Câu chuyện bò sữa
Ở trang trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade thuộc vùng Nagev, bò được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm cho sữa, không cần người dẫn dắt.
Khi những tia nắng cuối cùng trong ngày đang dần tắt, ấy là lúc các “cô” bò trên đồng cỏ đã căng bầu sữa. Những “cô” bò bước lặc lè tìm đường về trạm vắt sữa tự động, để tặng cho đời những giọt sữa tinh khiết quí giá nhất của mình…
- BÒ TỰ TÌM ĐẾN NƠI VẮT SỮA
Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade ở vùng Nagev, Giáo sư Yeahoshua làm việc tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Bộ Ngoại giao Israel gọi những “cô” bò ở đây là “bò sữa có học”. Điều này hoàn toàn không ngoa vì bò ở trang trại này đã được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm để cho sữa, không cần người dẫn dắt.
Ông giục các nhà báo quốc tế phải khẩn trương tới trạm vắt sữa vì thời gian xuống sữa của bò rất ngắn nên giờ vắt sữa cũng không thể kéo dài. Ở trang trại này có hơn 3.000 bò đang cho sữa.
Trạm vắt sữa là một tòa nhà dài có nhiều cỗ máy vắt sữa cùng những đường dẫn cho bò vào, ra riêng biệt. Mỗi cỗ máy vắt sữa là một tổ hợp hình tròn trông giống như một cái mâm lớn bên trên có những khoang trống. Mỗi khoang chỉ vừa đủ cho một bò đứng quay đầu vào tâm của mâm, mông ra ngoài. Các khoang này được đánh số thứ tự từ 1 đến 28, ngăn cách nhau bởi một khung sắt hình ống tròn to bằng cổ tay. Mỗi mâm có thể đón một lúc được 28 “cô” bò sữa. Khi làm việc, cỗ máy vắt sữa cứ từ từ quay theo ngược chiều kim đồng hồ. Tại cửa dẫn vào, các “cô” bò căng sữa đang xếp hàng một cách kiên nhẫn trong trật tự chờ đến lượt mình được vào cho sữa. Khi cửa dẫn vào tương đương với một ô trống trên mâm cỗ máy, “cô” bò đứng gần nhất ở hàng đầu tự động bước lên mâm, đầu hướng vào tâm vòng tròn, mông quay ra ngoài, để lộ bầu sữa căng tròn nặng trĩu.
Người công nhân điều khiển máy vắt sữa dùng một vòi phun (trông giống như vòi phun thuốc trừ sâu ở Việt Nam) để xịt một thứ thuốc làm sạch bầu vú bò. Tiếp đó, người công nhân nâng một bộ gồm 4 đầu ống hút chụp vào các đầu vú bò để hút sữa ra một bình chứa lớn đặt ở một nơi cách xa vài chục mét.
Máy vắt sữa cứ tiếp tục làm việc đến khi bầu sữa đã cạn, bò tự biết co một chân đạp nhẹ để bộ đầu ống hút sữa bật ra. Sau khi đã cho sữa, bò kiên nhẫn đứng chờ chiếc mâm quay từ từ đến khi mông bò tương ứng với cửa ra thì nó tự biết bước lùi từ từ ra khỏi cỗ máy theo đường dẫn ra ngoài, để lại một chỗ trống cho “cô” bò khác. Mâm cỗ máy tiếp tục quay đến khi khoang trống này tương đương với cửa vào thì lại một “cô” bò khác tiếp theo biết tự bước vào Máy vắt sữa bò ở Israel. Ở trang trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade thuộc vùng Nagev, bò được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm cho sữa, không cần người dẫn dắt.
Các chuyên gia chăn nuôi Israel từng nổi tiếng thế giới về công nghệ lai tạo giống bò sữa cho năng suất cao. Một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết, theo đề nghị của Chính phủ Trung Quốc, vừa qua Israel đã cử chuyên gia sang làm việc tại một trang trại nuôi bò sữa ở ngoại ô Bắc Kinh. Với công nghệ Israel, các chuyên gia đã nâng sản lượng sữa của giống bò Trung Quốc lên gấp 10 lần so với trước đó. Nghe nói hiện nay, các chuyên gia Israel cũng đang giúp Việt Nam nâng số lượng và chất lượng đàn gia súc. Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, Israel còn đang giúp Việt Nam công nghệ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Câu chuyện trồng trọt
- TRỒNG TRỌT NHỜ MÁY TÍNH
Trong những ngày ở Israel, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ trồng chuối tiêu xuất khẩu. Một bãi sa mạc trước đây ở cao nguyên Golan nay đã trở thành một cánh đồng chuối mênh mông. Có được điều này là nhờ công nghệ tưới tiêu và nhân giống gen cây trồng. Những cây chuối giống phát triển từ mô tế bào cấy trong vườn ươm. Khi đã đủ độ lớn, các cây non này được tách ra trồng vào một ống chất dẻo. Sau đó những cây non được cấy thẳng hàng xuống vườn. Mỗi một hốc chuối non có hai đường ống nhựa màu đen to bằng ngón tay cái chạy vòng xung quanh và được nối với hệ thống tưới công nghệ cao.
