Nhìn chung về học hành tại Phần Lan 2016:
– Bắt đầu thu học phí từ 2017
– Các trường có rất ít học bổng
– Cơ hội việc làm không cao
– Được nhận vào học không khó không dễ, có bạn ĐH điểm cao trượt, có bạn ĐH điểm thấp lại vào
– Ngoài các trường trong hệ thống Funima còn các trường UAS có khoá master, nhưng tuỳ trường, tuỳ khoa mà có ngành học bằng tiếng Anh
——————————————————————————————-
1. Về Oulu và University of Oulu:
Oulu là thành phố ở phía bắc Finland, dân số khoảng 193 nghìn người đứng thứ 5 cả nước. Tuy chưa bằng một quận của Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh nhưng người Phần Lan coi đây là thành phố lớn, khi được hỏi họ đều bảo “This is a really big city” :). Thời tiết ở đây khá lạnh, hiện giờ mới đầu tháng 11 mà đã xuống -10o, nghe nói trung bình khoảng -15o, tối đa có thể lên đến -30o. Lạnh vậy nhưng khi vào trong nhà lại rất ấm, có thể mặc đồ mùa hè trong nhà thoải mái. Tuy nhiên phải nói là dân Phần Lan ở đây khá hạn chế ở ngoài trời, các hoạt động thể thao ăn uống đều trong nhà nên nếu không có chủ đích trước, rất hiếm khi “tình cờ” gặp và tham gia một hội nào đó.
Ở Oulu có 2 trường đại học là University of Oulu và Oulu UAS, 2 trường cách nhau 7km đường ô tô, 9km đường xe đạp. Tuy cùng thành phố nhưng đi lại khá gian khổ do phải lên xuống nhiều dốc, các bạn nữ sức khoẻ yếu phải cố gắng hơn người khác mới đi được. Với bậc master chỉ có University mở khoá học bằng tiếng Anh, Oulu UAS chỉ dạy bằng tiếng Phần, không biết bao giờ mở lại. Việc học tiếng Phần Lan cực kỳ khó, phần lớn mọi người bỏ cuộc bao gồm cả người Việt, người Tàu, người Ấn Độ nên mọi người cân nhắc kỹ khi thi vào Oulu UAS.
Về mặt xếp hạng thì theo trang www.topuniversities.com, University of Oulu đứng thứ 253, thuộc top 500 nên các bạn về Việt Nam xin việc sẽ là điểm cộng đáng kể.
Việc học ở đây tuỳ quan điểm của từng giáo sư khoa mà chú trọng lý thuyết hay thực hành, nghe nói nghiêng về lý thuyết nhiều hơn. Mình học khoa Computer Science, học kỳ đầu học 5 môn chuyên ngành thì 4 môn không tổ chức thi mà chấm điểm theo group project, trong đó 1 môn tham gia dự án với một sở của thành phố. Vậy cũng là khá nhiều thực hành. Khoa không tổ chức học những môn lập trình vì họ coi những thứ đó đương nhiên sinh viên phải biết và tự tìm hiểu.
Ở đây sinh viên tự học là chủ yếu, kết quả ai biết của người đấy không công khai theo lớp nên bị điểm kém cũng không thấy xấu hổ lắm 🙂 Trong quá trình học, nếu có vấn đề gì có thể nhờ trợ giảng (teaching assistant) giải đáp qua email hoặc hẹn gặp trực tiếp. Kiến thức lập trình nói trên nếu không biết có thể nhờ trợ giảng dạy cho, NẾU CHĂM HỌC. Mình quan sát thấy dân Châu Âu ít có ý tưởng mới khi làm việc nhóm nhưng chăm chỉ khi làm việc một mình, dân Châu Á và Châu Mỹ ngược lại, Châu Phi chưa tiếp xúc nên không biết nhưng nghe phàn nàn là chính 🙂
Chi phí ăn ở trung bình khoảng 450-500euro/tháng, bao gồm 260 tiền nhà, 150 tiền ăn, còn lại các chi phí linh tinh khác. Nếu ở chung có thể tiết kiệm được một nửa tiền nhà, sẽ giảm xuống 320-370euro. Các trường university ở xa khu dân cư nên các bạn rất khó xin việc tay chân (chạy bàn, quét dọn…). Việc chuyên ngành do có ít thông tin chưa dám bình luận, nhưng theo quan sát thì cũng khó, phần lớn không có việc. Tóm lại trước khi đi bạn cần chuẩn bị ít nhất 300 triệu cho 2 năm học, nếu thấp hơn thì rất rủi ro. Trong buổi giao lưu đầu tiên ông Thầy của mình nói hiện kinh tế Phần Lan đang đi xuống, người thất nghiệp nhiều, lại thêm vụ Nokia nữa nên cơ hội việc làm cho người nước ngoài rất ít. Cân nhắc và chuẩn bị kỹ hãy đi 🙂
Mùa đông ở Phần Lan dài và nhàm chán, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy một màu trắng xoá rất dễ gây trầm cảm. Nếu thuê phòng riêng thì gần như sống tách biệt một mình, cực kỳ nhàm chán nếu không chủ động đi tìm thú vui. Ở Oulu có nhiều hội nhóm khác nhau như hội xe đạp, hội couch surfing, hội hockey… thường xuyên tổ chức thể thao và giao lưu. Hội sinh viên NISO của trường cũng hay tổ chức party, chiếu phim, tham quan du lịch… cơ hội cho mọi người tiêu nốt 40 euro “chi phí khác”. Ngoài ra, có thể tự tổ chức party ăn uống linh tinh giữa người Việt với nhau hoặc với người nước ngoài.
Phần Lan có một trò rất hay là xông hơi sauna. Người Phần rất ít nói, kín đáo và khó gần, nhưng nếu rủ được họ đi sauna rồi thì họ cởi mở với mình hơn rất nhiều. Ngồi trong sauna không biết làm gì thì có thể uống bia, triết lý, nói chuyện… Đi sauna có tác dụng đốt mỡ bụng và thải độc da rất tốt nên cũng khuyến khích các bạn gái cũng đi nữa 🙂
Khi còn ở Việt Nam mình suy nghĩ theo lối Việt Nam, nghĩ rằng ở bên Tây sướng lắm. Sang đây rồi mới biết những nỗi khổ rất khó nói cho người ở nhà vì họ không hiểu, có khi còn nghĩ mình sang chảnh. Nói chung khổ hay sướng tuỳ cảm nhận từng người, cứ sang và cảm nhận, không thử sao biết 🙂
2. Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hiện các trường đại học lớn ở Phần Lan đã liên kết với nhau thành lập một tổ chức gọi là Funima để rà soát hồ sơ. Funima sẽ nhận hồ sơ, rà soát trước xem có đủ giấy tờ không, có đạt yêu cầu ngoại ngữ không. hồ sơ nào đạt yêu cầu được chuyển về trường xét tiếp, hồ sơ nào thiếu xót họ sẽ gửi mail báo và gia hạn thời gian cho mình nộp. Địa chỉ trang webhttps://uaf.it.helsinki.fi/funima/. Hiện Funima bao gồm 11 trường:
– Hanken School of Economics
– Lappeenranta University of Technology
– University of Eastern Finland
– University of Helsinki
– University of Jyväskylä
– University of Lapland
– University of Oulu
– University of Tampere
– University of Turku
– University of Vaasa
– Åbo Akademi University
Trang Funima bắt đầu mở cửa cho đăng ký và nhận hồ sơ từ 01/12 hàng năm. Mọi người vào trang này tạo account rồi lập hồ sơ. Hồ sơ ở đây bao gồm các câu hỏi về chương trình đại học, chương trình cấp 3, bảng điểm tiếng Anh và “Application Form” (sẽ nói ở dưới). Sau khi chuẩn bị xong bấm “Submit” thì hồ sơ đó coi như là xong, không thể chỉnh sửa được nữa, trang web cấp cho mình một mã số có dạng UAFXXXXXXX (ví dụ của mình UAF1408589). Tại một thời điểm chỉ được chỉnh sửa 1 bộ hồ sơ, sau khi nộp xong bộ này mới được tạo bộ hồ sơ khác.
