Page Contents
Hôm nay team Nguồn Học Bổng xin recap lại phần chia sẻ của bạn Hoàng Bảo Long (sẽ theo học tại Johns Hopkins University) về những vấn đề liên quan đến phần viết Hồ sơ và phỏng vấn học bổng Fulbright.
Phần recap này được thực hiện sau khi nghe webinar “Chinh phục Học bổng Thạc sỹ Fulbright ngành sức khỏe – y tế” do ĐSQ Mỹ tổ chức. Qua đó giúp chúng ta hiểu học bổng Fulbright kỹ lưỡng hơn và tự tin hơn khi Apply.
Các giá trị cốt lõi để hiểu học bổng Fulbright
Để có cơ hội đi học tại Mỹ với chương trình học bổng toàn phần Fulbright tại Mỹ, chúng ta sẽ nên chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn như vầy :
- Với phần chuẩn bị hồ sơ học bổng FulBright (và nhiều loại học bổng khác nữa) thì chúng ta nên bắt đầu bằng các việc như
- Tìm hiểu học bổng Fulbright 1 cách kỹ lưỡng nhất;
- Mục đích của học bổng;
- Điều kiện xét tuyển;
- Ứng viên như thế nào là phù hợp;
- Tra cứu và đặt câu hỏi về các nguồn thông tin như :
- Trang web chính thức;
- Sự kiện về học bổng (Info Session), ví dụ như các livestream – offline, hội thảo về học bổng ấy;
- Liên hệ trực tiếp với người đã giành học bổng (các alumni) để có các thông tin cụ thể chi tiết hơn nữa;
- Sau đó hãy chuẩn bị hồ sơ với tinh thần nghiêm túc nhất có thể, bao gồm :
- Đầy đủ và đúng với yêu cầu. Nhất là với Fulbright thì các bạn có thể nộp qua trang web, nơi đây các bạn sẽ được hướng dẫn rất chi tiết liên quan đến quy trình nộp hồ sơ kèm các yêu cầu, bạn phải nhớ theo sát và làm đúng, làm đủ nhé
- Bạn cần nắm thật rõ cách thức xây dựng câu chuyện về bản thân ra sao để đạt được sự trung thực, rõ ràng, mạch lạc mà lại thuyết phục nhất có thể
Ngoài ra, nếu tìm hiểu học bổng Fulbright kỹ hơn thì chúng ta còn biết đây không chỉ là 1 chương trình về học thuật mà còn là nơi tăng sự hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa nữa, do đó các giá trị cốt lõi của học bổng này chính là :
- Đại sứ văn hóa, tức là khi tham gia và thành 1 Fulbrighter bạn sẽ có 2 vai trò :
- Đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người Mỹ
- Và Đưa nước Mỹ đến gần với người Việt hơn sau khi bạn về nước
- Phục vụ cộng đồng, một người tham gia Fulbright cần phải có tinh thần này và luôn đặt những câu hỏi như :
- Đã làm gì cho cộng đồng? Muốn làm gì cho cộng đồng ?
- Sau khi về nước bạn sẽ tiếp tục cống hiến gì thêm nữa cho cộng đồng ? (Pay it forward)
- Leadership : đây không phải là cụm từ nói nói về việc bạn phải là sếp hay lãnh đạo gì cả, đây là giá trị cốt lõi của fulbright đề cao đến sự tiên phong cống hiến hết mình của bạn để tạo ra những thay đổi sâu sắc và giúp cộng đồng phát triển bền vững hơn.
- Tiềm năng phát triển : nếu bạn thể hiện mình quá xuất sắc thì có thể bạn sẽ không là mục tiêu được lựa chọn của chương trình này. FulBright thật sự cần những người biết nhìn ra ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, biết phấn đấu vươn lên, nhờ vậy bạn sẽ là 1 một người “có tiềm năng phát triển” khi nhận học bổng.
Hồ sơ học bổng cần lưu ý gì ?
Tiếp đến Long xin đề cập về hồ sơ học bổng. Nói chung chúng ta sẽ phải thực hiện :
- 02 bài Essay là : Personal Statement (PS) và Study objectives (SO)
- 03 letters of recommendation (LoR) : lưu ý quan trọng là người viết thư giới thiệu cho bạn phải tự gửi cho FulBright chứ không phải bạn tự thực hiện.
- Vì vậy bạn phải làm 2 việc ở bước này là, trước hết nhờ người ta viết thư giới thiệu cho bạn rồi lại nhờ tiếp chính người ấy gửi thư kia cho chương trình FulBright;
- Cập nhật điểm thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS);
- Cập nhật CV, bằng tốt nghiệp, bảng điểm (đại học, v..v..);
- Những điều cần bổ sung khác thì bạn nên xem thêm ở link này nhé (click here);
Nếu các bạn cần Mentor 1 kèm 1 để hiểu học bổng Fulbright và support apply, mời các bạn đăng kí nghen (click here)
Sau đây mình sẽ đi sâu vào vấn đề là nên viết 2 bài luận nộp học bổng Fulbright như thế nào sẽ gây ấn tượng tốt với giám khảo? Bên dưới sẽ là các gợi ý để các bạn tự suy nghĩ kỹ lưỡng nhất nhé .
