Page Contents
We are what we eat
Sau nhiều năm tự sống một mình, bao gồm đi chợ theo ngân quỹ eo hẹp, nấu ăn, nấu cho người khác, mình đã đúc kết được những kiến thức về thức ăn ở Mỹ mình muốn chia sẻ để mọi người cùng biết và lựa chọn thông minh về bữa ăn của mình
Thức ăn ở Mỹ cực kì rẻ
So với các nước phát triển ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, thức ăn ở Mỹ cực kì rẻ khi so với mức lương của người dân. Đôi khi mình thấy còn rẻ hơn cả ở Việt Nam! Ba mình hồi xưa hay tính giá trị tiền bằng lít xăng hay kí gạo. Mình tính bằng tô phở cho thiết thực vì mình chả bao giờ mua gạo theo kí cả.
Một tô phở ở Chinatown Boston giá khoảng 8 đô la. Sau khi mình dọn đến vùng hơi hẻo lánh ở New Jersey thì đắt hơn tí, khoảng 11 đô la vì ít người châu Á ở khu này (ít cung nhiều cầu). Lương của mình khi còn làm fellow sau thuế chỉ khoảng 2,500 đô la một tháng. Và đây cũng là mức lương thường thấy của những người lao động bình dân cho đến dân văn phòng (tùy nghề). Tính ra một tháng mình có thể mua được hơn 200 tô phở. Còn ở Việt Nam lương người lao động bình thường chỉ dưới 5 triệu, mà mỗi tô phở đã 40 nghìn, thì chỉ mua được khoảng 125 tô. Các bạn nghĩ sao về điều vô lý này?
Vì sao thức ăn rẻ?
Hồi học đại học mình có chọn lớp Eating & The Environment. Đại học có rất nhiều lớp bạn sẽ vào, nhưng chỉ có một vài sẽ khiến bạn nhớ đời, và đây là một trong những lớp đó. Mình đã được mở ra một thế giới mới, trong đó gà con đồng loạt bị tiêm thuốc kháng sinh không cần thiết, gà mái bị nhốt trong chuồng chung với mấy chục ngàn con khác nhồi nhét nhau không có chỗ đứng đến nỗi lở loét què quặt. Heo nái heo con cũng vậy. Vì những hình thức công nghiệp hóa nông nghiệp thế này nên thịt cá ở Mỹ mới rẻ đến thế.
Người nông dân ở Mỹ thì bị các doanh nghiệp công nông khổng lồ đè bẹp nên không có tiếng nói. Nước Mỹ có hơn 300 triệu dân, nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp chính sản xuất 85% khối lượng thịt bò mà người dân tiêu thụ. Bạn nghĩ xem với sức mạnh khổng lồ như thế, họ dư sức tạo sức ép (lobby) khiến chính phủ đưa ra luật pháp có lợi cho họ nhưng hại cho dân.
Chọn thực phẩm organic
Ở Mỹ những năm gần đây có dậy lên phong trào ăn uống organic- nghĩa là đồ ăn bao gồm rau quả, thịt, cá, v.v. được trồng và nuôi không dùng hóa chất. Hoá chất ở đây bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hormone tăng trưởng cho gia súc gia cầm, thuốc kháng sinh cho gia cầm. Thức ăn organic đáng tin cậy hơn “natural” vì organic được cục quản lý nông nghiệp định nghĩa đàng hoàng, và doanh nghiệp phải được kiểm tra chất lượng trước khi có quyền dùng label đó. Tuy thức ăn organic có đắt hơn, nhưng khi nghĩ về lợi ích và tác hại về sức khỏe lâu dài mình không nên tiết kiệm trong việc chọn đồ ăn thức uống tốt, nếu có điều kiện.
