Page Contents
TRẢ LỜI NGAY: NÊN BẮT ĐẦU TỪ TƯ DUY
Học online nhiều rồi thì ngại gì mà các bạn trẻ không nhảy ra khỏi vùng an toàn để làm hồ sơ xin học bổng và đi ra thế giới du học. Mà đi du học thì không phải nhất thiết là Đại học Harvard đâu nhé.
Dưới đây là trích toàn văn bài viết của một cựu du học sinh Đức mà mình rất muốn chia sẻ dù nó dài nhưng đáng để đọc cho bất kì ai sẽ săn học bổng đặc biệt là học bổng toàn phần.
Tư duy Áp Bừa nghĩa là áp dụng, áp đặt cái này cho cái khác mà không cân nhắc đặc điểm riêng của nó. Bạn có quen ai mà khi họ thấy ai đó có cái gì, cũng chạy theo có bằng được không? Thấy ai đó hạnh phúc hay thành công với cái gì, người đó cũng bắt chước làm cái nấy mà không soi xét bản thân và hoàn cảnh của mình. Từ chiều ngược lại, tư duy này khiến chúng ta không nhìn được sự khác biệt của người khác, mà chỉ dùng kinh nghiệm hoặc cảm tính cá nhân và kiến thức thiển cận của mình để phán xét và áp đặt họ.
.
Chính vì tư duy Áp Bừa này mà chúng ta có thể mãi không đạt được mục tiêu mong muốn. Bài này Mik đặc biệt dành cho các bạn có ý định viết hồ sơ xin học bổng nhằm giúp loại bỏ tư duy áp đặt. Bài viết sẽ dài và không có hình minh hoạ.
.
Tôi có cô bạn tên Hoa, bạn có ý định du học từ những ngày học đại học. Từ lúc có ý định tới khi chính thức viết đơn, nhỏ bạn chỉ gửi tới 2 chương trình học bổng cả thảy, đúng thế, chỉ duy nhất 2 chương trình, và cô bạn đã dành được cả hai học bổng thạc sĩ 100% ấy. Hôm bữa Mik được cô bạn tiết lộ điểm quan trọng nhất trong xin học bổng: cần đến từ tư duy! Thế nên hôm nay tôi phải khoe ngay với các bạn!
.
Hoa khẳng định với tôi là rất nhiều bạn thí sinh dù không được chọn nhưng chắc chắn các bạn ấy giỏi tiếng Anh hơn cô, điểm các môn hoặc các bài chứng chỉ cao hơn cô rất nhiều. Nhưng có lẽ nhiều bạn đã ‘áp bừa’ nên không đáp ứng yêu cầu của ban tuyển sinh. Với Hoa, nếu xác định sang môi trường học phương Tây, chúng ta cũng nên bắt đầu học cách tư duy – mà ở đó phải giảm bớt sự áp đặt, bắt chước như ta vẫn học thuộc bài trước đây. Tư duy này cần có ngay từ lúc bạn bắt đầu làm hồ sơ.
.
Tôi hỏi: sau khi nhận học bổng, Hoa đã chia sẻ kinh nghiệm ‘lạ’ với ai chưa? Hoa kể có không dưới chục bạn nhắn tin muốn giúp đỡ làm hồ sơ. Nhưng chỉ có một người duy nhất trong số đó nhận học bổng sang Thái. Và người này khác tất cả các bạn khác ở câu hỏi gửi tới bạn tôi:
Các bạn khác hỏi: ”chị có thể gửi cho em xem bài luận của chị được không?”.
Trong khi bạn kia hỏi ”bạn cho mình xin một vài nhận xét cho bài luận mình vừa làm được không?”
.
Trong khi nhiều bạn vội vàng đi xem xét bài luận của người khác rồi mới viết theo, thì cô bạn trên tự nhìn nhận bản thân trước rồi mới đi tham khảo ý kiến. Tôi nhận ra cách thức xem người ta thành công, rồi chạy ra tìm cách ‘copy – paste’ là một kiểu Tư duy Áp Bừa. Bản thân tôi cũng thường có thói áp đặt sai vì không chịu tự nghĩ, tự làm trước khi hỏi. Thay vì tự suy xét và tự đưa ý tưởng của mình trước, tự nhìn vào hoàn cảnh của mình trước, thì nhiều khi, tôi lại muốn xem và bắt chước cái người khác cái đã.
