Tháng băng tuyết (Nivôse) theo lịch Cộng hoà Pháp (1793 – 1805),
20 January theo lịch Gregory,
Veni, vidi, vici – Dòng thư bằng tiếng Latin của hoàng đế La mã Thần Thánh Julius Caesar gửi về Roman Senate (Thượng viện Roma) từ Thỗ Nhĩ Kỳ sau trận chiến Zela – dịch qua tiếng Anh là ‘to come, to see, to conquer’ – dịch ra tiếng Việt cho bay bay một chút hoa lá cành là ‘tôi đã đến đây, đã nhìn thấy, đã chinh phục’. Với riêng tôi, khi đến thành phố phương Nam Toronto này, sau sự choáng ngợp, sau nét thân quen từa tựa như Sài Gòn, sau sự nhộn nhịp hối hả, hào nhoáng lung linh, etc., tôi mới là kẻ bị thành phố này chinh phục. Hiện tại, tôi thấy mình bình yên, một cuộc sống dễ chịu và hạnh phúc.
Thành phố này cũng bắt đầu cho tôi cảm thấy quen thuộc khi trên những chuyến bay đường dài xuyên châu lục, trong cuộc trò chuyện bất chợt, một người hỏi chặng cuối hành trình bạn về đâu? Tôi thường mỉm cười và trà lời: ‘Tôi về Toronto’. Khi lập lại câu trả lời này nhiều lần, tôi bắt đầu nhận ra, thành phố rất nhỏ Liège ớ xứ Bỉ đã nằm lại ở một vùng kí ức dù chưa xa nhưng đã không còn gần, trong những hổi tưởng tươi đẹp về nó, trong những khoảnh khắc vui vẻ, sáng láng được đông cứng lại và được gói gém cất giữ cẩn thận. Sự thật là tôi đã không còn sống ở nơi ấy nữa. Sự thật là tôi đang ở đây, hít thở không khí ờ một thành phố mới, hoà cùng nhịp người hối hả ở Toronto. Và bây giờ, tôi gõ những dòng chữ này để kể cho bạn bè nghe về những câu chuyện mới.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh (Ph.D), Canada cũng đã xuất hiện nhiều lần trong dự định của tôi khi trong chương trình đào tạo Tiến sĩ ờ Bỉ, thường sẽ có từ 2 – 4 tuần tự chọn đi nghiên cứu ở một nước khác, có thề là trong Liên minh Châu Âu, có thể là Canada, Mỹ, Úc, etc, để lấy được khoảng 5 – 15 tín chỉ. Trong chuyên ngành hẹp của tôi, nổi lên 3 nước có các bậc tiền bối hàng đầu thế giới là Mỹ, Canada và Nhật. Nhật thì bất đồng ngôn ngữ, nhìn cái chữ đã nhức đầu, hồi nhỏ đi học được 2 tháng tự đầu hàng xin mẹ cho nghỉ. Con không hợp với chữ tượng hình đâu, học hoài không vô. Mỹ thì chưa bao giờ là niềm khao khát hoặc ao ước, hi hi, đi chơi với đi làm việc, hội nghị thôi, chứ tính mình nhát, sợ chết, mà Mỹ thì dùng súng tự do quá, lại là Anh Cả đại ca, vùng chiến sự nào cũng can thiệp nên kẻ thù nhiều vô kể. Đó là lí do cứ mỗi lần qua Mỹ tôi luôn cảm thấy bất an. Còn lại là Canada, thấy nơi đây hiền hiền, hay hay, xứ sở thì đẹp quá xá, mùa thu chi mà đỏ au cả khu rừng, đất nước rộng ơi là rộng, tôm hùm bơi lội tung tăng, còn quốc kì còn có cái hình lá phong (:D hi hi, mà hồi đó cứ nhầm là lá cannabis – cần sa cơ, dốt ghê gớm), nên tự trong lòng đã thích lắm rồi. Thêm nữa, hai đứa bạn ở cùng nhà là dân Canada đến Bỉ, anh con trai học về Vật lí thiên văn, bạn gái thì học về Khoa học chính trị. Đọc theo âm Pháp là Canadien – âm Việt là Cà na điên. hi hi, buồn thì mang chúng nó ra ghẹo một chút.
Sau Bỉ, tôi sẽ đi tiếp đến Canada. Do là dân Pháp ngữ, tôi nghĩ mình sẽ đến Montréal vùng Québec – một trong những vùng nói tiếng Pháp trong toàn lãnh thổ Canada rộng lớn nói tiếng Anh. Xứ Québec này đòi độc lập hoài, y hệt như vùng Flander nói tiếng Hà Lan của Bỉ. Càng đọc lịch sử, càng nhiều những bất đồng của từng vùng ở Bỉ và Canada, càng nhìn đến một liên bang thống nhất để hài hoà văn hoá, ngôn ngữ, phong tục, kinh tế, đó là một điều đáng học hỏi và thú vị. Cuối cùng tôi lại đến Toronto vùng Ontario nói tiếng Anh chứ không phải vùng Québec tiếng Pháp, hi hi, tôi cũng vui lắm, học tiếng Anh hồi nhỏ mà chưa bao giờ sống ở quốc gia nào nói tiếng Anh, nên đây là dịp vừa ôn lại, vừa học thêm, vừa cày thêm tiếng Anh, vừa tập ba hoa chém gió. Bây giờ, tôi kể về những cái thích thú khi sống ở đây, thích thú hơn nhiều chứ không phải là đi du lịch ngó nghiêng tí rồi về.
