Gần đây có mấy bạn đang trong công cuộc apply học bổng hoặc sắp sửa thi IELTS có nhờ mình sửa hộ bài Statement of purposes (SOP) hoặc là bài writing của các bạn, mình tranh thủ lúc rỗi thì bỏ ra đọc để comment, đọc riết thì nhận thấy cách viết luận của các bạn ý (nói riêng) có một số vấn đề ảnh hưởng từ lối viết văn tiếng Việt, nên mình tổng hợp lại để mọi người đọc tham khảo, và có gì thì rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Bài viết này chỉ nêu ra mấy điểm khác biệt để so sánh, không nói tới ngữ pháp với từ vựng — hai vấn đề này thì mời các bác đi học một lớp Viết nghiêm túc để học và sửa.
Thứ nhất: Viết văn tiếng Việt thường chuộng dài vs. Viết luận tiếng Anh thường chuộng cô đọng.
Dài ở viết Văn phổ thông có nghĩa là: càng dài càng tốt. Đi thi viết tới tờ giấy thứ 2 là yên tâm mà đến tờ giấy thứ 3 là thôi về ngủ kỹ lắm rồi. Hồi xưa mình nhớ học cấp 3, thầy giáo dạy Văn còn nhận xét học sinh với một tiêu chí là “Sức viết”: tức là xem ông học sinh này viết được dài hay không, và có liên tục viết được dài hay không. Vầng, thỉnh thoảng mình bị nhận xét là: “Sức viết không đều” – Quả là khiếp, thế là bài sau lại phải cố cố cố cho thật dài ra. Viết đến độ đã muốn kết luận rồi, lại quành ngược lại nói dăm câu ba điều, lại kết luận, đến cuối bài, vẫn bị cô gạch băng một đường đỏ choét ở trên phần giấy thừa. Mang lên hỏi là em thiếu cái gì, cô gạch đỏ này nghĩa là sao, cô bào: À, em chưa có kết luận.
Mang tư tưởng đó sang viết luận tiếng Anh là không ổn.
Thông thường cách bài luận sẽ có giới hạn số từ: 250 từ, 500 từ, 1000 từ, 3000 từ, hay một bài báo khoa học có thể có 10-12,000 từ. Nghe thì nhiều thế thôi nhưng thường thường khi viết các bạn sẽ thấy, các bạn viết vèo một phát hết 500 từ, chưa nói được ý tứ gì ra hồn. Quan điểm của bọn Tây đó là: Cô đọng và chính xác.
Một thầy Tây đã từng nói với mình: “Hai đứa chúng mày viết cùng một ý, thằng kia nó viết 10 từ là xong, mày phải dùng tới 20 từ, thế là mày kém nó rồi.” Vầng, đấy là chưa kể việc thằng kia nó có nhiều ý hơn, hay hơn, thuyết phục hơn mình và nó trình bày mạch lạc hơn mình.
Bạn cứ tưởng tượng mình là người đọc, đọc một đoạn văn ngắn ngắn chừng 500 từ (là hơn 1 mặt giấy A4 một tí), một bên là đọc từ đầu đến cuối chả hiểu nó viết gì, một bên là bài viết có mở bài, thân bài, kết bài, ý tứ rõ ràng, trình bày như slideshow, thì bài viết nào mình thích đọc hơn, và nhớ lâu hơn?
Thứ hai: Viết văn tiếng Việt thường nói vòng vs. Viết luận tiếng Anh phải nói thẳng
Cái ý này nó là phát sinh của ý trước. Vì viết văn cần dài, cho nên mới cần nói vòng. Hồi xưa mình nhớ, cô giáo văn cấp 3 nói là: “Phân tích Kiều thì không bao giờ được mở bài bằng Kiều.” Vầng, phải đi từ Chinh phụ ngâm, vòng sang Hồ Xuân Hương, quẹo qua Đoàn Thị Điểm, rẽ ở Bà Huyện Thanh Quan rồi mới đi được tới Lầu Ngưng Bích. Nói thật, đi qua vài ngã rẽ thì cũng mỏi hết cả tay, hết nửa canh giờ rồi.
