Chuẩn bị hành trang du học Pháp
Trong bài viết này tui sẽ làm thành một cái checklist để hướng dẫn từng bước từng bước kể từ ngày bắt đầu khai hồ sơ Campus France (CF) cho tới ngày soạn đồ khăn gói quả mướp leo lên máy bay và sau đó là làm thủ tục ở OFII, mua bảo hiểm, mở tài khoản, đăng kí học, vân vân. Hồi tui chuẩn bị đi, tui bận tối mắt tối mũi vì phải đi làm từ sáng tới tối, về lại phải update checklist tới nửa đêm, cuối tuần thì lo soạn đồ rồi sắm sửa các thể loại. Tui viết ra đây để bạn nào mới không phải băn khoăn lật đật như tui. Kinh nghiệm của tui hơi lạ và không giống với nhiều bạn nên có thể sẽ gây bối rối, cho nên cái nào tui chưa làm thì tui sẽ ghi chú trong đây.
Tốt nhất là bạn nên download cẩm nang này về thì sẽ không thiếu 1 cái gì cả: Cẩm nang du học Pháp 2015
Thời gian nêu trong bài sẽ dựa vào mốc tháng 9 là tháng bắt đầu học kì, chuẩn bị thủ tục là trước đó gần một năm – học tiếng Pháp, chọn trường, suy nghĩ định hướng các thể loại.
Bước 1: Trước tháng 1 – Khai hồ sơ Campus France
Bước 2: Trước tháng 4-5 – Thi TCF và phỏng vấn; hoặc phỏng vấn nếu được miễn TCF
Bước 3: Tháng 6-7 – Chờ kết quả từ trường
Bước 4: Sau bước 3 – Chọn trường; đặt lịch hẹn visa; chuẩn bị hồ sơ visa
Bước 5: Chuẩn bị hồ sơ visa – nộp visa – nhận kết quả
Bước 6: Tìm nhà
Bước này tui không làm, vì tui không phải tìm nhà ở Pháp.
Bước 7: Mua vé máy bay
[Bước 8: Đối với những bạn muốn dùng thẻ ngân hàng Việt Nam tại Pháp]
Tại sao có bước này.
Tại vì từ Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài bị hạn chế nhiều (nếu không muốn nói là khá khó khăn và phiền phức). Việc tía má – anh chị chuyển tiền cho các ban du học sinh cần nhiều giấy tờ, phí chuyển tiền cao, nhiều bạn tía má không rành về thủ tục ngân hàng và không muốn làm khổ tía má, lí do a, lí do b, lí do c, vân vân. Ngoài ra có tiết mục chuyển tiền không chính thống từ phía hai đầu (người nhà mấy bạn gửi tiền Việt cho một bạn nào đó ở Việt Nam đang cần tiền; người nhà bạn đó ở Pháp đưa euro cho mấy bạn) – cái này rủi ro lắm, tui không khuyến khích (vì tui đa nghi). Tóm lại là một cơ số mấy bạn tui quen đi học một hai năm xách theo thẻ mở tại Việt Nam và sang Pháp quẹt ầm ầm.
Chắc cũng có nhiều bạn trẻ không biết nhiều về các loại thẻ ngân hàng quốc tế. Tui không phải dân tài chính ngân hàng, không có nhiều kiến thức, chẳng qua tui có chục năm kinh nghiệm xài thẻ nên mới dám ngồi phe phang như vầy. Nói đơn giản thì thẻ quốc tế sẽ có kí hiệu VISA, MASTER, AMEX, vân vân. Gói gọn trong Châu Âu nên tui sẽ chỉ nói về VISA và MASTER. Hai đứa này giống nhau, khác hãng, đi tới tiệm nào mà trước cửa có cái kí hiệu VISA màu xanh hoặc MASTER màu đỏ cam thì tha hồ quẹt. Ai thích mà có tiền thì làm luôn hai cái Visa và Master luôn cho phẻ.