1. Trước khi đến Canada, tôi không biết rằng đất nước này nằm trong Khối Thịnh Vượng chung Anh, đứng đầu nguyên thủ quốc gia là Nữ Hoàng Elizabeth ở xứ Anh xa lắc xa lơ. Đồng tiền cũng in hình Nữ Hoàng. Hoá ra, Úc với New Zealand, với mấy đảo Solomon, Saint Lucia đều có chung đại diên là Nữ Hoàng Anh cả.
- Lá trên cờ Canada thực ra là Lá Phong (Maple Leaf – Feuil d’Érable) chứ không phải là cái lá kia kia như tôi đã tin theo lời mấy bạn Pháp lúc nói chơi với nhau. Từ cây Phong này, nhựa cây chiết ra một loại sy rô (syrup) lá Phong, dùng làm kẹo, phết lên bánh crêpes, làm hương liệu, tất cả đều rất ngon.
- Người Pháp đến đây từ rất sớm, từ vùng New Foundland quanh năm tuyết phủ trắng xoá đến tận miền Nam Loussiana của Mỹ, bao trọn cả vùng Ngũ Hồ, tất nhiên trừ 13 bang miền Đông Mỹ thuộc Anh ra, lãnh thổ Novel France của Pháp rất rất rất rộng. Giống như Canada, 3 nguyên âm ‘a’ mới đọc đã mường tượng được đất nước này bao la quá chừng rồi, điều này được diễn tả bằng Quốc Hiệu Canada ‘A Mari Usque Ad Mare’ (Latin – ‘từ biền tới biển’, kéo dài từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương). Dân Anh thì hay mỉa mai về cái khu đất nhà anh Pháp rộng, nhưng toàn băng với tuyết, chả trồng trọt được gì. Hai anh Pháp, Anh kì kèo đánh nhau mãi cũng chán. Thấy dân Pháp hảo ngọt, mê ăn đường, Anh dụ Pháp hay là anh Pháp đổi cho tui cả vùng Nouvel France đá băng này, tui có mấy hòn đảo ở vùng Caribean quanh năm nắng ấm, trồng mía ngon lành, giá mía đang cao, tiền vàng chảy vào túi ào ào. Cuối cùng, Pháp rời khỏi lãnh thổ Canada và Mỹ, lấy ba hòn đảo tí tẹo ở Caribean, hai trong số đó là Guadeloupe, Martinique, hiện giờ là lãnh thổ Hải ngoại của Pháp.
- Canada thân quen. Đúng vậy, đi Mỹ mệt nhất là chuyện nhiệt độ F (Fahrenheit) và độ C (Celcius) mà dân Việt dùng theo người Pháp, chuyện tưởng tượng đổi đơn vị mile (dặm) ra km (cây số) hay mấy feet (bước chân), inches không quen. Canada đo nhiệt độ bằng độ C (Celcius), chiều dài là m, km (kilometre). Cũng có hơi lai Anh khi cân thì dùng pound (lb), nhưng cũng kèm theo kg. Hàng hoá thường ghi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Hai thứ tiếng tương đương nhau.
- Canada là dân di cư đến, nên tìm ra một bản sắc Canada thật khó vì nó vẫn còn lẫn trong đó tính cách của dân tộc mình. Người Canada kể chuyện về mình thì kèm thêm Tôi là Canadian, mà như cái tên tui đó, tui là người gốc Đức, tui gốc Pháp, tui gốc Hong Kong, tui gốc Hàn, tui gốc Hoa, còn tui là người Việt gốc mít. hi hi. Do vậy, từng góc phố ở Toronto được chiếm đóng bởi một cộng đồng dân cư. Hơn 100 sắc dân cùng hiện diện ở một thành phố. Họ vẫn giữ nếp sinh hoạt cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hoá, món ăn, lễ hội. Nên quanh năm, lễ hội suốt ngày vì hết người Pháp ăn mừng thì tới người Hoa, người Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, tới lễ hội bia của người Đức, etc. Hiện tại tôi đang ở khu phố Ý, pizza nướng thơm lừng, hàng xóm cộng đồng, và truyền thống Thiên Chúa Giáo. Tóm lại, một tính cách chung cho con người sống ở Canada mà tôi thấy là cực kì chăm chỉ, yêu lao động, hài lòng với cuộc sống mới, cởi mở, thân thiện, tôn trọng khác biệt.6. Còn rất nhiều những câu chuyện hay về Canada, một vùng đất lạnh lẽo, khắc nghiệt, mùa đông ở khắp nơi đều lạnh âm 20 độ (-20oC), có nơi thường xuyên -35 đến -40 độ, cái tôi nhìn thấy đẹp nhất là con người, là sự miệt mài chăm chỉ, là tinh thân vươn lên, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, những con người can đảm vượt đai dương chinh phục vùng đất mới ngày xưa như những thế hệ định cư đầu tiên đã xây dựng lý tưởng và nền móng thịnh vượng cho Canada hiện tại, cũng như những thế hệ Canada đã chiến đấu trong những cuộc chiến tranh, những lực lượng tham chiến gìn giữ hoà bình. Canada ngày nay đã là quốc gia giàu có, vậy con đường tiếp theo là gìn giữ nền tảng tốt này như thế nào, để tiếp tục thống nhất người dân đến từ hàng trăm dân tộc khác nhau thành một.Tôi rất yêu mến đất nước này!M-P.
—————————————————————————————————————————————
Website nguonhocbong.com chân thành cảm ơn sự chia sẻ và hỗ trợ thông tin của Tiến sĩ Trần Minh Phương.
Nguồn Học Bổng (nguonhocbong.com) là website độc lập, giới thiệu các loại học bổng du học ở mọi cấp độ nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới.