Page Contents
Chiến lược (Strategy)
1.Hãy lấy điểm A thật nhiều trong những năm đầu
Mình nói như vậy vì 2 lí do: Thứ nhất là điểm A những năm đầu dễ lấy, và đó là lúc bạn đang rảnh rỗi chưa phải bận tâm đến hoạt động, lãnh đạo, hay tìm việc. Khi tốt nghiệp, điểm trung bình tổng hợp (cumulative GPA) sẽ là cộng hưởng của từng học kỳ. Nếu điểm 2 năm đầu cao thì bạn sẽ có chỗ để thở khi chuyên môn càng khó và điểm bắt đầu đi xuống. Còn nếu điểm thấp sẵn, lên đến lớp khó thì sẽ vô cùng khó để kéo trở lên.
Lý do thứ hai là nếu bạn không lấy nổi hết điểm A vào những năm sau thì không sao, vì khi đi tìm việc làm, một người GPA 4.0 với 3.75 dưới mắt nhà tuyển dụng không khác nhau gì mấy. Sự khác biệt lớn hơn nằm ở chỗ ai có thành tích, hoạt động, kĩ năng mềm nhiều hơn thôi.
2.Hãy biết thay đổi ưu tiên để phát triển toàn diện
Như đã đề cập, môi trường ở Mỹ ưu tiên những người phát triển toàn diện (well-rounded) dù là ở ngành nghề nào. Kỹ sư phần mềm cũng cần có kĩ năng giao tiếp thuyết trình, bác sĩ cũng cần phải có nhân văn. Một điểm chung nữa là tất cả các ngành đều xem trọng những con người nhiệt huyết, có đam mê ngoài giờ học để làm những việc có ích cho xã hội.
Vì vậy ưu tiên đầu khi bước chân vào đại học là điểm số (như đã giải thích ở trên). Nhưng mỗi năm, mỗi học kì, bạn nên xem lại phần nào còn “lép” và chuyển hướng từ từ để phát triển các phần đó như nghiên cứu, kĩ năng lãnh đạo), hoạt động ngoại khoá, đi thực tập/làm thêm để có kinh nghiệm thực tế hay hoạt động phục vụ cộng đồng, v.v.
Phương thức thực hiện (Tactics)
1.Prioritization- Sắp xếp ưu tiên
Đây là một từ bạn sẽ nghe khá nhiều trong môi trường học tập và làm việc ở Mỹ. Ai cũng hiểu là chúng ta không thể nào làm tất cả mọi thứ 100% bất cứ lúc nào được. Thời gian luôn là yếu tố hạn hẹp, nên biết ưu tiên việc nào làm trước và làm tới đâu là một kĩ năng hết sức quan trọng. Ví dụ như đến năm thứ tư, có nhiều lớp chuyên môn và lớp phụ, mình dành nhiều thời gian để cố đạt điểm A hay A- trong chuyên môn vì kiến thức đó là quan trọng, còn lớp phụ thì cố vừa vừa. Và nếu không được A thì cũng không sao, vì quan trọng là quá trình học ra sao và mình nắm được bao nhiêu kiến thức, chứ còn thi cử thì cũng hên xui và tuỳ vào sức khoẻ hôm đó nữa. Chúng ta nên học là vì bản thân và bệnh nhân chứ không chỉ vì điểm các bạn à.
2.Don’t be a perfectionist- Đừng quá cầu toàn
Mình là đứa thích ôm đồm làm perfectionist, lúc nào cũng muốn mọi thứ phải hoàn hảo và cố gắng hết công lực. Nhưng hãy nghĩ, từ điểm C lên B hay B+ là khá dễ, chỉ cần bỏ thời gian vào ôn bài. Còn từ B+ lên A có khi lại phải bỏ rất rất nhiều thời gian để học hết những thứ nhỏ nhặt khi đề ra còn biết. Vì vậy đừng quá cầu toàn là môn nào cũng phải được A khi đã đi sâu vào chuyên môn. Chỉ cần bạn tự tin là hiểu bài, biết khi đi làm phải tìm hiểu những nguồn nào, thì đừng đặt nặng hay giày vò bản thân khi điểm số không hoàn hảo. Nói thật với các bạn lúc buông ra không phải là dễ, vì mình đã quen với việc ngủ ít, học nhiều, đứng đầu lớp đầu khoá. Nhưng chúng ta đều là người thôi, cũng cần phải có cuộc sống ngoài sách vở, thời gian nghỉ ngơi.
