Chào tất cả các em chị anh,
Tịnh dạy tiếng Anh tại Đại Học An Giang, thuộc tỉnh An Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với sự tài trợ của học bổng Fulbright, Tịnh vừa mới bắt đầu khóa cao học chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (Master of TESOL) tại Mỹ từ ngày 19/08/2013. Tịnh cũng mừng vì có cơ hội được tham gia chia sẻ kinh nghiệm về học bổng Fulbright cho trang của anh Thịnh. Hy vọng là những kinh nghiệm nhỏ nhỏ của Tịnh có thể giúp được phần nào cho mọi người nói chung và cho các bạn có định hướng học TESOL ở Mỹ nói riêng.
Học bổng Fulbright đến với Tịnh rất tình cờ và ‘chụp giựt’. Ban đầu Tịnh có nộp học bổng ADS nữa (nhưng rớt cái bẹp), và Tịnh không định nộp Fulbright vì cứ nghĩ là nó quá xa xỉ và ‘xa xăm’ so với một đứa ‘cùi bắp’ ở tỉnh nhỏ như Tịnh.
TNT: Các bạn ở các tỉnh lẻ lưu ý nhé, Fulbright không phân biệt vùng miền nhé, miễn là bạn đáp ứng tiêu chí tuyển chọn của Fulbright thì cứ chủ động nộp hồ sơ
Thêm nữa là ở trường Đại Học An Giang của Tịnh cũng đã từng có 3 Fulbrighter (theo Tịnh biết là thế, không biết còn nữa không) mà người nào cũng toàn ‘hàng khủng’ cả. Ai cũng thông minh, lanh lợi, và chuyên môn rất chi là mạnh. Còn bản thân Tịnh thì mới tốt nghiệp vài năm nên kinh nghiệm đi dạy và chuyên môn theo Tịnh thấy thì cũng chẳng bằng ai. Chính vì lý do đó nên không bao giờ Tịnh nghĩ đến chuyện nộp đơn dự tuyển. Nhưng Tịnh lại có 2 cô bạn thân người Mỹ, là tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở trường Tịnh. Họ khuyến khích Tịnh cứ nộp đi rồi không được thì có gì rút kinh nghiệm cho năm sau. “Cứ xem như mục tiêu là xin học bổng để qua Mỹ thăm tụi tao”, 2 cô ấy nói thế. Rồi Tịnh cũng lật đật chuẩn bị hồ sơ để nộp, rồi nhờ 2 cô bạn xem coi hồ sơ giấy tờ, ý tưởng bài viết của Tịnh có ổn không, rồi chạy đi ra bưu điện nộp. Fulbright mở năm 2012 thì hạn nộp là 5 giờ chiều ngày 2/5, ngay thứ 2 luôn. Mà Tịnh thì lại gửi hồ sơ đường bưu điện vào chiều thứ 7 của tuần trước đó.
TNT: Các bạn phải lưu ý thời gian hết hạn nộp hồ sơ, Fulbright sẽ căn cứ theo dấu bưu điện, do vậy, nếu bạn gửi phong bì đóng dấu trước ngày hết hạn thì các bạn có thể yên tâm, không lo là bưu điện chuyển đến sau deadline.
Tịnh cũng nghĩ là hồ sơ sẽ không tới kịp, mà thôi, nộp đại luôn cho 2 đứa bạn vui. Sau đó thì nhận được thông báo dự phỏng vấn, rồi qua phỏng vấn, rồi thi TOEFL ibt, rồi thi GRE, rồi chọn trường, rồi bay. Tới giờ vẫn còn mừng hết lớn.
