Page Contents
Để có thể sở hữu suất du học trọn gói tại trời Tây, mình xin được lần lượt cover 6 điểm bạn phải “CÓ” của một ứng viên tiềm năng để các bạn tự hình dung khi săn học bổng toàn phần nhé.
1. Có kế hoạch sự nghiệp rõ ràng
Phần này tối quan trọng đối với hồ sơ xin học bổng du học toàn phần. Nhưng rất tiếc tui đoán phải 95% những người xin học bổng thiếu kinh nghiệm đều chỉ viết ra những bản kế hoạch tương đối sơ sài, mơ mộng thì nhiều mà tính thực dụng thì ít. Có 2 sai lầm phổ biến khi người ta viết phần này:
– 1 là do tính người viết khiêm tốn hoặc tự biết mình còn nhiều hạn chế nên hông dám mơ cao, chỉ muốn thể hiện mong muốn học xong được trở về tiếp tục làm nhân viên ngoan ngoãn, mẫn cán của sếp. Hông dám mơ cao thì đương nhiên cũng khó lòng thành công lớn. Mà các học bổng luôn luôn tìm những người có khả năng đạt được thành công trong tương lai.
– 2 là mơ thì rất xa vời nhưng action plan chi tiết chả thấy đâu. Tui lấy ví dụ tui đã xem 2 hồ sơ xin học kinh tế/MBA. Hai bạn này đều mơ ước đi du học về sẽ thành lập doanh nghiệp. Ước mơ này thì rất đẹp rồi, nhưng vấn đề mà tui nghĩ đến ngay trong đầu khi đọc là: “vốn ở đâu? Nguồn lực ở đâu?” thì mấy bồ đó đều hông trả lời được.
Đơn giản thôi vì khi bạn trình bày 1 kế hoạch, tui muốn biết bạn đã trăn trở thế nào để đạt được kế hoạch đó, tại sao bạn lại phải đi du học để thực hiện kế hoạch đó. Và quan trọng hơn, ai cũng biết đời hông như là mơ, nên có mơ thì cũng phải khả thi một chút.
Vậy giải pháp ở đây đương nhiên là bạn phải có một kế hoạch tham vọng nhưng khả thi dựa trên năng lực của bạn và điều kiện khách quan.
2. Có trình độ ngoại ngữ mới săn học bổng toàn phần được
Thiên hạ nghĩ rằng certificate ngoại ngữ như IELTS, TOEFL,… rất quan trọng, nên ai cũng đổ xô đi học lấy cái bằng.
Câu trả lời của tui là nó vừa rất quan trọng, lại vừa không quá quan trọng.
Rất quan trọng ở chỗ: nếu bạn kém ngoại ngữ quá thì đơn giản bạn sẽ khó lòng học tốt tại nước ngoài được vì lên lớp không hiểu thầy cô nói gì, hoặc viết bài luận thầy cô đọc không hiểu gì. Hay nói gần hơn là viết bài luận săn học bổng khi còn đang ở VN cũng rất khó.
Không quá quan trọng ở chỗ: đây hoàn toàn không phải yếu tố quyết định giúp bạn xin được học bổng, mà cái chính phải là năng lực và kế hoạch sự nghiệp của bạn. Nếu bạn giỏi chuyên môn, mới ra trường đã xin được công việc thiết kế, kỹ sư với thu nhập 2.000 đô thì việc bạn nói tiếng Anh có hay hay không, chả ai quan tâm lắm.
3. Có khả năng giới thiệu/ sale bản thân
Phần này bạn muốn viết sao cũng được nhưng phải làm sao cho người đọc thấy ấn tượng. Đừng hỏi tui cụ thể bạn phải viết bài luận săn học bổng toàn phần như nào vì đây chính là phần thể hiện sự sáng tạo và độc đáo của cá nhân bạn, mà tui hông biết bạn là ai để nêu ra đó là cái gì.
Tuy nhiên, xin đừng chỉ nói những điều sáo mòn như là tui yêu đất nước, muốn làm giàu cho đất nước, hay đóng góp cho nền công nghệ máy tính toàn cầu mà hông thể hiện được vì sao ai cũng nói như thế mà bạn lại khác biệt.
Tui xin cá với bạn là 100% những người xin học bổng ai cũng nói là tui muốn lên làm sếp công ty tui, tui muốn trở thành nhà lãnh đạo, hoặc thậm chí tui muốn cứu đất nước, cứu thế giới, nhưng phần lớn những gì họ trả lời đều chỉ là lời nói rỗng tuếch thôi.
Đương nhiên, nói/viết hay chưa chắc là đã thực hiện được, nhưng cái chính bây giờ là bạn phải chém hay, sao cho người ta phải gật gù khen cái đã.
4. Có hướng đi trong cuộc đời
Tui thấy 90% những người xin học bổng tuổi đời còn trẻ và cả không còn trẻ đều có vấn đề là không có hướng đi rõ ràng trong cuộc sống, mà chỉ đơn giản là khát khao trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài thôi.
Cái này không phải lỗi tại bạn, lỗi tại sống ở Việt Nam quá chán nên ai cũng thích đi nước ngoài. Vấn đề là nếu bạn có hướng đi rõ ràng, mọi sự sẽ dễ dàng hơn cho bạn nhiều. Nếu bạn cứ nhảy việc từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, bạn sẽ không thể tập trung đầu tư công sức cho một cái gì, và vì thế khó có thể thành công.
