-
1. Điểm IELTS/TOEFL là một tiêu chí quan trọng khi xét duyệt hồ sơ học bổng, cho nên điểm IELTS/TOEFL càng cao thì hồ sơ càng dễ được chọn phải không?
KHÔNG ĐÚNG.
Thực tế là điểm bài thi chuẩn hóa Tiếng Anh của các bạn chỉ chứng minh bạn đủ khả năng để đi học ở nước nói tiếng Anh mà thôi, chứ không ảnh hưởng đến kết quả xin học bổng. Chẳng thiếu gì những người đã được nhận học bổng chính phủ mà điểm IELTS chỉ đạt mức tối thiểu 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0).
Ban xét duyệt hồ sơ của Đại học Nottingham- Anh Quốc đã khẳng định là điểm IELTS của bạn chỉ cần đạt 6.5, còn lại thì 8.0 hay 8.5 cũng chẳng khác gì 6.5 cả, tức là hồ sơ của bạn sẽ không “đẹp” lên vì cái điểm IELTS.
Học bổng AAS cũng khẳng định tiếng Anh của ứng viên có tốt hay trung bình thì ban giám khảo cũng chẳng dựa vào trình độ tiếng Anh để đánh giá chất lượng hồ sơ.
* Tóm lại, điểm IELTS/TOEFL không phải là tiêu chí quyết định bạn có học bổng. Bạn chỉ cần tối thiểu 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0), không cần cao hơn là đủ đáp ứng tiêu chí săn học bổng.
KHÔNG THẦN THÁNH HÓA ĐIỂM IELTS
-
2. Các học bổng phát triển như Chevening, Fulbright, New Zealand Asean, v..v.. không chào đón, không cấp học bổng cho ứng viên đến từ khối tư nhân?
ĐÚNG & KHÔNG ĐÚNG
KHÔNG ĐÚNG: Học bổng chính phủ chào đón mọi đối tượng, chỉ cần ứng viên đáp ứng đủ tiêu chí của các học bổng bao gồm số năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngành sẽ săn học bổng Thạc sĩ, tiêu chí leadership, bài luận, v..v..
ĐÚNG :Tuy nhiên, học bổng chính phủ Nhật JDS đúng là dành cho khối nhà nước, Bộ ban ngành, trường đại học, viện, …
Học bổng chính phủ Úc – AAS luôn ghi rõ nhóm đối tượng thuộc Viện, ban, ngành.
Do đó, chỉ trừ JDS & AAS, các bạn khối tư nhân hãy mạnh dạn nộp đơn xin học bổng nhé.
* Tóm lại: Hãy đọc và hiểu trong sáng yêu cầu của mỗi loại học bổng các bạn nhé.
-
3. Săn học bổng toàn phần trái ngành rất khó thuyết phục Ban xét duyệt học bổng? ĐÚNG & KHÔNG ĐÚNG
ĐÚNG: nếu bạn có thời gian làm việc ít nhất 5 năm sau tốt nghiệp về ngành bạn sẽ săn học bổng mặc dù background không giống, bạn vẫn có cơ hội thuyết phục được Ban xét duyệt. 5 năm là khoản thời gian vừa đủ chứng minh bạn có yêu nghề bạn đã chọn hay không? Bạn có đủ thấy những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực của mình hay không? Và việc đi học sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc giải quyết các hạn chế đó tại Việt Nam.
KHÔNG ĐÚNG: nếu bạn cứ làm 1 lĩnh vực trong 1-2 năm và không liên quan gì đến nhau cùng với thay đổi liên tục. Bạn lại xin học bổng với 1 lĩnh vực khác. Bạn đang tự làm khó bản thân mình chứ không phải Ban xét duyệt học bổng. Học bổng toàn phần là 1 sự đầu tư vào ứng viên, ở đó bên đầu tư- Ban xét duyệt học bổng cần 1 ứng viên đam mê, có năng lực, xuyên suốt với lĩnh vực của mình để xứng đáng với khoản đầu tư đó.
* Tóm lại: Lý tưởng nhất vẫn là học ngành nào, săn học bổng ngành ấy. Nếu bạn săn học bổng trái ngành thì phải dùng thời gian & kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm, đào tạo ngắn hạn (ở nước ngoài thì càng tốt), giải thưởng chuyên môn, v..v.. để chứng minh bạn xứng đáng hơn người khác.
-
4. Học bổng toàn phần hiện nay có những loại nào?
Học bổng toàn phần là học bổng sẽ cấp cho bạn tiền học phí, tiền sinh hoạt phí, vé máy bay, v..v.. Mức học bổng sẽ khác nhau 1 chút tùy vào chính phủ, tập đoàn, trường…Nhưng chắc chắn bạn rất thoải mái với mức học bổng này.