Vì Tịnh đang giảng dạy tiếng Anh nên Tịnh chọn học tiếp chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh để hỗ trợ thêm cho công việc của mình. Tuy nhiên, nếu các bạn đang công tác một ngành nào đó nhưng muốn học cao học ở một ngành khác thì cũng được. Fulbright hoàn toàn chấp nhận việc học trái ngành (cái này là Tịnh nghe chị Hạnh ở bên Fulbirght nói thế, biết thế lúc đầu xin học ngành khác cho nó vui, nhưng vì Tịnh không tìm hiểu gì cả, nộp một cách máy móc theo chuyên ngành sẵn có của Tịnh thôi). Chỉ cần bạn chuẩn bị để thể hiện cho Fulbright thấy rõ trong Personal Statement và Study Objectives của bạn là: lý do ‘khẩn cấp’ tại sao bạn tha thiết muốn học ngành đó, ý tưởng mới của bạn trong ngành đó và bạn muốn được học tập tại Mỹ để tiên phong thực hiện ý tưởng đó, lý do tại sao phải học ở Mỹ mà không phải là ở quốc gia khác, và bằng chứng thể hiện rằng từ trước đến giờ bạn đã từng gặp những khó khăn nhưng bạn đã cố gắng theo đuổi và giải quyết được khó khăn của mình (điều này sẽ giúp cho Fulbirght thấy bạn lúc nào cũng có quyết tâm, không ngại khó và đã sẵn sàng cho những thứ hoàn toàn mới lạ trong học tập, văn hóa và cuộc sống ở Mỹ). Những ý này sẽ có thể được hỏi lại trong vòng phỏng vấn để làm Fulbright hiểu rõ bạn hơn.
TNT: Cái này các bạn nào học 1 ngành mà apply 1 ngành nên lưu ý đọc kỹ nhé.
Khi vào vòng phỏng vấn thì Tịnh cũng hồi hộp lắm. Nhưng nhìn cách Fulbright bố trí buổi phỏng vấn ở khách sạn New World – Sài Gòn thì Tịnh cảm thấy thoải mái hơn, bớt run. Vào phòng phỏng vấn thì Tịnh thấy có một cái bàn nhỏ đặt ở giữa, có 2 cái ghế salon dài được đặt đối diện nhau, và một cái ghế bành nhỏ đặt ở giữa. Tịnh nhớ là có 2 giám khảo nam, một Việt Nam (lớn tuổi, quê ở Đồng Tháp, Tịnh quên tên), một Mỹ (Tịnh quên tên luôn), và 2 người này cùng ngồi ở cái ghế dài bên kia. Tịnh thì ngồi ở cái ghế dài đối diện. Có chị Vũ Quỳnh Nga là Giám Đốc chương trình Fulbright Việt Nam ngồi kế 2 vị giám khảo kia để phỏng vấn Tịnh. Ngoài ra còn có một cô thư kí ngồi gần bên Tịnh để hì hục nhập vào máy tính lại nội dung của quá trình phỏng vấn. Tịnh lúc này có cảm giác là hơi một tí gần gũi với giám khảo nên Tịnh cảm thấy tự nhiên và thư thả hơn. Chính vì thế nên buổi phỏng vấn của Tịnh giống y như là một buổi nói chuyện giữa những người bạn. Ban giám khảo đặt ra câu hỏi, vấn đề nan giải trong xã hội và nghề nghiệp và Tịnh nêu ra ý kiến của mình một cách rất thoải mái. Tịnh trả lời thật lòng, chậm rãi, hoàn toàn không cố thể hiện hay tạo ra cho mình vẻ ngoài chuyên nghiệp, hay thông minh, xuất chúng, có tiềm năng lớn trong tương lai gì cả. Mà lúc đó Tịnh cũng nghĩ là cứ thoải mái đi, không được thì lần sau nộp lại, không nên quan trọng hóa vấn đề. Đôi khi, bản thân Tịnh cũng tự thêm vào những tình huống, những câu nói hài hước, gây cười cho ban giám khảo. Nhưng có một chi tiết mà chắc Tịnh nhớ mãi tới già. Thế này, Tịnh thì cũng chẳng tài cán gì, tuy nhiên có thể nhảy múa được đôi chút (nghiệp dư thôi, vì thế nên lúc làm sinh viên rồi làm giáo viên là
