Như các bạn đã biết hồ sơ New Zealand năm nay đã mở đơn online từ 1/2/2018 và sẽ đóng đơn vào ngày 15/3/2018, nên mình hy vọng post này sẽ giúp ích được nhiều cho các bạn. Mình chia sẻ với tư cách NZAID Scholar 2018, ngành Marketing nên post này có thể hỗ trợ các bạn nói chung và đặc biệt là những ai apply vào ngành Marketing (năm nay vẫn có Marketing trong priority sectors đó các bạn).
Mình sẽ đi theo từng mục cho rõ ràng nhé. Bài viết gồm 4 mục:
1, Kinh nghiệm tìm kiếm thông tin học bổng (học bổng chính phủ nói chung và New Zealand nói riêng)
2, Kinh nghiệm viết hồ sơ online (viết bài luận)
3, Kinh nghiệm cho các vòng test online tiếp theo
4, Kinh nghiệm cho vòng phỏng vấn và các bước sau đó (nếu có)
Tuy nhiên vì các bạn đang ở 2 giai đoạn đầu tiên nên mình chỉ tập trung chia sẻ 2 phần đó thôi nhé. Nếu các bạn có thêm câu hỏi gì thì các bạn cứ thoải mái cmt/inbox mình, mình sẽ hỗ trợ hết sức . Giờ thì bắt đầu vào đề nhé.
I. KINH NGHIỆM TÌM KIẾM THÔNG TIN HỌC BỔNG
1, Học bổng chính phủ New Zealand (NZAID/NZAS)
Cái này thì thực sự rất dễ luôn rồi, các bạn có thể lên GG gõ thẳng “Học bổng Chính phủ New Zeland/NZ” sẽ ra ngay hàng loạt thông tin. Tuy nhiên các bạn chú ý, học bổng mở trong năm 2018 cho scholars đi học vào năm 2019 thì là “Học bổng năm 2019” nhé, ko phải năm 2018 đâu các bạn. Mình đã từng bị mắc lỗi này rồi nên ban đầu mình cũng bị nhầm lẫn info của các năm, nguy hiểm lắm đó. Nhất là priority sectors thay đổi theo từng năm nữa nên các bạn thật chú ý khi search thông tin nha.
Link của Chính phủ New Zealand – Từ đây các bạn sẽ có thông tin đầy đủ và chính xác hơn: Click Here
2, Học bổng chính phủ nói chung
Ngoài học bổng chính phủ New Zealand thì mình còn biết đến một số nguồn học bổng khác như sau:
- Học bổng chính phủ Australia (Australia Aid Scholarship – AAS)
- Học bổng chính phủ Mỹ (Fulbright Scholarship)
- Học bổng chính phủ Nhật (Monbukagakusho: MEXT Scholarship)
- Học bổng chính phủ Anh (Chevening UK Scholarship)
- Học bổng chính phủ Canada – ASEAN (SEED) (cái này năm nay mới mở nè các bạn)
II. KINH NGHIỆM VIẾT HỒ SƠ ONLINE (Viết bài luận)
Rất nhiều bạn hỏi mình về vấn đề nên chọn ngành gì ? Viết cái gì ? Viết như thế nào cho thuyết phục ? Thực ra mình không có nhiều kinh nghiệm vì hồ sơ này mới là lần thứ 2 mình apply học bổng và cũng là lần đầu tiên apply NZAS nhưng mình sẽ chia sẻ hết những gì mà mình rút ra được nha.
1, Chọn ngành học
Điều quan trọng nhất khi apply bất kỳ học bổng nào là các bạn phải tự mình xác định được định hướng nghề nghiệp và tương lai của bản thân chứ, phải không nào ? Nhất là với v chính phủ thì ngành các bạn chọn càng phải là lĩnh vực bạn thật sự có khả năng và tâm huyết, như thế mới về đóng góp cho VN được chứ !
