Một trong những khó khăn lớn nhất của người mới chập chững làm nghiên cứu khoa học (như tân NCS Tiến Sĩ) là tìm ra phương pháp và hướng đi phù hợp để đạt được kết quả nghiên cứu tốt (ra các công trình có giá trị có thể đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín) trong thời gian ko quá dài. Tất nhiên, sự giúp đỡ của người hướng dẫn (supervisor) là quan trọng, nhưng phần ko kém then chốt là nỗ lực cá nhân và phương pháp làm việc khoa học.
Các bước chính từ khi khởi đầu đến khi hoàn thành một công trình khoa học có thể tóm tắt như sau:
– Tìm hiểu các nghiên cứu đã công bố (literature survey) và tìm vấn đề nghiên cứu mở (chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo)
– Tìm cách định nghĩa vấn đề mở một các tường minh và tìm phương pháp giải quyết
– Thu thập kết quả nghiên cứu (lập mô hình, đề xuất giải pháp hay phương pháp mới, làm thí nghiệm hay mô phỏng trên máy tính,…)
– Viết bản thảo chuẩn bị công bố kết quả trên tập san khoa học
– Gửi bản thảo tới tập san khoa học và chờ phản biện
– Thực hiện các bước chỉnh sửa (nếu kết quả ko bị từ chối đăng từ nhà xuất bản) và hoàn thiện kết quả để đăng trên tạp chí khoa học
Thật ra bước 1 ở trên là rất quan trọng và những nghiên cứu viên chưa có nhiều kinh nghiệm thường dễ bị “lạc lối” khi thực hiện “literature survey”: họ cảm thấy các vấn đề đã công bố đều đã được làm quá tốt (ko thấy vấn đề mở) hay bị tràn ngập bởi thông tin và ko thể tìm được định hướng cho riêng mình. Thật ra khi đã tìm được vấn đề để giải quyết và đã định nghĩa được nó tường minh (bước 2) thì xem như đã đi được hơn ½ quãng đường đến đích.
Vài cách vượt qua khó khăn nêu trên:
1) Tìm đọc các bài tóm tắt (survey) từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành, trong đó họ thường đề cập các vấn đề mở (open problems) và các phương pháp giải quyết chúng tìm năng;
2) Chọn lọc đọc các công trình quan trọng (thường được trích dẫn nhiều trên google scholar) để đọc trước thay vì đọc “tràn lan” vốn dễ mất phương hướng;
3) Thảo luận thường xuyên với người hướng dẫn các suy nghĩ đánh giá (critical comments/thinking) cho các công trình đã xuất bản để tìm ra điểm yếu hay vấn đề chưa được giải quyết.
Source : Michael Le