Đọc nhãn hiệu (label)
Mọi người hay đọc nhãn hiệu để đếm calo, xem mình ăn uống bao nhiêu calo. Mình thì không quan trọng chuyện đó. Nếu ăn uống hợp lý, biết lắng nghe nhu cầu của cơ thể thay vì ăn uống vô độ thì bạn không phải lo. Mình đọc nhãn hiệu để biết xem trong thực phẩm của mình có chứa những gì. Một số chất mình tránh bằng mọi giá trừ khi kẹt lắm hay đói lắm:
- High fructose corn syrup: sirô làm ngọt chiết xuất từ bắp thay vì dùng mía đường
- MSG (monosodium glutamate): hay còn gọi thân thiết là bột ngọt. Thật ra bột ngọt dùng ít thì chắc cũng không có hại, nhưng mình không ủng hộ kiểu label thức ăn đánh lừa người tiêu dùng như thế này vì đâu có nhiều người biết tên hoá học của bột ngọt
- Đường hóa học (artificial sweetener): aspartame, acesulfame potassium, sucralose, v.v. Thức ăn đồ uống ở Mỹ dùng đường hoá học tràn lan. Hàng loạt sản phẩm “sugar free”, “low sugar”, “low calorie” như Diet Coke, Diet Pepsi, tất tần tật những gì có gắn chữ “Diet” trên đó đều có chứa một trong những chất này. Nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường thì không việc gì phải dùng các sản phẩm này. Chả ốm được bao nhiêu đâu mà sau này biết đâu lại mang bệnh vào thân. Chỉ có ăn uống điều độ không buông thả ga và tập thể dục vận động thường xuyên là cách giữ cân và giữ sức khỏe tốt nhất.
Đừng tin vào mỹ từ
Mỹ từ dùng trong việc label thức ăn như “cage free” hay “free range” để chỉ thịt gà hay trứng. Hay “natural” cho bất kể thức ăn nào. Đều chả có nghĩa lý gì cả! Sau khi hội bảo vệ quyền động vật la lối om sòm phản đối việc các doanh nghiệp ngược đãi gia cầm, thì họ sửa luật lại và nuôi gia cầm “không trong chuồng”. Mình nghe thì tưởng là gà mẹ gà con được chạy tung tăng trên đồng cỏ, nhưng không. Đó nghĩa là gà vẫn bị nhốt mấy chục nghìn con trong một khoảng đất, nhồi nhét nh
ư cá mòi, chỉ là không phải mỗi con bị nhốt một chuồng. Còn “free range” cũng vậy. Không có nghĩa là thoải mái đi lại, chỉ là trong cái chuồng đó phải có ít nhất “lối đi” (access) ra ngoài. Nếu bạn có một cái lỗ chui lọt 1 con gà trong cái chuồng 10,000 con thì cũng đã gọi là free range!
Còn natural lại càng tệ hơn. Không có một cái định nghĩa cụ thể nào được cục quản lý thực phẩm đưa ra. Ai cũng có thể dán cái mác natural và tự hiểu theo cách của họ. Ví dụ như thực phẩm có “nguồn gốc” tự nhiên, nhưng đã qua mấy chục lần chế biến tinh chế vẫn nghiễm nhiên tự xưng là natural (như nhãn hàng thuốc lá này đây). Những quảng cáo như thế này lừa dối khách hàng khiến họ tưởng là hút thuốc này hay ăn thức ăn kia sẽ ít hại hơn và có thể còn có lợi cho sức khỏe trong khi thực tế hoàn toàn khác.
—–
Vì những lí do này nên mình hay đọc nhãn hiệu và bao bì để biết mình đang cho cơ thể tiêu thụ cái gì. Nếu như người làm khoa học như mình mà hết một nửa các chất trên bao bì không biết là cái gì, từ đâu ra, chỉ nghe toàn hoá chất thì mình sẽ không ăn. Nói thật kẹo bánh ở Mỹ nhiều hóa chất đến nỗi để 10 năm cũng không mốc (hơi cường điệu, khi nào rảnh sẽ kiểm chứng).Mỗi người nên trang bị kiến thức để lựa chọn tốt nhất cho bữa ăn của mình và gia đình.
Theo Ngọc Bích- http://thetinypharmacist.org/