Ở Nhật từ phụng dưỡng cha mẹ được gọi là Oyakoko 親孝行, tuy nhiên cách người ta áp dụng từ này thì có vẻ khác với Việt Nam mình nhiều !
Theo truyền thống ở xứ anh đào, con trưởng thường phải sống chung với cha mẹ để lo cho đấng sinh thành khi về già, cũng như lo mồ mả, bàn thờ tổ tiên. Do vậy, những người con trưởng cũng sẽ được quyền thừa kế ngôi nhà chung của gia đình. Những người con khác thì có thể ra ở riêng mà không cần sống chung hay lo cho cha mẹ ở tuổi về chiều.
Tuy nhiên , đó chỉ là những luật bất thành văn của những ngày trước, còn thời nay những người trẻ Nhật Bản cũng ít người tuân theo phong tục cũ. Con trưởng hay con út gì thì cũng mỗi người đi một nơi, có thể sống theo cách mình thích và tập trung lo cho gia đình nhỏ của mình; còn ba mẹ thì …để cho nhà nước lo …
Quan điểm ba mẹ thì để cho nhà nước lo vốn dĩ bình thường ở những nước phát triển, nơi mà người dân khi về già thì được nhà nước chu cấp đầy đủ tiền bảo hiểm, tiền hưu, do vậy không cần gì đến con cái trợ cấp cho mình về mặt kinh tế. Tuy nhiên, ở Nhật còn có điều thú vị đó là không chỉ con cái không cần lo cho cha mẹ, mà đôi khi cha mẹ còn phải lo ngược lại cho con cái nữa !!!!
***** “Văn hóa” Amae => Trẻ con ở Nhật được cưng chiều quá đáng !
Cái này gọi là văn hóa cũng không chính xác lắm, mà đơn giản Amae là một cụm từ dùng để diễn tả cái cách người ta làm nũng nịu, nhõng nhẽo để được nuông chiều, ví dụ trẻ con nhõng nhẽo để được ba mẹ cho quà. Điều đáng chú ý là ở xứ phù tang, cụm từ này rất phổ biến vì người Nhật hay thích cái gì dễ thương “kawaii”, nên những cô gái luôn tỏ ra nhõng nhẽo, dễ thương thì đàn ông Nhật sẽ thích hơn những phụ nữ nhìn bề ngoài có vẻ chín chắn, trưởng thành .
Đặc biệt hơn, không biết có phải vì ảnh hưởng của văn hóa này không mà trẻ em Nhật Bản được cha mẹ nuông chiều quá đáng so với nhiều nơi khác trên thế giới (trong tiếng Nhật gọi là Amayakasu – 甘やかす).
Ví dụ như: Ở nhà, trẻ em Nhật sẽ không bao giờ bị cha mẹ bắt làm việc nhà phụ giúp gia đình hay trông em nhỏ giúp mẹ, mà nghĩa vụ của mấy em bé xứ anh đào là chỉ có ăn, học, chơi. Còn khi đến trường đi học thì ba mẹ luôn phải cố gắng cho con bằng với bạn bè (cái này có thể giải thích là do tâm lý của người Nhật không muốn khác biệt với tập thể hay đám đông). Và vì thế mà hiện nay nhiều học sinh tiểu học ở Nhật đã xài smart phone ở trường . Hay sau giờ học chính quy thì các bé sẽ được ba mẹ đăng kí cho học nhiều lớp năng khiếu như viết thư pháp, học đàn, học múa, học vẽ vân vân … Những lớp học như thế này thì tốn rất nhiều tiền và do vậy nếu gia đình nào kinh tế khó khăn thì sẽ khó mà cho con cái đuổi theo kịp với bạn bè.
***** Học đại học – Sống tự do nhưng không tự lập
Tiếp đến khi lên đại học thì các bạn trẻ Nhật hầu như đều muốn tung cánh bay khỏi nhà bằng cách đăng kí học trường nằm ở thành phố khác. Có người lựa chọn trường do sở thích hay phù hợp khả năng, nhưng phần lớn là đều muốn khởi đầu cuộc sống tự do , không bị kèm cặp, gò bó bởi gia đình nữa …
Tuy nhiên, sống tự do nhưng không tự lập !
