Đây là 1 bài phỏng vấn đã được gửi từ lâu nhưng mãi đến gần đây cô gái Erasmus của chúng tôi mới viết được những dòng tâm sự về học bổng Erasmus Mundus, về cuộc sống của sinh viên Erasmus Mundus và về cô ấy. Trả lời chân thực, không bóng bẩy và những lời khuyên rất chân thành và hữu ích đến với các bạn trẻ Việt Nam đang ấp ủ ước mơ chạm đến học bổng Erasmus Mundus hoặc 1 học bổng khác.
Cảm ơn em rất nhiều- Trang Vũ- Cô gái Erasmus
- Bạn vui lòng giới thiệu 1 chút về bản thân để các bạn đọc giả được biết thêm về bạn. Bao gồm: tên, học bổng đã đạt kèm theo năm và ngành học, sở thích của bạn, nghề nghiệp hiện nay?
Sau khi theo học khoá học Văn hoá và ngôn ngữ Ý cao cấp nhờ học bổng Bộ ngoại giao Ý, tôi bắt đầu học thạc sỹ ngành Nghiên cứu Châu Âu theo học bổng Erasmus Mundus ở Pháp năm 2015, kỳ 2 tại Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Séc và kỳ 3 tại đại học Thuỵ Điển. Hiện tại tôi về Đức hoàn thành Luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ và viết/dịch bài thường xuyên cho tổ chức Ý về các nạn nhân chiến tranh (l’Associazione delle vittime civili di guerra). Tôi thường tham dự các hội nghị và khoá học ngắn hạn về hoà bình/ xung đột, giao thoa văn hoá và nữ quyền ở châu Âu. Đọc truyện ngắn, xem các chương trình truyền hình thực tế và phim dài tập Trung Quốc là sở thích của tôi.
- Ngành học của bạn sau này có thể ứng dụng vào những công việc cụ thể ra sao?
Đó là một chương trình đa ngành lớn (so với các chương trình học bổng Erasmus Mundus khác, xét về số lượng sinh viên và lượng trường tham gia) từ 15 năm nay, với 8 trường thuộc 8 nước châu Âu. Ngoài những môn chung (Lịch sử EU, Luật EU, Kỹ năng mềm, v.v), mỗi trường có những môn thế mạnh riêng. Việc chọn trường dựa vào định hướng nghề nghiệp. Theo thống kê của những trường tôi đã theo học, phổ nghề của các cựu sinh viên vô cùng rộng thể hiện đặc thù của ngành học. Trong số những người tôi biết, có 2 chính trị gia, vài nhà hoạt động xã hội, một nhà báo, nhiều nhà thiết kế đồ hoạ, một chuyên gia y tế cộng đồng, nhiều nhà nghiên cứu châu Âu, v.v.
- Bạn có thể chia sẻ quá trình bạn apply học bổng Erasmus Mundus như thế nào không? Bạn đã apply các loại học bổng chính phủ nào khác? Bạn có kỉ niệm nào đáng nhớ trong quá trình apply học bổng hay không?
Tôi mơ ước đi du học từ cấp 3, do đó trau dồi tiếng Anh ở Chuyên ngữ và ở trường Ngoại giao. Khi học tiếng Pháp ở l’Espace, cô giáo cho chúng tôi xem 1 bộ phim vui nhộn về sinh viên Erasmus, tên là L’auberge espagnole (tạm dịch: khu ký túc Tây Ban Nha). Từ đó tôi nghiên cứu về học bổng Erasmus Mundus này. Còn các loại học bổng khác (Ý, Mexico, Đài Loan) chỉ là dự trù. Còn về thư xin học, tôi thường suy nghĩ về nó khi chờ hay ngồi trên xe buýt và ghi lại. Sau đó tôi tự tổng hợp lại, viết rồi tự sửa nhiều lần. Tôi tận dụng tối đa thời học đại học để học thêm các ngoại ngữ khác, bên cạnh đi làm thêm. Tôi tuyệt đối không đi lò luyện và cũng không nhờ ai đọc hộ bài luận vì tôi thường nước đến chân mới nhảy.
- Lời khuyên tốt nhất của bạn dành cho các bạn đang trên con đường tìm kiếm học bổng toàn phần là gì? Theo bạn, các ứng viên đến từ VN nên làm gì để tăng cơ hội đạt học bổng cạnh tranh toàn cầu như Erasmus Mundus?
Tôi lắng nghe, tham khảo và nhưng không tin vào lời khuyên của người khác vì không ai giống ai cả và chỉ tin tuyệt đối thông tin trên trang web chính thức của chương trình hay những câu trả lời từ những người phụ trách chương trình. Tôi có xuất phát thấp nên phấn đầu nhiều hơn. Bàn thân tôi tự nhận hồ sơ của tôi mạnh lúc nộp hồ sơ nhưng tôi cũng không thể biết vì sao họ chọn tôi để trao học bổng. Cho dù họ có đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhưng cụ thể thế nào thì họ không bao giờ tiết lộ. Ở chương trình của tôi, ban giám khảo vòng cuối gồm đại diện từ 8 trường. Tôi không xin thư giới thiệu của bất cứ ai đã từng dạy mình. Tôi rất tâm đắc với 3 bài viết về Tự học của nhà văn Hà Thuỷ Nguyên, và tôi nghĩ đó là nền tảng cho sự chuẩn bị dài hơi để tìm học bổng toàn phần.
