Thời còn học đại học ở Việt Nam tôi rất ít lên thư viện vì khó có thể tập trung cao độ, học tập hiệu quả khi bên cạnh mình cứ có tiếng nói cười rì rầm, rục rịch người đi qua người đi lại. Thêm nữa còn phải kể đến việc đi sớm giành chỗ rất khổ cực. 5 năm đại học tôi hầu như chỉ biết mò lên thư viện mỗi đầu và cuối kỳ để mượn và trả giáo trình cũng như thi thoảng tập hợp làm bài tập nhóm, còn lại toàn tự học ở nhà. Thế nhưng từ khi đi du học thì thói quen học tập của tôi đã thay đổi. Thư viện nước bạn xịn quá, thông minh quá khiến tôi năng lên đây hơn, nhờ đó việc học tập đã trở nên thú vị hơn, mà nói đúng ra là bớt nhàm chán hơn rất nhiều.
Năm 2011 tôi đặt chân tới thành phố Dresden, Đức theo học thạc sỹ tại trường đại học kỹ thuật danh tiếng hàng đầu nước Đức TU Dresden. Thư viện của trường cũng đồng thời là thư viện của bang Saxony (Sächsische Landesbibliothek – Staats- und Universitätsbibliothek Dresden, viết tắt là SLUB) nên đây là nơi học tập, nghiên cứu không chỉ của giáo sư, sinh viên TU Dresden (và một số trường nhỏ khác) mà còn của rất nhiều người dân trong toàn bang. Thư viện có một tầng hầm và ba tầng nổi, thiết kế đơn giản mà rất đẹp, không gian sắp xếp hài hòa với hàng trăm chỗ ngồi, hàng vạn đầu sách đủ các thể loại khoa học, chính trị, văn hóa, xã hội… phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người. SLUB có một vài khu vực yên tĩnh (silent study area) không được nói chuyện hoặc ăn uống (trừ nước lọc) nên ai vào đây cũng đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, thấy điện thoại rung thì lẳng lặng bước ra ngoài, có tranh thủ nghỉ ngơi ăn cái bánh, gặm quả táo cũng ý tứ mang ra hành lang để không làm mấy thằng ngồi cạnh chảy nước miếng… tạo nên không gian rất trật tự và văn minh. Tôi rất thích ngồi trong khu vực này để tự học hoặc tham khảo tài liệu. Ngoài tài liệu chuyên môn tôi thường đọc thêm sách văn hóa, lịch sử và địa lý. Rất nhiều thông tin trong các bài viết du lịch trên Những Ngày Ở Châu Âu đã được tham khảo từ các cuốn sách du lịch trong thư viện bang Saxony.
Vào mùa thi thư viện mở cửa 24/7. Thường thường bước vào đây sau 9h tối chỉ thấy toàn những khuôn mặt sinh viên mệt mỏi, cắm mặt vào máy tính, vào giáo trình, vào sách vở, vào bút thước, đứa nào đứa nấy trong đầu cũng ngẫm nghĩ vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi, ơ hò, ớ hò. Khi nào cảm thấy nhét chữ vào đầu không nổi thì đứng dậy vươn vai, ra máy tự động mua thanh kẹo và ly cà phê nhâm nhi, tiện thể chém gió dăm ba câu chuyện với mấy đứa cũng đang đổ giọt mồ hôi như mình, rồi vài phút sau quay trở lại bàn học tiếp tục cắm đầu cắm cổ học, học nữa, học mãi cho tới hết đợt thi. Sinh viên ở đâu cũng thế, cứ nước đến chân mới nhảy, mà thường nhảy cao và nhanh hơn bình thường.
Công nghệ thông tin được áp dụng rất hiệu quả trong việc quản lý thư viện. Khi muốn tham khảo tài liệu nào đó, người dùng chỉ cần lên trang web chính thức, đăng nhập tài khoản và tìm kiếm. Như vậy chỉ cần vài thao tác đơn giản là một bài báo khoa học hay một cuốn sách điện tử đã có thể tải miễn phí. Còn sách giấy đăng ký mượn qua mạng ngày hôm trước thì buổi sáng ngày hôm sau đã nằm gọn ghẽ ở quầy lễ tân thư viện chờ được mang về. Trong trường hợp sách đã có người khác mượn trước thì mình có thể đăng ký “xếp gạch” và đợi tới lượt trong khoảng vài tuần. Khi nào đọc xong thì đem đến thư viện trả ở máy quét tự động, từa tựa như máy quét hàng hóa ở siêu thị nên rất tiện lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân công.
Tuyệt vời hơn là các thư viện thường liên kết hệ thống với nhau nên nếu cuốn sách không có ở SLUB mà có ở thư viện khác thì người dùng có thể đăng ký mượn và trả phí vận chuyển rất rẻ. Ở Đức là như thế mà ở vương quốc Anh nơi tôi đang học tập cũng không kém phần long trọng. Hệ thống mượn sách liên thư viện ở vương quốc Anh có tên là Interlibrary Loan (ILL) hoạt động rất hiệu quả. Bản thân tôi đã mượn được rất nhiều cuốn sách hay từ các trường đại học ở Leeds, Newcastle, London… hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt hơn nữa là những người làm nghiên cứu mỗi năm được quyền mượn 5 tài liệu thuộc dạng hiếm có khó tìm không được phát hành rộng rãi. Ví dụ như hai tháng trước đây tôi đã mượn một cuốn luận án tiến sỹ phát hành nội bộ từ trường đại học Luleå, Thụy Điển. Toàn bộ chi phí mượn sách cũng như vận chuyển từ Thụy Điển về Scotland được tài trợ 100%. Có thể nói sinh viên được thư viện nói riêng và nhà nước nói chung giúp đỡ, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để học tập, nghiên cứu, tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo. Vậy nên anh nào học dốt thì phải tự xem lại mình, không có lý do gì để đổ thừa cho trường lớp.
Trí tuệ nhân loại từ ngàn năm trước đã được in lên những cuốn sách. Vậy nên muốn mở mang hiểu biết, khám phá thế giới thì chúng ta phải luyện thói quen đọc sách, phải biết đường mò tới thư viện. Bạn có biết nhà bác học Albert Einstein đã từng nói: “The only thing that you absolutely have to know, is the location of the library”.
Edinburgh, tháng 8/2015.
Theo: https://nhungngayochauau.wordpress.com