Ngày hôm qua tôi đi dự hai buổi thuyết trình khác nhau – kĩ năng quản lý tài chính và kĩ năng giao tiếp quyết đoán. Hai buổi thuyết trình trên nằm trong khuôn khổ hội thảo Phụ nữ Lãnh đạo tổ chức thường niên tại trường Đại học Pennsylvania, với đối tượng người tham gia là nữ giới (sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh, v.v..) trong trường. Vì nội dung học được từ hai buổi rất nhiều nên tôi chia ra hai ngày để viết. Người hướng dẫn trong buổi thuyết trình về giao tiếp hiệu quả là cô Laura Sicola, người sáng lập công ty tư vấn về giao tiếp công chúng, cũng từng là sinh viên và giáo sư tại trường chúng tôi. Các kĩ năng được giới thiệu mặc dù có được khéo léo điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng khán giả, tôi vẫn tin rằng những bài học sau đây sẽ có giá trị với rất nhiều bạn, bất kể giới tính và độ tuổi.
Tại sao lại là giao tiếp quyết đoán hơn?
Vì nhiều lí do, nữ giới nói chung thường được xã hội đề cao sự nhu mì, hiền dịu, nói năng nhỏ nhẹ, có trên có dưới, đợi người khác (thường là đàn ông) nói hết rồi mới đến lượt mình. Trong khi đó, nam giới luôn được kì vọng phải ăn to nói lớn và ít khi bị ai nhắc nhở điều chỉnh nếu như họ có cắt lời hoặc lấn át người đối diện (đa phần là nữ giới). Chính vì thế nên khi mong muốn đảm đương các vị trí lãnh đạo hoặc trong các buổi tranh biện, nữ giới thường gặp phải rất nhiều thử thách: nếu bạn nói nhỏ nhẹ quá, sẽ chẳng ai nghe và nể trọng bạn; nếu bạn nói to và mạnh bạo quá, người ta sẽ chê bai và khó chịu với bạn. Giao tiếp quyết đoán là việc xây dựng kĩ năng giao tiếp phù hợp, thể hiện được sự tự tin và bản lĩnh, cũng như chinh phục được người nghe. Tôi cho rằng giao tiếp quyết đoán hơn không chỉ là kĩ năng cần thiết cho các bạn gái, mà còn dành cho các bạn trai nữa.
Cô Laura Sicola trước hết yêu cầu chúng tôi hình dung cụ thể một đối tượng giao tiếp mà khiến chúng tôi không tự tin khi đối diện (ví dụ như thầy cô giáo, bố mẹ chồng/vợ, sếp, đối tác, v.v..), sau đó viết ra 3 đến 5 phẩm chất mà chúng tôi muốn thể hiện ra được qua các buổi giao tiếp (tôi viết: tự tin, có năng lực, năng động, và chân thành). Sau đó, cô bảo chúng tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng xem những phẩm chất trên nếu được thể hiện bằng âm thanh thì sẽ “nghe” như thế nào. Bạn thử tưởng tượng xem, âm thanh phát ra từ người tự tin sẽ như thế nào? Người đủ năng lực sẽ ăn nói ra sao? Người năng động, chân thành sẽ có cách giao tiếp như thế nào? Đây chính là cách để bạn hình dung những phẩm chất lí tưởng và so sánh với cách giao tiếp hiện tại của bản thân để xem mình nên cải thiện ở điểm gì.
Để giao tiếp được quyết đoán, chúng ta cần xem độ đáng tin cậy trong giao tiếp của mình ở mức nào. Chúng ta không chỉ giao tiếp qua lời nói, mà còn qua giọng nói, cách nói, và qua ngôn ngữ gương mặt và ngôn ngữ cơ thể. Nếu thông điệp được chia sẻ qua từng “kênh” trên không đồng nhất với nhau, độ tín nhiệm của bạn sẽ giảm đi. Ví dụ, bạn tặng một người bạn một món quà, người bạn mở ra và nói “Tao thích lắm, cảm ơn mày” trong khi gương mặt không sáng lên niềm vui, giọng nói đều đều không tỏ ra sự niềm nở, bạn có tin rằng người ấy thực sự thích món quà bạn tặng? Tương tự, khi một ai đó đến nói chuyện với bạn, mà bạn vừa trả lời họ vừa dí mắt vào màn hình điện thoại, tay lướt nhanh trên bàn phím, thay vì nhìn thẳng và thể hiện sự tập trung lên họ, bạn có nghĩ họ sẽ cảm thấy dễ chịu thoải mái khi tiếp tục nói chuyện với bạn?
