Chúng ta đã có những bài viết về kinh nghiệm LLM tại Mỹ, Anh, Hàn. Kỳ này sẽ là chia sẻ về học bổng LLM tại Nhật (chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh). Trong những bài trước, những kinh nghiệm đều được chia sẻ bởi các luật sư còn lần này các bạn sẽ được nghe kinh nghiệm từ applicant là một người làm trong public sector. Anh Nguyễn Tuấn Linh, từng công tác tại Vụ Pháp luật Dân Sự, Kinh Tế, Bộ Tư Pháp (tốt nghiệp K32 trường ĐH Luật HN). Bài viết này do đó sẽ rất hữu ích và liên quan đối với những bạn mới tốt nghiệp ĐH và đang công tác tại cơ quan nhà nước (hoặc các trường ĐH) có ý định săn tìm học bổng LLM ở nước ngoài. Một thông tin đáng lưu ý là anh Linh quyết định từ bỏ học bổng về chính sách công tại một trường top của Mỹ mà theo đuổi bằng thạc sỹ Luật tại Nhật.
—–
Tôi là Nguyễn Tuấn Linh, sắp tốt nghiệp khoá cao học thạc sỹ Luật (LL.M) tại Khoa Luật, đại học tổng hợp Nagoya Nhật Bản. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số thông tin cũng như kinh nghiệm về chương trình LL.M tại Nhật. Trong bài viết này tôi sẽ chủ yếu đề cập đến các học bổng phổ biến được cấp cho chương trình đào tạo thạc sỹ Luật bằng tiếng Anh tại Nhật Bản như MEXT hay JDS.
[Ảnh minh họa: chụp tại Quốc hội Nhật]
Do hiện nay các thông tin về học bổng Nhật Bản đã rất phổ biến và dễ tìm nên tôi sẽ không đề cập nhiều đến các vấn đề như hồ sơ, trình tự xin học bổng, mà thông tin của bài viết này sẽ chủ yếu mang tính chất khái quát, định hướng cho các bạn đang có ý định tìm kiếm học bổng và muốn có cơ hội để học thạc sỹ Luật tại Nhật Bản.
Hai vấn đề chính sẽ được thảo luận là (I) Lý do học Luật tại Nhật; (II) Các yếu tố quan trọng trong việc xin học bổng LL.M.
I. Lý do chọn học Luật ở Nhật
Tạm bỏ qua những yếu tố văn hoá thì chắc ai cũng biết như Nhật Bản là một đất nước đáng sống và nổi tiếng với những cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời, nền giáo dục phát triển…sau đây là những lý do của tôi cho quyết định đi học tại Nhật:
Lý do trước tiên cũng không có gì đặc biệt, giành được học bổng thì phải đi thôi.
Trong điều kiện cạnh tranh cao như hiện nay, việc kiếm một suất học bổng toàn phần du học nước ngoài không phải là một việc đơn giả. Do đó, tôi đã nghĩ là phải nắm bắt ngay cơ hội này chứ không mất quá nhiều thời gian để tính toán xem đi học ở đâu tốt hơn hay là cân nhắc những câu hỏi đại loại như: học Luật ở Nhật thì có bằng học ở Anh hay Mỹ? Học Luật tại Nhật có làm trình độ tiếng Anh của bạn kém đi? Vì vậy, việc giành được học bổng toàn phần tại một nước phát triển và thú vị như Nhật Bản thì không có gì phải lăn tăn cả. Thực ra, trong khoảng thời gian apply học bổng Nhật, tôi đã vượt qua các vòng tuyển chọn của một học bổng chính sách công (public policy) tại đại học Indiana, Hoa Kỳ (luôn đứng top 10 về ngành public policy) nhưng vì một số vướng mắc về điều kiện thủ tục, giấy tờ, trong khi học bổng đi Nhật đã xong xuôi hết thủ tục và được học đúng chuyên ngành (luật) nên tôi đã quyết định chọn đi học tại Nhật.