Hạn nộp hồ sơ của University of Oulu là 31/01/2015, vậy thí sinh Việt Nam nên nộp chuyển phát nhanh trước 15 ngày, tức trước ngày 15/01.
Chú ý mỗi trường có yêu cầu hồ sơ khác nhau một chút. Có trường đòi GMAT, có trường không, có trường không xét kinh nghiệm làm việc, chi tiết các bạn lên trang web của trường xem. Với trường University of Oulu địa chỉ trang tuyển sinh master làhttp://www.oulu.fi/degree/applicationdocuments. Vậy là cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
a) Application Form: Là bảng câu hỏi của trang Funima mà thí sinh cần trả lời cho nhà trường. Thông thường bảng câu hỏi này là 1 dạng Motivation Letter chia thành các mục để mình trả lời đúng trọng tâm. Ví dụ khoa Computer Science trường University of Oulu có 2 câu hỏi:
Describe briefly (max 7000 characters) your motivation for applying to study in Master’s Degree Programme in Computer Science and Engineering. Your letter should entail the following: why you wish to study at the University of Oulu, reasons why you have chosen this particular degree programme, how your previous studies support studying in this programme, how you will finance your studies, how your possible studies at the University of Oulu would improve your future career and/or study objectives, and what are your plans after obtaining Master´s degree
và
Describe your area of interest in the field of Computer Science and Engineering, and state your potential research topic for your Master’s thesis. Write about the purpose and relevance of your potential research and describe your methodological approach. (max. 4000 characters).
Trả lời Application Form, bấm submit thì trang web Funima cho mình mã số và link tải file Application form dạng pdf (chứa chính câu hỏi của mình).
Chú ý nhỏ là nên viết tiếng Việt không dấu ở các mục “in original language” vì trang web của họ bị lỗi, sau này in ra các ký tự tiếng Việt bị đổi hết thành dấu “?”. Ai nhỡ viết tiếng Việt có dấu rồi cũng không sao cả, chỉ cần chịu khó viết một file word đính chính các chỗ sai là được.
b) Bản sao công chứng và bản dịch bằng tốt nghiệp đại học: có thể làm tại bất kỳ công ty dịch thuật công chứng nào, cứ google địa chỉ rồi ra.
c) Bản sao công chứng và bản dịch bảng điểm bằng tốt nghiệp đại học: có thể làm tại bất kỳ công ty dịch thuật công chứng nào, cứ google địa chỉ rồi ra.
Với bảng điểm thì người ta yêu cầu phải có giấy giải thích thang chấm điểm của trường mình học. Ví dụ giấy giải thích thang điểm của đại học bách khoa:https://onedrive.live.com/redir?resid=A777959825BEA17C!1587&authkey=!AD6jfLIpQGQgsNc&ithint=file%2cpdf. Quan trọng nhất của tờ giấy này là con dấu trường, còn thì ai ký cũng được, không quan trọng. Tờ ví dụ trên không được chấp nhận vì không có con dấu. Giấy này bằng tiếng Anh càng tốt, nếu bằng tiếng Việt thì lại ra nhờ dịch thuật công chứng.
Trường hợp các trường không cấp giấy này (trường mình không cấp) thì bạn chịu khó lên website của trường hoặc website bộ giáo dục tìm Quy chế 25 (quy chế đào tạo niên chế) hoặc Quy chế 43 (quy chế đào tạo tín chỉ), dịch thuật công chứng rồi gửi kèm họ tờ hướng dẫn sau: https://onedrive.live.com/redir?resid=A777959825BEA17C!1583&authkey=!ANH54hPpdHCBDxM&ithint=file%2cdoc (nhớ sửa tên trường và quy chế đào tạo phù hợp). Ví dụ bản dịch quy chế 25 mình dùng khi đăng ký: https://onedrive.live.com/redir?resid=A777959825BEA17C!1578&authkey=!AOwg8bWNUnBp96Q&ithint=file%2cpdf
d) Chứng chỉ ngoại ngữ: có thể dùng Ielts, Toefl hoặc một vài chương trình Anh văn khác. Chi tiết xem tại link http://www.oulu.fi/degree/language%20requirements. Với Ielts họ yêu cầu điểm trung bình tối thiểu 6.5, điểm từng kỹ năng tối thiểu 5.5. Chỉ cần photocopy kết quả Ielts gửi họ là được, không cần gửi bản gốc.
