Cho những ai muốn xin học bổng chính phủ (Phần 3)
Phần 3: Fallacy Busted – Những quan niệm sai lầm về học bổng chính phủ
Như tên của bài viết, mình sẽ nói về những nhầm lẫn hoặc sai lầm mà mọi người hay mắc phải khi nghĩ đến hoặc ứng tuyển học bổng chính phủ.
1.Điểm IELTS/TOEFL là một tiêu chí quan trọng khi xét duyệt hồ sơ, cho nên điểm này càng cao thì hồ sơ càng dễ được chọn.
=> Thực tế là điểm bài thi chuẩn hóa Tiếng Anh của các bạn chả có ý nghĩa gì hết ngoài chuyện nó chứng minh được bạn đủ khả năng để đi học ở nước nói tiếng Anh. Chẳng thiếu gì những người đã được nhận học bổng chính phủ mà điểm IELTS chỉ đạt mức tối thiểu. Một số chương trình thuộc Erasmus Mundus khẳng định rằng mức điểm số IELTS hay TOEFL không bao giờ là tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ của họ và ứng viên chỉ cần qua mức sàn là được. Ban xét duyệt hồ sơ của đại học Nottingham đã khẳng định với mình là điểm IELTS của bạn chỉ cần đạt 6.5, còn lại thì 8.0 hay 8.5 cũng chẳng khác gì 6.5 cả, tức là hồ sơ của bạn sẽ không “đẹp” lên vì cái điểm IELTS. Học bổng AAS cũng khẳng định tiếng Anh của ứng viên có tốt hay trung bình thì ban giám khảo cũng chẳng dựa vào trình độ tiếng Anh để đánh giá chất lượng hồ sơ. Tóm lại, ngoại trừ một số rất ít chương trình nêu rõ rằng điểm bài thi tiếng Anh cao là lợi thế (thường là các chương trình học về báo chí hay học bổng Fulbright), điểm bài thi IELTS của bạn chỉ cần 6.5, không cần cao hơn.
MỜI CÁC BẠN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH HƯỚNG DẪN APPLY HỌC BỔNG CHEVENING-CLICK HERE
2. Các học bổng phát triển như Chevening, Fulbright, AAS, v.v không chào đón, không cấp học bổng cho ứng viên đến từ khối tư nhân. – Ứng viên từ các công ty tư nhân có rất ít cơ hội với học bổng phát triển.
=> Cái này sai hoàn toàn. Bà Karen Maddocks, làm việc trong Văn phòng Khối Thịnh vượng chung của Anh quốc năm 2007, cho biết:
Học bổng này (học bổng Chevening) không chỉ dành cho viên chức nhà nước hoặc những ai làm việc tại Hà Nội.
Chúng tôi rất khuyến khích tất cả những ai làm việc cho mọi lĩnh vực, ở mọi nơi trên cả nước VN nộp hồ sơ thi. Tất cả ứng cử viên đều được đánh giá hoàn toàn dựa trên khả năng, theo tiêu chuẩn của chương trình Chevening.
Nếu bạn nào vào Chevening alumni directory để tra cứu về ứng viên Việt Nam thì sẽ thấy một đống ứng viên đã được học bổng khi làm ở các công ty tư nhân. Mình biết một anh được giành được học bổng Chevening lúc đang self-employed. Anh này cũng được học bổng AAS khi làm cho một công ty tư nhân của Úc.
Tóm lại là bỏ ngay cái ý nghĩ học bổng phát triển không “chơi” với khối tư nhân đi nhé.
3.GPA cao là một tiêu chí quan trọng khi xét tuyển hồ sơ, cho nên điểm này càng cao càng dễ được chọn
=> Cái này chỉ đúng với học bổng tài năng (merit-based) thôi nhé. Còn với học bổng hỗ trợ phát triển, điểm GPA thực ra không mấy quan trọng. Nó chỉ chứng minh ứng viên đủ khả năng để hoàn thành khóa học tương lai thôi. Ban xét duyệt học bổng phát triển không tìm người học giỏi, mà họ tìm kiếm những người có thể tận dụng những gì thu được sau thời gian du học để làm lợi cho nước nhà và mối quan hệ song phương. Thực tế, điểm của người viết bài này có mỗi 7,6 so với một đống hồ sơ của các bạn nộp ngành kinh tế, truyền thông, xã hội, toàn bằng giỏi với điểm trên 8,0. Nếu điểm GPA quan trọng thì tác giả chắc “tách tành tạch” từ vòng hồ sơ của Chevening rồi chứ đâu có ngồi đây mà chém gió được. Anh Đỗ Hữu Chí, được học bổng Fulbright năm 2010 có điểm tốt nghiệp đại học thấp đến mức mà theo anh nói thì: “Điểm ra trường của tôi đâu như được nhỉnh hơn 5 phẩy một chút (lạy Phật, vừa đủ)…”
4.Cần phải có một bộ CV “đẹp”, tức là nhiều dự án và các hoạt động xã hội sẽ thì hồ sơ mới có tính cạnh tranh cao. Cho nên cứ tham gia nhiều hoạt động vào để hồ sơ “đẹp”.