Lý do thứ hai, trong quá trình làm hồ sơ xin học bổng, tôi đã nghiên cứu sơ qua về hệ thống pháp luật của Nhật và thấy hệ thống này rất phù hợp để nghiên cứu, ứng dụng vì Nhật và Việt Nam về cơ bản đều là những nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa – Civil law.
Mặt khác, rất nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên luật Nhật Bản và một số nước civil law khác như Pháp và Đức, điển hình là Bộ luật dân sự mới được sửa đổi năm 2015. Do đó, sẽ rất dễ dàng trong việc hiểu và áp dụng kiến thức đã học sau khi về nước. Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ là một nước thuần theo hệ thống civil law, bên cạnh hệ thống luật thành văn gồm hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, Nhật Bản cũng có một hệ thống các án lệ đồ sộ, đạt quy chuẩn cao và là một trong những nguồn luật chính của những người hành nghề Luật tại Nhật, vì vậy, ở một khía nào đó, tuy chưa hoàn toàn chính xác nhưng cũng có thể hiểu rằng hệ thống pháp luật Nhật Bản là một sự pha trộn giữa hai hệ thống Civil law và Common law.
Lý do thứ ba, môi trường học tập.
Từ việc tự tìm hiểu cũng như thu thập thông tin từ những anh chị đi trước, trước khi sang Nhật, tôi đã có cảm giác yên tâm với điều kiện học tập cũng như cơ sở vật chất tại đây. Quả thực, trái với suy nghĩ ban đầu rằng đi học tại Nhật Bản thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn sách, báo, tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh, ngay khi nhập học tôi đã được hướng dẫn và cung cấp tài khoản để đăng nhập các nguồn tài liệu luật cũng như án lệ nổi tiếng như Lexisnexis, Westlaw hay Heinonline…
Tất nhiên, việc đăng nhập hoàn toàn là miễn phí vì trường đã mua trọn gói sử dụng dịch vụ tra cứu tài liệu của các trang web này. Thư viện khoa Luật cũng có hàng nghìn đầu sách, giáo trình tiếng Anh của tất cả các lĩnh vực luật; đặc biệt, học bổng của tôi (JDS) mỗi năm còn hỗ trợ sinh viên theo cách cung cấp kinh phí cho thư viện trường, theo đó, mỗi sinh viên JDS có thể tự tìm và đề suất hai cuốn sách (chưa có trong thư viện) mà mình cho là cần thiết cho công việc nghiên cứu đề tài; sau đó thư viện khoa Luật sẽ đặt hàng mua những cuốn sách đó và cho sinh viên đề xuất được ưu tiên sử dụng trong vòng 3 tháng (có thể gia hạn tiếp).
Như vậy, nguồn tài liệu nước ngoài đã khá đầy đủ và rõ ràng; còn pháp luật Nhật bản thì sao? Từ dự án minh bạch hoá hệ thống pháp luật Nhật Bản được khởi xướng bởi đại học Kyushu, hầu như tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định của toà án tối cao của Nhật Bản đã được dịch sang tiếng Anh và rất dễ tra cứu chỉ bằng cách gõ google. Ngoài ra, liên quan đến việc viết luận văn, khoa Luật trường tôi có một đội ngũ giảng viên người Mỹ phụ trách giảng dạy kỹ năng viết academic writing trong các kỳ học và sẽ trực tiếp thực hiện việc rà soát (English checking) luận văn của sinh viên trước khi chính thức phải nộp vào kỳ học cuối. Tóm lại, tất cả những yếu tố kể trên thực sự đã giúp ích tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.
Lý do thứ tư, học thêm một ngôn ngữ mới
Một trong những lý do chính yếu thôi thúc tôi đi học tại Nhật Bản, đó là tiếng Nhật. Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến và thông dụng nhất, điều này ai cũng biết.