ĐIỀU NÀY MỖI BẠN PHẢI TỰ XÁC ĐỊNH CHO BẢN THÂN MÌNH, KHÔNG AI RÕ BẰNG CÁC BẠN.
Mỗi học bổng chính phủ đều có list priority sectors, trước khi bắt tay vào làm hồ sơ apply các bạn phải tự nghiên cứu thật kỹ lưỡng danh sách này.
- Trường hợp lý tưởng nhất: ngành bạn muốn học có luôn trong priority list (như mình).
- Nếu ngành bạn học có điểm hơi liên quan đến priority sectors nhưng ko đủ thuyết phục, thì bạn nên tìm cách chứng tỏ trong bài luận rằng ngành học của bạn thực sự quan trọng và Ý TƯỞNG CỐNG HIẾN CỦA BẠN THỰC SỰ CÓ GIÁ TRỊ VÀ CẤP BÁCH CHO VN. Ví dụ: Giả sử mình apply Marketing khi chưa có ngành đó trong priority list, vậy thì mình phải chứng tỏ rằng: Ngành Marketing ở VN đang trở thành xu hướng ntn ? Quan trọng và cấp thiết đối với nền kinh tế VN ra sao (Quan trọng ko kém gì các ngành công) ? Trong vòng 2-3 năm khi tôi học xong Marketing ở New Zealand và trở về VN thì tôi sẽ đóng góp để giải quyết vấn đề gì cho VN (mà tôi thấy thực sự cấp bách vào thời điểm này và trong 2-3 năm tới) ?
- Nếu ngành bạn apply hoàn toàn ko liên quan gì đến priority list của học bổng, vậy bạn nên bám vào ĐAM MÊ CỦA MÌNH, đừng cố lái nó theo list ưu tiên hay bịa đặt để đc học bổng nha. Ban xét duyệt học bổng họ chấm kỹ lắm, ai bịa là họ biết ngay. Bạn sẽ có nhiều cơ hội đỗ hơn khi bạn là chính bạn, kể cả khi bạn ko quá phù hợp tiêu chí của họ. Còn nếu bạn ko quá tha thiết với học bổng New Zealand mà lại lệch priority nữa thì dĩ nhiên là mình chuyển hướng thôi cho đỡ mất thời gian.
2, Chọn và phát triển ý tưởng để viết luận săn học bổng
Okie, giờ đến phần quan trọng nhất đây. Khi bạn đã xác định rõ ngành bạn muốn học, giờ là lúc bạn brainstorm về 1 ý tưởng lớn làm thế nào để đóng góp cho VN với kiến thức bạn sẽ được học ở New Zealand.
ĐÂY PHẢI LÀ KEY IDEA QUAN TRỌNG NHẤT CẢ BÀI LUẬN
1 hit ăn tiền đó các bạn. Ý tưởng này mà ngon lành là % lớn các bạn vô đó, nên các bạn tập trung vào điểm này nha. Điều quan trọng phải nhắc đi nhắc lại.
Giả sử như mình apply ngành Marketing nhé, ý tưởng của mình sẽ phát triển theo hướng:
- Ngành Marketing ở VN đang trở thành xu hướng ntn ? Quan trọng và cấp thiết đối với nền kinh tế VN ra sao ?
- Trong ngành Marketing ở VN hiện nay đang có vấn đề gì (vấn đề ko cần vĩ mô quá đâu. Nếu là vấn đềbạn tự rút ra được từ quá trình quan sát và làm việc của bản thân thì càng valuable hơn nữa nhé) =>> chính vì bước này nên kinh nghiệm làm việc thực tế rất quan trọng, nó giúp các bạn định hướng ý tưởng của bản thân chứ ko phải show ra dài dài để khoe.
- Điều kiện giáo dục và thông tin về ngành Marketing tại VN có thiếu thốn gì mà lại phải ra NZ học ? (Hay chính là ngành MKT tại New Zealand có gì ưu việt hơn VN).