.
Hậu quả của tư duy này là chúng ta sẽ dễ bị tưởng rằng tất cả các trường đều có chung một tiêu chí chọn sinh viên (phải cao điểm, phải có IELTS tốt….). Hoặc có thể bạn đã đang viết cùng 1 hồ sơ nhưng áp dụng cho hàng chục trường khác nhau, kết quả là không được nhận (râu ông nọ cắm cằm bà kia). Do đó, tư duy này sẽ lấy đi cơ hội của chúng ta rất nhiều.
VẬY PHẢI LÀM THẾ NÀO THÌ MỚI ĐÚNG?
Dưới đây là 3 bước rất cụ thể cần làm trước khi viết hồ sơ mà bạn mình đã áp dụng:
BƯỚC 1: Hiểu rõ tầm quan trọng của hồ sơ xin học bổng!
ÁP BỪA 1: ‘Điểm IELTS mà không cao thì đừng mơ nha!’
Tôi đã từng tin IELTS phải càng cao thì cơ hội mới càng lớn. Nhưng thực tế, nhất là với nhiều chương trình quốc tế, bằng IELTS chỉ nặng bằng đúng một câu ”Tôi không phải là người nói tiếng anh bản xứ”. Thế nên dù 7.0 hay 9.5, …..ý lộn,… 8.5, thì Ban tuyển sinh (Adcom) vẫn coi chúng mình chẳng hơn gì một ứng cử viên đến từ Mĩ. Mà hàng trăm người Mĩ cũng nộp đơn, vậy nếu chỉ dựa vào điểm IELTS, sao chương trình đó không cho hết người bản xứ vào cho rồi? Từ lúc nghĩ vậy, tôi không còn áp lực mải mê ôn IELTS để thi đi thi lại cho điểm nó cao nữa.
.
ÁP BỪA 2: ”Điểm tổng kết (GPA) của tui không cao lắm đâu nên chắc không được nhận đâu”.
Đúng là rất nhiều trường đòi hỏi điểm tổng kết hàng ‘top’. Nhưng ”KHÔNG phải trường nào cũng thế”. Đôi khi, có chương trình học bổng đặt điều kiện kinh nghiệm lên hàng đầu chứ không phải điểm số.
Vì thế, hãy nhìn nhận lại đúng giá trị của các giấy tờ kèm theo, đừng vội đánh đồng các tiêu chuẩn từ chương trình này cho chương trình kia.
BƯỚC 2: Tìm hiểu kĩ chương trình học bổng toàn phần mà mình muốn nộp!
ÁP BỪA 3: ‘Ơ, em đọc kĩ lắm rồi, cần các giấy tờ gì, deadline ra sao, điểm IELTS thế nào, trường đó to bé xa gần thế nào em rõ hết rồi!!!’
Nhầm rồi nhầm rồi! Đó chỉ là mới Tìm mà chưa Hiểu. Yêu cầu về giấy tờ thì các trường tương đối na ná nhau, nhưng cái quan trọng khiến họ chọn mình thì nằm ở ‘cái khác’ cơ.
Đó chính là: Hiểu cốt lõi của chương trình học bổng dành cho đối tượng thế nào và Họ cần gì ở mình.
Lần đầu đọc về chương trình học bổng của Hoa là 2 năm trước lúc bắt đầu làm hồ sơ xin học bổng, và cô chỉ tập trung vào 2 chương trình duy nhất này. Đúng vậy đấy, 2 năm chỉ để hiểu 2 ban tuyển sinh, và chỉ làm 2 bộ hồ sơ!
Cô kể cô đã liệt kê những điều mà họ cần, mà không phải chỉ ở danh mục Hồ sơ (Application for Admission) đâu. Phải mở những đoạn viết về tầm nhìn của trường, hoạt động của khoa, các mục tiêu của trưởng khoa và giáo viên. Khi đó, Hoa hiểu những người này họ là ai, đang cần sinh viên thế nào, họ có cái gì mình thích, còn mình có thể làm gì để hợp với họ. Rồi Hoa dùng 2 năm đó để có những trải nghiệm về lĩnh vực liên quan. Tôi thấy sao đây giống một kiểu tán tỉnh: Hiểu về đối phương, làm và cho nàng/chàng thấy mình có thể phù hợp thế nào.
