Mình gửi tới các bạn săn học bổng chính phủ các mùa tiếp theo những chia sẻ của một awardee JDS batch 17 giấu tên nhé. Theo như kinh nghiệm cá nhân của mình thì ý kiến bạn ấy đưa ra về việc lựa chọn đề tài phù hợp là vô cùng chính xác và hợp lý.
Các bạn có thể suy nghĩ dần về đề tài mà bạn muốn thực hiện từ bây giờ, dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm làm việc của bản thân bạn. Đề tài nên là vấn đề mà Việt Nam đang cần thực hiện, cấp bách không chỉ trong hiện tại mà còn có ích trong cả tương lai, việc đề tài của bạn được thực hiện sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam, hướng tới lợi ích cộng đồng, hướng tới số đông. Đặc biệt là Nhật Bản cũng có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực đề tài mà bạn chọn. Chỉ cần bạn nắm rõ được mối liên quan này là bạn có thể tìm được đề tài phù hợp cho mình rồi. Và đây cũng là 1 keypoint quyết định khả năng bạn có học bổng hay không.
————————————————
Xin chào mọi người!
Mình xin chia sẻ câu chuyện JDS của mình. Mình không giỏi viết lách nên viết lủng củng, mọi người thông cảm nhé.
Thứ nhất, việc chọn học bổng
Ở cơ quan mình thì phổ biến có hai học bổng AAS và JDS, mọi người đều khuyên nên thi AAS vì học nhàn hơn, không làm luận văn, được đến nước nói tiếng Anh trình độ tiếng Anh sẽ nâng cao, giá trị học bổng lớn và làm thêm có thể kiếm được nhiều. Mình nghĩ nếu có thể, hãy thử sức với cả AAS, vì quyền lợi học bổng AAS rất tốt. Với mình, vì đã có bằng thạc sỹ không được đăng ký AAS, nên mình đăng ký JDS.
Thứ hai, việc viết đề tài
Đây là bước mình nghĩ quyết định đến 70% việc có đạt được JDS hay không.
Trong quá trình chọn đề tài cho JDS, có đề tài Việt Nam cần nhưng Nhật không có kinh nghiệm, có cái Nhật có nhưng trường đại học mình chọn không chuyên về lĩnh vực đó, đề tài có thể thực hiện tại Nhật nhưng do lượng người đăng ký trường mình đông nên không tự tin về sự cạnh tranh mà không tự tin với đề tài của mình thì khó có thể khiến người khác tin vào đề tài đó. Cuối cùng, trước ngày nộp hồ sơ 2 ngày, mình quyết định đổi đề tài (2 ngày để thể hiện đề tài trên giấy, trước đó đề tài đã phải được cân nhắc). Mình nghĩ việc chọn đề tài cần được cân nhắc sớm, bởi để chọn đề tài đủ thuyết phục cần nghiên cứu bối cảnh Việt Nam, Nhật Bản và sự liên hệ đến công việc của mình (Việt Nam cần (đang tìm hiểu), Nhật có, vai trò của mình có thể giúp VN học từ Nhật).
Việc trình bày Research Proposal đóng vai trò lớn. Để tiết kiệm thời gian của người đọc, mình nghĩ cần chia các phần rõ ràng (bối cảnh, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu), câu hỏi nghiên cứu xuất hiện ở trang 1 và chỉ nêu các ý quan trọng nhất, (bản draft của mình có ~ 2.000 từ, sau khi cắt gọt còn ~ 700 từ).
Trang web sau có các thông tin tham khảo hữu ích về viết đề cương nghiên cứu (Research Proposal): Click Here
Thứ ba, giai đoạn phỏng vấn
Theo mình, các trường đại học bên Nhật đã lọc ra được những đề tài mà họ có thể hướng dẫn, và giai đoạn này là để xác nhận “bản quyền” của mình đối với đề tài đó. Ở giai đoạn này, theo mình việc chuẩn bị trước các câu hỏi là điều cần thiết.
Một số câu hỏi mình nhớ trong vòng này là: Tại sao bạn chọn JDS? Chọn trường này? Chọn khoa này? Tại sao chọn đề tài này (nó có ích cho Việt Nam không, có phù hợp với công việc của bạn không)? Những quan điểm trái chiều xung quanh đề tài là gì và chủ thể của những quan điểm đó là cơ quan nào và tại sao? Bạn thấy mô hình của nước nào phù hợp với Việt Nam? (Mình trả lời là Nhật), Bạn nghĩ Nhật có thể đưa ra kinh nghiệm tốt cho nước bạn ư? Tại sao? Mối liên hệ của đề tài đối với các vấn đề a, b, c trong cùng lĩnh vực như thế nào, nó có nội hàm trùng lắp hay tách biệt với nhau? Bạn giải thích rõ về mối liên hệ này? Có những khó khăn gì xung quanh việc thực hiện đề tài và bạn định giải quyết thế nào?
Tâm thế và tư thế khi phỏng vấn là khiêm tốn (không tự ti) và quyết tâm.
Vòng phỏng vấn cuối cùng, không nặng về học thuật nữa – nhẹ nhàng và nhanh gọn hơn. Một số câu hỏi mà mình nhớ: Bạn có học xa nhà được không? vì sao bạn chọn Nhật? bạn nghĩ bạn có thể học được gì (mong đợi của bạn) từ môi trường giáo dục Nhật? Về nước thì dự định của bạn là gì? Bạn có xác định những khó khăn mình sẽ gặp phải không? đó là gì? Bạn sẽ vượt qua các khó khăn đó như thế nào? Đã làm việc với người Nhật bao giờ chưa?
Cuối cùng, mình muốn đề cập đến tác dụng của cuốn Hướng dẫn. Nó rất có ích trong quá trình chuẩn bị hồ sơ JDS cũng như đưa ra các gợi ý cho các vòng phỏng vấn. Theo mình, nếu trả lời được các câu hỏi gợi ý trong cuốn đó và thể hiện trong hồ sơ thì đó cũng chính là những gì mà trường Nhật cũng như cơ quan cấp học bổng muốn thấy.
Trên đây là câu chuyên cá nhân mình vềhọc bổng JDS. Mỗi người có trải nghiệm khác nhau về quá trình đến với học bổng của bản thân, mình hy vọng được đọc những chia sẻ của mọi người về những trải nghiệm đó.
Cảm ơn các bạn đã đọc.
Team nguonhocbong.com chân thành cảm ơn Mun June từ JDS đã hỗ trợ thông tin bài viết rất giá trị này cho các bạn săn học bổng.
Các câu hỏi thường gặp về học bổng chính phủ Nhật JDS