Bài luận không chỉ là tự giới thiệu
Với kinh nghiệm đã trải qua thì mình có thể tạm đóng gói rằng Bài Luận là 1 bức tranh chân thực chỉ riêng bạn mới có thể vẽ về chính con người của bạn .
Trong bài luận ấy bạn cần phải kể một câu chuyện trung thực, rõ ràng, mạch lạc dễ hiểu và phải thuyết phục theo trình tự thời gian một cách logic nhất.
- Với Personal Statement (PS) : bạn sẽ phải kể bạn đã làm gì, đang làm gì, vì sao phải đi học ????
- Với Study objectives (SO) : Bạn dự định học gì, tại sao lại chọn học như thế, và sau đó về Việt Nam bạn sẽ làm điều gì ?
Và cần phải nhấn mạnh rằng, các bạn nên hình thành ý tưởng rất sớm, bắt đầu viết từ sớm thì mới chất lượng và có chiều sâu. Cần viết bản thảo ngay từ đầu để liên tục sắp xếp, cắt gọt chỉnh sửa các chi tiết dài dòng, lan man, vụn vặt rồi dần hình thành 1 cái khung và tạo thành bản đồ khung cho cả dự án.
Ngoài ra bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ liên quan đến : chỉnh sửa ngôn từ, cách diễn đạt, cho ý kiến về nội dung, mạch truyện … Chứ tuyệt nhiên không nên nhờ người khác viết hộ hoặc vay mượn câu chuyện của họ. Vì sao câu chuyện nên là của chính mình (Be yourself) ? Bởi vì 2 lẽ:
- Khi bạn thể hiện câu chuyện của người khác thì nó sẽ rất dễ bị thiếu nhất quán, không thuyết phục.
- Trong khi là câu chuyện của chính bản thân nếu biết cách kể thì bao giờ cũng sẽ độc đáo, tạo sự khác biệt.
Để kể một câu chuyện đạt được sự nhất quán thì bạn phải đảm bảo một nội dung cốt lõi (thông điệp) được xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Cùng với việc nên chắt lọc kỹ lưỡng các chi tiết đắt giá để đưa vào câu chuyện.
Không những vậy, câu chuyện còn cần phải viết 1 cách ấn tượng như 1 bộ phim, tức là biết cách mở đầu, cách dẫn dắt và đẩy câu chuyện lên cao trào ra sao để khiến người đọc ấn tượng và để lại dấu ấn cá nhân của bạn sau khi đọc.
Mình rất không khuyến khích các bạn viết ấn tượng gây phản cảm theo cách đao to búa lớn, lên gân về các tư tưởng trong câu chuyện nhé.
Hơn nữa bạn có thể tăng thêm tính đa dạng, độc đáo của cá nhân trong bài luận bằng cách đưa vào các chi tiết hợp tình hợp lý để dẫn chứng mạnh hơn cho thông điệp.
Thư giới thiệu là 1 mảnh ghép không thể xem nhẹ
Câu chuyện tiếp theo liên quan đến Thư giới thiệu, đây là miếng ghép bổ sung quan trọng cho bài luận về hình ảnh của bạn, vì vậy bạn cần phải lưu tâm những vấn đề sau :
- Nên chọn người giới thiệu có liên quan tới câu chuyện trong Essay, những người mà đã cùng đồng hành với bạn trong học tập, trong làm việc.
- Họ có những kỷ niệm chung với bạn để chia sẻ và được cụ thể hóa vào câu chuyện của bài luận để tăng thêm tính thuyết phục, tính đa dạng, đặc sắc.
- Nên chọn người giới thiệu ở nhiều góc độ khác nhau ,
- vd : họ xuất hiện trong nhiều giai đoạn khác nhau cuộc đời bạn, nhờ đó mà thấy rõ được sự trưởng thành qua thời gian của bạn .
- Vd : những người giới thiệu xuất hiện ở các khía cạnh, vai trò, địa vị khác nhau trong cuộc sống như Lãnh đạo, nhân viên, đồng nghiệp, đối tác… giúp bạn thể hiện được nhiều phương diện của cá nhân như (năng lực chuyên môn, quản lý, lãnh đạo, khả năng ứng xử, tâm huyết vì cộng đồng)
- Có bạn hỏi những câu như sau :
- Có nên trao đổi với người giới thiệu về nội dung thư hay không ?
- Có nên trình bày câu chuyện, chia sẻ nguyện vọng với người giới thiệu không ?
- Có nên tự mình xem lại và chỉnh sửa nội dung thư giới thiệu hay không ? Ở đây Long xin phép không đưa ra khuyến cáo gì cho vấn đề này, bạn phải tự quyết định nhé.