Tịnh nhảy múa điên cuồng, học trò đứa nào cũng bó tay, ha ha). Thế là có lúc giám khảo hỏi Tịnh là lúc làm việc hay học tập mệt mỏi thì Tịnh thường giải trí thế nào, sở thích của Tịnh là gì. Tịnh ậm ừ một lúc rồi nói là Tịnh thích nhảy với múa, nhưng thích nhảy nhiều hơn. Rồi ban giám khảo hỏi tiếp Tịnh thích nhảy nhạc của ca sĩ nào. Tịnh nói là Michael Jackson (vì ảnh là thần tượng của Tịnh). Và giám khảo yêu cầu Tịnh đứng lên nhảy thử vài bước của Michael Jackson cho họ xem coi có thực hay không. Tịnh cũng ‘trầm lắng’ xuống tí, kiểu hơi mắc cỡ tí, rồi đứng lên kéo lưng quần, giở chân chuẩn bị nhảy thì họ kêu ‘dừng lại, không cần, chúng tôi chỉ đùa thôi’. Lúc đó họ cười vui lắm, mà Tịnh cũng mừng vì không phải nhảy thật, làm Tịnh có một sự mừng nhẹ, nhưng hình như cũng có một sự ham hố nhẹ muốn thể hiện. Xưa giờ Tịnh đi phỏng vấn xin việc rồi phỏng vấn để tham gia mấy hoạt động, tổ chức này kia cũng chưa bao giờ thấy cái buổi phỏng vấn kiểu như vầy. Thực sự Tịnh không cảm thấy một sự căng thẳng nào. Cho nên, kinh nghiệm về thái độ khi tham gia phỏng vấn là hãy thật thư thả (nhưng đừng có lố quá nhe), xem như đó không phải là một cuộc phỏng vấn, thể hiện cho giám khảo thấy con người thật, mục tiêu thật của mình đối với việc du học, và không nhất thiết phải cố gắng thể hiện mình thật hoàn hảo, thật chuyên nghiệp, quá nghiêm trọng trước mặt giám khảo.
TNT: Các bạn thấy đấy, phỏng vấn Fulbright khá là vui vẻ đấy chứ, đâu đến nỗi căng thẳng lắm đâu
Quá trình phỏng vấn được chia thành nhiều phần. Giám khảo đã liên tục vấn đáp Tịnh trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ (đây là trường hợp của Tịnh, có lẽ tại Tịnh nói tiếng Anh chậm nữa). Đến giờ thì Tịnh chỉ nhớ được một vài điểm nổi bật, gây ấn tượng với Tịnh thôi. Hy vọng mọi người sẽ tham khảo được phần nào:
I. Thông tin cá nhân:
1. Nghề nghiệp của từng thành viên trong gia đình là gì? Sức ảnh hưởng của từng thành viên trong gia đình tới cuộc sống và công việc của bạn? 2. Và sự ảnh hưởng của cuộc sống và công việc của bạn tới gia đình mình như thế nào?
Đăng kí tìm Mentor học bổng Fulbright- CLICK HERE
II. Công việc: 1. Hạn chế của công việc bạn đang phụ trách và của cơ quan bạn đang công tác là gì? 2. Hạn chế của bản thân bạn trong việc giải quyết những vấn đề trên là gì? 3. Kế hoạch bạn đặt ra để giải quyết những hạn chế đã nêu?
III. Quá trình học tập trước đây:
1. Khó khăn và thuận lợi của bản thân khi học? Bản thân đã thực hiện cải thiện khó khăn của bản thân thế nào và đã đạt được thành tựu gì?
2. Có từng đạt được giải thường gì khi học đại học hay không?
3. Có từng làm vị trí trưởng nhóm hay lãnh đạo trong các hoạt động hoặc tổ chức khi học đại học hay không?
4. Có tham gia hoạt động tình nguyện không?
5. Được lợi ích gì khi tham gia những hoạt động đã nêu?
