Câu chuyện của “người trở về”: Đừng quên cho mình thời gian
Khi bạn chuẩn bị đi du học- Mọi người hỏi bạn có tìm cách ở lại luôn không?
Khi bạn về thăm nhà- Mọi người hỏi bạn khi nào thì đi lại?
Khi bạn về hẳn Việt Nam-Mọi người hỏi bạn khi nào được thăng chức?
Chỉ có là bạn không gặp mọi người thì lúc đó mới hết cái để hỏi phải không? Vậy còn bạn? Bạn sẽ ra sao khi kết thúc chương trình học bổng chính phủ và trở về nước?
Trong những năm tháng làm về học bổng du học với platform nguonhocbong.com, tôi nhìn thấy có rất nhiều kịch bản HẬU học bổng du học: có bạn về nước đổi nghành, có bạn về lại cơ quan cũ, có bạn nghỉ hẳn ra làm chỗ khác, có bạn tiếp tục tìm kiếm cơ hội học bổng khác (PhD, Post-doc) tại nước ngoài, có bạn lập gia đình và định cư tại nước ngoài, v..v..
Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của 1 Aussi Alumni các bạn nhé. Đây là những trải nghiệm cảm giác mà sẽ rất nhiều người trong chúng ta sẽ trải qua.
Rồi cũng đến ngày bạn từ nước Úc trở về, mang theo tấm bằng thạc sĩ/tiến sĩ của một trường đại học danh giá, kiến thức tích luỹ bao năm du học, các kỹ năng mềm, cách nhìn mới về cuộc sống, về thế giới. Giờ là lúc người ta xem bạn đóng góp cho đất nước như thế nào.
Đừng dành thời gian tiếc nuối, buồn phiền
Bầu nhiệt huyết khi trở về có vẻ không còn mạnh mẽ như lúc ra đi. Cũng dễ hiểu thôi. Bỗng dưng ta thấy oải vì khói, bụi, ồn, ách tắc giao thông, thức ăn không đảm bảo, con người dễ cáu kỉnh, thủ tục hành chính nặng nề… Nhiều người trong chúng ta sẽ trở về cơ quan cũ. Ta gặp những con người cũ, cách thức làm việc cũ. Rồi lương tháng nhận được chỉ bằng 1/10 học bổng hàng tháng trước đây vẫn tự động được chuyển vào tài khoản.
Tuy nhiên, một số bạn tôi biết lại coi đây là cơ hội để rèn luyện cho mình khả năng thích ứng với các môi trường khác nhau, nên không để mất thời gian cho việc chán nản hay buồn phiền. Họ phóng xe ra đường phố, gọi cho bạn bè, đi cà phê, đi quán vỉa hè…, làm những gì đã từng làm trước khi ra đi. Những người bạn ở Việt Nam sẽ hết sức vui mừng được gặp lại bạn. Họ muốn biết xem sau mấy năm trông bạn thế nào? Họ cũng muốn nghe những câu chuyện của bạn. Tất nhiên họ cũng sẽ hỏi những câu hỏi khó, kiểu liệu đi học về bạn có được thăng chức không, thu nhập có cao hơn không. Không biết bạn sẽ trả lời thế nào. Tôi thì thích cách mà một bạn của tôi đã trả lời: có chứ, nhưng cứ bình tĩnh.
Tạo cảm giác cân bằng trong gia đình
Và điều này quan trọng, trước khi bắt tay vào những thứ to lớn, hãy dành thời gian cho gia đình. Giống như nhiều bạn ra đi cùng với gia đình, tôi cũng có những câu hỏi khi trở về: chồng tôi sẽ làm việc ở đâu? Con trai tôi sẽ hoà nhập với môi trường mới như thế nào? Chúng tôi đã nói chuyện nhiều lần với nhau, chuẩn bị tinh thần từ nửa năm trước khi lên máy bay rời nước Úc. Tất nhiên, khi về đến nơi, cảm giác vẫn chơi vơi khó tả, nhưng chúng tôi có nhiều việc phải làm.
