Ngày mỗi sinh viên chúng ta bước chân đến Phần Lan cũng là ngày chúng ta rời xa mảnh đất quê hương. Đó là lúc biết bao khó khăn, lạ lẫm bắt đầu dành cho những người thanh niên tạm lìa mảnh đất Việt Nam ra đi xây ước mơ, tương lai cho mình.
Đó là những lúc du học sinh chúng ta phải chui rúc trong căn phòng bé nhỏ, tự lực những lúc bệnh tật, ốm đau …. nghĩ về gia đình, về bạn bè về những lời hứa trước lúc ra đi . Đó là những lúc đôi bàn chân bé nhỏ vượt qua những cơn bão tuyết Phần Lan . Đó là những lúc vui vẻ bên bạn bè mới, thầy cô mới . Đó là cái cảm giác chợt vui khi nghe thấy tiếng thứ tiếng quê hương ở đâu đó xung quanh …. Đó là 1 Phần Lan –1 mảnh đất –1 cuộc sống mới.
Hãy cùng chúng tôi lắng nghe tâm sự của 2 bạn trẻ du học đang ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết tại mảnh đất được mệnh danh là Ngôi sao phương Bắc này .
Câu chuyện số 1:
Hơn 8 tháng ở Phần Lan với bao khó khăn, vất vả, vui buồn của một du học sinh. Tất cả đều tồn tại trong tôi như 1 kỉ niệm. Kỉ niệm về những ngày đầu trong trẻo và còn rất mới…
Đó là Phần Lan vào giữa ngày đông khắc nghiệt, bầu trời lúc nào cũng u ám, xám xịt, tuyết phủ bốn bề, đâu đâu cũng thấy một màu trắng rợn người của tuyết. Những ngày đầu đến với tôi như một ác mộng, do một vài vấn đề về nhà cửa nên vô gia cư trong 10 ngày. Đi học mà đầu óc rối bời, mệt mỏi chẳng tập trung vào được việc gì.Nhiều lúc cũng thấy nản nhưng may được 1 anh host nhà và trở thành thành viên thứ 9 của nhà anh í
Nhớ những hôm chuyển nhà, kéo vali giữa trời tuyết, cơ tay cơ lưng, cơ bụng được tổng động viên. Nào là vali, túi lớn túi bé, chăn, gối, nệm, thậm chí cả cái ghế vô tình lượm được trong lúc khuân đồ cũng được vác lên tàu, mặc cho mọi người nhìn mình như vật thể lạ. Ông trời nhiều khi đùa ác, hay là do cái đức ăn ở của mình ??? đêm đó tuyết rơi dày, cả hội bị lạc, đi lòng vòng suốt 2 tiếng đồng hồ… Có thể suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm đó… và thực sự cám ơn bạn bè và các anh chị đi trước. Họ, những người tôi chưa hề quen trước đây, nhiệt tình giúp tôi mọi thứ với một lí do đơn giản là ngày trước họ cũng được giúp đỡ như vậy…Chính những lúc khó khăn, ta mới thấm thía tình người dành cho nhau
Rồi những lúc trên đường đi học về, nước mắt tự nhiên cứ chảy dài, cố gắng bước đi thật nhanh để không ai trông thấy Hay đôi khi nhận điện thoại từ Việt Nam, chỉ cần nghe giọng nói của mẹ thôi là nước mắt cũng tự động rơi, nhưng lúc đó vẫn tỏ ra tươi tỉnh trả lời “con vẫn khỏe và rất vui vẻ”. Bởi bây giờ con đã ở xa mẹ lắm rồi…Con phải lớn lên thôi!
