Chào các bạn,
Mình xin chia sẻ cuộc sống du học sau gần 1 năm ở nước ngoài. Ở bài viết này, mình xin chia sẻ những thông tin chung nhất về cuộc sống cũng như học tập ở nước ngoài, để các bạn sắp đi và mong muốn đi có cái nhìn khái quát.
ANH VĂN
Mình thấy vấn đề này cần nói đầu tiên, vì có nhiều bạn trước khi qua, có tâm trạng là qua nước ngoài học, không biết có nghe kịp hay hiểu giáo viên giảng bài không, nói chuyện với các bạn nước ngoài có khó khăn không. Bản thân mình trước khi qua cũng có tâm trạng đó. Nhưng qua rồi mình thấy những khó khăn như thế cũng có, nhưng không nhiều. Theo suy nghĩ cá nhân của mình, English proficiency mà trường đề ra, các bạn đạt được, thì sẽ không có khó khăn gì đâu. Tuy nhiên mình nghĩ, để thực sự không gặp khó khăn, thì bản thân nên trau dồi vốn từ vựng cũng như Anh văn chuyên ngành của bản thân. Thường nghe không hiểu bài, đơn giản là do không nghe được thầy cô nói từ đó là gì, dẫn đến không hiểu bài và thật sự rất đuối. Nên lời khuyên cho các bạn là nên trau dồi vốn Anh văn chuyên ngành mình định theo học trước khi qua, vậy ít nhất, nghe giảng cũng hiểu và cũng có thể trả lời cũng như trao đổi với các sinh viên khác.
Còn về giao tiếp với các bạn sinh viên khác, hồi trước khi mình qua, cũng sợ giao tiếp không được, mặc dù IELTS cũng được 6.5, nhưng qua rồi mới thấy, thật sự cũng không có khó khăn lắm. Có chăng là ở môi trường quốc tế như vậy, sinh viên nhiều nước nên có người nói mình dễ nghe, có người nói mình khó nghe, và người khác họ cũng cảm nhận mình như vậy. Nên các bạn đừng lo quá, xem phim ảnh nhiều vào, các chương trình nước ngoài để tang khả năng nghe là ok.
Ngay bản thân mình, bây giờ đi học nghe giảng ok, nhưng đôi lúc xem film, ví dụ như Fast & Furious, người Mỹ họ dùng nhiều tiếng lóng, nếu không nghe, hay không biết trước, thiệt mình cũng không hiểu họ nói gì, bên cạnh đó là từ về mấy cái cơ khí này nọ nữa. Nên việc trau dồi vốn từ vựng quan trọng lắm.
HỌC HÀNH
Ở nước ngoài, thường thì việc học rất là flexible và thoải mái. Thoải mái ở đây có nghĩa là, bạn thích học thì học, không thích học cũng được, thi qua là ok, mà qua là 1 chuyện, điểm cao là chuyện khác. Để được điểm cao cũng khó khăn dữ lắm. Nên nói “thoải mái” ở đây là còn tùy mục tiêu của mỗi người. Mình thì muốn được điểm cao, nên học từ lúc bắt đầu môn, gần thi thì chỉ ôn lại thôi. Cũng vật vã chứ không có thoải mái gì.
Flexible ở đây tức là bạn được quyền chọn môn bạn học theo sở thích, còn ĐH ở nước mình thường là cái khung rồi, rất khó thay đổi. Ở nước ngoài học cũng có môn major, minor và elective. Mình quậy banh cái “study plan” luôn. Do học theo hướng nghiên cứu, nên mình muốn học những môn có thể hỗ trợ cho việc nghiên cứu sau này. Thế là mình email xin hẹn GS của chương trình gặp để trao đổi vấn đề. Chỉ cần bản thân có mục tiêu rõ ràng, và lý do chính đáng, họ sẽ hỗ trợ học sinh tối đa.
Thường khi theo học ở nước ngoài, các bạn có cơ hội tiếp cận thư viện: offline lẫn online. Nên tận dụng thư viện để tìm kiếm tài liệu, vào download bài báo, sách. Mỗi lần vào thư viện tìm và mượn sách là mình vui hết sức. Sách bao la, muốn mượn nhiêu cũng được.
Ở nước ngoài, giáo viên và học sinh và bình đẳng, nên khi học, ai cũng có thể tự do phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi (không cần đứng lên). Các bạn nên tranh thủ điều này để hỏi, hỏi thật nhiều vào, giúp ích cho việc học lắm.
Giáo viên ở nước ngoài họ luôn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên, nên nếu có khó khăn gì trong học tập, các bạn đều có thể hỏi họ và nhờ họ giải đáp. Nếu trong lớp thì đơn giản là hỏi trong giờ học. Sau giờ học thì có thể gặp trực tiếp, tuy nhiên ngắn thôi, vì sau giờ học đôi lúc giáo viên họ còn có việc khác nên mình cũng nên tôn trọng họ. Ngoài giờ học, nếu vẫn không hiểu vấn đề gì, hay có khó khăn trong việc học cần trao đổi, các bạn có thể gặp riêng. Tuy nhiên, nên lịch sự email để xin hẹn, chứ đừng chạy đến phòng gõ cửa để hỏi thì bất lịch sự lắm.
Check email trường thường xuyên để cập nhật thông tin của môn học và tin của giáo viên phụ trách môn. Khi gửi email cho giáo viên thì ưu tiên dùng email trường. Vì mức độ tin tưởng cao hơn. Khuyến khích các bạn xài ứng dụng Outlook để attach mail vào, dễ quản lý, và có thể search contact của giáo viên nếu muốn.
ĂN UỐNG
Mình thấy vấn đề nay đối với 1 số bạn là vấn đề nan giải nè. Mình trước khi qua, minh quên hỏi mẹ mình, hay kêu mẹ mình chỉ nấu món này thế nào món kia thế nào. Qua đây, tự thân vận động là chủ yếu. Học qua mạng hay nhiều lúc rảnh rỗi hay gọi về hỏi mẹ mình. Mà mình thấy kinh nghiệm này có thể truyền lại cho các bạn. Nếu mình chưa biết nấu hay nấu chưa ngon, thì cứ xem trên mạng, rồi học theo, nhưng làm gì cũng từ từ, nêm nếm từ từ thì có thể sửa, cứ vậy đó, ngon dở là do khẩu vị mỗi người, mình nấu cho mình ăn mà, nên từ từ sẽ có công thức riêng cho bản thân.
Học ở nước ngoài, mình thấy ăn uống đơn giản là hay nhất, không nên tốn thời gian cho việc ăn uống quá. Mình hay nấu 1 món gì đó, có thể ăn 2, 3 ngày, về nhà chỉ cần bỏ vào lò vi sóng hay bỏ vào lò nướng, có ăn là được. No bụng để học là ok rồi. Cái lò vi sóng vậy mà lợi hại dữ lắm đó.
Nhưng mà nói vậy chứ những lúc rảnh rỗi, nấu ăn cũng là 1 cách để giải trí. Thi xong, rảnh rỗi hay ngày lễ chẳng hạn, dành thời gian nấu món ăn Việt Nam cũng hay lắm. Yên tâm đi các bạn, xa nhà chừng 1, 2 năm, thì ai cũng có khả năng nấu ăn ngon hết, ít nhất là cho bản thân ^^
Trước khi qua, cũng nên đem theo 1 số nguyên liệu Việt Nam để rảnh rỗi làm giới thiệu cho các bạn nước ngoài cũng hay lắm. Ví dụ như bánh tráng pía để làm chả giò chẳng hạn, mình làm cho gia đình bản xứ ở đây, mấy bạn sinh viên châu Á khác, họ đều khen ngon. Tùy vào mỗi người, mà có thể đem ít nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng mình gợi ý là món chả giò cho dễ làm và đặc trưng, bên cạnh món
TIỀN BẠC
Ở nước ngoài thì họ prefer xài thẻ hơn. Cho nên các bạn sau khi qua thì nên mở tài khoản ngân hàng, và kêu họ mở cho mình cái thẻ Visa hay Mastercard Debit. Debit có nghĩa là có bao nhiêu trong tài khoản xài bấy nhiêu. Mấy cái này thẻ này tiện cho việc xài, cửa hàng nào cũng chấp nhận, và mua đồ online cũng tiện. Cái thẻ Maestro vậy chứ bất tiện lắm.
Trước khi qua, nên mở 1 tài khoản ngân hàng ở Việt Nam + 1 cái thẻ Visa hay Mastercard debit, cái thẻ này như trường hợp dự phòng. Trước khi có thẻ ngân hàng nước ngoài, có 1 vài việc phải thanh toán online có thể dùng. Với lại phòng trường hợp đi du lịch, có mất thẻ chính còn thẻ dự phòng để xài. Thẻ này nên cất ở 1 chỗ khác. Bạn nào cẩn thận hay thấy không cần thiết có thể không cần mở. Mình thì recommend các bạn mở ở Vietcombank, ngân hàng này chỉ thu phí 2% trên tổng giao dịch, chứ không thu phí gì khác. Mấy ngân hàng khác thường thì cao hơn. Mình trước khi đi, do gấp, mở ngân hàng ACB, mặc dù mở là lấy ngay, nhưng mà charge thẻ mỗi lần, thu từ 4-4.5%/giao dịch.