Tuy nhiên, khi mà hầu như người người nhà nhà đều có thể sử dụng tiếng Anh, việc biết thêm một trong những thứ tiếng khó nhất trên thế giới như tiếng Nhật sẽ làm bạn hoàn toàn khác biệt. Ngoài việc làm bạn tự tin hơn, CV có thêm một gạch đầu dòng rất đáng chú ý…đây sẽ là một lợi thế tuyệt đối nếu bạn muốn có một công việc tại những law firm, tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, hay thậm chí trong bất cứ công ty, hãng luật lớn nào khác, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ của Việt Nam và Nhật Bản hiện nay đang cực kỳ phát triển trên tất cả mọi khía cạnh, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác xây dựng pháp luật mà còn ở quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư…
Còn gì tuyệt vời hơn khi kết thúc 2 năm học thạc sỹ ở Nhật với một tấm bằng LL.M và một chứng chỉ tiếng Nhật thuộc loại khá trên tay. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc đi học ở Nhật sẽ làm tiếng Anh của bạn thui chột đi và không phát triển được vì dân Nhật không nói tiếng Anh.
Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần nhỏ, không bàn đến việc sống và học tập tại các nước native English speaking như Anh, Mỹ hay Úc do việc so sánh là quá khập khiễng, môi trường học tập của tôi tại Nhật hoàn toàn là môi trường quốc tế, việc học và làm việc chủ yếu với các sinh viên đa quốc gia, trong đó có rất nhiều sinh viên đến từ Châu Âu và Mỹ vì khoá học LL.M được thiết kế dành riêng cho sinh viên quốc tế với rất nhiều các seminar thảo luận, trong đó, việc sử dụng tiếng anh để giao tiếp và truyền tải ý kiến là một yêu cầu bắt buộc, vì vậy, không có lý do gì khi nói rằng tiếng anh của bạn sẽ không phát triển được cả.
Tuy nhiên, có một điểm trừ tôi cũng phải thừa nhận rằng, một số giáo sư Nhật nói tiếng Anh khá là khó nghe mặc dù các kỹ năng khác như nghe, đọc, hiểu của họ lại rất tốt. Tôi vẫn hay nói vui rằng, đối với các bạn đã có trình độ tiếng Anh cao thì cao thế là đủ rồi, các bạn nên tìm kiếm một niềm vui mới là tiếng Nhật đi. Còn đối với những người có tiếng Anh tầm tầm thôi thì bằng việc học thêm được một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật sẽ làm bạn tự tin hơn rất nhiều đấy.
Mặt khác, ở bên này, tiếng Nhật được đào tạo miễn phí bởi người bản địa trong khi ở nhà phải bỏ cả chục triệu ra để học thì tội gì mà không cố gắng đúng không. Tất nhiên, đó chỉ là nói vui thôi, tất cả đều phụ thuộc vào ý chí riêng của bản thân và đặc biệt những mục tiêu ưu tiên trong việc học tập, nghiên cứu cuả các bạn. Riêng về phần cá nhân tôi, sau gần 2 năm học LLM song song với học tiếng Nhật, mặc dù trình độ tiếng Nhật còn khá bập bõm nhưng tôi đang phấn đấu có thể thi được bằng N3 (trình độ pre inter) trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật sắp tới vào cuối năm.
II. Các yếu tố quan trọng để xin học bổng
Trước tiên, cần phải làm rõ có những loại học bổng nào dành cho ngành Luật tại Nhật và điều kiện của từng loại học bổng đó để xác định mục tiêu rõ ràng cho mình. Hiện nay, hai học bổng phổ biến nhất và tốt nhất dành cho sinh viên ngành Luật là học bổng MEXT và JDS.
Học bổng MEXT hay còn gọi là học bổng Mongukabakusho là học bổng do Bộ Giáo dục Nhật Bản cấp và dành cho tất cả mọi đối tượng không giới hạn khối nhà nước hay tư nhân, sinh viên vừa ra trường cũng có thể apply nếu đủ điều kiện.