Câu chuyện số 2
8 tháng trôi qua, tôi chưa bao giờ cảm thấy tiếc hay chẳng có lí do gì để hối hận về việc quyết định sang Phần Lan.Tôi yêu cuộc sống và con người nơi đây. Tôi ngày nào đã thay đổi phần nhiều, trưởng thành hơn và quyết đoán hơn trong mọi việc…Có những người đi ngang qua cuộc đời tôi, bởi chúng tôi đã quá khác biệt. Nhưng đa phần, tôi đã may mắn gặp được những người bạn, những anh chị thật tốt. Họ đã giúp tôi hiểu được giá trị của sự Cho và Nhận. Tình cảm ấy như một sự xoay vòng, nó sẽ được trao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và chính chúng ta là những người giữ lửa
Bảy tháng sống ở đất nước xa lạ…
Tháng 1 năm 2011, sau gần hai mươi giờ bay, từ đất nước nhiệt đới với cái nắng nóng quanh năm, tôi đến đây: Đất nước mang tên Phần Lan.
Do muốn có thời gian để làm quen với môi trường trước khi nhập học, tôi đến đây khá sớm, trên chuyến bay chỉ có mình mình. Đó không phải là lần đầu tiên tôi độc hành suốt một hành trình dài. Nhưng không hiểu sao, khi máy bay từ từ lăn bánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lại cảm thấy mình đơn độc vô cùng. Suốt chuyến bay, tôi không tài nào ngủ được. Nhắm mắt lại, tôi lại tưởng tượng đủ thứ: Không biết, đất nước mà tôi đến sẽ như thế nào? Du học là ước mơ mà tôi đã ấm ủ từ khi còn học phổ thông. Nhưng khi ngồi trên máy bay chuẩn bị đi du học, thì tôi mới hiểu rằng: Du học không phải là giấc mơ của đời mình. Du học chỉ là cánh cửa để tôi bắt đầu những ước mơ của đời mình. Bật chợt, tôi khóc trong niềm vui sướng khi làm được việc mình muốn, khóc vì rồi đây, khi máy bay hạ cánh, đó không phải là Việt Nam, đó không phải là nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Tôi như rời bỏ một phần trái tim mình, một phần của chính mình. Tôi sẽ phải tự mình bắt đầu cuộc sống mới, bắt đầu mọi việc mà hơn ai tôi hiểu rằng, bên cạnh mình sẽ không còn những người thân quen, không còn ba mẹ, không còn em gái, không còn bạn thân…Những lúc đó trong tôi luôn thường trực một câu hỏi: Tháng ngày sắp tới của mình ở vùng đất lạnh giá này sẽ như thế nào?”. Với sự lớn mạnh của Facebook, Skype, Internet, không khó để tôi ngồi đây nói chuyện với ba mẹ ở Việt Nam hàng giờ liền, nhưng rồi, tôi phát hiện, mỗi sáng tôi thức dậy, tôi không còn nghe tiếng xe cộ ồn ào ở Sài Gòn hay tiếng chợ búa nhộn nhịp ở quê nhà… Đó là những lúc hai tiếng quê hương âm vang trong lòng tôi nhất. Internet thỉnh thoảng làm tôi bất lực với cảm xúc của chính mình.
Shock văn hóa thì tôi chưa trải qua, nhưng shock ngôn ngữ và shock tinh thần thì có. Đó là lúc tôi phải giải thích những suy nghĩ của mình bằng một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, tôi vẫn tỉnh queo ngồi học khi thư viện thông báo sắp tới giờ đóng cửa (bằng tiếng Phần Lan), shock tinh thần là cảm giác tổn thương khi bắt đầu sống ở môi trường mới – không phải tổn thương vì rời xa mà vì tổn thương vì những con người mới mà mình kịp hiểu.