3.Lay it all out- Viết ra hết
Mình học được một chiêu sau khi đọc vài trang trong sách “Getting things done” của David Allen. Chiêu này rất hiệu quả và đến bây giờ mình vẫn hay dùng. Hãy nhớ lại những lần trong đầu bạn cứ nghĩ ngợi phải làm cả chục thứ, rồi nằm ngủ mà mắt mở thao láo vì sợ quên làm cái gì, càng stress càng khó ngủ, và càng thiếu ngủ càng khó làm việc ngày hôm sau.
Những khi như vậy, mình lấy mảnh giấy cỡ A4 ra, viết hết tất cả những thứ phải làm và cách bạn nghĩ sẽ thực hiện, từ việc lớn project trong lớp, học bài lớp nào lớp nào, đến những việc nhỏ nhặt như giặt đồ, đi gặp bạn. Hãy cứ viết tất tần tật ra, thì đầu bạn sẽ đỡ rối hơn và mới có chỗ tính toán khi nào làm việc nào trước.
4.Lên lịch làm việc và làm theo
Sau khi đã viết ra hết, hãy bắt đầu sắp xếp trình tự và lên lịch. Mình hay dùng Google Calendar để sắp xếp thời gian. Lịch làm việc của mình tính từng giờ làm gì, mất bao nhiêu thời gian để học thi lớp này, làm bài cho lớp kia. Khi bạn đã viết ra từng công việc và sắp xếp vào tờ lịch, bạn mới thấy là thời gian không có nhiều. Nó sẽ hạn chế việc bạn ngồi tám chuyện khi học mà hết ngày giờ, sẽ động viên mình làm việc hiệu quả hơn trong khoảng thời gian đã đặt ra.
5.Học một mình và học nhóm một cách hiệu quả
Mình không thích học nhóm khi chưa hiểu kiến thức hay thuộc bài. Tụ lại lúc đó chỉ ngồi cà kê dê ngỗng hết ngày. Mình luôn tự học trước, rồi gom nhóm bạn lại ngồi khảo bài nhau, đặt ra vấn đề cho người kia giải quyết, rồi cùng nhắc nhở những chỗ quên. Đó là cách học nhóm hiệu quả nhất. Khi học một mình thì hạn chế mang theo laptop hay những thứ dễ làm phân tâm, trừ khi bài đó thật sự cần laptop. Chỉ cần log in facebook một lần thôi là có thể ngồi cả tiếng đồng hồ, rất là hại. Mình hay vào thư viện ngồi một chỗ yên lặng, đặt ra luật cho bản thân là sẽ không dùng điện thoại một cách phân tâm, khi nào ghiền lắm thì mới ra ngồi computer của thư viện vào facebook hay lướt web 15 phút rồi lại vào học tiếp.
6.Những tips nhỏ khác
Đừng quá lo lắng. Có một học kỳ mình cảm thấy lớp học và hoạt động hơi nhiều nên vào ngồi nói chuyện với counselor. Cô bảo em đừng lo, đôi khi có càng nhiều thứ để làm thì mình lại sắp xếp thời gian tốt hơn là ngồi không xem tivi th
ay vì học bài ngay. Còn khi nào em thấy ôm không xuể nữa thì có thể bỏ bớt các hoạt động từ từ và sắp xếp lại thời gian.
Thường xuyên xem lại thời gian biểu của mình, kiểm tra kết quả, đặt mục tiêu cho thời gian tới. Mình thường hay làm điều này khi bước qua học kỳ mới, để đảm bảo không bị overload hay đi lệch hướng.
Preventing burn out- Đừng để tẩu hoả nhập ma. Hãy dành thời gian cho bản thân, đừng gắng quá sức trong một thời gian quá dài. Mình từng bị burn out sau khi học và làm trong suốt nhiều tháng không hề nghỉ. Đến một lúc đó mình không còn hứng thú với trường lớp, không hiểu mình học để làm gì, cho ai. Khi gặp tình trạng như vậy, bạn lại càng buông hết mọi thứ một cách nguy hiểm hơn, và khó leo lên trở lại. Lời khuyên của mình là hãy dành thời gian dù là vài ngày, về thăm gia đình, đi thăm bạn ở xa, đi đâu đó ra khỏi khuôn viên trường, đừng suy nghĩ gì và sau đó hãy quay lại trường tiếp tục.
Theo: Hoàng Ngọc Bích, PharmD, RPh
——————————————
Trên đây chỉ là những gợi ý cơ bản để bạn có thể thực hiện chuyến đi du học hiểu quả nhất. Còn rất nhiều điều khác để giúp cho chuyến du học của bạn không những hiệu quả mà còn mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi của các bạn.
Hãy tham gia Khóa học “Chiến lược và kĩ năng du học hiệu quả” trước khi bạn lên máy bay du học nhé!
BẠN CHÍNH LÀ NGƯỜI CÓ LỢI NHẤT TRONG KHÓA HỌC NÀY
Đăng kí khóa học- Click Here