Khoa Kinh tế trường mình có ba chương trình thạc sĩ với trọng tâm Kinh tế học, được giảng dạy bằng tiếng Anh như sau: Economics and Institutions, Economics of the Middle East (hợp tác với trường Lebanese American University ở Beirut), và International Political Economy (hợp tác với trường University of Texas at Dallas).
Mình học chương trình thứ nhất và giờ đang điều phối chương trình thứ hai, còn chương trình thứ ba thì mới ra đời năm nay. Mình làm việc cho chương trình Economics of the Middle East từ thời sinh viên, nay đã tới năm thứ ba rồi. Đó là một trong năm chương trình thạc sĩ mang tính chất hợp tác giữa Đức và các nước Ả-rập, là một dự án của Bộ Hợp tác và Phát triển của Đức, trước đây được tài trợ với học bổng toàn phần của DAAD (chỉ dành riêng cho người Đức và người Ả-rập).
TÌM HIỂU NGAY KHÓA HỌC- CLICK HERE
Bắt đầu từ năm nay, chương trình không cung cấp học bổng nữa và đang tiến hành đổi mới chương trình học để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho sinh viên. Nếu ai muốn tìm hiểu thêm về chương trình này có thể nhắn riêng cho mình.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ giới thiệu về chương trình mình đã theo học thôi nhé. Chương trình M.Sc. Economics and Institutions Thời gian tuyển sinh: cả kì mùa đông và mùa hè Hạn nộp hồ sơ: 15.07 (kì mùa đông) và 15.01(kì mùa hè) Điều kiện: tối thiểu 90 ECTS trong các ngành kinh tế và liên quan Trình độ tiếng Anh: C1 (IETLS 7.0, TOEFL iBT 95, TOEIC 945 hoặc chương trình cử nhân bằng tiếng Anh) Tiếng Đức và kinh nghiệm làm việc không cần thiết, sinh viên năm cuối chưa nhận bằng tốt nghiệp cũng có thể nộp học. Quy trình tuyển sinh: Nhận hồ sơ qua Uni-assist và phỏng vấn qua điện thoại. Người phỏng vấn là giáo sư giảng dạy trong chương trình. Một số điều cần lưu ý trong vòng phỏng vấn: Nếu chương trình cử nhân của bạn tập trung nhiều vào kinh tế học và điểm của bạn cao thì xin chúc mừng, bạn chắc chắn sẽ lọt vào vòng phỏng vấn. Các câu hỏi trong vòng phỏng vấn xoay quanh động lực khiến bạn muốn theo học chương trình thạc sĩ này và những kiến thức cơ bản về kinh tế học.
Về mặt động lực, bạn sẽ tạo ấn tượng rất tốt nếu như bạn nói rõ nguyện vọng phát triển sự nghiệp sau này và chương trình thạc sĩ đó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu như thế nào. Về các câu hỏi xoay quanh kinh tế học, chủ yếu là kinh tế vi mô, vĩ mô, thống kê và kinh tế lượng. Bạn nên ôn tập kĩ các khái niệm, học thuyết cũng như những công thức cơ bản. Mỗi lần tuyển sinh thì trường nhận dao động loanh quanh 10-15 sinh viên mới. Kì nào cũng có ít nhất một sinh viên Việt Nam. Dù vậy, mỗi lớp học thường đi chung với sinh viên các chương trình khác, nên lớp đầu kì học cũng có thể lên tới 50-60 sinh viên. Do số sinh viên ít ỏi nên giáo sư rất nhanh nhớ mặt thuộc tên sinh viên, và có nhiều thời gian hỗ trợ hướng dẫn sinh viên hơn. Lượng bài tập tương đối lớn, các môn chủ yếu có bài tập nhóm và thi cuối kì. Nếu ai nắm vững kiến thức toán, thống kê, và kinh tế lượng sẽ dễ dàng đạt điểm tốt. Điểm yếu của mình khi bắt đầu nhập học là việc viết bài luận và tham gia thảo luận do thiếu kiến thức và cũng nhút nhát sợ nói sai. Từ kì hai trở đi, sau khi được một giáo sư nhắc nhở riêng rằng “sinh viên có quyền được nói sai” và khuyến khích mình tự tin lên thì mình mới bắt đầu thực sự tập trung vào đọc nhiều bài nghiên cứu để nâng cao kiến thức cũng như cải thiện lối viết bài luận. Kết quả là điểm các kì sau vớt điểm kì một lên và mình cũng tốt nghiệp được với bằng giỏi (Sehr gut). Bản thân mình gặp nhiều may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè cùng chương trình cũng như các giáo sư. Trong thời gian viết luận văn cũng như làm hội thảo, các giáo sư hay chủ động hỏi han quan tâm xem mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp và gửi cho mình rất nhiều thông tin hữu ích (về học bổng hay cơ hội nghề nghiệp). Sau này, mình được thầy giáo hướng dẫn luận văn tốt nghiệp giữ lại trường và mình cảm thấy hết sức biết ơn thầy.
Nếu ai đọc xong bài viết này mà quyết định tới Marburg du học Kinh tế thì mình sẽ rất vui mừng. Thực sự là mình đã có những ngày tháng rất tuyệt vời ở đó.
Source: Mai Tran