.
Cũng có thể quăng lưới to thì cơ hội bắt cá cao hơn nên nhiều bạn gửi hàng chục hồ sơ đi. Cô bạn khác cùng lớp tôi chi hơn 20 triệu để gửi hồ sơ vòng quanh thế giới!! Nhưng tôi nghĩ thế không khác gì đi tán bằng việc soạn một mẩu tin nhắn như 197 rồi gửi cả danh sách liên hệ và mong có ai đó yêu mình tha thiết.
.
Câu chuyện thực tế cho việc phải HIỂU trường đến từ chính cậu bạn cùng lớp của tôi. Cậu bạn tên Frans của tôi trước đây học ngành kỹ thuật, trong khi chúng tôi là lớp học xã hội. Tôi hỏi ”làm thế quái nào mà cậu có thể xin được vào đây? Ngành của cậu đâu có liên quan gì?”. Cậu bạn kể ”Ồ, tớ nhận được thư từ chối của khoa rồi chứ. Nhưng tớ email hỏi lại xem vì sao họ không nhận tớ. Họ bảo vì tớ học ngành kỹ thuật thì chả liên quan. Ấy thế mà tớ cãi lại. Tớ bảo họ là tớ xem danh sách sinh viên của tất cả các khoá trước và ”background” của họ rồi. Tớ thấy cũng có một số người trước đây là ngành kỹ thuật. Nên tớ lập luận lại là những người kia có cơ hội thì tớ cũng có thể chứ? Rồi tớ cũng đã xem danh sách các môn học của khoa, và tớ chỉ ra được một số môn có liên quan đến những gì tớ học ở kỹ thuật! Hội đồng đã xét lại và tớ được nhận hihi”. Frans đã dám hỏi, dám yêu cầu vì cậu hiểu rõ chính mình và hiểu rõ trường. Bạn ấy xứng đáng được nhận đấy chứ nhỉ?
BƯỚC 3: THẬT LÒNG TRÌNH BÀY HOÀN CẢNH TRONG HỒ SƠ XIN HỌC BỔNG!
ÁP BỪA 4: ‘Ô em cũng viết luận săn học bổng có ý na ná như bài của chị là được mà’.
Không không, tôi cũng tin như Hoa là: Chỉ có thật lòng mới làm Ban tuyển sinh thích mình. Nhiều người viết vào hồ sơ bằng việc bê ý của người khác vào. Vì tin rằng cứ áp dụng nội dung hay ho của người khác vào chương trình của mình thì mình cũng được chọn. Rất tiếc là khi đọc, người ta có thể cảm nhận ngay được bạn đang dùng một nội dung đại trà hoặc của ai khác cho chương trình khác, dù nó mỹ miều hay ho đến đâu. Thay vào đó, mình phải tâm sự thật về mình. Đó là về 2 năm qua đã trải nghiệm vấn đề đó như thế nào, ấn tượng với cái gì, yêu cái gì, ghét cái gì, muốn tiêu diệt cái gì…. Chỉ như thế mới có thể tạo ra bộ hồ sơ của riêng mình được. Mình cần thể hiện được cái riêng của mình phù hợp với điều kiện riêng của chương trình ra sao. Theo mình, hồ sơ trượt không phải vì nó không đẹp, mà là vì bản thân người gửi chưa đủ hấp dẫn và phù hợp. Bạn hãy cứ tin tưởng vào chính mình và sự khác biệt của bạn, điều tốt đẹp của riêng bạn cuối cùng sẽ đến thôi.
.
Tóm lại, quan trọng nhất khi việc làm hồ sơ là sự hiểu rõ bản thân và nơi bạn sẽ nộp đơn. Hãy chỉ tham khảo cách làm từ xung quanh, chứ đừng vội vã áp đặt vào hồ sơ của bạn! Kinh nghiệm cuối cùng của Mik là: Không phải hồ sơ đẹp nhất được chọn, mà là hồ sơ phù hợp nhất!
