Mình học tập và sống ở Mĩ từ năm 2011. Tới thời điểm viết bài này là ba năm rồi, mình cũng vừa đúng là sinh viên năm ba (Junior). Ba năm thì bé tẻo teo, không đủ thông thái để dám múa may chửi rủa cơ chế hoạt động của cả một quốc gia mà mình còn không sinh ra ở đó. Nhưng vì có những con người ở quê nhà, vì cứ hay chê bai mỉa mai đất nước họ sinh ra nên mình mới chia sẻ một vài điều về nơi mình đang theo học. Cái chốn mà ai cũng đổ xô đi học, đi làm, đi kiếm tiền và cả tìm kiếm vận may.
Trước khi tóm gọn mấy vấn đề nhức nhối bỏng mông tại Mĩ thì mình cũng gởi lòng biết ơn đến ngôi trường mình đang theo học đã cho mình học bổng để tới được đây, cảm ơn hệ thống giáo dục phi chính trị để được giáo sư khai sáng về một nước Mĩ không hề lung linh (nhất là mấy thầy economics … chửi nước Mĩ như điên) và rất biết ơn quyền tự do ngôn luận để viết bài này mà không sợ bị còng tay.
Những điều còn nhức nhối ở đâu cũng nhiều, chỉ có điều là mọi người TIN gì và BIẾT gì thôi.
Ví dụ như HSBC hồi cuối năm 2010 mới bị 1 cú money laundering (rửa tiền), đóng phạt cho chính phủ Mĩ 1.92 tỉ đô. Rồi mới 2013, JP Morgan cũng làm một vố nữa, chuẩn bị đền 13 tỉ đô đề khỏi bị kiện tội hình sự. Tới đây chắc mọi người cũng hiểu rồi. Những cái gì lấp lánh hào nhoáng trên website dòm thế thôi. Đừng mù quáng tin tưởng. Có intern ở JPM hay HSBC hay Goldman Sachs thì chỉ hiểu đơn giản: ừ, người ta làm ở đấy. Đừng vẽ vời ôi đây là chuẩn mực của sự giỏi giang trí tuệ cùng các thề loại phẩm chất lãnh đạo đức độ. Họ làm cái gì tốt mà mọi người thực sự biết hay chứng kiến thì tin, họ làm gì sai thì cũng nên biết. Để đừng mù quáng mà nói gì tin đấy.
Chuyện về giáo dục Mĩ:
Hồi xưa có một bác ở Việt Nam nói mình thế này: “Ở Việt Nam thi cử tốn kém, đắt đỏ, dân thì cần học mà cứ thi loại thì làm sao ai cũng đi học đại học được. Như Mĩ đấy, chỉ nộp đơn một phát là vào ngay!”
Bác ấy mà biết mấy triệu phú tỉ phú donate mấy triệu đô cơ sở vật chất cho các trường ở Mĩ để con họ được đi học ở trường danh tiếng thì chắc bác ấy sẽ tịt ngòi. Tương tự các ngôi sao Hollywood chẳng có ai học trường xoàng, vì họ đi học ở trường nào là cả thế giới đều biết. Thế nên trường dại gì mà không nhận để người người nhà nhà đều biết đến trường mình mà không nộp đơn. Cứ càng nhiều đơn nộp mà số lượng người nhận không đổi thì tỉ lệ chọi tăng, thế là lại càng nổi. Con của các gia đình có thanh thế về chính trị, của các nhà tài phiệt học ở đâu ? Không khó để các bạn tìm kiếm thông tin để kiểm chứng. Nói đến đây không phải bảo người ta không giỏi. Nhưng mình chỉ ra cách mọi người nên tư duy toàn diện hơn khi đọc phải cái gì đấy ở thời đại tin lắm vịt nhiều. Người ta đi học ở Harvard. Ừ, thì đi học tại Harvard. Thế thôi. Một lần nữa, đừng đưa người ta thành một tầm cao mới của một vị thần rồi khen lấy khen để.