Lahti nơi tôi sống là một trong những thành phố lớn của Phần Lan cũng là nơi đông sinh viên Việt nhất Phần Lan. Vì thế, cái “Tết Ta ở xứ Tây” đầu tiên của tôi diễn ra thật ấm cúng trong tiếng hát ngọt ngào của các bạn sinh viên. Tháng ngày nơi đây là những tháng ngày bình yên. Đó là những buổi sáng, tôi thong thả đạp xe qua những nẻo đường vắng người đi học hay những lúc rảnh rỗi, tôi ngồi hàng giờ ở thư viện đọc sách. Cũng có những ngày hè rực nắng, tôi cùng lũ bạn rủ nhau ra hồ làm babecure. Cuộc sống vì thế mà yên nhiên quá đỗi. Người Phần khá hiền và tốt bụng. Lần đó tôi và bạn cùng nhà đi siêu thị, mua đồ cho cả tuần nên rất nặng, hai đứa nê na về nhà. Trên đường đi có một ông lão muốn giúp chúng tôi, nhưng ông không nói được tiếng Anh, ông nói với bọn tôi toàn tiếng Phần. Lúc đầu, chúng tôi không hiểu mô tê gì. Nhưng khi hiểu ra thì ông ấy đã xách giùm túi đồ của tôi đi được một đoạn khá dài, trên đường đi ông huyên thuyên cười nói bằng tiếng Phần, tôi và bạn không hiểu gì hết…Ông còn ra hiệu cho tôi đội nón lên cho đỡ lạnh. Giờ đây, khi đối mặt với những bài học tiếng Phần Lan rất khó, tôi lại nghĩ tới hình ảnh của ông lão ấy, chính ông ấy là người cho tôi thôi thúc học tiếng Phần… Ít ra là cũng học để đủ hiểu khi người khác muốn giúp đỡ mình.
Mẹ kể, sau khi tôi đi, ai gặp mẹ cũng hỏi thăm không biết tôi có nhớ nhà hay không. Tôi không biết “nhớ nhà” chính xác là như thế nào. Như bạn tôi, sau khi đi, ngày nào cũng khóc cứ gọi điện về nhà nói chuyện. Còn tôi, thậm chí tôi còn nói với mẹ, một tuần mẹ gọi con một lần thôi nha. Nhớ nhà là gì? Đó là đơn giản là những lúc tôi đi chợ thấy khóm “tarjous” lập tức trong đầu tôi nhớ ngay đến nồi canh chua bông điên điển nghi ngút khói của bà. Sống xa nhà, cảm giác cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Khi đó, tôi thường nhìn về hướng Đông, nơi có quê hương, gia đình, là nơi ba mẹ trao cho tôi niềm tin, và rồi, tôi dặn mình dù thế nào đi nữa, cũng không được để mọi người thất vọng.
Bạn thân mến, nếu bạn hỏi tôi rằng: Có thấy hối hận không khi chọn Phần Lan du học? Tại sao không chọn Anh, Mỹ, Úc – các nước kinh doanh giáo dục? Tôi sẽ không chần chừ mà trả lời rằng: Tôi không biết sau này mình có hội hận hay không nhưng tôi chắc rằng nếu bây giờ tôi không làm những việc mà tôi đang làm thì sau này tôi sẽ hối hận. Vốn dĩ mặt đất không có nơi nào hoàn hảo. Nơi đây, tôi sống một cuộc sống văn minh và được học tập với chi phí thấp. Thậm chí, nếu tiết kiệm, tôi không phải xin tiền từ gia đình…Đời người không có đúng sai, có chăng là sự chọn lựa. Và thái độ hài lòng với những gì mình có.
Ở tuổi hai mươi, nhìn lại thì nên nhưng hối hận là điều không cần thiết. Cuộc sống hình trôn ốc, trên nẻo đường ta đi, chúng ta vừa rất giống cũng vừa rất khác ta của ngày hôm qua, sau những lần lên đường, bạn phải rủ bỏ những thứ vốn rất quen thuộc. Nhưng chúng ta sẽ không còn là chúng ta nữa nếu không biết nhìn lại, không biết quí trọng mảnh đất quê hương mình. Quan trọng là ta biết mình đến từ đâu và dù có đi đâu chăng nữa, mình vẫn có một nơi để trở về: Gia đình, quê hương. Dù dòng đời có vạn biến thì điều đó vẫn là bất biến.
Bảy tháng sống ở một đất nước xa lạ…
Đã có thể gọi là nhà
Tôi viết lên đây với tất cả nhiệt huyết và tình yêu với cuộc sống và một phần tuổi hai mươi rất thật của riêng mình
Lahti, một ngày có nắng
Nguyễn Vy
—————————————————————————————————————————————
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của Hội du học sinh Phần Lan (http://www.vsaf.org)
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.