Danh sách các loại học bổng toàn phần :
> Học bổng chính phủ
> Học bổng theo Quỹ tài trợ
> Học bổng theo Công ty & Tập đoàn
> Học bổng trường
> Học bổng hiệp định
* Tóm lại: Học bổng toàn phần giúp bạn đạt “giấc mơ du học 0 đồng”. Chính vì vậy mà sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Hãy chuẩn bị và lên chiến lược càng sớm càng tốt các bạn nhé.
-
5. Những hoạt động ngoại khóa như thế nào để được đánh giá cao khi săn học bổng?
Hãy làm theo các nguyên tắc sau:
1/ Tham gia hoạt động ngoại khóa có liên quan đến chuyên môn của bạn, ngành bạn sẽ săn học bổng hoặc đất nước bạn nhắm đến
2/ Không dùng đủ các hoạt động ngoại khóa để make-up hồ sơ
3/ Chất lượng hơn số lượng
4/ Nếu không tham gia bất kì hoạt động nào, hãy thay thế bằng giải thưởng chuyên môn, đào tạo chuyên môn ngắn hạn và dĩ nhiên có tính quốc tế là 1 lợi thế rất lớn
-
6. GPA cao là 1 lợi thế khi săn học bổng du học?
ĐÚNG & KHÔNG ĐÚNG
ĐÚNG: Với học bổng cạnh tranh quốc tế & merit-based, bạn phải đáp ứng yếu tố này vì hệ thống luôn nhận trăm ngàn hồ sơ ứng viên quốc tế khác còn tốt hơn rất nhiều.
KHÔNG ĐÚNG: Với học bổng chính phủ, học bổng hiệp định gần như không ảnh hưởng. Do đó, nếu bạn nhắm vào học bổng chính phủ, học bổng hiệp định thì cứ mạnh dạn apply nếu bạn chỉ có GPA trong khoảng 7.0-7.9
* Tóm lại: GPA cao thì nhiều cơ hội học bổng hơn là GPA thấp. Mức an toàn nên là 7.5/10 và nếu bạn có ranking thì nên note vào ngay trong CV nhé.
-
7. Em muốn săn học bổng Thạc sĩ, em không biết bắt đầu từ đâu?
Hãy bình tĩnh, đóng laptop lại. Lấy giấy bút ra và trả lời những câu hỏi sau:
1/ Bạn sẽ săn học bổng lĩnh vực nào?
2/ Kinh nghiệm làm việc của bạn có phù hợp với ngành bạn sẽ săn học bổng không?
3/ Career path của bạn như thế nào?
4/ Bạn đang nghĩ đến học bổng nào?
5/ Vì sao lại là những học bổng đó?
6/ Mức độ tìm hiểu về học bổng của bạn hiện nay đang ở mức nào?
7/ Khả năng tài chính của bạn như thế nào?
8/ Bạn có thực sự quyết tâm săn học bổng?
* Tóm lại: Khi bạn trả lời các câu hỏi này 1 cách trung thực nhất, bạn sẽ rõ hơn về sự lựa chọn của mình. Và nếu bạn vẫn còn mơ hồ, hãy nhờ 1 người có kinh nghiệm trò chuyện với bạn. Bạn chắc chắn sẽ khai sáng được rất nhiều với những người có kinh nghiệm với học bổng du học.
-
8. Thế nào là đơn vị tư vấn học bổng du học độc lập?
Đây là 1 khái niệm rất mới tại Việt Nam nhưng lại không mới với thế giới. Đơn vị tư vấn học bổng du học độc lập (Independent Consultant) sẽ lấy hồ sơ của bạn làm trung tâm cùng với form tìm hiểu thêm về bạn. Trên cơ sở đó, họ sẽ đề nghĩ những giải pháp học bổng du học phù hợp với bạn. Bạn lúc đó sẽ nhìn thấy bức tranh tổng thế về học bổng du học mà ở đó bạn chỉ phù hợp với vài chỗ, chứ không phải là tất cả (trừ khi bạn có rất rất nhiều tiền thì ai cũng chào đón bạn, nhưng đó không phải là học bổng nữa rồi).
* Tóm lại: Đơn vị tư vấn học bổng du học độc lập KHÔNG PHẢI LÀ AGENCY. Họ không phải là sân sau của bất kì trường đại học nào trên thế giới. Họ lấy bạn là trung tâm và chọn cho bạn những lựa chọn phù hợp nhất. Cuối cùng, chính bạn sẽ là người quyết định đi con đường nào.
-
9. Bí quyết săn học bổng thành công là gì?
Hãy ghi nhớ 2 bí quyết: Chọn đúng học bổng và có người đồng hành săn học bổng cùng bạn.
* Tóm lại: hãy đi hỏi bất kì bạn nào đã từng có học bổng để xác nhận điều này nhé.