Thi TOIEC, TOEFL, SAT, đậu cả chục trường đại học cũng vậy. Đối với các bạn đi du học, nếu không thấy TOEIC TOEFL dễ thì mình không biết cái gì dễ hơn để đi du học, chứ đừng nói tới thi SAT. Rồi lúc nộp đơn các trường đại học tại Mĩ thì ngu gì chỉ nộp một trường, phải nộp nhiều mới tăng khả năng đậu chứ. Nên người ta nộp mấy chục trường là chuyện bình thường. Chứ đâu có phải xách đít đi thi cho từng trường. Đồng ý là từng bộ hồ sơ, từng cái bài luận là phải làm cho mỗi trường. Gian nan khổ ải biết bao nhiêu để viết bài luận về bản thân mình để trường thấy xuất chúng mà nhận. Không phải cứ đề đơn là được nhận tuốt luốt đâu, thưa bác. Mấy chục ngàn hồ sơ lận chứ đâu ít.
Hướng dẫn apply học bổng du học Mỹ- Click Here
Chuyện mọi người thích thuế ít. Xong bảo Mĩ làm tiền càng nhiều đóng thuế càng ít thích thế.
Ai mà thích cái chuyện đấy thì chắc chưa học kinh tế cho đàng hoàng. Thuế mà ít thì chính sách xã hội cũng ít theo, trường công cũng ít ngân sách theo, các dịch vụ công cộng cũng teo theo (Y tế, Phương tiện công cộng,…). Dịch vụ y tế ở Mĩ thì miễn chê. Nhưng thử không có tiền mà xem… Tóm lại thuế mà ít thì chỉ có người nghèo nay càng thêm khổ vì chẳng có cái gì “công cộng” nữa để mà xài. Mà thuế giảm ở Mĩ là cho người giàu, chứ không có cho người nghèo. Nên Warren Buffet pay tax còn ít hơn thư ký của ông ấy.
Còn tại sao có chính sách cut tax thì mời các bạn bớt chút thời gian xem Youtube clip ở dưới để xem G. Bush đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của người giàu. Biện hộ rằng giảm thuế cho người giàu thì họ sẽ lấy tiền đó đi đầu tư vào kinh tế, tạo thêm việc làm. Mà sau khi Bush xuống thì kinh tế cũng chẳng thấy nở rộ việc làm đâu chả thấy mà cả thế giới đi xuống theo…
Nói chung, ở đâu cũng chẳng hoàn mĩ. Mọi người đừng cái gì cũng lấy Mĩ làm chuẩn, nghe hay hay dân chủ có vẻ tiến bộ lắm thì theo, không cần biết bản chất nó là gì. Chẳng có cái thứ gì là hoàn hảo. Trước khi so sánh chê bai thì phải xem tại sao mô hình này chính sách nọ áp dụn
g cho nước đó được mà không phải Việt Nam. Rồi tập cho mình cách tư duy cái gì cũng phải cân nhắc đong đo trước khi đi a dua. Mọi người cứ ham đi a dua không suy xét thì làm sao đòi hòi ai ai cũng sáng suốt trước mọi thứ ?
Sau bài này mong mọi người xem tin tức đọc luồn tin nào thì đừng bị cuốn trôi theo luồn tin ấy. Đi du học là tốt, là mở mang, là Mĩ tốt, Anh tốt, Nhật, Hà Lan, UAE, cái chi cũng đều có điểm ưu; nhưng mà biết mặt phải cũng phải ngó mặt trái để không thành ếch ngồi đáy giếng. Còn muốn lật càng được nhiều mặt nữa ngoài trái và phải thì phải đi, tự thấy tự nghe tự trải để mà thấm. Có nghe mãi đọc mãi mấy cái bài viết từ mấy đứa du học sinh ba láp ba xàm (như mình) rồi tưởng tượng đủ thứ thì có cũng còn phiến diện lắm : p
Chúc các bạn may mắn!
Theo: Inky Mirror – New York, 16/12/13