e) Bản copy công chứng trang thông tin cá nhân passport
f) Curriculum Vitae (CV) : có thể dùng mẫu của EuroPasss https://europass.cedefop.europa.eu/en/documents/curriculum-vitae
g) Hai giấy giới thiệu (LOR): có thể của thầy cô giáo ở trường hoặc sếp ở công ty. Trường Oulu yêu cầu người viết theo mẫu (http://www.oulu.fi/sites/default/files/content/reference_form.pdf), cho vào phong bì rồi ký niêm phong lại. Chú ý là email người giới thiệu phải chính danh, không dùng hòm mail công cộng (yahoo, gmail, hotmail), công tác ở đâu thì dùng hòm mail ở đấy. Nếu ai không có mail công việc thì nên xin người khác.
h) Ngoài ra nhà trường không yêu cầu nhưng khuyến khích gửi thêm các giấy tờ sau:
– Điểm thi GMAT (nếu điểm cao)
– Giấy xác nhận công tác (nếu đã làm việc trên 1 năm)
– Giấy khen, bằng khen các loại (của trường học, chỗ làm việc, khu dân cư tổ dân phố…): ở nhà không là cái gì nhưng sang đây lại rất được coi trọng
– Giải thưởng các cuộc thi từ giải 3 trở lên
i) Nếu bạn là sinh viên năm cuối, chưa tốt nghiệp nhưng vẫn muốn đăng ký học tại University of Oulu thì cứ mạnh dạn nộp hồ sơ. Trong trường hợp đó bạn thiếu bằng tốt nghiệp và chỉ có bảng điểm tạm thời thì vẫn được chấp nhận nhưng phải soạn một cái đơn viết rõ là mình đăng ký dạng DA (Discretionary admissions), thiếu giấy này giấy kia.
Ghi chú là nhà trường chỉ cho nợ bằng tốt nghiệp, không cho nợ điểm Ielts.
Ghi chú nữa là nhà trường yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp và bảng điểm để họ kiểm tra. Nếu bạn nào nhắm không ra trường đúng hạn được thì cũng không nên đi làm gì, lỡ dở ra.
Mình biết một bạn cũng đăng ký dạng DA và đã trúng tuyển, hiện đang theo học tại Oulu University. Em sinh viên nào có hứng thú cứ đăng ký nhiệt tình nhé, không bị trừ điểm đâu mà sợ 🙂
Sau khi đầy đủ giấy tờ, mọi người in hết ra rồi làm theo hướng dẫn trong trang này:http://www.oulu.fi/degree/howtoapply/. Cụ thể:
– Lấy bút viết mã số bộ hồ sơ lên trang đầu bất kỳ tài liệu nào, reference letter thì viết lên bì thư
– Lấy bút viết mã số bộ hồ sơ vào góc dưới bên trái phong bì hồ sơ.
– Gửi đến địa chỉ
University Admissions Finland
Yliopistonkatu 2
FI-00170 Helsinki
FINLAND
– Với các bạn gửi hồ sơ chung: trong một số trường hợp, Funima có thể nghi ngờ mình nộp hồ sơ thông qua trung tâm tư vấn tuyển sinh và yêu cầu xác nhận (họ không thích thế thì phải). Do đó các bạn gửi chung nên có 1 tờ giấy xác nhận mình làm việc độc lập, không thông qua bất kỳ trung tâm môi giới nào rồi ký vào đó. Mình gửi riêng nên họ không yêu cầu nhưng một số bạn gửi chung thì bị. Tốt nhất cứ chuẩn bị trước.