- Trong vòng 2-3 năm khi tôi học xong Marketing ở New Zealand và trở về VN thì tôi sẽ đóng góp gì để giải quyết vấn đề mà tôi đã nêu ở trên ?
Đối với các câu hỏi khác như nêu kinh nghiệm làm việc, thành tích học tập, phẩm chất cá nhân thì các bạn cũng cứ bám theo cái core idea trên luôn. Bạn có kinh nghiệm, thành tích và phẩm chất gì liên quan đến ngành bạn học và làm việc, hoặc hoài bão đóng góp đất nc của bạn sau này (VD: làm giảng viên, làm chủ doanh nghiệp,…) yêu cầu phẩm chất gì thì bạn viết theo hướng đó.
Để tránh bị overload và hoang mang trong 1 rừng câu hỏi thì bạn nên tìm 1 MENTOR THẬT CÓ TÂM VÀ CÓ TẦM. Tốt nhất là người quen của bạn và cũng làm trong ngành bạn apply. Nếu không thì chung chuyên môn thì Mentor phải là người có kỹ năng viết tốt và tư duy tốt. Mentor sẽ hỗ trợ bạn định hướng ý tưởng, phát triển ý tưởng, chỉnh sửa câu từ và theo bạn cả quá trình săn học bổng. Mình rất may mắn khi có mentor là người thân, lại cùng làm trong ngành Marketing nên thành công của mình có sự đóng góp rất lớn của Mentor đó.
3, Một số lưu ý khác
Ngoài những điều kể trên thì mình có một số lưu ý khác khá quan trọng cho các bạn cho quá trình làm hồ sơ online:
- Không viết quá số từ trong mỗi câu luận
- Các câu luận nên đc trình bày thật rõ ràng, có mở – thân – kết hoàn chỉnh, mạch lạc. Chỗ nào dài quá thì các bạn xuống dòng để tách ý. Ban xét duyệt học bổng một ngày đọc cả mấy trăm đơn mà cái nào cũng liền tù tì không gạch không phẩy không xuống dòng thì chắc họ cũng đau đầu mà loại luôn mất.
- Nên hoàn thành sớm và nộp sớm trc deadline tầm 3-5 ngày để tránh các thể loại lỗi mạng lỗi hệ thống (kiểu nhiều người submit cùng 1 lúc, dễ bị rơi vào frozen system)
- Lựa chọn nguyện vọng thật kỹ lưỡng và cẩn thận: Cái này cũng cực quan trọng nè. Mỗi bạn có 2 nguyện vọng để lựa chọn, nguyện vọngcụ thể ngành – trường – khóa học luôn. Nhiều bạn chọn bừa vì nghĩ về sau đổi được/họ chỉ hỏi để tham khảo thôi. KHÔNG NHÉ, ĐÂY LÀ 2 NGUYỆN VỌNG CUỐI CÙNG CHỐT SỔ LUÔN. Không thay đổi nội dung nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng cũng không được thay đổi luôn nhé. Nhiều bạn lỡ chọn trường và ngành ngon nghẻ hơn vào nguyện vọng 2, về sau phải ngậm ngùi vào nguyện vọng 1 vì trừ khi các bạn trượt nguyện vọng 1 (trường đó không nhận) thì các bạn mới được chuyển sang nguyện vọng 2 nhé.
Hãy chọn nguyện vọng thật kỹ, vừa tầm với, phù hợp với bản thân – không thì đến lúc chọn trường yêu cầu cao quá lại rớt học bổng chỉ vì trường ko nhận.
III. KINH NGHIỆM CHO CÁC VÒNG TEST ONLINE TIẾP THEO
Nếu các bạn có tìm hiểu trên các diễn đàn chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thi học bổng New Zealand Asean qua các năm thì các bạn sẽ biết rằng sau vòng hồ sơ online còn 2 vòng test online và 1 vòng phỏng vấn trực tiếp nữa trước khi các bạn được ban học bổng New Zeland cấp conditional offer.