Khi chúng ta phải trải qua những khác biệt về nếp sống hàng ngày, cái sốc có thể đến từ từ, và xử lý nó mất công sức hơn nhiều. Đôi khi những chi tiết nhỏ nhưng lại gây ra những cảm giác nhớ nhung, nuối tiếc, bực bội hay thất vọng. Hãy chú ý để hoá giải nó. Hãy tạo không khí vui vẻ trong gia đình bằng việc đi chơi với người thân, bạn bè, tham quan các danh lam thắng cảnh nơi mình đang sống, hoặc đi du lịch xa một chút. Từ trải nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng nếu tạo được cảm giác cả nhà luôn bên nhau, những cú sốc sẽ nhẹ đi nhiều.
Ngoài thời gian cho gia đình nhỏ, cũng nên dành thời gian cho gia đình lớn nữa. Tôi nhớ những ngày trở về dưới mái nhà của bố mẹ. Quét nhà, cọ sàn, rửa ấm chén hàng ngày cho bố mẹ tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác ấm áp khi nghĩ đến điều đó. Với tôi, đó là những khoảnh khắc quý báu và tôi hạnh phúc vì đã không bỏ qua nó khi mới từ Úc trở về.
Làm việc và đóng góp từ những điều nhỏ nhất
Khi đã có cảm giác cân bằng với gia đình, chúng ta có thể yên tâm hơn để nghĩ đến công việc, đến sự đóng góp. Đây cũng là một sự thử thách. Đến nơi làm việc, chúng ta có thể sẽ gặp những tình huống khác nhau: Có người ngưỡng mộ bạn, có người nghi ngờ khả năng của bạn, có người kỳ vọng quá nhiều vào bạn, có người trân trọng bạn, lại có người thờ ơ với bạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không cần phải thay đổi cách ứng xử vì những thái độ khác nhau. Chỉ cần bạn giữ được sự thân thiện, vui vẻ và cởi mở, tất cả mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu.
Không khí thân thiện, tin cậy là điểm khởi đầu quan trọng của công việc. Nhưng cả với điều này, bạn cũng đừng quên cho mình thời gian. Cơ quan của bạn giống như một guồng máy đang chạy. Bạn cần phải quan sát kỹ, phải nói chuyện với nhiều người, hiểu được cái guồng máy ấy trước khi quyết định sẽ thích ứng với nó như thế nào.
——————————-
Việc các Alumni tham gia đóng góp cho bài giảng của Khóa học ” Chiến lược & kĩ năng du học hiệu quả” là minh chứng rõ ràng nhất của những Cựu du học sinh dành cho thế hệ đi sau. Khóa học này tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế để giúp các thế hệ du học sinh tiếp theo của VN được phát triển hơn hẳn so với thế hệ đi trước.
TÌM HIỂU VÀ ĐĂNG KÍ KHÓA HỌC- CLICK HERE
Cũng đừng áp lực cho rằng đóng góp phải là một cuộc cách mạng. Chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp bằng việc đưa ra một đề xuất nhỏ phục vụ công việc, hoặc hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, hoặc chia sẻ thông tin, kỹ năng với đồng nghiệp khác để giúp nâng cao năng lực của mọi người, hoặc nếu có thể, tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ, thân ái, hợp tác với những người xung quanh mình hoặc, đơn giản là hoàn thành tốt công việc được giao.
Và cuối cùng, bạn sẽ nhận ra ở đây có những thứ tốt hơn so với ở nước Úc. Bạn có có gia đình, có anh em, có bạn bè, có đồng nghiệp để quan tâm, chia sẻ với bạn. Bạn không còn phải tự mình xoay xở mọi thứ như ở nước Úc xa xôi. Và cuối cùng, điều tôi muốn tóm lại không khác gì hơn so với những gì người ta vẫn nói.
Hãy yêu những gì mình có. Hãy giữ một thái độ tích cực. Chắc chắn mọi thứ sẽ tốt lên. Tốt hơn trước khi bạn ra đi. Tôi tin như thế!
Source: AUSTRALIAN ALUMNI IN VIETNAM- Chi Hong Tran