Tham gia phỏng vấn nên thoải mái hết cỡ nhé
Sau phần Hồ Sơ học bổng Long xin chia sẻ tiếp về phần Phỏng Vấn và việc nên chuẩn bị rồi trả lời phỏng vấn như thế nào để đạt kết quả tốt ?
Cần phải hiểu là 95% bản thân bạn đã được thể hiện trong Essay và thư giới thiệu rồi. Phỏng vấn chiếm 5% còn lại và chính là khoảnh khắc hoàn thiện bức tranh về bản thân bằng việc thể hiện cả điểm yếu và điểm mạnh.
Bạn có 1 tháng để chuẩn bị phỏng vấn và trong thời gian này có rất nhiều bạn thắc mắc là có nên tìm kiếm các câu hỏi trên mạng không ?
Ngay cả những người hiểu học bổng Fulbright và apply thành công thì mình thấy có những người làm việc này và cũng có những người không . Tuy nhiên nếu đã tìm kiếm thì bạn đừng nên chỉ chăm chăm tìm cách trả lời các câu hỏi ấy.
Cái cần thiết là bạn biết cách phân loại các câu hỏi ấy ra, phân tích xem nó thuộc về chủ đề nào, sau đó mới hình dung nó và trả lời thử, nên nhớ là không cần học thuộc mấy câu tìm kiếm trên mạng ấy nhé.
Có nên phỏng vấn thử (mock interview) ở nhà không ? Chắc chắn là rất nên rồi nhé, vì nó giúp làm rõ hơn các ý tưởng còn mơ hồ trong suy nghĩ của bạn. Nên chuẩn bị trước 1 số câu hỏi phổ biến và tập dần để thích nghi.
Thêm nữa là bạn rất nên chú trọng tìm người tham gia phỏng vấn thử với bạn, họ cần phải là người hiểu rõ bạn, tôn trọng cá tính của bạn. Trong đợt mình đăng ký học bổng, mình đã mời 2 người bạn từng học ở Harvard và FulBrighter có sự nhanh nhạy trong ý tưởng để tham gia thử phỏng vấn mình.
Họ đã giúp mình làm sáng tỏ các vấn đề còn bối rối, khúc mắc và giúp mình hoàn thiện, tự tin hơn trước khi chính thức phỏng vấn. Cho dù thế nào thì lời khuyên vẫn xoáy vào việc bạn nên là chính mình.
Khi gần đến ngày phỏng vấn, bạn nên nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng, không nên ôn bài gì nữa cả, thong thả chuẩn bị trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng để tăng thêm sự tự tin.
Khi bước vào phòng phỏng vấn, nên nhớ vui vẻ chào hỏi thoải mái với các giám khảo. Lưu ý là nội dung của buổi phỏng vấn sẽ mang tính Adaptive dựa trên hồ sơ và chính câu trả lời của bạn, nên sẽ không có chuyện bạn dàn dựng ra 1 kịch bản để dẫn dắt hoặc bẫy giám khảo đâu nhé.
Vì vậy bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi dựa trên kiến thức, kinh nghiệm lẫn cá tính của bản thân bạn đấy. Và có nhiều bạn sợ hãi rằng có những câu không thể ngay lập tức trả lời được thì phải làm sao ?
Mình khuyên là bạn cứ thành thật nói “I don’t know” và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm của bản thân nhé.
Sau khi kết thúc phỏng vấn hãy vui vẻ cảm ơn, bắt tay chào tạm biệt mọi người trong phòng, đừng làm bộ mặt chán đời hay thất bại gì nhé.
Hãy tự tin apply cho Fulbright nhé
Tổng kết lại là nếu bạn hỏi rằng điều gì làm nên thành công trong việc lấy học bổng Fulbright thì Long cũng chỉ biết thú thật là bản thân cũng không biết đâu nha.
Nhưng chúng ta có thể tăng cơ hội của bản thân bằng cách chuẩn bị thật kỹ lưỡng và trung thực :
- Tìm hiểu học bổng Fulbright sâu sắc và chính bản thân bạn.
- Có kế hoạch rõ ràng chi tiết về việc : Đi học để làm gì ?
- Dành thời gian để hiểu rõ câu chuyện sẽ viết trong bài luận
- Tôn trọng cá tính của bản thân và hiểu rõ “Tôi đặc biệt ở chỗ nào” không phải là 1 khuôn mẫu định dạng nào đó mà ta bắt gặp trong đời.
Vậy nhé, các bạn hãy đọc kỹ bài chia sẻ này và mạnh dạn nộp hồ sơ học bổng Fulbright để có cơ hội MIỄN PHÍ đến nước Mỹ nhé.
Chân thành cảm ơn Đại sứ quán Mỹ đã tổ chức serie webinar rất hữu ích cho công đồng hiểu học bổng Fulbright hơn.