- Hiện nay có 1 quan điểm phổ biến của các bạn apply học bổng là phải có nhiều social activity trong CV. Bạn suy nghĩ gì về quan điểm này?
Tôi nghĩ rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng, và điều quan trọng là ứng viên phải đề cập và giải thích được mối liên quan giữa hoạt động và ngành học. Tôi cho rằng hoạt động mang tính bền bỉ thể hiện được cả tâm và tầm của ứng viên. Và đôi khi hoạt động xã hội lại là đề tài cho các bài luận của các bạn. Một sinh viên người Mỹ đã viết một bài về vai trò của khiêu vũ trong việc kết nối cộng đồng, dựa trên kinh nghiệm là chủ tịch CLB Khiêu vũ ở trường. Một người bạn của tôi đã phân tích các yếu tố châu Âu trong các bài hát của Jay-Chou do bạn ấy làm trưởng nhóm fan-club của Jay. Bản thân tôi khi nộp học bổng EM chưa từng sống ở châu Âu, nhưng tôi lý giải rằng việc tôi dịch thuật trên mạng cũng là một trải nghiệm giao thoa văn hoá và có tính chất quốc tế, một cơ hội tình nguyện tuyệt vời cho những người nghèo. Dịch giả (translator) là những nhà trung gian văn hoá (cultural mediator).
- Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách học tập hiệu quả tại nước ngoài không?
Tôi nghĩ dù học ở đâu thì 4 kỹ năng quan trọng nhất, vẫn là Nghe nói đọc viết. Trong đó, cốt yếu là nghe giảng, nghe ý kiến đa chiều, đọc tài liệu chuyên ngành và tin tức, thuyết trình và tranh luận, viết quan điểm cá nhân và viết báo cáo khoa học. Còn cụ thể thì còn tuỳ thuộc vào đất nước mà bạn học vì hệ thống của các nước khác nhau.
Khi ở Ý, tôi chỉ thi vấn đáp, nên việc ghi chép bài và trả lời tự tin lưu loát đem lại lợi thế. Ngay cả môn Văn học hiện đại Ý, thi vấn đáp khoảng 30 phút và không có giới hạn ôn thi. Tôi phải học cả 10 tác giả và đọc các tác phẩm của họ và phải trả lời trực tiếp bằng tiếng Ý, nhưng không nhất thiết phải viết.
Ở Pháp thì chủ yếu tôi thi viết và có thi vấn đáp.
Còn ở Đức và Thuỵ Điển, việc nghiên cứu độc lập là trọng tâm, nên kỹ năng viết cần được chú trọng hơn. Biết sâu các ngoại ngữ tạo điều kiện để khai thác nhiều nguồn tài liệu hơn.
- Bạn tự thấy mình có gì khác với các scholarship holder khác không? Ví dụ: quan điểm học hành, cách sống, cách nhìn nhận về 1 vấn đề nào đó, du lịch, cách sử dụng tiền, v..v..
Tôi sống tối giản, và thường tận dụng cơ hội đi hội nghị để du lịch miễn phí. Tôi đặc biệt không thích đi bar, thích sống ở ký túc và tận dụng tối đa thời gian để hoàn thiện ngôn ngữ bản địa. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn tiếp cận văn hoá Thuỵ Điển vì không học tiếng trước khi đặt chân đến đất nước này. Tôi coi chương trình của mình là môi trường khai phóng để khám phá những môn học mới, nên không đặt nặng điểm cao ở những môn chính khoá. Tôi có tham gia các khoá mà ở Việt Nam chưa có: về Bạo lực Giới thời bình, thời chiến; Học tiếng Đức qua kịch nói, v.v. Hơn nữa, tôi muốn tiếp xúc nhiều hơn với sinh viên bản địa, chứ không muốn chỉ bó hẹp mình trong chương trình Erasmus.
- Các bạn Erasmus Mundus awardee người nước ngoài như thế nào? Bạn thấy họ có gì đặc biệt hoặc profile họ có gì nổi trội hơn so với các ứng viên đến từ VN? Nếu được, có thể cho ví dụ cụ thể.