-
10. Để chuyến du học thành công, cần phải chuẩn bị những gì?
Bạn cần chuẩn bị: Chiến lược & kỹ năng du học hiệu quả, Cẩm nang du học an toàn & tiết kiệm
* Tóm lại: Phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu và trò chuyện với các Alumni, họ sẽ truyền hết kinh nghiệm cho bạn để giúp bạn có chuyến du học hơn sự kì vọng của bạn & gia đình nhé.
-
11. International experience là gì?
Đây là 1 khái niệm rất mới ở Việt Nam nhưng lại rất quan trọng khi săn học bổng.
Nếu bạn săn học bổng cạnh tranh quốc tế thì đây là 1 tiêu chí rất quan trọng và tiêu chí này đã lan sang cách chọn lọc ứng viên với học bổng hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam trong khoảng vài năm gần đây.
Tạm dịch International experience là trải nghiệm & kinh nghiệm quốc tế. Nó sẽ bao gồm mọi thứ liên quan đến quốc tế như: làm việc với tập đoàn & chuyên gia nước ngoài, đào tạo ngắn hạn & tham gia hội nghị tại nước ngoài, giải thưởng chuyên môn nước ngoài, học bổng ở nước ngoài, volunteer ở nước ngoài, học 1 ngôn ngữ khác, làm dự án có liên quan đến quốc tế, v..v..
* Tóm lại: ngày càng nhiều học bổng quan tâm đến yếu tố này. Hãy “quốc tế hóa” profile của bạn nhé vì điều đó không những có lợi trong quá trình săn học bổng và sự nghiệp thăng tiến của bạn sau này.
-
12. Học bổng chính phủ nào dành cho người khuyết tật (nhóm yếu thế)?
Học bổng Chevening (Vương quốc Anh), học bổng Fulbright (Mỹ), học bổng AAS ( Úc), học bổng Irish Aid (Ireland) và học bổng New Zealand Asean (New Zealand)
Có rất nhiều bạn khuyết tật (nhóm yếu thế) đã đi du học với các loại học bổng này.
* Tóm lại: nếu bạn rơi vào nhóm này thì đây là 5 loại học bổng sẽ giúp bạn đi du học được với tiêu chí giảm đi cả về yêu cầu ngoại ngữ, GPA cũng như số năm kinh nghiệm.
-
13. Những học bổng chính phủ nào cho đa dạng ngành nghề nhất?
Học bổng Chevening (Vương quốc Anh), học bổng Fulbright (Mỹ), học bổng Endeavour ( Úc), học bổng Irish Aid (Ireland), học bổng SISS (Thụy Điển) và học bổng New Zealand Asean (New Zealand)
* Tóm lại: Nếu các bạn apply có liên quan từ tài chính, quản trị, truyền thông, báo chí, giáo dục, kiến trúc, kinh doanh, IT, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, v..v.. Hãy nghĩ đến các lựa chọn này nhé, miễn là bạn chứng minh nó có ích cho Việt Nam và kế hoạch trở về Việt Nam rõ ràng với các đóng góp cụ thể.
-
14. Nếu FAIL học bổng vài lần, tôi cần làm gì?
Bạn chỉ cần làm đúng 1 việc: gửi tất cả những gì bạn viết để săn học bổng kèm hồ sơ đến cho người có kinh nghiệm về học bổng du học. Họ sẽ giúp bạn dành thời gian đọc và tìm ra lí do vì sao bạn fail. Sau đó, họ sẽ đề xuất chiến lược săn học bổng vào mùa tiếp theo.
* Tóm lại: nếu bạn fail 1 mùa học bổng với 2-3 loại khác nhau, bạn thật sự đang cần sự giúp đỡ của những người có chuyên môn về học bổng du học. Đừng ngại nhờ giúp khi bạn đang thật sự cần nhé.
-
15. Những lí do nào khiến ứng viên FAIL học bổng?
Thường các bạn fail vì các lí do sau:
- Chọn học bổng không phù hợp
- Không có người đồng hành cùng bạn trong quá trình apply, viết theo cảm nghĩ của mình
- Không hiểu về học bổng bạn đang apply
- Không đầu tư đủ thời gian để săn học bổng
- Có nhiều ứng viên mạnh trong lần bạn cùng apply
- Thiếu may mắn
* Tóm lại: Sẽ có những bạn Fail vì thiếu may mắn nhưng số Fail nhiều hơn sẽ là lí do 1-5. Bạn cần lúc này là 1 người có kinh nghiệm chỉ ra vấn đề của bạn ở đâu chứ không phải “thua keo này bày keo khác” ngay lập tức.
