Chuyện trường báo ở Mỹ : Hãy đi học với cái đầu rỗng…
Thực sự, trước khi sang Mỹ du học. Tôi không tưởng tượng được những người dạy tôi là ai, và họ là người như thế nào.
Tôi tự đặt ra những câu hỏi: Họ chỉ là đơn thuần là giáo sư không thôi? Họ có phải là nhà báo không? Họ viết có hay không? Có thể là đôi khi dạy hay, nhưng chắc chắn không đồng nghĩa với việc họ viết báo hay? Mình học được gì ở họ? Và tôi đi tìm câu trả lời.
Sang đây thì tôi- 1 du học sinh mới toe của ngành này thực sự ngỡ ngàng với dàn giáo viên ở đây, họ đều là nhà báo nổi tiếng và đang làm việc cho những đầu báo lớn ở Mỹ. Hàng ngày, nhà trường đều đặt mua những tờ như New York Times, USA Today, LA Times, Syracuse New Time. Chúng được đặt ở những kệ báo rải rác trong trường và sinh viên chỉ việc lấy để đọc và tham khảo. Những tờ tạp chí (có vẻ) cao cấp hơn như New Yorker, Esquire, hay Rolling Stone…, thì sẽ tuỳ vào nhu cầu từng khoa, và họ chỉ mua đủ số lượng cho sinh viên theo học khoa đó. Như ngành của tôi, là hàng tháng chúng tôi sẽ được trường đặt cho New Yorker và Rolling Stone, và chúng được phát về nơi chúng tôi ở.
Ở học kì này, một môn học bắt buộc của tôi là Feature/Critical Writing. Ngay buổi học đầu tiên, tôi nhìn vào profile của giáo sư và thấy cô nằm trong hội đồng xét giải Pulitzer hàng năm ở ĐH Columbia, tôi thực sự thấy háo hức. Tuy nhiên, một người bạn học ở khoa khác, đã theo học cô ở học kì mùa hè nói rằng, cô này rất high demanding. Điều này lại khiến tôi rơi vào trạng thái lo lắng.
Tôi nhớ lại một học kì mùa hè, tôi đã rất chật vật với màn “chào sân” nước Mỹ. Tôi đã vật lộn ở lớp News Writing thế nào. Tôi đã phải làm quen với những ngày ngủ chỉ có 3 tiếng đồng hồ thế nào. Tôi đã khổ sở vì có cảm giác giáo viên ở đây, họ thích “bắt nạt” học trò và đẩy họ vào những giới hạn nằm ngoài khả năng của họ. Nay tôi nhìn vào syllabus với 14 tuần học, nhưng có đến 17 cái deadline. Tôi nói luôn với giáo sư: “Your class seems to bring the boot camp back.” Cô bảo, có khó khăn gì thì gặp cô ở văn phòng vào sáng thứ 5.
Tôi soạn ra đến 25 cái gạch đầu dòng cần phải hỏi cô. Cô cười rũ ra và bảo, lần đầu tiên cô thấy một đứa sinh viên lên văn phòng giáo sư mà lại cầm tờ giấy với nhiều gạch đầu dòng đến vậy. Trông tôi giống như một anh thư kí, đang đi xin ý kiến chỉ đạo của giám đốc hơn là một sinh viên đi nói chuyện với giáo sư.
Cô nói tiếp, cô đã đọc hết hồ sơ của tôi, đọc cả những bài báo tôi gửi trong portfolio. Cô bảo, nếu tôi thấy viết báo ở đây khó khăn thì hãy xem lại cách tiếp cận với việc học báo ở Mỹ.
Tôi nhìn vào tờ giấy, định bắt đầu đi vào gạch đầu dòng thứ 1, cô lại gạt tờ giấy trên tay tôi đi, và hỏi tôi:
– Em đến trường này để học cái gì.
– Tôi học hết, vì tôi chưa từng được học báo chí, nên cái gì cũng quý đối với tôi.
– Nhưng em đâu có mở lòng để học hết.
– Sao cô nghĩ vậy?
Cô bảo, sẵn có máy tính ở đây, nếu tôi không phiền thì có thể mở lại những bài báo tôi viết ở học kì mùa hè cho cô xem. Tôi mở ra 1 bài báo viết về 1 sự kiện âm nhạc. Rất nhanh, cô chỉ ngay 1 câu:
“Music at the BluesFest makes people happy…” Cô nói tiếp, chứng minh cho cô xem, music tại sự kiện đó có thể làm mọi người vui vẻ. Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra vấn đề…
Cô chỉ tiếp, “this year’s event is warmly held…” Chứng minh cho cô vì sao nó lại warmly. Tôi bắt đầu nghĩ về lối viết ở nhà, “hôm nay, sự kiện a.b.c được long trọng tổ chức…” Tôi hiểu ra vấn đề cô đang nói.
Em hãy nhớ: Tính từ và trạng từ là mồ chôn ngòi bút. Bởi đó là sự chủ quan của em, chứ chưa chắc câu chuyện nó là như vậy.
Cô chốt lại, tôi không biết những điều em học được ở đây có hữu ích khi em quay về Việt Nam làm việc không, nhưng đó là báo chí Mỹ. Em đến đây học khi đã có kinh nghiệm, và cái kinh nghiệm đó đang ít nhiều cản trở việc học của em.
Từ giờ em hãy đi học với cái đầu rỗng. Tôi biết em rất “smart”, và tôi đang chờ xem…
Người Mỹ hay dùng chữ “terrific” để khen người khác. Và nay, sau khi đi qua gần hết các bài viết ở môn này, cô bảo tôi chưa thành “terrific man” nhưng sắp sửa.
Theo Vĩnh Khang