Rồi, loại thẻ – cái này quan trọng. Có hai loại là (i) thẻ tín dụng (credit card) và (ii) thẻ ghi nợ (debit card). Ghép với phần trên sẽ có visa credit card, master credit card, visa debit card và master debit card.
(i) Credit card
Ở Việt Nam, credit card là loại thẻ cho phép bạn xài khi không có tiền trong tài khoản (giống như mượn tiền xài trước) và được phép thanh toán (trả nợ) trong tối đa 45-55 ngày sau ngày xài ngân hàng lập bảng sao kê (giống như đòi nợ). Thẻ này có phí thường niên ít nhất là vài trăm ngàn, cần phải có việc làm mới mở thẻ được – nếu bạn là chủ thẻ. Nếu tía má mở thẻ cho thì phẻ rồi.
Tùy vào mức lương và hồ sơ mà bạn sẽ được cấp một hạn mức tín dụng nhất định – trong một tháng muốn làm gì thì làm miễn đừng có xài quá hạn mức là được. Bạn có thể mua hàng online bằng credit card, đặt khách sạn, mua vé máy bay, đem qua Pháp xài, đi siêu thị, nhà hàng, mua vé tàu, thích quẹt thì quẹt. Thẻ ở Việt Nam thông thường bạn sẽ chỉ phải kí hoá đơn sau khi quẹt mà không cần phải nhập mã pin. Mới đầu ngó có vẻ đơn giản hả, thực ra không cần mã pin thì không được bảo mật lắm, tưởng tượng bạn làm mất thẻ đi, tui lụm được tui xách đi mua đôi giày cả nghìn euro, ai biết mà lần.
Coi như bạn có credit card, xách qua Pháp xài, ở nhà tía má bạn chỉ cần tới tháng chuyển tiền thanh toán là được, không cần thủ tục rườm rà. Tuy nhiên khi bạn xài thẻ mở ở Việt Nam ở nước ngoài thì bạn sẽ phải chịu phí chuyển đổi ngoại tệ. Ví dụ bạn ăn 50e thì khi quẹt thẻ bạn sẽ phải chịu 50e + số phần trăm chuyển đổi ngoại tệ tương ứng và tỉ giá của Visa (khá lỗ). Phí chuyển đổi ngoại tệ lại tuỳ thuộc vào ngân hàng phát hành thẻ và hạng thẻ. Chẳng hạn HSBC lấy 4% phí chuyển đổi ngoại tệ đối với thẻ chuẩn, 3% đối với thẻ vàng, và 2,37% (hổng nhớ rõ) đối với thẻ bạch kim. Eximbank thì khoảng gần 3%. Vietcombank thì thấp hơn chút xíu. Cái này bạn liên hệ với ngân hàng để biết thêm chi tiết.
Rút tiền: Nói chung credit card chỉ nên dùng để quẹt, chớ dại mà rút tiền mặt từ máy ATM vì phí sẽ bằng phí chuyển đổi ngoại tệ + phí của ngân hàng bên Pháp mà bạn rút + lãi suất tính trên số tiền bạn rút và tính theo ngày. Ít nhất cũng 8% và có tính lãi. Cho nên kết luận là KHÔNG NÊN rút tiền mặt bằng credit card mở ở Việt Nam. Nếu ưng rút thì nên cân nhắc mở thêm thẻ debit.
(ii) Debit card
Thẻ này nói nôm na là giống ATM nhưng mà xài được ở nước ngoài. Tía má nhét vô tài khoản bao nhiêu thì ở Pháp bạn được bấy nhiêu (chứ không được nợ nần như credit card). Thẻ này cũng mất phí chuyển đổi ngoại tệ khi quẹt. Tuy nhiên phí rút tiền thẻ này thấp hơn nhiều so với credit card. Còn bao nhiêu thì tui hổng nhớ vì lâu rồi hổng xài debit 😀
Nếu g
ia đình có điều kiện thì có thể ôm một cục mấy nghìn euro qua Pháp xong mở tài khoản bên Pháp mà xài cho phẻ.
Bước 9: Xếp đồ
https://nhungngayophap.wordpress.com