Người ta có thể không thông minh bằng bạn nhưng người ta xác định rõ mình muốn làm gì và cứ thế ‘cày’ trong lĩnh vực mình làm, thì người ta sẽ dễ thành công hơn, hoặc thành công sớm hơn bạn. Rất nhiều người xin học bổng có tâm lý là không cần biết đi học ngành gì, miễn được học bổng thì cái chi chi cũng học tất.
Có người săn học bổng toàn phần mà lúc xin ngành này, lúc lại xin một ngành khác chẳng hề liên quan chỉ vì nghĩ cứ xin ngành này thì sẽ được ưu tiên hơn. Quan điểm này rất sai lầm vì đơn giản nếu bạn xin làm cái bạn không thích, không trăn trở suy nghĩ về nó, thì bạn khó có thể ‘chém’ hay như những ứng viên khác đã dành thời gian, tâm sức để nghĩ về một kế hoạch tương tự được.
5. Có sự chủ động chọn học bổng phù hợp với năng lực của mình
Cái này tưởng không cần nói mà vẫn phải nói. Là vì thế này, học bổng nào cũng có ưu tiên nhất định, chia làm ba loại sau:
– Học bổng ưu tiên thành tích học tập (có khi chưa cần đóng góp được gì nhiều trong công việc, cứ học giỏi, GPA khủng là xin được rồi).
– Học bổng ưu tiên năng lực và đóng góp trong công việc (học giỏi mà không có đóng góp gì thì cũng bị từ chối, học không giỏi mà làm giỏi thì vẫn ok).
– Học bổng dạng “từ thiện”: ưu tiên người có lý tưởng đóng góp cao cho xã hội mà cụ thể là lĩnh vực phát triển, giúp đỡ người nghèo. Cái này thì bạn không cần phải học giỏi hay làm giỏi lắm, bạn cứ đóng góp thật hăng say, làm sao cho người ta cảm động muốn rơi lệ vì bạn là được rồi.
Hãy xác định được mình là đối tượng mạnh về mặt nào, yếu về mặt nào chính là điều kiện tiên quyết để bạn xin đúng học bổng và săn học bổng toàn phần thành công.
6. Có “quý nhân” phù trợ:
Thứ nhất bạn cần người viết thư giới thiệu cho bạn. Cái này tui sẽ hông chia sẻ vì tui là người không chuyên về vụ này lắm. Tui không mấy đáng yêu nên ai có lòng giới thiệu tui thì chẳng qua là vì người ta tốt và muốn giúp tui, chứ hông phải vì tui đáng yêu.
Tui chỉ khuyên là bạn nên cố gắng gây ấn tượng và chiếm được tình cảm của thầy cô giáo, cấp trên để có người ký/viết giấy giới thiệu cho bạn thôi.
Thứ hai còn quan trọng hơn: nếu như bạn có được người hướng dẫn tuyệt vời thì bạn đã nắm được 30% thành công khi săn học bổng toàn phần (khoản còn lại đương nhiên là năng lực của bạn) và có thể tiết kiệm được thời gian.
Tui xin lấy ví dụ bản thân tui. Vì tui là người không hề có yếu tố này, cũng không ý thức được tầm quan trọng của yếu tố này, nên tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện ước mơ của mình. Ngày xưa tui luôn tự tin nghĩ, mình đã có chút khả năng rồi thì chỉ cần tích cực cố gắng là được, không cần nhờ vả ai hết.
Tuy tui có xin ý kiến, lời khuyên của vài người nhưng hầu như họ không phải người nào thân thiết với tui và hiểu tui, nên họ không thể giúp tôi hiệu quả được cho dù họ rất nice; mà tui cũng rất ngại làm phiền người khác nhiều quá. Nhưng một người hiểu tui và quan tâm đến mơ ước của tui, sẽ biết tui cần gì, phải khắc phục điều gì để đạt được mục đích.
Tuy rằng cuối cùng tôi cũng xin được học bổng, nhưng tôi đã mất nhiều thời gian kinh khủng khiếp và mấy nhiều năm loay hoay nghĩ xem mình phải làm gì. Sau này tui gặp được những người như vậy và ngộ ra điều này thì đã hơi muộn, nên tui muốn khuyên những bạn nào có năng lực nên chú ý tìm kiếm một người như vầy để xin được giúp đỡ.
Người đó nên là một người đã thành công trong ngành nghề của bạn, có mối quan hệ tốt với bạn (thì họ mới sẵn lòng giúp bạn nhiệt tâm) và nếu người ta còn hiểu bạn và năng lực của bạn thì càng tốt.
Hi vọng bài viết này giúp bạn định hướng rõ ràng sự chuẩn bị để có lộ trình săn học bổng toàn phần ngay từ đầu 1 cách rõ ràng và chiến lược nhé!
Cảm ơn Minh Thi đã có bài chia sẻ hữu ích về việc chuẩn bị săn học bổng du học toàn phần.
Những thông tin hữu ích khác :
- Xem thêm bài viết về Kinh nghiệm săn học bổng Thạc sĩ toàn phần tại Châu Âu
- CÁC BẠN MUỐN NHỜ MENTOR HỖ TRỢ BÀI LUẬN SĂN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN, VUI LÒNG FILL FORM NÀY (CLICK HERE) HOẶC CONTACT TRỰC TIẾP CHỊ HOÀI QUA INBOX & EMAIL NHÉ!
- Xem thêm 1 mẫu bài viết motivation letter (ở đây) các bạn nhé
- Hướng dẫn viết bài luận săn học bổng du học ! (xem ở đây)