Một số nghiên cứu về từng yếu tố Hình ảnh – Âm thanh – Ngôn ngữ lên độ tin cậy trong giao tiếp cho thấy mức độ ảnh hưởng của chúng là khác nhau. Sức ảnh hưởng lớn nhất được tạo nên từ Hình ảnh – thể hiện qua biểu cảm gương mặt và ngôn ngữ cơ thể. Tiếp đến là Âm thanh – tùy vào việc giọng nói và ngữ điệu của bạn như thế nào. Cuối cùng mới là Ngôn ngữ – cách bạn lựa chọn và sử dụng từ ngữ. Chính vì thế mà đôi khi chúng ta chưa cần nói chuyện với ai mà chỉ cần nhìn cách họ mỉm cười, chăm chú lắng nghe ta nói, là đủ để cảm thấy người này thật đáng tin cậy, đáng để chúng ta tiếp tục chia sẻ. Về mặt âm thanh, các bạn không cần phải quá lo lắng về việc giọng mình không “hay.” Quan trọng là bạn nói có đủ nghe rõ hay không, ngữ điệu của bạn đang đặt câu hỏi (cao giọng lên) hay chia sẻ thông tin/suy nghĩ (thấp giọng xuống về phía cuối câu), bạn nói nhanh hay nói chậm, v..v.. Cuối cùng là cách bạn chọn ngôn từ cho phù hợp với đối tượng người nghe, không chỉ là để thể hiện sự tôn trọng mà còn giúp người nghe hiểu được ý của bạn.
Cô Laura cũng nhắc nhiều bạn trong phòng khi các bạn giơ tay đặt câu hỏi cho cô rằng khi lên tiếng trong lớp học hay trong phòng họp, các bạn cần nói đủ to để tất cả mọi người trong phòng đều nghe rõ, chứ không phải là chỉ nói với cô. Làm như vậy là bạn đang thể hiện ba điều: 1) bạn tự tin, 2) bạn tin rằng những điều mình đang hỏi/phát biểu là có giá trị không chỉ cho chính bạn mà còn cho cả người khác, 3) bạn tôn trọng tất cả người nghe và mong muốn mọi người tôn trọng bạn tương tự vậy. Thú vị là cô Laura còn nhắc tất cả các bạn còn lại trong phòng (trừ bạn đang đặt câu hỏi) rằng khi không nghe rõ, các bạn phải đề nghị người nói tăng âm lượng. Làm như vậy là các bạn đang 1) tôn trọng và ủng hộ người nói, 2) tin rằng điều mà người nói đang phát biểu có giá trị học hỏi cho các bạn. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp bản thân và người khác giao tiếp quyết đoán hơn là như vậy.
Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ là lời hướng dẫ
n của cô Laura về cách giới thiệu bản thân. Bạn có bao giờ cảm thấy rất khó nhớ tên của người mới gặp? Hay bạn là người thường bị người mới gặp quên/nhớ nhầm tên? Phần lớn chúng ta thường mắc lỗi khi giới thiệu về bản thân mình. Chúng ta nói quá nhanh, như thể cái tên và các thông tin về chúng ta hoàn toàn không quan trọng. Chúng ta nói bằng giọng điệu không phù hợp, nên người nghe không kịp nắm bắt thông tin về chúng ta. Chưa kể đến âm lượng và cách phát âm (khi người nghe không đến từ nơi ta sống) nữa. Cô Laura hướng dẫn chúng tôi khi giới thiệu tên mình cần thay đổi âm điệu và ngắt quãng giữa các từ, cụ thể: cao giọng dần khi nói tên (first name), giữ tông giọng ở trên cao khi nói tên đệm (middle name), và hạ giọng xuống chốt câu khi nói họ (last name). Lưu ý ngắt giữa các từ để người nghe kịp nhận ra sự thay đổi và dễ nắm bắt được tên chúng ta hơn. Mặc dù cách hướng dẫn này áp dụng với tên nước ngoài nhiều hơn tên Việt Nam, tôi tin chúng ta có thể học được một số điểm quan trọng: 1) cần nhấn mạnh khi giới thiệu tên riêng, 2) cần nói đủ chậm và đủ to để người đối diện nghe rõ, 3) nhắc lại tên khi cần thiết nếu tên lạ hoặc người nghe chưa nghe rõ tên ta.
Tóm lại, cũng như mọi chủ đề khác mà tôi đã, đang và sẽ chia sẻ, giao tiếp quyết đoán không phải là thứ chỉ học một buổi là đủ.
Nếu bạn thực sự muốn cải thiện kĩ năng giao tiếp của bản thân, bạn cần chú ý lắng nghe người khác nói và học từ những thế mạnh/điểm yếu của họ.
Tôi là người hay bắt chước cách phát âm và cách nói của người khác khi tôi thấy họ thú vị và họ chinh phục tôi qua cách giao tiếp của họ.
Nếu có thể tóm tắt lại các ý quan trọng về giao tiếp quyết đoán, tôi sẽ nói:
1) Nhìn thẳng vào người đối diện và mỉm cười (không phải là nhe răng ra cười) để thể hiện sự tập trung chú ý và thái độ thân thiện, tay và vai thả lỏng và có xu hướng mở ra chứ không khoanh tay trước ngực,
2) Nói đủ to, rõ ràng, để tất cả những người cần lắng nghe điều bạn nói phải nghe thấy bạn đang nói gì,
3) Nói với độ trầm bổng vừa phải, không như đang hát mà cũng không phải như đang cầu kinh,
4) Chọn ngôn ngữ phù hợp với đối tượng đang lắng nghe bạn nói.
Chúc bạn thể hiện được bản lĩnh và khả năng của mình qua giao tiếp mỗi ngày!
Theo: Ngoc Anh- Cao ( Alice Cao)