Gốc cây chôn một ẩm kế nối với một máy tính điện tử kiểm soát độ ẩm của đất. Máy tính sẽ tự động ra lệnh cho hệ thống tưới nước thường và nước có chứa khoáng chất làm thức ăn cho cây trồng bơm số lượng nước hoặc dung dịch chỉ vừa đủ theo nhu cầu của cây. Điều đáng khâm phục ở đây là các chuyên gia nông nghiệp Israel đã hiểu đến chi li vào giờ nào trong ngày cây cần “ăn” chất gì và cần uống bao nhiêu nước? Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, thời điểm nào cây cần tưới lượng nước bao nhiêu. Tất cả những nhu cầu của cây được các nhà nông học Israel cung cấp chỉ vừa đủ, chẳng khác nào chăm nuôi một đứa trẻ.
Câu chuyện nuôi ong
Theo lời mời của Văn phòng Đại sứ quán Israel và Trung tâm Hợp tác Phát triển Nông nghiệp Quốc tế Israel (CINADCO) về việc tham dự Hội thảo và Tập huấn “Quản lý nuôi ong hiện đại: mật ong, sản phẩm phụ và sự thụ phấn” 18 ngày tại Israel từ ngày 15/5/2011 đến 01/6/2011, xin đề xuất một số biện pháp để phát triển đàn ong mật tại tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.
Nước Israel, xứ sở của Kinh Thánh và là quê hương của người Do Thái, nằm ở khu vực Trung Đông, nối 3 châu lục: Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Với đặc điểm địa hình và khí hậu khác nhau của 3 châu lục, cộng thêm nguồn nước ngọt cực kỳ khó khăn phải biến nước biển thành nước ngọt sử dụng và tưới tiêu, nên nông nghiệp chỉ đóng góp 1% GDP. Mặc dù nông nghiệp đóng rất khiêm tốn, nhưng hiệu quả liên quan mang lại rất lớn, ví dụ như nghề nuôi ong mật thu nhập 500 triệu USD/năm, trong khi đó Việt Nam ta chỉ có 25 triệu USD (VAPI, 2007). Nuôi ong mật mang lại nguồn lợi rất cao từ các sản phẩm như mật ong, sữa ong chúa, sáp, keo ong, phấn hoa, sử dụng nọc ong để trị bệnh,… Một lợi ích khác, không kém phần quan trọng là ong giúp thụ phấn làm cây trồng tăng chất lượng và sản lượng. Vã lại, nuôi ong và cả chế biến sản phẩm không cần đầu tư lớn. Thêm vào, điều kiện Việt Nam chúng ta nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng về thời tiết, nông nhàn dư dã, giống ong địa phương (Apis cerana) hay ong ngoại nhập (Apis mellifera) đều hiện diện và cho năng suất, chất lượng cao. Hơn nữa, nuôi ong không sử dụng đất đai, mà lại bồi bổ đất đai do phân bón được làm từ sản phẩm dư thừa từ chế biến mật ong. Do nuôi ong mật nên đã hạn chế sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, vì vậy, nuôi ong đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì thế, tạo diều kiện để nhiều nhiều cán bộ tham dự Hội thảo và Tập huấn như trên để mở rộng sự quan hệ quốc tế, đồng thời tăng kiến thức chuyên môn phục vụ nông nghiệp tỉnh nhà trước mắt, đặc biệt bổ sung tư liệu cho giáo trình “Nghề nuôi ong mật: Tiềm năng và thách thức” cho giảng dạy môn học này của trường Đại học Kiên Giang sắp tới là hoàn toàn cần thiết.