Nếu các bạn gửi nhưng vẫn thiếu hồ sơ, Funima sẽ gửi mail báo mình. Ví dụ một email nhận được từ funima về việc thiếu explaination about grading system:https://onedrive.live.com/redir?resid=A777959825BEA17C!1648&authkey=!AL3nfHr6z6DrkSI&ithint=file%2cmsg
3. Kinh nghiệm viết Motivation Letter, Reference Letter và CV
Đoạn này mình viết theo kinh nghiệm cá nhân, sau khi tham khảo ông giáo sư xét tuyển của bộ môn Computer Science nên có thể khác biệt với những ngành khác. Các bạn đọc để tham khảo, mình không chịu trách nhiệm nếu bạn làm theo và trượt. Nói vậy nhưng mình làm theo những cái này và đỗ nên các bạn yên tâm 🙂
a) Chuẩn bị:
– Đọc kỹ các bài hướng dẫn viết motivation, reference letter trên mạng. Ví dụ:
- Blog du học Tùng Kelvinhttp://tungkelvin.wordpress.com/2010/06/07/h%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%ABn-cach-vi%E1%BA%BFt-lorscac-phrases-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-dung/. Blog này gồm nhiều bài viết của các siêu nhân chăm chỉ cần cù nhẫn nại, trượt vài lần vẫn cố gắng thi lại nên khuyến khích đọc cho biết thôi, không nên thần tượng quá
- 40 bài motivation letter Tàu http://tungkelvin.wordpress.com/2010/06/27/40-sop-from-china/
- Trang vsaf http://www.vsaf.org/forum/viewtopic.php?f=59&t=8967
– Chuẩn bị ra giấy một số thông tin về bản thân: đã đạt được thành tích gì, ưu điểm là gì, sở thích như thế nào. Các thông tin này có số liệu đi kèm thì tốt. Ví dụ giấy khen sinh viên suất sắc, được giấy khen của đoàn phường về công tác thanh niên tình nguyện, giấy khen chiến sỹ thi đua – lao động tiên tiến của công ty… Chỉ liệt kê giấy khen nào có thể gửi đi được, các thể loại đã thất lạc hoặc mờ quá không đọc nổi thì thôi miễn.
– Chuẩn bị ra giấy một số thông tin về môn học: vì sao lại chọn môn này; nếu được nhận rồi có học tốt không, vì sao; sau khi ra trường làm gì. Không nên nói đơn thuần “vì thích nên theo học” mà phải có ví dụ minh hoạ.
– Chuẩn bị ra giấy một số thông tin về đất nước và trường học: vì sao lại chọn trường này, nước này. Cứ nói thật, biết gì nói nấy, ví dụ đi Finland vì nó miễ
n học phí cũng là 1 lý do
– Nếu được nhận vào học rồi lấy tiền ở đâu: đi làm tiết kiệm, bố mẹ cho, học bổng của công ty, chính phủ… cứ sự thật mà nói, chả sao.
b) Motivation Letter:
Sau khi đã chuẩn bị xong các bước trên thì Motivation chẳng qua chỉ là diễn ra văn xuôi các nội dung đã chuẩn bị trên giấy ở trên, viết lại bằng tiếng Anh khoảng trang rưỡi A4 là đẹp. Đoạn này tuỳ văn vẻ mỗi người, không nên bắt chước bài người khác vì trường học có phần mềm chống đạo văn, copy cái họ biết ngay. Hồi đó mình viết trước motivation letter bằng tiếng Việt, đọc ngon lành rồi mới dịch ra tiếng Anh nên họ có tài thánh cũng chả tìm ra văn mình đạo 🙂
Trong mỗi ý kể trên nên lồng ghép 1 câu chuyện hoặc thêm số liệu vào, nếu không thì bài viết rất không đáng tin cậy. Bạn bảo bạn chăm chỉ thì điểm số của bạn phải cao, nếu không bạn ví dụ một số môn học điểm cao rồi bảo “chỉ chuyên tâm học một số môn nên chểnh mảng các môn khác”, hoặc do tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Cũng có thể thêm thắt 1 số giấy khen các loại vào motivation letter, ví dụ giấy khen của đoàn phường về hoạt động thanh niên. Khi đó ta có thể thêm số liệu vào như danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” chỉ trao cho 1% nhân viên xuất sắc nhất, giấy khen “Thanh niên gương mẫu” chỉ trao cho 100 trên tổng số 50.000 thanh niên quận Ba Đình… Các số liệu này không cần chính thức, có thể tự áng áng phóng đại một chút 🙂
Cuối motivation letter nên có 1 đoạn văn cam kết sẽ học tập tốt, công tác tốt, làm con ngoan trò giỏi… nếu được nhận vào học.
