Đây sẽ là bài viết hỗn tạp nhất từ trước đến nay của mình về du học tại Anh. Đó sẽ toàn là những mẩu suy nghĩ đây đó của mình khi ở vị trí một du học sinh bậc thạc sĩ.
CHUYỆN HỌC TIẾNG ANH Ở ANH
•Sang Anh du học không có nghĩa là quay về Việt Nam ai cũng giỏi tiếng Anh. Luận văn tốt nghiệp của sinh viên người nước ngoài mắc lỗi sai ngữ pháp sơ đẳng là chuyện bình thường. Ở đây họ không bắt bẻ chuyện lỗi ngữ pháp trừ khi học các ngành như ngôn ngữ, báo chí, hoặc truyền thông. Sinh viên phải tự biết hoàn thiện kĩ năng của mình.
•Sang Anh du học để có được giọng “Anh-Anh” là chuyện không cần thiết. Người bản ngữ luôn nhận ra rằng giọng bạn không giống họ (và đừng nghĩ rằng bạn sẽ có 100% British accent nếu như bạn không sinh ra và lớn lên ở Anh. Bạn có thể nói giọng giống British chứ không phải 100% British – hard facts), dù bạn bắt chước giỏi đến thế nào đi nữa. Quan trọng của ngôn ngữ chính là nói để họ hiểu.
•Để nói mà người ta dễ hiểu, hãy học cách dùng âm “schwa”.
•Người Anh thường xuyên dùng “schwa” để thay thế cho nhiều nguyên âm mà đáng ra trong sách vở nó phải khác. Ví dụ: họ có thể phát âm từ “it” hay “that” lần lượt là /ə.(t)/ và /ðə(t)/
•Trái với nhiều người thường nghĩ, người Anh hoàn toàn có thể nuốt âm gió /t/ và thay vào đó họ hạ thấp cao độ của âm, tạo ra một khoảng lặng nhất định. Ví dụ: từ “it” thường xuyên được phát âm à /ə./
•“Isn’t it” thường xuyên được phát âm là /əzn.ə./
•Vì vậy, muốn nói tiếng Anh giống người bản ngữ hơn, hãy học cách dùng âm “schwa” cho giỏi vào. Đây là âm thường gặp nhất trong tiếng Anh, nên càng có lý do để dùng nó cho giỏi. Nhiều người sẽ phát âm từ “before” là /bi:’fɔːr/, trong khi phiên âm theo Oxford và Cambridge là /bi’fɔːr/, và thực tế người ta sẽ phát âm là /bə’fɔːr/ (âm đầu tiên gần như không được phát âm mà chỉ lướt qua)
CHUYỆN DU HỌC Ở ANH
•Nước Anh là thiên đường của học thuật và nghiên cứu. Luật, Kinh tế học, Ngôn ngữ học, Nghiên cứu phát triển, Nhân quyền được coi là những ngành dành cho giới tinh anh. Ai mà muốn học để nghiên cứu, nhất là thuộc những ngành này, thì học xong đại học nên tìm cách sang đây cho mau.
•Những người không muốn nghiên cứu thì nên ở lại Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Làm vài năm rồi thấy thiếu thốn kiến thức thì hãy xin đi học. Như vậy cho đỡ tốn thời gian với tiền của (mà phần lớn là tiền của gia đình). Dĩ nhiên điều này chỉ đúng với những bạn muốn học vì kiến thức. Du học để có không gian “tự tung tự tác” hoặc trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài lại là chuyện khác.
•Kinh nghiệm làm việc trước khi học thạc sĩ đặc biệt quan trọng với những ngành đào tạo ra người hành nghề có tính chuyên biệt, chuyên môn cao như kiến trúc, kĩ sư tin học, v.v… Các chương trình đào tạo cao học ở Anh được thiết kế với giả thiết tất cả các sinh viên đã hoàn toàn thành thục các kĩ năng họ được dạy ở bậc đại học. Nếu đã có 2 năm kinh nghiệm, bạn sẽ không phải mất thời gian hoàn thiện những kĩ năng mà đáng ra ở Việt Nam bạn cũng làm được và dành những thời gian đó để phát triển những kĩ năng và kiến thức mới.
•Có một lần, bạn cùng lớp của tôi thổ lộ: “Sau 2 kì, tao nhận ra là dù tao đã cố gắng hết sức nhưng cũng không bao giờ có thể đạt được đến những kĩ năng và sản phẩm thiết kế như một số đứa được vì nó có kinh nghiệm thực tế. Những cái nó thiết kế có cái gì đó rất chính xác như kiểu “phải là màu đó, vật liệu đó, khối đó” mà tao không hiểu nổi nhưng nhìn là nhận ra ngay đứa nào làm.” (nói thế chứ điểm của nó cũng toàn Distinction thôi đó chứ không kém đâu)
•Học thạc sĩ ở Anh mà muốn ở lại tìm việc sau khi tốt nghiệp thì phải được Distinction hoặc bằng cách khác chứng minh được năng lực thật xuất sắc. Chả việc gì một công ty ở Anh phải chấp nhận nộp phí bảo lãnh làm visa lao động cho một đứa thạc sĩ người nước ngoài tốt nghiệp dạng Merit trở xuống cả, trong khi họ chỉ cần một cử nhân người bản xứ cho hầu hết các vị trí.
•Hỏi 17 đứa bạn cùng lớp với tôi, 16 đứa trả lời muốn làm PhD trong khi cái case study trầy trật mãi mới qua được điểm 60. Đứa nào cũng ngạc nhiên khi tôi trả lời: “Có cho tiền tao cũng không làm PhD bây giờ.”
•Làm PhD không phải làm xong một cái nghiên cứu 3 năm là xong. Nhìn mấy ông bà Associate Professor ở trường tôi là tôi hiểu. Bận cả nghiên cứu lẫn giảng dạy như điên.
• Trở thành PhD chỉ là bước đầu rất nhỏ trong sự nghiệp nghiên cứu. Sau đó sẽ là cả một chặng đường dài năm nào cũng phải nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu. Hẳn là không nhiều người biết đến điều này, nhưng cứ muốn thành PhD để rồi trở về nước và trở thành những tiến sĩ giấy (cái thể loại tiến sĩ mà trước đó có lẽ chính họ cũng to mồm chê bai).
Nói chung học cao học ở Vương quốc Anh chả có gì hay ho cả nếu như cái đứa đi học không hay ho.
Theo: Chevening scholar- H.D. Long