Về cơ bản, học bổng này được chia làm hai loại, loại thứ nhất là do Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam tiến cử, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là bạn phải tự liên hệ với giáo sư của trường mà bạn muốn học và được sự chấp thuận nhận hướng dẫn từ giáo sư đó; loại thứ hai là do trường đại học ở Nhật Bản tiến cử sau khi ứng viên đã hoàn thành phỏng vấn với trường, cũng như đáp ứng các yêu cầu cụ thể khác.
Một loại học bổng khác tên là Học bổng phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JDS) được quản lý và cấp bởi dự án JICA, JDS đặc thù hơn so với MEXT vì chỉ dành riêng cho các ứng viên thuộc khối nhà nước; đối với chuyên ngành Luật, thông thường các ứng viên của các cơ quan, ngành như Bộ Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát và các trường đào tạo về luật sẽ phải “chiến đấu” với nhau để dành suất học bổng này.
Giữa học bổng MEXT và học bổng JDS, mỗi loại học bổng sẽ có những ưu điểm và điểm hạn chế nhất định. Ví dụ: sinh viên học bổng Mext từ khi mới sang Nhật và còn bỡ ngỡ đã phải tự thân vận động làm hết các thủ tục tối cần thiết như: đăng ký nơi ở, đăng ký bảo hiểm, làm thẻ ngân hàng, tìm nhà và ký hợp đồng thuê nhà…
Trong khi sinh viên JDS được tổ chức cấp học bổng hỗ trợ và hướng dẫn khá tận tình về những việc này. Ngược lại, sinh viên JDS phải chịu sự giám sát, quản lý khá nghiêm ngặt về sinh hoạt, học tập, đi lại…cứ 3 tháng một lần phải viết báo cáo cũng như gặp gỡ nói chuyện với đại diện của tổ chức học bổng; về các vấn đề này, sinh viên MEXT được tự do hơn trong đi lại, về nước thăm gia đình cũng như đi làm thêm…Về các thông tin cụ thể khác như điều kiện, hồ sơ, trình tự đăng ký cũng như chế độ của hai loại học bổng trên, các bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng.
Việc chọn trường cũng rất quan trọng, hiện nay ở Nhật, hai trường đại học nổi bật nhất với chương trình LL.M dành riêng cho sinh viên nước ngoài là khoa Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya và khoa Luật, Đại học Kyushyu. Đây là hai trong số bảy trường đại học quốc lập lâu đời và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Về chất lượng đào tạo nói chung, trong bảng xếp hạng mới nhất, đại học Nagoya được xếp ở vị trí thứ 4 trong khi đại học Kyushu đứng ở vị trí số 7 toàn quốc.
Mặc dù, mỗi trường đều có đầy đủ các ngành luật chuyên biệt ở tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, trường Kyushu thiên về mảng kinh tế, thương mại và sở hữu trí tuệ trong khi trường Nagoya nghiên cứu sâu hơn về ngành luật so sánh cũng như mảng luật công. Tại khoa Luật của đại học Nagoya, và Kyushu, khoá học LL.M được thiết kế với tên gọi lần lượt là “LL.M. (Comparative Law) Program in Law and Political Science” và “LL.M. Program in International Economic and Business Law”. Trên trang web của các trường sẽ có hướng dẫn chi tiết về chương trình học, danh sách các môn học cũng như list các giáo sư, email liên lạc và chuyên ngành của họ.
Bước quan trọng tiếp theo là việc chọn đề tài nghiên cứu, theo tôi đây là bước cơ bản và quan trọng nhất của bất cứ quá trình xin học bổng nào. Việc xác định đúng đề tài sẽ giúp bạn chọn được trường và giáo sư hướng dẫn phù hợp. Mặc dù trên thực tế, có trường hợp sau khi nhận học bổng bạn mới được trường phân công giáo sư hướng dẫn, tuy nhiên, nếu bạn tìm hiểu được trước thông tin về các giáo sư trong trường và định hướng viết research proposal theo đúng chuyên ngành của giáo sư mà bạn muốn thì khả năng bạn được nhận sẽ cao hơn. Về vấn đề này, tôi đã khá may mắn vì khi apply học bổng, tôi hoàn toàn chọn trường và chuyên ngành do cảm tính và sở thích cá nhân chứ không hỏi ai cũng như tìm hiểu gì trước.