Kiên Giang có diện tích cây tràm (Melaleuca spp.), bạch đàn (Eucalyptus spp.), cùng nhiều loài cây ăn quả và các loại cây khác có mật,… là những cây mà ong mật rất thích và hầu như trỗ hoa luân phiên quanh năm. Ngoài ra, Kiên Giang còn có diện tích rất lớn cây rừng nguyên sinh ở Phú Quốc, Kiên Lương, và cây rừng ngập mặn vùng ven biển cũng phù hợp sinh thái và sinh trưởng cho phát triển ong mật. Vì vậy, UBND tỉnh nên giao cho Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y cùng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư lên kế hoạch phát triển đàn ong trở lại là rất cần thiết. Sau đó, hỗ trợ để thành lập Hội nuôi ong mật tỉnh kiên Giang, nhằm trao đổi thông tin và giúp đỡ cá nhân hay tập thể nuôi ong. Những nước Châu Phi, họ lấy nghề nuôi ong làm phương tiện để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Một điều rút ra thêm từ tham quan thực tế tại các Trang trại nuôi ong sinh thái hay Khu vườn nuôi ong phục vụ tham quan-giáo dục do tư nhân đầu tư. Những Trang trại hay Khu vườn nuôi ong như thế này là điểm du lịch hấp dẫn du khách hàng ngày, đây cũng như nơi giảng dạy về tình yêu thiên nhiên, đoàn kết, kỷ luật,… từ việc quan sát cộng đồng ong mật,… Dưới sự hướng dẫn của Cô giáo, các học sinh đóng những vở kịch, hoạt cảnh phỏng theo sinh hoạt của ong mật, thật vui nhộn. Sau những ngày như thế! Học sinh sẽ vui hơn, yêu đời hơn và chắc chắn sẽ học hăng say hơn. Điều này, chúng ta không chỉ làm ở 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, mà ngay cả mỗi huyện-thị chúng ta nên có một như thế.
Câu chuyện Kibbutz
Đã có lần được nghe nói về Kibbutz – một mô hình kinh tế nông thôn độc đáo và kỳ lạ của Israel, trong chuyến đi này tôi dành nhiều thời gian về tận các vùng nông thôn Israel để tìm hiểu về mô hình nói trên. Và thật ngạc nhiên, câu chuyện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đang được các Kibbutz ở quốc gia Trung Đông nhiều chuyện lạ này cố gắng thực hiện…
- Ăn ở như tại… khách sạn
“Kibbutz” theo tiếng Do Thái có nghĩa là “tổ hợp” – một hình thức tổ chức kinh tế nông – công nghiệp nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới đang tồn tại ở Israel. Nhờ sự giúp đỡ của các bạn Israel, tôi đến thăm Kibbutz Mashabbe Sade ở vùng Nagev miền Nam và Kibbutz Dalia ở miền Bắc nước này. Giáo sư Yeahoshua từng là xã viên của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 270 Kibbutz. Trung bình mỗi Kibbutz này có trên dưới 300 xã viên, hoạt động tương tự như nhau, sở hữu những cánh đồng trồng cây nông nghiệp, trại chăn nuôi gia súc, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như sản xuất bột giặt, đồng hồ đo nước xuất khẩu, van và khớp nối ống nước,v.v.
Về kinh tế, Kibbutz tổ chức hoàn toàn theo kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế Kibbuz được hình thành từ năm 1960 cho đến nay, phát triển tốt và đang thực hiện ở một mức độ nhất định phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đối với các xã viên của mình. Bà Yael Ziv, 45 tuổi phụ trách công tác tình nguyện của Kibbutz Mashabbe Sade cho biết, mọi thành viên thuộc gia đình các xã viên Kibbutz được ăn miễn phí hàng ngày hai bữa sáng và trưa tại một bếp ăn tập thể ở giữa làng tổ chức theo hình thức phục vụ món ăn tự chọn. Riêng bữa tối, các gia đình tổ chức ăn ở nhà để cho gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình. Tôi đã chứng kiến tại Kibbutz Mashabbe Sade, buổi sáng các xã viên và trẻ em trong làng lũ lượt kéo đến nhà ăn tập thể dùng bữa sáng. Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn cao cấp không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn 5 sao. Sau khi ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa, khay, thìa, dĩa đến những chỗ qui định để cho “tổ bếp núc” rửa.
Sau đó trẻ em thì đến trường, người lớn đến nơi làm việc. Khoảng 12 giờ 30 trưa, trẻ em đi thẳng từ trường học tới nhà ăn, cùng người lớn dùng bữa trưa. Các gia đình không nhất thiết ngồi ăn cùng bàn mà do phục vụ món ăn tự chọn, các thành viên tuỳ thích chọn chỗ ngồi và lấy món ăn không hạn chế số lượng, hoàn toàn theo nhu cầu.