Về khoản tiêu xài, xài ít xài nhiều thì tùy mỗi người rồi. Mình thì ít hội họp, này nọ nên không có tốn khoản này nhiều. Lâu lâu cùng mấy bạn Thái Lan, Indonesia, Singapore làm BBQ, nên chủ yếu là tiền ăn và ở. Mà mình ăn không có hao cho lắm. Ăn ngon thì hao là cái chắc rồi đó ^^
LÀM VIỆC NHÓM
Học ở nước ngoài, chắc chắn có làm việc nhóm. Và mọi người nên tập quen với việc là phải tôn trọng ý kiến của mọi người khi họ phát biểu và lắng nghe. Bên cạnh đó, cũng phải tập quen với việc đôi lúc làm việc với những bạn dở dở ương ương, nên làm việc với những bạn này, mình phải chủ động hối và hỏi, chứ không sát ngày không xong là bắt chân lên cổ chạy mệt nghỉ luôn.
Kinh nghiệm mình thấy (ý kiến cá nhân), làm việc với mấy bạn Trung Quốc là phải cẩn thận, tụi này làm ẩu dữ lắm. Tại tụi Trung Quốc thì nó lo cho nó cái đã, nên thường học những cái tụi nó thấy quan trọng và điểm số, nên mấy cái này gần gần ngày tụi nó mới làm. Mình ớn tụi Trung Quốc lắm (Ý kiến cá nhân thôi nhé).
VĂN HOÁ
Nhiều bạn sợ shock văn hoá khi qua đây. Theo ý kiến và trải nghiệm của mình. Đã đi du học tức là môi trường đa văn hoá. Đã đa văn hoá thì tức là sẽ có văn hoá phù hợp và không phù hợp với bản thân. Nên mình chọn những gì phù hợp. Nên vấn đề này cũng không cần lo quá nhé.
MỘT VÀI ĐIỀU KHÁC
Những bạn nào du học ở nước nói tiếng Anh thì ok rồi, không có vấn đề gì. Nhưng những bạn nào du học ở những nước tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính nên thủ vài câu giao tiếp, xã giao, cảm ơn, xin lỗi bằng tiếng của nước họ. Vừa thể hiện sự tôn trọng của mình, vừa dễ lấy lòng họ. Hiệu quả dữ lắm. Mình đi uống café, ăn bánh, nói vài từ của nước họ, mà được cho sữa, bánh cũng nhiều hơn Không quá khó nhỉ.
Bạn nào xài smartphone, nên download ứng dụng bản đồ về, mình xài Here map của Nokia, hỗ trợ download bản đồ về xài offline cũng tiện. Không có sợ bị lạc. Mình qua đây ngày đầu, nhờ cái đó đi mò khắp nơi.
Nên tham gia các group FB của trường nơi bạn học, group của các anh/chị bạn sinh viên nơi mình học để có thể hỏi khi gặp khó khăn.
Photo passport, chứng minh nhân dân, chụp hình passport dư, scan màu lưu trong máy tính, để tiện cho việc làm lại khi mất.
Tập xài các ứng dụng đám mây để lưu trữ tài liệu học tập, an toàn, và tiện, có thể truy cập mọi nơi có internet.
Tôn trọng luật pháp nước sở tại, ít nhất trong việc đi lại giao thông, nhường đường. Thói quen nhường nhịn rất phổ biến ở nước ngoài. Điều dễ thấy nhất là ở nước ngoài họ rất ít khi bấm còi và nhường cho người đi bộ, đi xe đạp.
TỰ HÀO MÌNH LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.
Mặc dù nước mình còn nhiều cái xấu, không tốt. Những điều đó mình phải dũng cảm thừa nhận, khi có người nước ngoài hỏi nên thẳng thắn thừa nhận, đừng nên giải thích, lý do này nọ. Bây giờ thời đại internet, họ có thể kiểm chứng. Nhưng cho dù gì đi nữa, cũng nên tự hảo mình là người Việt Nam nhé và nên yêu thương, giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam khác.
Chỉ là 1 bức ảnh vui sau khi đọc 1 bài dài
Nguonhocbong.com chân thành cảm ơn 1 bài viết rất hay, xúc tích và chân thật từ 1 bạn trong network của Ad.
—————————————————————————————————————————————-
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của Page Scholarship for Vietnamese students
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.