Đề tài của tôi liên quan đến mảng sở hữu trí tuệ (IP law), đây là một lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản trong khi lại là một ngành luật mới và vấn đề xâm phạm quyền IP đang là thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Tuy nhiên, lẽ ra nên đăng ký học tại Kyushu nhưng tôi lại chọn Nagoya chỉ vì nghe tên Nagoya có vẻ nổi tiếng hơn và tôi biết nhiều người từng học ở đó hơn. May sao giáo sư hướng dẫn của tôi lại khá chất lượng vì thầy từng tốt nghiệp LL.M chuyên ngành IP tại Harvard Law School nên tôi rất yên tâm trong quá trình nghiên cứu.
“Sau tất cả”, tôi rút ra một kinh nghiệm cho việc chọn đề tài như sau:
(1) xác định chuyên ngành tôi muốn theo hoặc nên theo, sở dĩ nói là “nên theo” vì có thể bạn có đam mê hoặc có thế mạnh về một lĩnh vực nhất định nhưng tại trường bạn chọn không có giáo sư chuyên sâu về mảng đó hoặc họ không hứng thú về mảng đó thì tốt nhất bạn nên xác định lại hướng đi khác bằng cách cân nhắc việc “nên” theo đuổi một ngành khác;
(2) vì người Nhật rất coi trọng tính ứng dụng vào thực tiễn của nghiên cứu, các bạn nên cố gắng tìm hiểu xem tại Việt Nam, tương ứng với chuyên ngành bạn thích, còn tồn tại vấn đề gì liên quan chưa giải quyết được hay không, trong khi ở lĩnh vực đó Nhật Bản lại có rất nhiều chuyên gia và kinh nghiệm liên quan;
(3) Chọn trường và lĩnh vực thế mạnh của trường (như tôi đã nói ở trên);
(4) Tìm hiểu thông tin giáo sư đúng chuyên ngành hoặc liên quan đến chuyên ngành mà bạn đang hướng đến, nếu có thể, search đọc thêm các bài viết của giáo sư đó (rất nhiều giáo sư có article xuất bản bằng tiếng Anh) để có thêm căn cứ viết đề xuất đề tài;
(5) Bắt tay viết đề xuất nghiên cứu, bao gồm những nội dung cơ bản sau đây: (i) giới thiệu (introduction), (ii) vấn đề tồn tại, thực trạng (problem statement); (iii) quan điểm của người viết về vấn đề cũng như hướng giải quyết vấn đề (thesis statement); (iv) mục đích của nghiên cứu (purpose) và (v) kế hoạch nghiên cứu, triển khai đề tài (research plan). Trong các bước trên, bạn có thể làm theo thứ tự hoặc tự cân đối tuỳ theo thực tế nghiên cứu của các bạn.
Tất nhiên đó chỉ là kinh nghiệm chủ quan của riêng tôi nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp đề tài của bạn tăng khả năng được chấp nhận trong quá trình xin học bổng.
Tóm lại, theo tôi, học ở bất cứ môi trường nào, cũng là một cơ hội rất tốt để tự rèn rũa bản thân; và việc học ở mỗi một nước khác nhau lại có những thế mạnh khác nhau và sẽ mang lại cho bạn những lợi ích khác nhau. Chắc chắn là sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu và những điều chưa được vừa ý khi bạn mới sang sống và học tập tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi, những điều tích cực đã đến và chiếm phần lớn trong hai năm vừa qua. Hy vọng chia sẻ của tôi sẽ phần nào giúp các bạn giải quyết được những thắc mắc về việc học thạc sỹ Luật tại Nhật để từ đó có thể có những định hướng đúng đắn nhất cho con đường học tập cũng như sự nghiệp của mình.
Theo: Vietnam Legal Education and Career Forum – Diễn Đàn Pháp Luật
Chân thành cảm ơn Linh với 1 bài viết chia sẻ kinh nghiệm rất hay