Hôm qua Mik thấy nhiều bạn quan tâm đến tư duy trong việc làm hồ sơ xin học bổng. Mình bổ sung thêm ba ý và ví dụ cụ thể khác làm rõ việc ”Hiểu”:
1. HIỂU TRƯỜNG
Khi chọn được trường, các bạn nên dành thời gian bắt đầu đọc về tầm nhìn và sứ mệnh của trường. Ngoài ra cần đọc về lịch sử và giá trị hướng tới của trường. Những sự kiện và hoạt động của trường cũng cần xem qua.
Để làm gì? Ví dụ nhé, nếu trường của bạn dạy kinh doanh mà có nhiều sự kiện về trách nhiệm xã hội. Rồi trong lịch sử trường có giới thiệu họ đóng góp cho các hoạt động xã hội – ví dụ về bảo vệ môi trường hoặc nhân quyền hoặc người yếu thế trong xã hội – thì bạn cần bắt đầu tham gia các hoạt động tương tự.
Điều này đặc biệt quan trọng với các bạn xin học bổng trường. Vì nếu bạn có đóng góp ở quê nhà tương tự, thì họ cũng yên tâm hơn về khả năng bạn đóng góp cho trường (mà sau này được vào thì nhớ làm thật nhé!)
Nhiều bạn chỉ đọc đúng một trang nói về các giấy tờ cần nộp rồi mãi mãi không thèm ngó nghiêng về trường nữa. Cơ hội cũng mờ dần vì thiếu sự hiểu trường.
2. HIỂU KHOA/NGÀNH
Các bạn nhớ cậu bạn Frans trong bài không? Cách cậu cày nát cái website của khoa là ví dụ. Cậu đọc kĩ từng môn, từng hoạt động, từng bài giới thiệu về các sinh viên khoá trước.
Lúc bắt đầu làm hồ sơ xin học bổng tại sao chúng ta cần đọc những cái ”vớ vẩn” này, thay vì đọc bài ”văn mẫu” mà bạn xin được?
Tại vì bạn sẽ bắt đầu hình thành những nét văn hoá đầu tiên ở khoa. Việc hiểu chân tơ kẽ tóc những cái be bé ấy sẽ ảnh hưởng đến các ý mà bạn đưa vào bài luận.
Còn bài văn mẫu mà đặt ra trước mặt, thì bạn không thể nào thoát khỏi cách viết của họ. Mặc dù nó chả liên quan đến ngành của bạn. Vì vậy, chỉ nên tự viết ý của mình trước, rồi hẵng đọc bài tham khảo để sửa cách lập luận hay trình bày thôi.
3. HIỂU SÂU NHẤT KHI NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI PHỤ TRÁCH KHOA
Một bí quyết của mình là cần tìm được thông tin liên hệ của người phụ trách khoa. Đây là một lỗi mà mình thấy ở các nhóm hội sinh viên rất hay gặp: gửi mấy câu hỏi lên các ”group” xin tư vấn, mà lẽ ra câu đó chỉ có thầy cô ở khoa mới trả lời được. Việc bạn hỏi những người không liên quan rất NGUY HIỂM. Họ nói dựa trên kinh nghiệm của trường khác, khiến bạn tưởng khoa bạn cũng thế.
.
Mọi thông tin về khoa hãy email hỏi thẳng người phụ trách. Thậm chí bạn có thể chỉ email trình bày những cái mình đã hiểu về qui trình nộp đơn xem có đúng không. Vì nhiều hướng dẫn nộp hồ sơ xin học bổng rất phức tạp (có nhiều vòng, nhiều loại deadline, nhiều trường hợp đặc biệt).
HIỂU CÁI GÌ ĐÓ LÀ THỨ RẤT KHÓ. NHƯNG NÓ ĐÁNG! NHỈ?
Source: Mik Flown
- CÁC BẠN MUỐN NHỜ MENTOR HỖ TRỢ BÀI LUẬN SĂN HỌC BỔNG, VUI LÒNG FILL FORM NÀY (CLICK HERE) HOẶC CONTACT TRỰC TIẾP CHỊ HOÀI QUA INBOX & EMAIL NHÉ!
- Tham khảo thêm về cách xây dựng 1 hồ sơ xin học bổng du học mạnh.