Nhiều em sinh viên của mình cũng cứ viết luận kiểu đấy. Nói về giao thông thì lại bàn về xe tải, rồi đến công nghệ bán dẫn trước khi mở bài vào giao thông. Cái gì cũng cứ phải bắt đầu từ trên thế giới ra sao, tình hình quốc tế thế nào rồi mới soi vào Việt Nam (mặc dù đề bài chẳng hề đề cập tới vị trí địa lý của vấn đề được bàn). Xin thưa, khi các bạn viết luận Tiếng Anh, làm ơn trả lời thẳng vào câu hỏi, không cần vòng vo Tam quốc làm gì, vì vòng vo xong, chưa trả lời được câu hỏi đã hết giờ, hết từ rồi. Hỏi Kiều thì bảo Kiều xinh vì: mắt dao cau, mũi dọc dừa. Hỏi làm sao để tránh ùn tắc giao thông thì bảo: thích phóng xe nhanh thì ra đường vào 5h sáng. Đấy, một phát xong.
Thứ ba: Viết văn tiếng Việt có thể trích dẫn không rõ ràng vs. Viết luận tiếng Anh mà trích không rõ là bị tội “đạo văn”.
Cái này là nghiêm trọng, bởi vì từ “đạo văn” (Plagiarism) trong tiếng Anh hay Việt đều có nghĩa tiêu cực, cơ mà các thầy cô dạy văn không bắt lỗi này chặt chẽ như mấy ông bà giám khảo học bổng hay IELTS. (Mấy ông bà này có những phần mềm đề kiểm tra mức độ đạo văn của các bạn là bao nhiêu %, ví dụ như Turnitin).
Khi các bạn viết văn, thường hay cứ nói thế này: “Một ai đó đã nói rằng”; “Một tác giả đã viết”. Vầng, nếu bạn viết một cách nghiêm túc, hãy google
, tìm ra “ai đó” là ai, tên đầy đủ là gì, nói ở đâu, trong hoàn cảnh nào, vào năm nào; tìm ra “tác giả” đó là ai, tên đầy đủ là gì, viết ở đâu, xuất bản năm nào, do nhà xuất bản nào ấn hành; tìm ra những câu nói ấy là nguyên tác, hay là có điều chỉnh, hay là đã dịch rồi, “ai đó” và “tác giả” đó nói/ viết chính xác từng từ từng dấu phẩy như thế nào.
, tìm ra “ai đó” là ai, tên đầy đủ là gì, nói ở đâu, trong hoàn cảnh nào, vào năm nào; tìm ra “tác giả” đó là ai, tên đầy đủ là gì, viết ở đâu, xuất bản năm nào, do nhà xuất bản nào ấn hành; tìm ra những câu nói ấy là nguyên tác, hay là có điều chỉnh, hay là đã dịch rồi, “ai đó” và “tác giả” đó nói/ viết chính xác từng từ từng dấu phẩy như thế nào.
Mình chỉ muốn đập đầu vào tường khi chữa bài của các em sinh viên viết: “Someone says that”, lại còn ác hơn có đứa nó viết: “Research shows that” “Statistics reveals that”.
Ngữ pháp thì không hề sai, nhưng nếu mà viết như vậy để nộp tới một cuộc thi uy tín thì lĩnh đủ. (Đoạn này hơi lạc đề một tí, nhưng về mấy môn Khoa học Mác-Lê của mình chẳng hạn, cứ cái kiểu “ai đó nói rằng”, tới bây giờ đố các ông tìm ra được xem ông Mác nói câu gì, câu nào là của ông Ăng-ghen, câu nào của ông Lê-nin, của ông Hồ, mà câu nào là của những tác giả vỉa hè, cứ viết khơi khơi “ai đó đã nói” rồi tương vào sách in. Nhưng đây là vấn đề khác, gượm hẵng bàn ở đây).
Thôi thì tới đây mình xin kết luận. Bài viết có 3 ý rõ ràng bôi đậm trên kia, so sánh cách viết văn tiếng Việt và cách viết luận tiếng Anh về các tiêu chí: độ dài ngắn, độ súc tích và cách trích dẫn. Nhắc lại một lần nữa là cách dùng từ đặt câu, ngữ pháp là điểm cốt lõi với kỹ năng Viết thì mời các bạn đi học một khoá Viết đầy đủ đề được hướng dẫn chi tiết, còn bài viết này chỉ đưa ra vài luận điểm để mọi người lưu ý mỗi khi viết bất cứ cái gì.
Không rõ các bạn thích viết theo cách nào hơn?
Theo: Phạm Thu Trang