Ngoài ra còn một số thủ thuật thấy nhiều người khuyên như thêm câu trích dẫn đầu motivation letter… Những thủ thuật này thích thì làm theo không thì thôi, không thật sự quan trọng.
c) Reference Letter
Thường ứng với mỗi trường đại học mình nên chuẩn bị 2 reference letter, trong đó ít nhất 1 reference letter từ thầy giáo trường đại học, người còn lại có thể là thầy giáo hoặc cấp trên trong công ty. Nhắc lại là cả 2 người này đều phải có email công việc, không dùng email miễn phí. Để chuẩn nhất, mình nên tự viết reference letter rồi họ chỉ việc đọc lại, ký tên thôi. Chức danh người viết reference letter không cần cao, có thể là một giáo viên đại học hoặc trưởng phòng công ty mình làm việc. Trong phần lớn trường hợp bên xét tuyển không liên hệ lại với người giới thiệu nên cứ yên tâm mà chém thôi.
Thư giới thiệu thường được viết trong 1 mặt A4, bao gồm các nội dung sau:
– Vì sao lại quen ứng viên: quen từ bao giờ, mối quan hệ như thế nào (giáo viên, thầy hướng dẫn đồ án, sếp trực tiếp, đồng nghiệp…)
– Có ấn tượng gì với ứng viên: có óc sáng tạo, làm việc chăm chỉ, hay giúp đỡ người khác, học giỏi, làm việc có hiệu quả cao… Nêu khoảng 2 đức tính là đủ, mỗi đức tính có 1 ví dụ đi kèm. Ví dụ giúp đỡ người khác thì hay chỉ bài cho bạn trên thư viện, chăm chỉ thì làm đồ án xong trong 2 tháng sau đó tinh chỉnh, làm việc có hiệu quả thì hoàn thành dự án xyz trong vòng n tháng hoặc thăng tiến công việc…
– Theo người giới thiệu, vì sao ứng viên lại phù hợp với chương trình đăng ký: vì nó có đức tính abc, vì kinh nghiệm làm việc đã từng tham gia dự án xyz phù hợp với chuyên ngành.
Thư giới thiệu từ những người khác nhau nên văn phong cũng khác nhau. Tốt nhất viết sẵn dàn ý dạng gạch đầu dòng sau đó nhờ 2 người khác nhau viết lại thành đoạn văn. Hồi đó hơi dại không nghĩ ra cách này, may quá mình cung song tử nên viết 2 giọng văn khác nhau khá dễ 🙂
Trường University of Oulu có mẫu Reference Letter gồm 3 cái textbox cho 3 câu hỏi trên. Các trường không cho mẫu thì cứ theo dàn ý trên viết là được.
Người viết reference letter chỉ cần ký tên, không cần đóng dấu. Trường University of Oulu yêu cầu người giới thiệu bỏ thư vào phong bì, niêm phong lại rồi ký tên lên dấu niêm phong.
d) CV
Mẫu CV Europass đã hướng dẫn chi tiết cách viết rồi, mình không đi sâu vào nữa. Mình bổ sung một số chi tiết nhỏ:
– Nộp bằng khen giấy khen nào thì liệt kê ra
– Kỹ năng các loại không liệt kê chay mà phải chỉ rõ học được trong giai đoạn nào, vì sao. Ví dụ kỹ năng lãnh đạo, tổ chức có được trong giai đoạn làm thanh niên tình nguyện; kỹ năng tổ chức công việc, viết báo cáo có được khi làm project manager; kỹ năng viết code đẹp, debug có được khi làm lập trình viên công ty.