Vì sao các bạn biết không ? Vì dọn ra sống riêng ở thành phố khác nhưng cha mẹ vẫn phải hằng tháng gửi đủ tiền chu cấp, tiền học, tiền thuê nhà, rồi cho tiền học lấy bằng lái xe, tiền mua xe hơi để chạy (nếu gia đình khá giả)… Trung bình ngoài tiền học phí thì hằng tháng cha mẹ phải gửi lên cho con cái tiền xài vặt, thuê nhà khoảng 10 man, tức khoảng 1000 usd …
Các bạn sinh viên Nhật cũng có đi làm thêm arubaito – part time job nhưng là để kiếm tiền để xài thêm, để mua sắm, đi nhậu hay đi chơi, du lịch với bạn bè. Còn căn bản thì tiền ba mẹ vẫn phải gửi lên !
Có lần mình nghe một bà bạn Nhật kể với mình là con của bà đang học ở Tokyo mà đi du lịch nhiều lắm. Bạn ấy kiếm tiền từ part time job rồi đi du lịch chứ không phải ba mẹ chu cấp. Còn ba mẹ thì lâu lắm rồi chưa được đi du lịch vì phải ráng kiếm tiền gửi lên cho con đóng tiền học phí, đóng tiền thuê nhà ! Tuy nhiên, bà ấy kể cho mình nghe với một giọng rất tự hào chứ không hề có ý giận hờn, hay trách móc gì con mình cả !
Thậm chí nhiều bạn trẻ Nhật ( đặc biệt là con trai) đến ngày Tết còn không về nhà hay một năm chỉ về 1,2 ngày vì bận đi học và …Đi du lịch ! Vậy mà nhiều đấng sinh thành ở Nhật đều không có một chút phiền lòng con cái, vẫn hàng tháng gửi tiền đầy đủ như nghĩa vụ , còn những đứa con của mình thì phải có quyền tự do để tận hưởng cuộc sống riêng của chúng !
******* Ra trường đi làm nhưng cũng chưa … hết nợ !
Nền kinh tế Nhật Bản những năm gần đây bị đình trệ nên khiến cho nhiều bạn trẻ Nhật ra trường nhưng không xin được việc làm ổn định , và do vậy có đời sống kinh tế không được dư dả.
Trong khi đó, ông bà, cha mẹ của họ thì được sống trong thời hoàng kim của nền kinh tế Nhật Bản nên được hưởng lương bổng cao, trợ cấp lương hưu tốt cũng như có nhà cửa, tiền để dành…
Do vậy, nhiều bậc cha mẹ ở Nhật “xót” thương cho cuộc sống vất vả của con nên nhiều người không những không cần con mình phụng dưỡng mà còn trích tiền để lo lại cho con. Con cái ở xa về thăm là được cha mẹ nấu cho những món ăn ngon, rồi chi trả tiền khi đi chơi chung, rồi còn gửi đồ đạc xách về !!!!
Nhiều ông bà già sau tuổi về hưu còn đi làm thêm arubaito để dành tiền cho con hay có người còn nói là lo con xong rồi, bây giờ đi làm để lấy tiền lo cho cháu, mua quà bánh, quần áo cho cháu nội, cháu ngoại của mình !!!!
********* Do vậy, ở Nhật ngày nay, nói đến Oyakoko – phụng dưỡng và báo hiếu cha mẹ thì bạn đừng hi vọng đến điều gì to tác, mà chỉ đơn giản đứa con dắt cha mẹ đi dụ lịch được một lần, dắt cha mẹ đi ăn quán ngon được 1 bữa, hay như trong hình là quảng cáo dắt cha mẹ đi massage 1 bữa để báo hiếu … Vậy thôi là cũng đủ quí lắm rồi !!!
Ở Việt Nam, ông bà xưa hay nói Đẻ con rồi nuôi con khôn lớn để sau này được nhờ !
Tuy nhiên ở Nhật mà suy nghĩ để “đầu tư” theo kiểu này thì có vẻ hơi bị …lỗ hen các bạn hihih!!!
——————————————————————————————————————————-
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của Mira Chan’s Kitchen- website kế chuyện đời, cuộc sống, văn hóa, ẩm thực và con người Nhật Bản của chị Mira.
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.