6. Sở thích và tài lẻ là gì?
IV. Dự định học ở Mỹ: 1. Tại sao chọn Fulbright mà không phải là hoạt động khác? 2. Bản thân muốn học gì từ nền giáo dục Mỹ, văn hóa Mỹ, người Mỹ? Tại sao muốn học chuyên ngành của bạn ở Mỹ? 3. Kế hoạch ứng dụng hoặc làm cho nhưng điều được học ở Mỹ trở nên có ích khi bạn về Việt Nam là thế nào? 4. Tại sao Fulbright phải trao học bổng cho bạn mà không phải là một ứng viên khác, giỏi hơn?
V. Cơ quan công tác: 1. Thuận lợi và khó khăn của cơ quan (có liên quan tới ngành bạn muốn học) là gì? 2. Mảng nào của cơ quan bạn mà bạn thật sự muốn cải thiện trong 5 hay 10 năm tới?
VI. Văn hóa: 1. Mục tiêu của Fulbright là gì? Tại sao lại đề ra mục tiêu như thế? 2. Có kế hoạch sẽ làm gì đối với văn hóa Việt Nam trong giảng dạy tiếng Anh hay không? (câu này là dành riêng cho ngành của Tịnh rồi)
VII. Giám khảo hỏi là mình có câu hỏi gì muốn hỏi lại Fulbright không?
Trên đây là tất cả những gì Tịnh có thể nhớ để kể cho mọi người. Tịnh chỉ có một lưu ý nhỏ thêm cho mọi người là nếu như mọi người đã định hướng sẽ theo đuổi Fulbright thì ngay từ đầu hãy luyện TOEFL ibt và GRE. Đừng tùy hứng và thiếu chuẩn bị như Tịnh, như thế sẽ dẫn đến một số việc làm mình đôi khi không hài lòng. Trường hợp của Tịnh thì từ đầu Tịnh chỉ định nộp Úc hoặc New Zealand nên chỉ học và thi IELTS thôi (vì thấy nó truyền thống, dễ thở hơn). Đến khi bắt buộc phải thi TOEFL ibt và GRE thì Tịnh lại không có thời gian vì vẫn còn công việc và giảng dạy ở trường. Thêm nữa là lần đầu khi Tịnh làm thử đề mẫu TOEFL ibt và GRE thì Tịnh tá hỏa lên vì không quen với hình thức thi phải ngồi cả khoảng 4 tiếng đồng hồ liên tục trước màn hình máy tính (chảy cả nước mắt), mà bài tập nào cũng bị tính thời gian kịch liệt. ‘Hai lúa’ như Tịnh tí xíu nữa là bị luộc chín luôn. Hên là cuối cùng thì điểm cũng tạm đủ để đi học. Mừng lắm.
TNT: Mọi người nên thực tập phỏng
vấn trước với các thầy cô người nước ngoài, nhờ họ giúp mình. Nếu các bạn có quen ETA (English Teaching Assistant) người Mỹ nào từ Fulbright thì nhờ họ góp ý cả bài viết lẫn thực tập phỏng vấn sẽ rất tốt vì họ là người biết rõ nhất tiêu chí và cách tuyển chọn vòng phỏng vấn của học bổng Fulbright
Tịnh mong là các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn nộp hồ sơ dự tuyển để tìm cho mình một cơ hội tốt để đi du học ở Mỹ, đừng nghĩ rằng mình không có khả năng được Fulbright chấp nhận. Hy vọng những thông tin trên có thể sẽ giúp đỡ được mọi người phần nào để mọi người cảm thấy thư thả và tự tin hơn khi chuẩn bị cho hồ sơ cũng như buổi phỏng vấn của mình.
Chúc các em chị anh sức khỏe và thành công.
Source: Tinh N. Dang