Trong tất cả các Kibbutz, việc giặt quần áo cho gia đình các xã viên được tổ chức thành một tổ chuyên phục vụ giặt giũ. Tất nhiên, công việc này được làm bằng máy từ khâu giặt đến sấy khô. Chỉ mỗi khâu phân loại là phải do công nhân thực hiện bằng tay. Tại Kibbutz Mashabbe Sade, mỗi gia đình đăng ký một số thứ tự. Số này sẽ in lên phía trong quần áo của các thành viên gia đình mình. Các gia đình chỉ việc bỏ quần áo bẩn vào một thùng đựng quần áo có đánh số của gia đình. Tổ giặt giũ của Kibbutz sẽ có trách nhiệm thu gom chúng vào các ngày Chủ nhật, Thứ hai và Thứ ba. Sau khi phân loại các loại quần áo được giặt riêng theo màu sắc, chất liệu nhằm tránh hư hỏng rồi đưa sang máy sấy khô. Tiếp theo, quần áo của gia đình nào được trả về số thùng quần áo sạch dành cho gia đình đó vào các ngày còn lại trong tuần. Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ôtô riêng. Mỗi Kibbutz đã mua khoảng 60 ôtô con các loại để tại một bãi xe có người trông coi. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website của Kibbutz rồi tìm chọn những xe nào còn rỗi thì cứ việc tới bãi xe lấy chìa khoá ôtô mình cần để dùng thoải mái theo nhu cầu. Xăng, sửa chữa và các chi phí khác cho xe do Kibbutz chịu trách nhiệm. Trường hợp cần xe lớn hơn những chiếc xe có sẵn, xã viên có thể yêu cầu ban quản lý xe đi thuê theo yêu cầu của mình, Kibbutz sẽ thanh toán cho tiền thuê đó. Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình xã viên. Mỗi căn nhà này ở Mashabbe Sade là một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi.
- Bộ trưởng, giáo sư cũng là xã viên
Con em xã viên được Kibbutz cấp học bổng toàn phần cho thời gian học 12 năm phổ thông và đại học trong nước. Khi các xã viên và con cái họ ốm đau, Kibbutz chịu trách nhiệm thanh toán hoàn toàn mọi chi phí về y tế căn cứ vào thực tế chữa bệnh theo nhu cầu.
Xã viên Kibbutz được nghỉ hưu theo qui định chung của Nhà nước ở tuổi 69 đối với nam giới, 67 đối với nữ giới. Nhưng ở Kibbutz nếu muốn, xã viên có thể tiếp tục làm việc trong thời gian tuỳ thích. Khi tuổi già, sức yếu hoặc bệnh tật, xã viên được đến trại dưỡng lão miễn phí hoặc được Kibbutz thuê người lao động nước ngoài đến chăm sóc tại gia đình.
Tại Kibbutz Mashabbe Sade, ngoài các hưởng thụ theo nhu cầu do Kibbutz chi phí, mỗi xã viên được nhận phụ cấp 1.300 shekol (350 USD)/tháng để chi phí cá nhân. Mức phụ cấp này bằng nhau đối với tất cả mọi người, không phân biệt vị trí công tác của xã viên dù là giám đốc, chủ nhiệm hay người quét rác, trông trẻ. Do nhu cầu của cá nhân và xã hội, xã viên có thể làm những công việc không thuộc địa bàn Kibbutz mình như giáo sư đại học, bộ trưởng, chuyên gia vệ tinh,… Nhưng toàn bộ tiền lương của người đó phải nộp về cho ngân quĩ của Kibbutz.
Tại Mashabbe Sade, từng có những xã viên làm bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội, giáo sư đại học nhưng lương nhà nước trả cho họ phải nộp cho Kibbutz. Bà Kantor Dafna, bạn tôi hiện là Tổng vụ trưởng Viện nghiên cứu nguồn nhân lực làm việc ở Tel Aviv nhưng phải nộp toàn bộ thu nhập từ lương về cho Kibbutz Dalia của bà. Các Kibbutz đều cung cấp toàn bộ những nhu cầu cá nhân như quần áo, xe hơi,v.v. để phù hợp với vị trí công tác cho các vị nói trên.
Với những người lười biếng nhất thời, ban lãnh đạo Kibbutz cho rằng đó là nhu cầu cần nghỉ ngơi của con người nên cứ để họ nghỉ. Nếu lười nhác kéo dài, ban lãnh đạo Kibbutz sẽ đến thuyết phục để họ nhận ra sự ăn bám người khác là điều xấu. Dư luận cộng đồng khinh bỉ có sức răn đe mạnh hơn cả pháp luật khiến người lười nhác phải thay đổi. Bà Kantor Dafana xã viên Kibbutz Dalia cho biết, nếu người lười vẫn không chuyển, Kibbutz có cơ chế đuổi ra khỏi cộng đồng. Nhưng đến nay hình phạt này chưa bao giờ phải sử dụng. Động cơ để người lao động cống hiến hết mình là danh dự, sự tuyên dương, động viên kịp thời của ban lãnh đạo Kibbutz và sự tôn vinh của cộng đồng. Tên và thành tích của người có công được công bố kịp thời và công khai trên bản tin địa phương.
Để tránh tham nhũng, mọi khoản thu nhập và chi phí của Kibbutz được công khai dán trên bảng thông tin của cộng đồng. Ban lãnh đạo được đại hội xã viên bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát của một cơ chế công khai hoàn toàn mọi quyết định và chính sách của Kibbutz.
—————————————————————————————————————————————
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam.
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.