Trong số hơn 100 sinh viên theo học ở cả 8 trường thuộc chương trình, có 10 SV đạt học bổng, 1 suất cho sinh viên châu Âu và 9 suất cho sinh viên ngoài châu Âu. Theo quy định của Uỷ ban châu Âu, tối đa 2 SV đạt học bổng đến từ cùng 1 quốc gia. Người bạn cùng lớp người Ấn Độ của tôi đã có bằng Thạc sĩ trước khi đạt học bổng, 1 bạn Trung Quốc chuyên ngành văn học Nhật, 1 người Kahzastan nhận thư báo học bổng khi chưa tốt nghiệp đại học, 1 người Iran là nghệ sỹ piano và người duy nhất đến từ châu Âu là diễn viên kịch nói Lithuania. Họ có điểm chung là say mê nghiên cứu học thuật, còn tôi thì không hẳn. Tôi chọn ngành học này không phổ biến ở Việt Nam, không phải vì tôi quá đam mê với nó mà là vì tôi muốn biết thêm về nó và tôi chắc chắn nó không phải ngành tôi ghét. Họ đều rất chuyên tâm học tập, trong khi tôi thích trì hoãn, và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Nhưng tôi không biết họ đã thể hiện bản thân như thế nào trong hồ sơ xin học bổng. Có điều họ đều đã từng học tập 1 năm hay ít nhất 1 kỳ ở các nước phát triển nên có trải nghiệm sống phong phú.
- Bạn có kỉ niệm nào đáng nhớ về học bổng Erasmus Mundus (VN hoặc nước ngoài) hoặc trong quá trình học/Internship tại Thụy Điển/Đức/Pháp không?
Tôi đã viết loạt bài 6 kỳ chia sẻ trên báo Dân trí, và chắc chắn sẽ còn viết tiếp.
Nhiều người châu Âu khi biết tôi có cơ hội sống từ Nam Âu đến Bắc Âu đều cho rằng tôi thuộc tầng lớp thượng lưu hay mới giàu lên ở Trung Quốc, trong khi gia đình tôi thuộc hộ nghèo Việt Nam và may mắn tôi chưa bao giờ phải bỏ học. Nhiều người dân khi biết tôi đạt học bổng của EU tỏ ra chút ấm ức rằng họ đóng thuế để rồi chính phủ của họ lỡ trao một số tiền không nhỏ cho người ngoài. Một người phỏng vấn tôi người Đức không biết về chương trình học bổng Erasmus Mundus còn hòi sao tôi cả thèm chóng chán, ở 1 nước chưa đến 1 năm đã cuồng chân phiêu bạt nơi khác rồi.
- Nếu cho 3 từ nói về mỗi đất nước bạn đã học qua, bạn sẽ nói gì?
Tôi xin phép chỉ nói về thành phố mà tôi đã ở: Perugia cổ kính, Strasbourg lung linh, Göttingen bình yên, Uppsala tân tiến.
- Bạn có thể chia sẻ vài thói quen tốt hoặc bạn thấy hiệu quả trong công việc hoặc cuộc sống của bạn không?
Tôi xem phim cổ trang Trung Quốc và học được những thành ngữ rất đẹp. Tôi thường ghi lại, dù mất nhiều thời gian. Tôi viết blog bằng ngoại ngữ, tham gia dịch tình nguyện cho nghiencuuquocte.org và trước đây là thegioisongngu.com để vừa ôn luyện ngoại ngữ vừa trau dồi tiếng mẹ đẻ. Tham dự các hội nghị quốc tế ở châu Âu đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều.
- Được biết bạn rất hay đọc sách, bạn có thể chia sẻ một hoặc vài quyển sách bạn nghĩ giới trẻ nên đọc để có định hướng tốt hơn hoặc có những suy nghĩ tích cực không?
Tiểu thuyết “Balzac và cô thợ may Trung Hoa” của Đới Tư Kiệt, mà sau này thành phim do Châu Tấn đóng, kể về một cô thôn nữ mù chữ thời Cách mạng Văn hoá, nhờ nghe truyện của Balzac do 2 anh mọt sách đọc sách chui kể mà mơ ước nhìn thấy thế giới bên ngoài, và cuối cùng từ bỏ làng quê để thực hiện ước mơ của mình. Tôi đọc vài lần “Những chú thiên nga hoang dã” (Wild swans) của Trương Dung. Gần đây tôi đọc cuốn “Au bout de la nuit – Perdere tutto senza perdersi“(Tạm dịch: Tận cùng của màn đêm – Đánh mất tất cả mà không đánh mất chính mình) của Ngô Đình Lệ Quyên. Đó là 2 hồi ký của hai số phận bi kịch của hai nữ trí thức tha hương nhưng đều có kết thúc có hậu nhờ nghị lực phi thường, và cả hai đều là những bậc thầy về ngoại ngữ. Ngoài ra, tôi đọc truyện ngắn và tản Văn của Hàn Hàn, Trang Hạ và sách Dương Thuỵ.
- Bạn có thể share thêm những gì muốn truyền tải đến giới trẻ ngoài những trả lời cho các câu hỏi này không?
Người Ý có 1 thành ngữ: Chi cerca trova (cứ tìm rồi sẽ thấy). Và tôi rất tin vào sự Kiên trì.
Nếu được làm lại, tôi mong mình đù quyết tâm hơn để du học thời đại học. Tôi nghĩ kiến thức đại học mới thực sự là nền tảng, và những năm đại học cho phép bạn gắn bó lâu hơn đối với một quốc gia.
Chân thành cảm ơn Trang Vũ đã dành thời gian và tâm huyết cho bài phỏng vấn này.