=> Cái này cũng chỉ đúng với học bổng merit-based. Với học bổng hỗ trợ phát triển thì chưa chắc. Như đã nói ở trên, học bổng phát triển tìm kiếm người có khả năng làm lợi cho mối quan hệ song phương. Khả năng này do tố chất con người quyết định. Cái thể hiện rõ nhất và nhiều nhất những tố chất đó là bài luận cá nhân chứ không phải bảng thành tích hoạt động. Hơn nữa, ban xét duyệt hồ sơ muốn biết bạn học được gì từ những kinh nghiệm và hoạt động xã hội chứ không phải những bảng liệt kê thành tích khô khan. Bản thân mình cũng chẳng tham gia hoạt động xã hội nào. Kinh nghiệm làm việc thì cũng như các bạn là tốt nghiệp rồi đi làm 3 năm thôi. ^^ Nhưng vẫn lấy được học bổng. Thế nên là bây giờ thay vì dành thời gian đi hoạt động xã hội với mục đích làm đẹp hồ sơ, thì hãy chuyên tâm vào làm việc và phát triển khả năng nghề nghiệp và các kĩ năng mềm cho tốt đi. Có được học bổng hay không thì về lâu về dài bạn cũng được lợi.
5.Nếu định học lên bậc cao hơn ở một ngành không phù hợp với ngành đã tốt nghiệp ở bậc đại học thì không xin được học bổng?
=> Không đúng. Đỗ Hữu Chí tốt nghiệp Kiến trúc mà sang Mỹ học về Comic Arts đấy thôi. Hoặc, anh Đinh Quang Anh học Kiến trúc rồi sang Úc học về Sustainable Development vẫn được học bổng AAS.
6. Những người được nhận các học bổng toàn phần của chính phủ đều (cần phải) là những người xuất sắc? (xuất sắc trong học tập, trong công việc, trong hoạt động xã hội)
=> Không đúng. Ban xét học bổng tìm người phù hợp với học bổng nhất chứ không phải tìm người xuất sắc nhất về học tập hay công việc. Việc phù hợp hay không phù hợp dựa trên tiêu chí tuyển chọn của học bổng đó. Với học bổng dạng merit-based như EM hay Endeavour thì ban xét duyệt đúng là tìm những người có thành tích học tập và làm việc xuất sắc, có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, nhưng đơn giản chỉ vì tiêu chí của họ là tìm người như vậy. Với học bổng Chevening, người ta tìm người có tố chất lãnh đạo và tiềm năng gây ảnh hưởng khi trở về nước. Với học bổng Fulbright, người ta tìm kiếm người có khả năng làm đại sứ văn hóa cho Việt Nam tại Mỹ, có tiềm năng lãnh đạo và khả năng thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai nước. Với học bổng AAS, người ta tìm kiếm những cá nhân từ ngành và vùng nhất định có khả năng thay đổi ngành và vùng đó (thường xuyên ưu tiên cho vùng sâu vùng xa và nông thôn). Cho nên nếu một ngày đẹp trời, bạn vô tình được gặp một người từng được hb AAS và thấy người này nửa câu tiếng Anh cũng không nói được cho ra hồn mặc dù đã được học ở Úc, thì cũng đừng lấy làm lạ. (Chuyện này là có thật, và có không ít khi mà quota dành cho Nhóm 1 và 2 của AAS rất nhiều). Cho nên, không phải cứ xuất sắc là được chọn, không phải cứ xuất sắc mới nên ứng tuyển học bổng, và không phải được chọn là xuất sắc. Họ chỉ xuất sắc ở mảng mà học bổng đó muốn họ xuất sắc thôi.
Các bạn thấy đó, con đường đến với học bổng chính phủ thực ra rất rộng mở. Mỗi người đều có lựa chọn phù hợp với khả năng của bản thân. Có thể bạn sẽ cho rằng những trường hợp được học bổng mà tôi kể trên là những trường hợp đặc biệt (outlying cases). Có thể họ là những người đặc biệt, xuất sắc về tư duy hay phẩm chất. Nhưng điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là chỉ cần bạn có thế mạnh về 1 trong các mặt: thành tích, tư duy, networking, tính cách. Những ví dụ mình kể đều là những người chỉ dùng một thế mạnh mà đã thành công. Bản thân mình là một người coi trọng tư duy và kinh nghiệm hơn thành tích học tập ở Việt Nam. Bởi vì, thử làm một so sánh nho nhỏ, một bên là cái bảng điểm đại học không thể nào thay đổi được, bên kia là kĩ năng tư duy và học hỏi từ trải nghiệm mà bạn có thể tích lũy mỗi ngày sau khi tốt nghiệp. Bạn nghĩ đầu tư vào cái nào cho hiệu quả lâu dài và bền vững hơn? Hy vọng các bạn đã tìm được những thông tin có ích. (To be updated)
NHỮNG SUY NGHĨ SAI LẦM KHIẾN BẠN ĐÁNH MẤT CƠ HỘI NHẬN HỌC BỔNG
——————————————————————————-
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của bạn H.D. Long- Chevener 2015
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.