Các vòng test online tiếp theo bao gồm 2 lần duyệt hồ sơ và 1 bài kiểm tra trực tuyến. Ở bước này bạn chưa cần làm gì, ban v sẽ tự xét duyệt hồ sơ và thông báo kết quả cho bạn. Nếu bạn qua được cả 2 vòng xét duyệt này thì chúc mừng, bạn sẽ đến với thử thách tiếp theo: Kiểm tra IQ và EQ trực tuyến.
Đây là 1 số điều bạn cần lưu ý để qua đc giai đoạn này một cách an toàn:
- Check Email thường xuyên để không lỡ bất kỳ thông báo nào của ban học bổng. Nếu bạn đỗ tới vòng kiểm tra IQ và EQ online mà bạn ko check email =>> lỡ mất deadline làm bài thì bạn sẽ bị auto loại.
- Luyện tập trước khi làm test trực tuyến: làm thật nhiều sample trên mạng, nhờ bạn bè kiểm tra chéo, luyện đề bấm thời gian,…. Bất cứ thứ gì mà bạn có thể nghĩ ra. Cẩn tắc vô áy náy.
IV. KINH NGHIỆM CHO VÒNG PHỎNG VẤN VÀ CÁC BƯỚC SAU ĐÓ
Cuối cùng, nếu như bạn đủ khả năng (và may mắn) vào tới vòng phỏng vấn thì vẫn còn cả 1 thử thách lớn đang chờ bạn. Thông thường các ứng viên sẽ có ~2 tuần để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn trực tiếp.
Một số lưu ý cho các bạn để perform thật tốt:
- Chuẩn bị nội dung: Nhiệm vụ của các bạn là check lại toàn bộ hồ sơ của mình xem có lỗ hổng nào không, có điểm nào còn yếu/chưa đủ thuyết phục. Nhiều bạn nghĩ rằng hồ sơ của mình đã rất mạnh, rất tốt rồi và không phải bổ sung/mở rộng gì thêm. Suy nghĩ này là SAI HOÀN TOÀN. Bạn có giỏi đến đâu thì đối thủ của bạn vẫn luôn luôn có thể vượt mặt bạn. Cuối cùng, bạn hãy lên một dàn ý thật hoàn chỉnh cho tất cả những câu hỏi mà bạn có thể nghĩ tới.
- Luyện tập phỏng vấn: Sau khi có dàn ý chi tiết, bạn nên diễn tập phỏng vấn và luyện nói thành tiếng nhiều lần để có thể trình bày thật trôi chảy và tự tin. Tốt nhất là bạn kiếm một partner/mentor để đối luyện với mình – họ sẽ cho bạn ý kiến để bạn cải thiện về nội dung và diễn đạt qua từng lần luyện tập.
- Trang phục: Mặc những gì làm bạn thấy thoải mái, đừng quá casual là okie. Mỗi người có 1 style và điều đó cũng thể hiện cá tính riêng của bạn. Mình mặc đúng kiểu business woman mặc dù mình trẻ nhất; nhưng có người mặc váy hoa đeo khuyên tai quả kiwi đến phỏng vấn và vẫn đỗ học bổng.
- Last but not least, tự tin luôn là yếu tố quyết định
Nếu bạn vượt qua được vòng phỏng vấn thì 90% là bạn đỗ rồi ^^ (nhưng chưa phải 100% đâu hehe) Khi đã nhận được Conditional Offer của ban xét duyệt học bổng rồi thì sẽ còn công việc liên hệ với các trường để đăng ký nhập học. Ở bước này thì cứ bình tĩnh, tự tin, kiên nhẫn và ko chủ quan thoy.
ban quản trị nguonhocbong.com xin chân thành cảm ơn bài chia sẻ rất thực tế của Phạm Ngọc Thùy Linh- NZA 2018- Ngành Marketing.