Đối với học bổng Chính phủ, ngoài những câu hỏi mang tính chất chung chung, làm quen, sẽ có những câu hỏi “chốt”. Đây chính là những câu hỏi quyết định xem bạn “đậu” hay ”trượt”‘. Vậy đâu là những cái ‘chốt’ để các bạn ‘mở’ được cánh cửa học bổng cho riêng mình? Hãy cùng Phong khám phá nhé.
1) Trách nhiệm công việc bạn đang làm
Phần này là ‘chốt’ đầu tiên để Hội đồng xét duyệt học bổng có thể hiểu rõ được những đóng góp hiện tại và trong quá khứ của ứng viên. Đây cũng là điểm nhấn để họ hiểu được năng lực và tố chất của ứng viên như thế nào. Do đó, các ứng viên nên tận dụng những thời khắc này để ‘tăng tốc’ và thể hiện được mình.
Bí quyết duy nhất của phần này là: TỰ TIN.
Vì đây là những gì đã tạo nên các bạn như bây giờ mà, đúng không nào? Nếu chưa đủ tự tin thì hãy tập phản ứng nhé.
2) Mục tiêu tương lai
Đây chính là cái ‘chốt’ thứ 2 các bạn ạ. Khi nói đến Học bổng Chính phủ, cái mà họ quan tâm nhiều nhất là mức độ đóng góp của bạn cũng như khả năng ‘thay đổi thế giới’ (change agent) của bạn sau khi bạn hoàn thành khoá học ở nước ngoài. Do đó, các bạn cần chuẩn bị kế hoạch tương lai rõ ràng, thực tế, và đặc biệt là LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG VIỆC CÁC BẠN ĐANG LÀM TẠI CƠ QUAN ĐANG CÔNG TÁC. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì họ cấp học bổng cho bạn dựa trên nền tảng cốt lõi là cơ quan và công việc bạn đang làm. Đừng nói cái gì lệch quá, hay tham vọng quá. Hãy hiểu mình là ai và nói những gì phù hợp với vị trí của mình. Ví dụ, bạn là nhân viên, thì hãy nói đến những thứ nhân viên sẽ làm tốt và sẽ được ghi nhận và thăng cấp lên lãnh đạo phòng. Đừng tham vọng là người đứng đầu tổ chức. Tham vọng lắm thì cũng chỉ mong trở thành chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực của bạn thôi.
Hãy nhớ: THAM VỌNG LÀ TỐT, NHƯNG CẦN THỰC TẾ, TRÁNH VIỂN VÔNG
3) Giải pháp để đạt được THAM VỌNG hoặc ĐÓNG GÓP của bạn cho Việt Nam
Đây là cái ‘chốt’ thứ 3. Học bổng Chính phủ không dành cho những người ‘nổ’. “Nổ” cũng cần phải có nghệ thuật các bạn ạ. Các giải pháp các bạn đưa ra phải khả thi (feasible), và phải hợp lý trong điều kiện hợp lý. Điều này có nghĩa là những đề xuất của bạn phải có khả năng thực hiện, không yêu cầu quá nhiều nguồn lực hay điều kiện.
Và nên nhớ, GIẢI PHÁP PHẢI ĐI TỪ CÁI NHỎ NHẤT.
Nếu bạn nào chưa hiểu về Mô hình xương cá (fish bone model) thì có thể đọc thêm để hiểu gốc rễ của điều này. Mình từng chứng kiến nhiều bạn chuẩn bị phỏng vấn với những đề án rất vĩ mô nhưng rất khó để triển khai. Kết quả là đều thật bại. THAM VỌNG LỚN MÀ KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP NHỎ THÌ KHÔNG THỂ THÀNH.
4) Các khó khăn các bạn có thể gặp phải khi triển khai các đề xuất đó
Tại sao cái này lại cần? Đơn giản thôi, họ muốn biết các bạn đã chuẩn bị những gì về mặt nhận thức, tư duy, và phương án dự phòng để làm được những điều các bạn đã đề ra. Đây bản chất là công tác hoạch định kế hoạch thôi. các bạn lưu ý điểm này nhé. Nhỏ thôi, nhưng ‘có võ’ đó các bạn ạ.
5) Tính nhân rộng của giải pháp
Đây có thể coi là cái ‘chốt’ cuối cùng để mở cánh cửa học bổng của bạn. Tại sao lại là cuối? Vì học bổng chính phủ ưu tiên những ‘đề xuất’ có thể thay đổi xã hội trên diện rộng. Đơn giản vậy thôi.
Nhân dịp chuẩn bị phỏng vấn học bổng chính phủ Úc (AAS) và New Zealand Asean (NZDS), Phong viết bài này chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm , hi vọng giúp ích cho các bạn.
Các bạn thử cân nhắc nhé.
Chúc các bạn may mắn.
Theo: anh Phong Nguyễn