-
16. Cụm từ “Leadership” nên hiểu như thế nào?
Theo Robert Garis, giám đốc tuyển sinh của chương trình Schwarzman Scholars: Leadership (hay lãnh đạo) là khả năng thấy được vấn đề, và có tầm nhìn ra giải pháp cho vấn đề đó, thêm vào đó là khả năng thuyết phục người khác cùng giải quyết một vấn đề đó với mình. Trong quá trình làm việc, họ có khả năng quản lý và truyền cảm hứng cho những người khác để hoàn thành nhiệm vụ và vẫn bám lấy những nguyên tắc cơ bản của tổ chức.
* Tóm lại: hãy làm theo thông điệp ở trên và bắt đầu “lead” từ những cái nhỏ nhất các bạn nhé. Và 1 người có tố chất leadership trước tiên phải lead được bản thân. Bạn làm chủ được cuộc đời mình, tương lai mình, và sự nghiệp của mình. Bạn đưa ra mục tiêu và kiểm soát, đốc thúc bản thân hoàn thành được nó. Thật ra, đó cũng là “leadership”.
-
17. Hãy cho tôi những kinh nghiệm khi xin thư giới thiệu (LoRs)
Có những học bổng, sự ảnh hưởng của người viết thư giới thiệu cho bạn là rất lớn. Do đó, hãy chú ý vấn đề này và làm theo các lời khuyên sau đây
a/ Xin LoRs từ 3 người: 1 là người làm lâu & hiểu bạn nhất, 2 là người có ảnh hưởng, 3 là 1 người nước ngoài (họ sẽ đánh giá bạn công tâm hơn và cũng được chú ý hơn với Ban xét duyệt học bổng)
b/ Nên xin LoR ngay khi không còn làm việc với người đó nữa
c/ Mỗi LoR phải thể hiện 1 góc cạnh nào đó của bạn
* Tóm lại: Hãy khôn khéo xin LoR theo nguyên tắc trên nhé, nói cho đúng là “Hãy có chiến lược thư giới thiệu”
-
18. Hãy cho tôi lời khuyên trước khi bước vào cuộc phỏng vấn xin học bổng
a/ Hãy đọc lại Application form, essay bạn đã viết và nhớ những gì bạn viết như trong lòng bàn tay
b/ Tìm hiểu thật kĩ khóa học, thâm chí từng môn và hãy nhớ vì sao bạn chọn nó
c/ Luôn cảm ơn mỗi khi nhận câu hỏi và cảm ơn khi kết thúc cuộc phỏng vấn vì nhờ có nó bạn được trình bày rõ hơn vì sao nên lựa chọn bạn
d/ Hít 1 hơi thật sâu trước khi bước vào phòng Phỏng vấn và mỉm cười chào Hội đồng
e/Nói chậm rãi, rõ , chắc để Hội đồng nghe rõ và hiểu bạn muốn nói gì
* Tóm lại: Hãy chọn 1 người có kinh nghiệm để Mock-up interview cùng bạn. Họ sẽ chỉ cho bạn rất nhiều hạn chế và lỗi thường gặp để giúp bạn tự tin hơn trong vòng loại trực tiếp này.
-
19. Học bổng tại Canada có những loại nào?
Rất tiếc, Canada không có học bổng cho Đại học & Thạc sĩ. Hiếm lắm mới có 1 suất học bổng toàn phần Thạc sĩ. Những học bổng bạn vẫn hay nghe thấy đa phần là giảm 1 chút học phí. Và để hấp dẫn, họ sẽ dùng từ “học bổng”.
Nhưng, với bậc Tiến sĩ thì chúng tôi chắc chắn có những suất học bổng toàn phần cho bạn trong lĩnh vực STEM.
*Tóm lại: nếu bạn săn học bổng Tiến sĩ lĩnh vực STEM, IT, Computer science. Chúng tôi hỗ trợ bạn được vì có học bổng.
-
20. Học bổng toàn phần bậc Đại học sẽ có những lựa chọn nào?
Chân thành và thẳng thắn mà nói: bậc Đại học rất ít học bổng. Chỉ còn có các giải pháp sau, bạn có thể lựa chọn
a/ Học bổng toàn phần: MEXT (Nhật)
b/ Học bổng của các trường cho sinh viên quốc tế từ các trường Đại học tại Mỹ (nhưng bạn vẫn cần 1 chút tài chính và hồ sơ rất mạnh)
c/ Học bổng trường cho sinh viên quốc tế tại vài nước Châu Âu như Hà Lan (Top-up hàng năm)
d/ Trường UTS tại Úc có suất cho các bạn đạt giải Olympic quốc tế
e/ Học bổng theo công ty & tập đoàn
f/ Học bổng hiệp định
* Tóm lại: bậc Đại học hơi ít học bổng toàn phần. Và nếu có thì cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu bạn có sự chuẩn bị tốt thì nên apply nhé.