– Nội dung CV phải liên quan đến Motivation letter và Reference letter. Ví dụ nhờ một ông trong công ty nào viết reference letter thì mình phải làm việc tại đó ít nhất 1 năm hoặc thực tập tại đó; bảo đã từng làm lập trình viên thì phải có thời gian làm cho công ty lập trình…
4. Quyết định cuối cùng và bay
Một ngày đẹp trời cuối tháng 04, tự nhiên hòm thư điện tử của bạn xuất hiện một mail mới từ admission@oulu.fi với tiêu đề “UNIVERSITY OF OULU STUDENT SELECTION 2014” và dòng body đầu tiên “Dear New Student,”. Xin chúc mừng, như vậy tức là bạn đã trúng tuyển vào Đại học Oulu, đã trải qua bước đầu tiên đơn giản nhất trong hành trình phiêu lưu kéo dài 2 năm tại cái xứ sóc nhảy quạ kêu này J. Nếu bạn gặp may, nội dung thư sẽ là “Dear applicant”, khi đó bạn sẽ nằm trong số ít may mắn không phù hợp với nhà trường, bạn sẽ ở nhà lấy vợ lấy chồng, sinh một đứa con, và bạn sẽ may mắn hơn gấp tỷ lần cái thằng đang cặm cụi gõ note dụ dỗ các em sinh viên non nớt này.
Finland không phải thiên đường, muốn đến thiên đường còn phải đi một quãng đường xa nữa. Ở đây có rất nhiều thứ làm mọi người không hài lòng, một số ví dụ:
– Nhà cửa được thiết kế như một pháo đài, cộng với trời lạnh và dân cư thưa thớt nên mọi người có xu hướng cố thủ trong phòng riêng đọc báo, xem phim, lướt facebook… Một đứa Malaysia ở cùng nhà mình bảo kỳ Giáng sinh năm ngoái nó ở trong nhà 2 tuần liền, không tiếp xúc với một ai, cho đến khi vào học kỳ mới. Xu hướng tự kỷ, cảm thấy hối hận, bất lực là chuyện có thể xảy ra.
– Ngày mới bắt đầu vào 11h sáng và kết thúc lúc 2h chiều trong suốt 7 tháng trong năm khiến cho việc chui ra khỏi chăn vào mỗi sáng giống như một kỳ tích vậy. Dần dần mình sẽ lười dần đi, lạnh và tối mình cũng sẽ không đi thể thao nữa, mình sẽ mệt mỏi, sẽ cáu gắt, sẽ xa lánh mọi người… Ghê lắm ý!
– Hầu hết các bảng xếp hạng đại học đều dựa vào những số liệu ở đẩu đâu ý, còn việc giáo viên dạy hay không, truyền đạt kiến thức thế nào… thì ít nói đến. University of Oulu xếp hạng 253 thì cao thật, nhưng chất lượng giáo viên không đồng đều. Có người dạy hay, nhiều người lại dạy rất dở (thường giáo viên nữ dạy lởm, tiết nào cũng chán, toàn phải lấy điện thoại ra chọc fb cho hết giờ). Hồi trước có ai đó bảo “Finland khuyến khích tự học” là sai bét, các môn thuộc khoa Computer Science, khoa Information Technology và khoa Software phần lớn đều điểm danh, ai nghỉ quá nhiều là trừ điểm.
