn rồi nộp kèm với bộ hồ sơ. Lưu ý, người giới thiệu ở đây thông thường chỉ cần có bằng tiến sĩ và điều quan trọng nhất là người đó phải có thời gian làm việc trực tiếp hay hợp tác với sinh viên đủ lâu để hiểu về trình độ và tính cách của sinh viên đó, không quan trọng người đó làm quan to hay nhỏ. Sinh viên ở Việt Nam thường có cái hiểu sai (bao gồm cả mình khi mình bắt đâu xin học bổng MSc từ Việt Nam ?) rằng người giới thiệu càng làm chức to thì càng tốt nên mọi người hay xin thư giới thiệu của hiệu trưởng, trưởng khoa, hay những người làm chức tước trong trường hay cơ quan.
– CV (10%):CV là bản tổng hộp đầy đủ nhất về quá trình học tập, nghiên cứu, cũng như công tác của ứng viên. CV là cơ hội để ứng viên show hết những gì mình có cho hội đồng, cũng là nơi để họ đánh giá tổng thể và các kỹ năng của ứng viên.
– Research proposal (10%): mình không đánh giá quá cao research proposal vì nó chủ yếu để Giáo sư đánh giá xem ý tưởng của ứng viên thế nào, kiến thức nền của của ứng viên ra sao, tiếng anh và kỹ năng viết học thuật thế nào chứ đôi khi nó không quá quan trọng trong việc xét học bổng. Thông thường sau khi vào học PhD 1 đến 2 năm thì sinh viên phải viết và bảo vệ research proposal chính thức, thường là khác rất nhiều (đôi khi không liên quan, ví dụ như trường hợp của mình, sau 1 năm đầu proposal của mình khác đến 90% cái mình viết khi nộp hồ sơ) so với proposal viết lúc nộp hồ sơ.
– Others (5%): các yếu tố khác thường bao gồm tính cách, sự cẩn thận, tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự tự tin, kiên định, khả năng giao tiếp, và các kỹ năng mềm khác của sinh viên được hội đồng đánh giá thông qua cách chuẩn bị hồ sơ của ứng viên và thông qua phỏng vấn.
Các yếu tố kể trên là những yếu tố cốt yếu quyết định sự thành công của một bộ hồ sơ xin học bổng Tiến sĩ (PhD). Ngoài ra các bạn cũng cần lưu ý, để so sánh các sinh viên thì ngoài các yếu tốt trên, hội đồng cũng sẽ đánh giá về cách chuẩn bị hồ sơ của ứng viên. Thông qua chuẩn bị hồ sơ hội đồng có thể biết được tính cách, sự khoa học, tinh thần trách nhiệm của ứng viên trong công việc.
Ứng viên có CV tốt hơn một chút nhưng chuẩn bị hồ sơ cẩu thả, không khoa học, sai hay nhầm nhiều lỗi cơ bản thì có thể hội đồng sẽ không chọn mà chọn ứng viên CV kém hơn một chút nhưng bộ hồ sơ chi tiết, đầy đủ, khoa học, và chính xác hơn.
Ngoài ra, thông qua phỏng vấn hội đồng cũng sẽ đánh giá được khả năng ngoại ngữ, độ tự tin, tính cách và khả năng của ứng viên đó.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có được những thông tin bổ ích cho việc lên kế hoạch chuẩn bị cho bộ hồ sơ săn học bổng của mình. Như mình đã nói ở trên, các tiêu chí và sự phân bố này sẽ khác nhau với các nước, các trường hay các loại học bổng khác nhau, do đó sự phân bố trên chỉ để tham khảo, có thể không đúng trong tất cả các trường hợp.
Chúc mọi người một ngày làm việc hiệu quả.
Thân mến,
Theo Đào Đức Phương
Chân thành cảm ơn Đào Đức Phương đã chia sẻ cùng cộng đồng một bài viết hữu ích và rất thực tế.
- CÁC BẠN MUỐN NHỜ MENTOR HỖ TRỢ BÀI LUẬN SĂN HỌC BỔNG, VUI LÒNG FILL FORM NÀY (CLICK HERE) HOẶC CONTACT TRỰC TIẾP CHỊ HOÀI QUA INBOX & EMAIL NHÉ!
- Tham khảo thêm về cách xây dựng 1 profile du học mạnh.