– Chương trình học khá nặng, nhiều môn không cho thi mà phải làm một dự án nghiên cứu nào đó, mệt chết thôi. Ví dụ học kỳ đầu Computer Science có môn “Human – Computer Interaction” đề thi yêu cầu phải thiết kế nhà thông minh cho bệnh nhân dementia (một loại bệnh già làm cho người ta đãng trí, mắt kém, tai kém, chân yếu tay run…). Theo yêu cầu môn học, mình phải thiết kế và giả lập một cái nhà như thế, sau đó mời tình nguyện viên sử dụng phần mềm này, mà nói thật tình nguyện viên phải làm mấy cái trò múa may cứ như làm trò cười, mình còn chả muốn làm nữa là người ta. Hồi đó nhóm mình mua bia lên trung tâm thành phố mời mấy ông già lang thang uống rồi nhờ họ làm, vừa mệt người vừa hao của L
– Finland không dành cho người nghèo! Sinh viên Master tốn một tháng khoảng 450euro, nhân với 20 tháng, cộng 25euro/tháng tiền phát sinh linh tinh, cộng 50 triệu tiền residence permit và vé máy bay. Nếu chuẩn bị được tối thiểu 350 triệu thì hãy đi, không thì nên suy nghĩ lại. Việc làm thêm ở đây tương đối khó, nên lượng sức mình.
Nói trước để bạn nào đang háo hức sang Finland không bị shock . Những điều trên đều là thật, nguy cơ thật. Mình không thật sự thân thiết với một người Việt Nam nào ở đây nên không rõ, nhưng thấy mọi người có vẻ ổn. Tuy nhiên mình chơi với 1 thằng Tàu và 1 bạn gái Kazakhstan thì thấy kêu ca than thở suốt, nghe nẫu cả ruột.
Tất nhiên tất cả những thứ kể trên đều là mặt tiêu cực, sau khi phóng đại lên cỡ vài tỷ lần. Đi Finland học master có một vài mặt được đáng kể sau:
– Môi trường học tập ở đây rất đáng kể. Lên thư viện và phòng máy thấy mọi người đều chăm chỉ học tập, ít thấy chơi game, xem video hay vào facebook (đôi khi vẫn có, nhưng những người làm vậy đều tỏ ra khá mệt mỏi, chắc đang nghỉ giải lao). Thiết bị học tập tốt, làm project nhóm mà được phát máy tính bảng, Kinect, máy Mac màn hình 50 inch…
– Sinh viên master 2 phần quốc tế, 1 phần Finnish, ai cũng như ai nên khá hoà đồng, ít gặp phân biệt đối xử (kể cả dân Châu Á hoặc Châu Phi, cũng hơi buồn vì chả có đứa nào láo để mình lấy cớ oánh nhau cả L). Hoạt động nào cũng có hội nhóm cho sinh viên quốc tế, từ chơi thể thao, tôn giáo đến party, du lịch.
– Thỉnh thoảng đi bar uống rượu cũng hay, với giá 5eu/đồ uống dù không thể say được nhưng nói chuyện với mấy con bé Finnish hận đời xả stress phết. Cơ mà tốn quá!
Vậy, tóm lại được cái gì? Đi du học là một quyết định lớn, cần suy nghĩ kỹ rồi hãy đi. Finland là quốc gia “tạm được”, nó chỉ là thiên đường với người bản xứ, còn người nước ngoài, đặc biệt là người nghèo (như phần lớn sinh viên Việt), thì nó chỉ không giống địa ngục thôi, chứ khác thiên đường lắm. Quảng cáo chỉ là quảng cáo, ngoài Finland các bạn còn rất nhiều lựa chọn, không cần vội vàng làm gì.
Cuối cùng, chúc các bạn thành công với lựa chọn của mình, hi vọng bài viết này giúp ích được cho các bạn. Cố lên, bầu trời Châu Âu chờ đón các bạn!
PS: mang cái máy ảnh sang nhưng không chụp cảnh, toàn chụp người nên không post được cái nào khoe J Hẹn mọi người một ngày nào đó sẽ update tiếp nha!
5. Lựa chọn khác
Ngoài các trường trên, ở Phần Lan còn một số trường UAS mở khoá master tiếng Anh, tuy nhiên số lượng không nhiều. Yêu cầu của các trường đấy thường là:
– Đã tốt nghiệp ĐH
– Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công việ có liên quan đến ngành học
– Làm 1 bài tập theo yêu cầu của trường (xem trang tuyển sinh)
– Thi viết và thi vấn đáp tại trường
Một ví dụ là trường Saimaa UAS ở Lappeenranta
Chân thành cảm ơn bạn Lưu Đức Thắng đã chia sẻ và hướng dẫn.